HRW yêu cầu Việt Nam chấm dứt đàn áp tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo
- Thứ Sáu, 09 tháng Hai năm 2018 23:15
- Tác Giả: Mai Vân
Ảnh 6 tín đồ Phạt Giáo Hòa Hảo bị xét xử về tội danh "gây rối trật tự công cộng"
@hrw.org
Trên nguyên tắc hôm nay, 09/02/2018, một tòa án tại tỉnh An Giang ở miền Nam Việt Nam mở phiên xét xử 6 người về tội danh « gây rối trật tự công cộng ».
Tuy nhiên, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch vào hôm qua, 08/02 đã xem đấy là một hành vi đàn áp tôn giáo, cụ thể là nhắm vào tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay cho các bị cáo và chấm dứt « đàn áp các nhà hoạt động tôn giáo ».
Trong bản thông cáo báo chí công bố tại New York, Human Rights Watch cho rằng chính quyền Việt Nam cần hoãn việc xét xử sáu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nói trên và điều tra xem việc đưa họ ra tòa « có phải vì nguyên nhân kỳ thị hay đàn áp tôn giáo » hay không.
Những người bị đưa ra xét xử là nguyên một gia đình 4 người gồm một cặp vợ chồng đã trên 50 tuổi, và hai người con một trai, một gái hơn 30 tuổi, cùng với hai người khác.
Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Mỹ, họ đã bị bắt giữ sau khi khởi xướng một cuộc biểu tình để phản đối các hành vi của Công An nhằm vào các tín đồ ở tỉnh An Giang đang trên đường đi dự đám giỗ bà mẹ một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo.
Human Rights Watch ghi nhận việc Công An vẫn thường xuyên sách nhiễu các thành viên độc lập của nhóm tôn giáo thiểu số thuộc Phật Giáo Hòa Hảo, « vốn có quá trình hiềm khích với nhà nước từ rất lâu ».
Nhận định về phiên tòa, ông Brad Adams, giám đốc Châu Á của tổ chức nhân quyền Mỹ cho rằng : « Vụ việc có vẻ là biểu hiện mới nhất về chủ trương đàn áp của chính quyền » nhắm vào Phật Giáo Hòa Hảo.
Đối với ông : « Chính quyền cần chấm dứt sách nhiễu và bắt bớ những người tham gia các nhóm tôn giáo không được đăng ký và để cho người dân thực hành tín ngưỡng theo ý mình. »
Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo được chính thức công nhận tại Việt Nam, nhưng có nhiều tín đồ từ chối tham gia Giáo Hội được Nhà Nước công nhận.
Theo HRW, những người này do vậy thường bị đàn áp và theo dõi gắt gao, với việc công an địa phương sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn, không cho họ tụ tập nhận các dịp quan trọng như ngày thành lập giáo phái, hay ngày giỗ người sáng lập.