Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài

               Suy Tư Dòng Đời:

  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm báo Pháp Quốc Ngày 24-12-2014

Bắc Triều Tiên làm dậy sóng hồ sơ an ninh mạng

sony-attach



Theo một số chuyên gia, Bắc Triều Tiên hiện có khoảng 3.000 chuyên viên trong đội quân tin học tin tặc - DR

Câu chuyện hãng phim Sony Picture sản xuất bộ phim The Interview đặt ra giả thuyết nhà lãnh đạo Kim Jong-un bị ám sát và « nghi án » Bình Nhưỡng dính líu đến vụ tin tặc tấn công Sony Picture dường như ngày càng trở nên cao trào.

Chủ đề này được sự quan tâm đặc biệt của báo chí Pháp hôm nay với nhiều bài phân tích và bình luận đáng chú ý.

Nhật báo Le Figaro đăng bài : « Chiến tranh mạng gây sóng gió trên bán đảo Triều Tiên ». Le Monde có bài chạy tựa : « Vụ cúp Internet khổng lồ ở Bắc Triều Tiên ». Nhật báo Les Echos thì có bài : «Hồ sơ Internet tại Bắc Triều Tiên đặc ra cho các nước vấn đề an ninh mạng ». Libération thì có bài : «Các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên biết rằng Internet có hại cho chế độ ».

Các tờ báo đều cho biết, hôm thứ hai rồi, hệ thống Internet tại Bắc Triều Tiên đã bị gián đoạn đến 9 tiếng rưỡi đồng hồ, gây tê liệt toàn bộ hệ thống mạng của các cơ quan chính phủ, quân đội và báo chí, biến nước này thật sự trở thành cái mà báo chí thế giới hay ví von : « Vương quốc ẩn dật của hành tinh ».

Ai là thủ phạm ? Hiện chưa có gì chắc chắn. Tuy nhiên các tờ báo xoay quanh ba giả thuyết : hoặc là Mỹ đã tấn công trả thù như lời mà Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố sau khi hãng Sony Picture bị tin tặc tấn công là sẽ có « đáp trả xứng tầm » ; hoặc là do Bắc Kinh muốn trừng phạt đồng minh Bình Nhưỡng do thời gian qua giữa hai bên có vẻ cơm không lành canh không ngọt và vì 4 đường dẫn Internet vào Bắc Triều Tiên tất cả đều xuất phát từ Trung Quốc ; hoặc đây chỉ là một vụ gián đoạn Internet thông thường ở những nước có hệ thống Internet yếu như trường hợp của Bắc Triều Tiên.

Trong số đó, giả thuyết Mỹ trả thù được đặc biệt nhấn mạnh. Libération còn dẫn lời chuyên gia mạng tại Hàn Quốc cho rằng, khả năng Mỹ trả thù là 80%.

Trở lại việc Bắc Triều Tiên dính « nghi án » hacker hãng Sony Picture, chuyên gia Hàn Quốc nói trên cho rằng khả năng là 90%. Mỹ thì cũng đã chắc chắn về giả thuyết này nên đã chính thức lên tiếng đề nghị Trung Quốc kiểm soát hệ thống Internet của Bắc Triều Tiên.

Đến hiện tại, có 4 đường truyền Internet vào Bắc Triều Tiên và tất cả đều đến từ Trung Quốc. Bởi vậy, việc Trung Quốc kiểm soát Internet của Bắc Triều Tiên là hết sức dễ dàng. Bắc Kinh chưa trả lời yêu cầu của Mỹ và còn lên tiếng phủ nhận khả năng Bắc Triều Tiên đã hacker Sony Picture.

Vụ việc hacker đã bắt đầu lan sang lĩnh vực ngoại giao khi mà dưới sức ép của Mỹ và các đồng minh, Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã có phiên họp chính thức và có những lời lẽ chỉ trích hết sức gay gắt không phải về an ninh mạng mà là về tình trạng nhân quyền tại Bắc Triều Tiên. Nga và Trung Quốc thì đến hiện tại vẫn đứng về phía nước này.

Về phần nước láng giềng Hàn Quốc, Seoul cũng vừa lên tiếng cáo buộc miền Bắc đã hacker hệ thống tin học ở một số nhà máy hạt nhân của miền Nam.

Hàn Quốc cũng triển khai nhiều biện pháp cũng cố an ninh mạng ở các nhà máy hạt nhân. Các tờ báo nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên, mà việc miền Bắc hacker miền Nam đã trở nên quá quen thuộc.

Như vậy, đe dọa hacker đến từ Bắc Triều Tiên thật sự gây quan ngại cho các cường quốc và càng làm sáng tỏ hơn sự thiếu chắc chắn của các biện pháp an ninh mạng ở các nước nói chung.

Cảnh báo sau đây của một chuyên gian an ninh mạng của FBI của Mỹ càng làm rõ thêm nhận định này : « Các phương tiện được sử dụng để hacker Sony Picture đã qua mặt được đến hơn 90% các biện pháp an ninh được sử dụng trong khu vực tư nhân hiện tại ».

Trung Quốc : tiếp tục « đả hổ »

Nhìn sang Trung Quốc, nhật báo Le Monde hôm nay tiếp tục quan tâm đến chiến dịch « đả hổ diệt ruồi » do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng với bài viết chạy tựa : « Trung Quốc : điều tra cánh tay mặt của Hồ Cẩm Đào ».

Tờ báo đề cập đến việc vừa qua, Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã công bố quyết định bắt điều tra ông Lệnh Kế Hoạch với tội danh được ghi ngắn gọn là « vi phạm kỉ luật đảng nghiêm trọng », một cụm từ thường để ám chỉ tội danh tham nhũng ở nước này.

Ông Lệnh Kế Hoạch năm nay 58 tuổi, ủy viên trung ương đảng, Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) kiêm Trưởng ban Mặt trận Thống nhất của ĐCS Trung Quốc.

Dưới thời Hồ Cẩm Đào, ông Lệnh từng là Thư ký riêng của ông Hồ Cẩm Đào, rồi sau đó là Chánh văn phòng Trung ương Đảng. Hồi cuối năm 2012 khi chuẩn bị chuyển giao quyền lực vào tay Tập Cận Bình, ông Lệnh còn được cho là có nhiều khả năng trở thành Ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị, cơ quan lãnh đạo tối cao tại Trung Quốc.

Thế nhưng, Le Monde cho rằng, xì căng đan đứa con trai còn tuổi sinh viên của ông Lệnh lái chiếc xế hộp Ferrari chở theo hai cô gái ăn mặt hở hang gây tai nạn giao thông nghiêm trọng đã ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của ông.

Tờ báo cho biết, có thể khi ấy ông Lệnh đã dàn xếp vụ việc với sự giúp đỡ của ông Chu Vĩnh Khang lúc đó đang nắm đại quyền về an ninh trong đảng. Và hai ông này đã nhờ đến một đại gia dầu mỏ bỏ ra khá nhiều tiền mua sự im lặng của gia đình nạn nhân.

Tờ báo nhắc lại, hồi đầu tháng này, ông Chu Vĩnh Khang đã bị bắt điều tra. Khi ấy, ông Lệnh Kế Hoạch vẫn còn đương chức. Tuy nhiên, bóng ma thảm họa đã chập chờn bởi vì sau đó một loạt quan chức cao cấp địa phương thuộc vây cánh ông Lệnh đã bị bắt. Cảm nhận được nguy hiểm, nên hồi tuần rồi ông Lệnh đã cho đăng trên tạp chí lí luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc bài báo dài 4000 chữ trong đó nhắc tên ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình gần 20 lần.

Đó là một động thái bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Tập, nhưng theo Le Monde thì đó là « sự tuyên thệ quá muộn màng ».

Hồng Kông : trong vòng xoáy « đả hổ diệt ruồi » của Hoa Lục ?

Trong khi tại Hoa Lục liên tiếp diễn ra các vụ xét xử tham nhũng lớn, thì ở Hồng Kông cũng vừa xét xử một vụ án không hề nhỏ. Thông tin này được đăng tải trên nhật báo Les Echos với hàng tựa : Hồng Kông ra sức bảo vệ thanh danh ».

Tờ báo cho biết, nhà cầm quyền Hồng Kông vừa đưa ra xét xử một vụ tham nhũng lớn nhất từ trước tới nay ở vùng đất này. Ông Thomas Kwok, cựu chủ tịch một Tập đoàn bất động sản hàng đầu của Hồng Kông, nằm trong danh sách những người giàu nhất Châu Á, đã bị kết án 5 năm tù về tội đưa hối lộ và bị cấm điều hành doanh nghiệp trong 5 năm.

Quan chức liên can là ông Rafael Hui, 70 tuổi, từng giữ chức chánh văn phòng Đặc khu hành chánh Hồng Kông, bị cho là đã nhận hối lộ đến 34 triệu đô la Hồng Kông. Ông này bị kết án gần 8 năm tù giam.

Les Echos nhận định, Hồng Kông đang ra sức bảo vệ thanh danh trong sạch của khu vực tài chính này để thu hút đầu tư, để tạo hình ảnh khác so với Hoa Lục vốn nổi tiếng về tham nhũng.

Tờ báo dẫn lời một thẩm phán Hồng Kông cho rằng : « Cần phải làm sao để người dân Hồng Kông luôn tin tưởng rằng chính quyền và các thể chế kinh tế tại đây hoàn toàn xa lạ với tham nhũng ».

Vụ án tại Hồng Kông cũng có thể mang động cơ chính trị bởi nó diễn ra không lâu sau làn sóng sinh viên xuống đường đòi dân chủ làm rung chuyển cả khu vực trong hai tháng trời, trong bối cảnh mà đời sống ngày càng khó khăn, chênh lệch thu nhập ngày càng trầm trọng, giá cả ngày càng đắt đỏ…

Braxin : tham nhũng đe dọa uy tín Tổng thống

Cũng quan tâm đến tham nhũng, nhật báo Le Monde nhìn sang Braxin với bài chạy tựa : « Tại Braxin xảy ra một xì căng đan tham nhũng vượt ra ngoài ranh giới ».

Tờ báo cho biết, hiện tại, Braxin đang nóng lên với vụ tham nhũng có liên quan đến Tổng công ty dẩu khí quốc gia Petrobas, Ngân hàng phát triển kinh tế xã hội quốc gia và nhiều doanh nghiệp xây dựng.

Nhà chức trách Braxin đã cho bắt gần 40 người trong đó chủ yếu là lãnh đạo công ty và quan chức nhà nước để điều tra về các hành vi tham nhũng, rửa tiền, biển thủ công quỹ… Các nhà điều tra đã khoanh vùng được 747 nơi cần điều tra trong đó có công trình đang xây dựng tại một cảng lớn của Cuba, hay một công trình xây dựng ống dẫn dầu ở Achentina.

Các nhà điều tra nghi ngờ các tập đoàn xây dựng cùng Ngân hàng nói trên đã cấu kết với Petrobas để cố ý làm đội giá các công trình xây dựng có liên quan, đó là chưa kể để các vụ đưa hối lộ.

Điều đáng chú ý là số tiền trong vụ tham nhũng được cho là dành một phần để tài trợ cho đảng của đương kiêm Tổng thống Dilma Rousseff và của hai đảng liên minh trong chính phủ của bà.

Thăm dò cho thấy, có đến 68% người được hỏi tại Braxin cho rằng bà Rousseff có liên đới trách nhiệm. Sự việc nghiêm trọng đến mức sẽ ảnh hưởng không tốt cho nhiệm kỳ 2 của bà Rousseff và bà đã phải lên tiếng trấn an : « Braxin hiện không phải sống trong một cuộc khủng hoảng về tham nhũng ».

Kinh tế Nga xuống dốc ảnh hưởng đến kinh tế thế giới Kinh tế Nga đang trong tình trình vô cùng khó khăn và bên lề suy thoái.

Một câu hỏi đặt ra là sự xuống dốc của nền kinh tế này sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế thế giới ?

Nhật báo kinh tế Les Echos góp phần trả lời câu hỏi trên với bài phân tích đáng chú ý : « Tại sao khủng hoảng tại Nga đe dọa các nước mới nổi ? ».
Tờ báo nhắc lại, khủng hoảng kinh tế Nga đạt mức cao trào hồi giữa tháng 12 này khi mà chỉ trong hai ngày giá trị đồng nội tệ đã giảm đến 20%. Cuộc khủng hoảng này có ba nguyên nhân chính :

1) Bế tắc trong hồ sơ Ukraina và những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây, nhất là các trừng phạt về ngân hàng, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Nga ;

2) Việc giá dầu giảm quá nhanh và quá mạnh gây khó khăn cho thu nhập của Nga, một nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào dầu hỏa và khí đốt. Thế rồi hội nghị Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa (APEC) hồi cuối tháng 11 đã không đồng ý giảm lượng khai thác để cứu giá dầu, càng làm cho khó khăn của Nga trầm trọng hơn ; 3) Tăng trưởng ở các nước đầu tàu trong nhóm mới nổi (BRICS : Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) bị mất đà do lương công nhân ở các khu vực này tăng lên, lợi nhuận của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng, đó là chưa kể chính sách tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (FED), hiện tượng đồng đô la tăng giá kéo theo sự mất giá trầm trọng đồng nội tệ của các nước mới nổi.

Khủng hoảng kinh tế Nga ảnh hưởng thế giới ra sao ?

Les Echos nhấn mạnh hai điểm. Thứ nhất, điểm nhấn trong khủng hoảng của Nga là việc đồng Rouble mất giá nghiêm trọng, các nguồn vốn bỏ chạy ra nước ngoài, đầu tư trong ngắn hạn sẽ bị sụt giảm, rồi các tập đoàn và công ty của Nga sẽ bị thiếu vốn vay do bị hạn chế tiếp cận ngân hàng phương Tây.

Trong trường hợp này, tờ báo cho biết, các ngân hàng Pháp sẽ chịu thiệt nhiều nhất do có hiện diện rất lớn ở Nga, nhất là hai đại gia Société Générale và BNP Paribas.

Thứ hai, ở những nước mới nổi sẽ tiếp tục đối mặt với khủng hoảng tiền tệ là hiện tượng mất giá đồng nội tệ so với đô la Mỹ.

Một vấn đề nữa đó là ở hầu hết các nước mới nổi hàng đầu như Nga, Trung Quốc, Braxin…thì trong vòng 10 năm qua có mức nợ tư không ngừng tăng lên, thế nhưng trong bối cảnh vừa nêu thì các nhà đầu tư tư nhân khó lòng tìm được vốn vay trong thời gian sắp tới, tức là sẽ xảy ra hiện tượng « thiếu nợ tư ».

Trong bối cảnh đó, tờ báo cho rằng, tình hình không quá bi quan bởi các nước mới nổi hiện có nhiều phương tiện để đối phó với một cuộc đại khủng hoảng tiền tệ, nền kinh tế của họ cũng đã được « đa dạng hóa », và đặt biệt là họ có một nguồn dự trữ hối đoái khổng lồ ở mức 8000 tỷ đô la.

Liên quan đến các nước Châu Âu, tờ báo cho rằng, khủng hoảng của Nga và những ảnh hưởng của nó như phân tích nói trên buộc các nhà quyết định chính trị Châu Âu phải nhanh chóng tìm ra với phía Nga một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraina.

Pháp : 2032 tỷ euro nợ cônggây lo ngại

Liên quan đến nước Pháp, nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng bài đáng chú ý trong số ra ngày Noel với dòng tựa trên trang nhất : « 2032 tỷ euro : vòng luẩn quẩn không điểm kết của nợ công ».

Tờ báo đăng kết quả được công báo vào ngày hôm nay của Viện quốc gia về thông kê và nghiên cứu kinh tế của Pháp (INSEE), theo đó nợ công của Pháp hiện tại đã lên đến 2032 tỷ euro, tức chiếm 95,2% GDP.

INSEE dự phóng, nợ công của Pháp còn sẽ tiếp tục tăng đến tận năm 2016. Tăng trưởng GDP quý 3 của Pháp đạt 0,3%, còn dự phóng cho quý 4 là 0%. Thất nghiệp của Pháp chưa có dấu hiệu giảm. Thâm hụt ngân sách liên tục tăng.

Bình luận về tình hình này, Le Figaro có bài xã luận nhấn mạnh đến tình trạng nghiêm trọng của nợ công và thâm hụt ngân sách tại Pháp. Để thoát khỏi tình trạng này, tờ báo cho rằng có ba giải pháp. Một là tăng thuế, nhưng chính sách này đã được chính quyền Tổng thống Hollande đẩy mạnh và đã thất bại.

Thứ hai là an nhiên ngồi chờ tăng trưởng trở lại, và tờ báo cho rằng ông Hollande cũng đã làm từ hai năm nay nhưng không thành công.

Như vậy còn lại biện pháp cuối cùng đó là cắt giảm chi tiêu công. Thế nhưng, tờ báo cho rằng, biện pháp này được Tổng thống hứa đi hứa lại nhiều lần mà chưa bao giờ thành hình cả.

Pháp :  Dựng cây thông Noel trước trụ sở chính quyềnbị nhiều chỉ trích

Đề cập đến một vấn đề khác nữa vào mùa Noel, Le Figaro đăng tựa trên trang nhất và một bài viết cho biết, trong xã hội Pháp hiện đang dấy lên những chỉ trích về việc chính quyền cho dựng cây thông Noel trước cổng chính của các cơ quan nhà nước ở một đất nước theo chế độ thế tục như Pháp.

Tuy nhiên, Le Figaro cho biết thêm là đa phần dư luận và giới chính trị đều ủng hộ truyền thống dựng cây Noel như vậy.

Switch mode views: