Các doanh nghiệp Mỹ cảm thấy bị phân biệt đối xử tại Trung Quốc
- Thứ Tư, 11 tháng Hai năm 2015 19:28
- Tác Giả: Đức Tâm
Chủ tịch tập đoàn Apple và China Mobile cùng tham dự một sự kiện tại Bắc Kinh, 17/01/2014.REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Theo một nghiên cứu của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, được công bố hôm nay, 11/02/2015, nhiều công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc cảm thấy bị phân biệt đối xử, vào lúc Bắc Kinh tiến hành nhiều cuộc điều tra nhắm vào các doanh nghiệp ngoại quốc.
Đây là bản điều tra hàng năm, lần thứ 17, đề cập đến môi trường kinh doanh ở Trung Quốc của Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Bắc Kinh (Am Cham China).
Tổ chức này có 1012 doanh nghiệp thành viên và bản nghiên cứu năm nay đã nhận được 477 phiếu trả lời từ các công ty.
Theo bản điều tra, 57% các công ty Mỹ nghĩ rằng các doanh nghiệp ngoại quốc bị phân biệt đối xử trong lĩnh vực giá cả, chống độc quyền và chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.
Trong số này, thì có tới 65% bày tỏ lo ngại là chiến dịch chống tham nhũng sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong cuộc họp báo công bố bản điều tra, ông James Zimmerman, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc nói :
« Tất cả chúng tôi đều lo ngại, bởi vì chúng tôi đang là đối tượng dò xét, theo dõi của hầu hết các chiến dịch do ông Tập Cận Bình và giới lãnh đạo tiến hành. Chúng tôi không rõ các điều này có giảm đi hay không hoặc ai sẽ là đối tượng bị xem xét trong thời gian tới ».
Vẫn theo đại diện Phòng Thương mại Mỹ, thì các công ty Hoa Kỳ sẽ cố gắng làm gương, hành động hợp pháp và không khoan nhượng trước nạn hối lộ, tham nhũng, sẵn sàng hợp tác với chính phủ để chống lại tệ nạn này.
Bản điều tra cho thấy, gần một nửa các doanh nghiệp Mỹ (47%), có mặt tại Trung Quốc cảm thấy họ không được hoan nghênh khi tới làm ăn ở nước này, như trước kia. Năm ngoái 2014, tỷ lệ này là 44%.
Phòng Thương mại Mỹ cho công bố bản điều tra trong bối cảnh từ hai năm nay, chính quyền Trung Quốc gia tăng kiểm tra các doanh nghiệp ngoại quốc và mở điều tra về những cáo buộc hối lộ trong một số lĩnh vực, từ dược phẩm cho đến đồ ăn cho trẻ nhỏ.
AFP cho biết, tuần này, công ty Mỹ Qualcomm, chuyên sản xuất chip điện tử cho điện thoại di động tuyên bố sẽ thay đổi cách thức làm ăn tại Trung Quốc và chấp nhận chi ra 6.088 tỷ nhân dân tệ (khoảng 975 triệu đô la), để chấm dứt cuộc điều tra chống độc quyền đã kéo dài từ lâu nay.
Các doanh nghiệp khác như Apple và Starbucks thỉnh thoảng bị báo chí Nhà nước Trung Quốc đưa những thông tin bất lợi liên quan đến dịch vụ, giá cả.
Các động thái này đã làm cho các doanh nghiệp nước ngoài lo sợ trở thành đối tượng « tấn công » của chính quyền, còn Bắc Kinh thì khẳng định luật chống độc quyền không nhằm phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Trung Quốc và công ty nước ngoài.
Điều tra của Phòng Thương mại Mỹ còn cho thấy ngày càng có nhiều lĩnh vực gây lo ngại cho các doanh nghiệp làm ăn tại Trung Quốc, như ô nhiễm không khí, tăng trưởng chậm lại, chính quyền gia tăng kiểm soát internet.
Đáng chú ý là lần đầu tiên, kể từ 2010, các doanh nghiệp nước ngoài nhấn mạnh đến chính sách bảo hộ mậu dịch của Bắc Kinh và coi đây là một trong năm thách thức hàng đầu mà họ phải đối mặt khi làm ăn tại Trung Quốc.
Bốn thách thức khác là giá nhân công liên tục tăng, diễn giải luật pháp không rõ ràng, thiếu nhân công có tay nghề cao và thiếu cán bộ quản lý có trình độ.
Bản điều tra ghi nhận một số điểm tích cực trong chiến dịch chống tham nhũng.
Năm 2013, nạn tham nhũng tại Trung Quốc được coi là thách thức đứng hàng thứ tư đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Năm ngoái, 2014, tệ nạn này lùi xuống hàng thứ sáu và năm nay, xếp hạng thứ 13.