Báo giới, mục tiêu mới của chiến dịch thanh trừng tại Thổ Nhĩ Kỳ
- Thứ Ba, 26 tháng Bảy năm 2016 19:06
- Tác Giả: Minh Anh
Nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ Nazli Ilicak (G), lúc đến bệnh viện ở Bodrum Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi bị giam giữ. Ảnh 26/07/2016.
REUTERS/Kenan Gurbuz
Hơn mười ngày sau vụ đảo chính bất thành, chiến dịch thanh trừng do tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra vẫn đang tiếp diễn.
Hai viên tướng cao cấp của Thổ Nhĩ Kỳ đang thi hành nhiệm vụ tại Afghanistan được đặt dưới sự điều hành của NATO bị bắt giữ. Một ngày trước, Ankara ban hành lệnh truy nã nhắm vào 42 nhà báo.
Song song đó, tổng thống Erdogan cam kết soạn thảo một bản Hiến pháp mới.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan ngày 25/07/2016 đã có cuộc trao đổi dài 3 giờ với hai lãnh đạo phe đối lập : đảng Cộng hòa Nhân dân CHP (trung tả) và đảng Hành động chủ nghĩa dân tộc MHP (thuộc cánh hữu).
Phát biểu sau cuộc gặp này, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Binali Yildirim cho biết các chính đảng lớn “ sẵn sàng bắt tay làm việc về một Hiến Pháp mới ”.
Theo AFP, Hiến pháp hiện nay đã được ban hành sau cú đảo chính năm 1980 và từ lâu chính phủ kêu gọi một sự thay đổi.
Trong khi đó, cuộc đảo chính bất thành hôm 15/07/2016 tiếp tục gây thêm nhiều nạn nhân mới, lần này nhắm vào giới báo chí. Hơn bốn chục nhà báo bị truy nã, trong đó có nhiều gương mặt chỉ trích chính phủ có tiếng.
Trước đó, hôm thứ Bảy 23/07/2016, trả lời câu hỏi kênh truyền hình Pháp France 24, tổng thống Erdogan cho biết ông nghi ngờ giới truyền thông đã ủng hộ vụ đảo chính bất thành.
Ông Johann Bihr, phụ trách mảng Đông-Trung Á thuộc tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF trên làn sóng RFI ngày hôm nay (26/07/2016) đã bày tỏ mối quan ngại về vụ trấn áp nhắm vào báo giới :
“ Chúng tôi hiện có rất ít tin tức về 42 lệnh bắt. RSF cố gắng liên lạc với các luật sư để biết thêm thông tin. Năm trong số này đã bị bắt ngay trong ngày. Nhiều người khác có lẽ đã rời lãnh thổ.
Điều chắc chắn là trong số 42 lệnh bắt đó có nhiều gương mặt chỉ trích chính phủ nổi tiếng như người dẫn chương trình cô Nazli Ilicak hay như phóng viên Bülent Mumay.
Sự hiện diện của những người này cho thấy là chính quyền Ankara không đơn giản đang truy bắt những người tham gia đảo chính và các đồng đảng, mà còn nhắm vào các nhà báo có tiếng nói đôí lập.
Cuộc thanh trừng diễn ra từ một tuần nay chỉ là kết quả của những gì quan sát được từ nhiều năm qua : Đó là nhắm vào mọi mối đe dọa từ báo chí chỉ trích, cho dù là những tờ báo của người Kurdistan, hay có thiên tả, nhất là những phương tiện truyền thông bảo thủ thân cận với nhánh Hồi giáo của giáo chủ Gulen.
Rõ ràng có một sự trấn áp mạnh mẽ nhắm vào nhiều thể chế tại Thổ Nhĩ Kỳ.”