Rohingya : Mỹ lên án một cuộc "thanh lọc chủng tộc"
- Thứ Năm, 23 tháng Mười Một năm 2017 14:47
- Tác Giả: Thanh Hà
Thảm cảnh người Rohingya Miến Điện vượt sông sang Bangladesh tị nạn . ảnh chụp tại Cox's Bẩz, biên giới Bangladesh ngày 11/11/2017.
REUTERS/Navesh Chitrakar
Washington nghiên cứu khả năng trừng phạt kinh tế Miến Điện về khủng hoảng người Rohingya.
Trong thông cáo ngày 22/11/2017, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nêu đích danh "một số nhân vật trong quân đội và lực lượng an ninh" nước này trong vụ "thanh lọc chủng tộc", đẩy 600.000 người Rohingya sang Bangladesh tị nạn.
Thông cáo với lời lẽ cứng rắn trên đây của bộ Ngoại Giao Mỹ khác hẳn với thái độ thận trọng của ngoại trưởng Rex Tillerson trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi tại Naypidaw hôm 15/11/2017.
Thông tín viên RFI, Anne Corpet tại Washington phân tích về thay đổi trong thái độ của Hoa Kỳ trên hồ sơ người Rohingya :
Đây là một thay đổi rõ nét trong ngôn ngữ ngoại giao của Mỹ. Từ giữa tháng 9/2017, Liên Hiệp Quốc đã sử dụng cụm từ thanh lọc chủng tộc khi nói về thảm cảnh của Rohingya mà đến nay đã có hơn 600.000 người phải sang Bangladesh tị nạn.
Vào thời điểm đó, chính quyền Mỹ đã từ chối dùng lại từ ngữ của Liên Hiệp Quốc.
Lần này, theo giải thích của một nhà ngoại giao, việc Washington sử dụng cụm từ thanh lọc chủng tộc cho thấy mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình.
Trong thông cáo, ngoại trưởng Tillerson nêu đích danh quân đội, các lực lượng an ninh Miến Điện và nhiều nhóm tự vệ ở cấp địa phương phải chịu trách nhiệm về vụ thanh lọc chủng tộc nhắm vào người Rohingya theo đạo Hồi ở Miến Điện.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không loại trừ khả năng ban hành một số biện pháp trừng phạt nhắm vào một số đối tượng.
Ông Tillerson nói rõ : Những người gây tội ác phải bị trừng phạt.
Bộ Ngoại Giao Mỹ không đặc biệt nhắm vào chính quyền Miến Điện. Một nhà ngoại giao giải thích : Tình hình trong khu vực này không hoàn toàn do chính quyền dân sự Miến Điện kiểm soát, nhưng Hoa Kỳ trông cậy vào bà Aung San Suu Kyi để giải quyết khủng hoảng.
Cũng trong thông cáo của bộ Ngoại Giao, Rex Tillerson hoan nghênh nỗ lực gần đây của chính quyền Miến Điện và Bangladesh về kế hoạch đưa người tị nạn Rohingy hồi hương.
Ông Tillerson cho biết thêm : cách thức Miến Điện giải quyết khủng hoảng lần này mang tính quyết định để thực hiện thành công tiến trình chuyển đổi, hướng tới một xã hội dân chủ hơn.
Miến Điện –Bangladesh đạt thỏa thuận về người tị nạn Rohingya
Theo hãng tin Reuters vào sáng nay (23/11), Miến Điện và Bangladesh đã ký một thỏa thuận mà trên nguyên tắc sẽ mở đường cho việc đưa hàng trăm ngàn người Rohingya tị nạn tại Bangladesh về nguyên quán.
Một quan chức trong bộ Lao Động, Nhập Cư và Dân Số Miến Điện, ông Myint Kiang, cho biết thỏa thuận nói trên đã được ký kết vào sáng nay tại Naypidaw và Miến Điện "sẵn sàng đón nhận" người Rohingya trở về, sau loạt bạo động dấy lên từ hôm 25/08/2017 tại bang Arakan.
Cũng về người Rohingya, Miến Điện, tòa thánh Vatican ngày 22/11/2017 thông báo đức giáo hoàng Phanxicô sẽ đến thăm người tị nạn Rohingya tại thủ đô Dhaka vào ngày 01/12/2017.
Lãnh đạo tòa thánh Vatican công du hai nước Miến Điện và Bangladesh từ ngày 26/11/2017 đến mồng 02/12/2017.