Jean Pierre Cabestan : « Trung Quốc muốn thay đổi trật tự thế giới có lợi cho mình »
- Thứ Hai, 03 tháng Sáu năm 2019 21:41
- Tác Giả: RFI
Trước khi lên đường sang Liban, binh sĩ Trung Quốc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đang nghe huấn thị tại Ngọc Khê (Yuxi), tỉnh Vân Nam (Yunnan), Trung Quốc, ngày 10/05/2019
REUTERS/Wong Campion
Vào ngày này cách nay 40 năm, Bắc Kinh đã ra lệnh thẳng tay đàn áp phong trào biểu tình dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn.
Trả lời phỏng vấn báo Le Monde, số ra ngày 03/06/2019, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, Jean Pierre Cabestan, thuộc đại học Dòng Tên Hồng Kông, đã nhận định, trong những thập niên qua, ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong các định chế quốc tế đã cho phép Bắc Kinh vô hiệu hóa các chỉ trích về nhân quyền, đồng thời thiết lập các chuẩn mực, diễn đàn hoặc tòa án được tất cả các nước thừa nhận.
RFI Tiếng Việt trích dịch bài phỏng vấn.
Các sự kiện xẩy ra ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 phải chăng là yếu tố mang tính quyết định đối với chiến lược của Trung Quốc đối với Liên Hiệp Quốc và các định chế quốc tế ?
Sau năm 1989, phần lớn các nước phương Tây đã đình chỉ các tiếp xúc cấp cao với Trung Quốc.
Để thoát khỏi sự cô lập này và giành lại một dạng ảnh hưởng trên trường quốc tế, Trung Quốc đã lựa chọn sử dụng các định chế quốc tế lớn.
Trung Quốc không xuất phát với hai bàn tay trắng : Bắc Kinh đã gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1971 qua việc gạt bỏ Đài Loan và vào cuối những năm 1970, Trung Quốc đã gia nhập nhiều công ước quốc tế - ví dụ công ước chống tra tấn – và một số công ước liên quan đến giải trừ quân bị.
Sau sự kiện Thiên An Môn, ưu tiên của Bắc Kinh là ngăn chặn mọi nghị quyết của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lên án Trung Quốc (năm 1993 -1994, họ đã tránh được trong đường tơ kẽ tóc) Trung Quốc đã luôn luôn gạt bỏ được những dự án lên án họ nhờ có sự hỗ trợ hoặc lập trường trung lập của các quốc gia châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và các nước thuộc phe Liên Xô cũ.
Thế rồi, cuối cùng, các nước phương Tây « rệu rã » và hai năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, đã nối lại các tiếp xúc cấp cao với Trung Quốc.
Tháng 10/1991, ngoại trưởng Pháp thời đó, Roland Dumas, đã đề nghị lập một phái đoàn quốc tế tới đánh giá tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, đánh đổi lấy việc tái lập các mối quan hệ này.
Bắc Kinh đã chấp nhận, đồng thời tiếp tục quảng bá cho quan niệm của họ chịu ảnh hưởng của Liên Xô về nhân quyền, theo đó, các quyền kinh tế và xã hội đứng trên các quyền dân sự và chính trị.
Trừng phạt duy nhất của phương Tây đối với Trung Quốc vẫn tồn tại cho đến ngày nay là cấm vận vũ khí kể từ tháng 06/1989.
Trung Quốc cũng chú ý tới việc tham gia nhiều hơn vào các cơ chế của Liên Hiệp Quốc.
Năm 1992, lần đầu tiên, Trung Quốc cử cảnh sát tham gia chiến dịch duy trì hòa bình tại Cam Bốt.
Năm 1997, Bắc Kinh ký Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa và đã phê chuẩn năm 2001 – nhưng gạt bỏ quyền về công đoàn.
Sau chuyến công du Bắc Kinh của tổng thống Mỹ Bill Clinton, năm 1998, Trung Quốc đã ký Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị - nhưng chưa bao giờ phê chuẩn.
Trong mọi trường hợp, Trung Quốc đề cao quyết tâm hội nhập vào các lĩnh vực quốc tế, tỏ ra như là một thành viên năng động, hợp tác và có trách nhiệm.
Trung Quốc thời Tập Cận Bình dường như còn ít quan tâm hơn đến các chỉ trích …
Năm 2013, sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc đã dỡ bỏ hệ thống các trại cải tạo lao động, điều này đã gây hy vọng là Trung Quốc sẽ phê chuẩn Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Trên thực tế, Trung Quốc đã thay thế các trại này bằng một hệ thống quản lý hành chính tước các quyền tự do, cũng rất mờ ám ; đó là nơi giam giữ những người nghiện ngập, gái điếm, những người ký các kiến nghị hoặc các cán bộ của chế độ Cộng Sản bị nghi ngờ tham nhũng, mà không cần có sự can thiệp của tư pháp, tại những nơi « được chỉ định » ; họ bị giam giữ cho đến khi phải thú tội.
Đó là chưa kể đến trường hợp hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ (cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi) bị giam giữ, ngoài vòng kiểm soát của tư pháp.
Khi trở nên hùng mạnh và có ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế, Trung Quốc tránh được những lời chỉ trích, lên án, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nhân quyền.
Cùng lúc, Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày càng mạnh tay trấn áp hơn.
Kết quả là các nạn nhân lại càng bị mất các quyền cơ bản hơn trước.
Quốc tế ý thức được sự trái ngược này muộn mằn.
Chính quyền Trump đã im lặng trong vòng hai năm, rồi mới cứng giọng trong hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ.
Liên Hiệp Châu Âu thì luôn cảnh giác hơn : nước Đức đã đón tiếp nhà thơ đào tị Liêu Diệc Vũ (Liao Yiwu), nghệ sĩ Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) và bà Lưu Hà (Liu Xia), góa phụ nhà văn, nhà tranh đấu cho nhân quyền Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo)
Một người Trung Quốc lãnh đạo Liên Minh Viễn Thông Quốc Tế, một người người khác thì làm tổng thư ký Tổ Chức Phát Triển Công Nghiệp Liên Hiệp Quốc, rồi phó tổng thư ký Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội Liên Hiệp Quốc cũng là người Trung Quốc…
Vậy chiến thuật của Trung Quốc cài cắm người vào Liên Hiệp Quốc sẽ đi tới đâu ?
Từ nhiều năm qua, nhất là từ dưới thời Tập Cận Bình, người ta nhận thấy Bắc Kinh tiến hành tấn công để nắm giữ, kiểm soát ngày càng nhiều các chức vụ trong các tổ chức tổ chức quốc tế.
Bên trong hệ thống Liên Hiệp Quốc, thật là khó chỉ trích Trung Quốc bởi vì từ năm 2016, đó là quốc gia đứng hàng thứ hai đóng góp cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình, sau Hoa Kỳ và trước Nhật Bản ; rồi kể từ năm 2019, Trung Quốc là nước đóng góp đứng hàng thứ hai cho ngân sách chung của Liên Hiệp Quốc.
Năm 2017, Trung Quốc xuýt nữa giật mất của Pháp quyền lãnh đạo tổng vụ phụ trách các chiến dịch gìn giữ hòa bình.
Mối bận tâm lớn nhất hiện nay của Paris là Bắc Kinh nắm quyền lãnh đạo Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) tại châu Phi.
Trung Quốc nhập khẩu nông sản và muốn sử dụng FAP để thúc đẩy, phục vụ các lợi ích của mình.
Một số người rất chú ý đến sự thèm khát của Trung Quốc đối với đất nông nghiệp tại châu Phi.
Hiện nay, Trung Quốc đang cướp phá rừng của châu Phi, nhưng trong tương lai, đất nông nghiệp rất có thể là ưu tiên của họ.
Trung Quốc làm như thế nào để đạt được các mục tiêu của họ ?
Trung Quốc được hưởng hai lợi thế : một mặt, việc Pháp có quá nhiều đại diện trong các tổ chức của Liên Hiệp Quốc đã gây ra tình trạng khó chịu, mặt khác, đó là việc nước Mỹ rút ra khỏi một số tổ chức quốc tế.
Hoa Kỳ lại vừa rút ra khỏi UNESCO, nơi mà Trung Quốc có ảnh hưởng lớn.
Trong khuôn khổ của việc cài cắm người, Trung Quốc đã thành công trong việc buộc các định chế của Liên Hiệp Quốc chấp nhận hai khái niệm chủ chốt của họ.
Thứ nhất là khái niệm về « con đường tơ lụa mới » : các quan chức Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần « nhai lại » sự tuyên truyền của Trung Quốc rằng sáng kiến này « đóng góp vào sự ấm no của nhân loại », trong khi đây là một chiến lược ngoại giao phục vụ cho Trung Quốc.
Khái niệm thứ hai là « cộng đồng nhân loại chia sẻ vận mệnh tương lai » - khẩu hiệu hợp thời trong các phát biểu của Trung Quốc – theo đó hai nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về giải trừ quân bị và an ninh đã được thông qua năm 2017.
Trung Quốc đã làm gì để các quan niệm này được chấp nhận và thông qua ?
Điều này cho phép Trung Quốc tác động đến các tài liệu của Liên Hiệp Quốc liên quan đến phát triển và nhân quyền, trong khi đối với Trung Quốc, đó chỉ là một khái niệm tương đối.
Điều này thể hiện rõ qua việc Tập Cận Bình, ngày 15/05 vừa qua, tại Bắc Kinh, đã chủ trì đọc diễn văn khai mạc Hội nghị đối thoại các nền văn minh châu Á – một cách để nói rằng « châu Á là của người châu Á » và rằng mỗi nền văn minh bảo vệ những giá trị mà họ muốn ngay cả khi các giá trị này trái ngược với những giá trị phổ quát.
Mục tiêu là bảo vệ hệ thống chính trị, đồng thời quảng bá cho chủ quyền của các quốc gia và nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ nước khác.
Trung Quốc bác bỏ ý tưởng bảo vệ các dân tộc đang bị đe dọa và do vậy không chấp nhận bất kỳ ai có ý định can thiệp bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm.
Thế nhưng, các giá trị phổ quát là một trong những trụ cột của Liên Hiệp Quốc, được thành lập năm 1945 với sự tham gia của Trung Quốc, sau thất bại của chủ nghĩa phát xít và Nhật Hoàng.
Tại sao Trung Quốc cũng lập ra các định chế và diễn đàn đối thoại riêng ?
Trung Quốc, về bản chất, là một cường quốc xét lại, bởi vì nước này đang vươn lên mạnh mẽ và muốn đóng vai trò ngày càng quan trọng và bởi vì Trung Quốc muốn thay đổi trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho mình.
Trung Quốc hành động bằng cách mở rộng ảnh hưởng bên trong các định chế quốc tế đang tồn tại và đồng thời lập ra các định chế riêng của họ, như Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Châu Á và đề ra sáng kiến Con đường tơ lụa mới, nay trở thành một diễn đàn quốc tế quy tụ quanh Trung Quốc.
Ví dụ, những nơi đây áp dụng các quy định khác biệt với những chuẩn mực quốc tế, với những tòa án đặc biệt chịu trách nhiệm giải quyết các xung đột.
Liệu Trung Quốc sẽ vấp phải một sự kháng cự ?
Bà Michelle Bachelet, lãnh đạo Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền, hồi tháng Ba 2019, đã đề nghị cho một tiểu ban điều tra tới vùng tự trị của người Duy Ngô Nhĩ …
Ba trong số năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An và nhiều nước dân chủ ngày càng nói rõ rằng việc giam giữ một triệu hoặc hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ là không thể chấp nhận được.
Trước việc này, Trung Quốc sử dụng tất cả các phương tiện có trong tay để tránh một cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc.
Nếu cuộc điều tra diễn ra,
Trung Quốc sẽ luôn luôn tìm ra phương tiện để vô hiệu hóa cuộc tấn công này, ví dụ giới thiệu rằng tại các trại này, những người Duy Ngô Nhĩ là sinh viên, họ sống hạnh phúc, chứ không phải là những tù nhân – giống như điều này đã từng được chiếu trên vô tuyến truyền hình Trung Quốc và trước các phái đoàn ngoại giao của những quốc gia hữu hảo với Trung Quốc.
Tất cả các nước độc tài đều biết làm điều này, nhưng Trung Quốc là bậc thầy.
Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế đã tới tham quan các trại tập trung của phát xít Đức kể từ năm 1933 khi những người chống đối chế độ bị đưa đi giam cầm ở đó và tổ chức này đã bị đánh lừa.
Vụ người Duy Ngô Nhĩ bắt đầu được nói tới nhưng do ảnh hưởng của Trung Quốc, rất ít có khả năng là những lời tố cáo này dẫn đến những biện pháp trừng phạt.
Tin mới
- Mùa Xuân Bắc Kinh 1989 : Ước mơ dân chủ tan vỡ nhưng ký ức không phai - 06/06/2019 21:15
- Các liên minh lâm nguy vì Trump - 06/06/2019 20:20
- Pháp và các đồng minh long trọng kỷ niệm 75 năm cuộc đổ bộ vào Normandie - 06/06/2019 15:36
- Pháp công bố chiến lược gia tăng bảo đảm an ninh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương - 05/06/2019 17:47
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-6-2019 - 05/06/2019 15:58
- Tưởng niệm Thiên An Môn : 180 ngàn dân Hồng Kông canh thức - 05/06/2019 15:40
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-6-2019 - 04/06/2019 16:10
- Thương mại : Trung Quốc chuẩn bị "trường kỳ kháng chiến" - 04/06/2019 15:25
- Trung Quốc thắt chặt an ninh và kiểm duyệt vào dịp 30 năm Thiên An Môn - 04/06/2019 13:50
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-6-2019 - 03/06/2019 22:35