Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài

               Suy Tư Dòng Đời:

  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-06-2015

Quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới tại Nga và Qatar bị đe dọa hủy

QATAR-NEIGHBOURS



Quốc vương Qatar, Hamad Bin Khalifa al-Thani cùng phu nhân đón nhận phiên bản Cúp vàng bóng đá thế giới ngày 02/12/2010 tại Zurich, ngay sau khi Qatar được trao quyền đăng cai Cúp thế giới 2022.
REUTERS/Arnd Wiegmann

Le Monde tiếp tục quan tâm đến hồ sơ nghi án tham nhũng ở FIFA. Sau những phát giác làm lung lay cả định chế quản lý bóng đá lớn nhất hành tinh cùng với sự ra đi của ông chủ tịch tổ chức vừa được bầu lại Joseph Blatter, dù các cuộc điều tra mới chỉ bắt đầu, ngay từ lúc này, ngày càng có nhiều tiếng nói đòi hủy quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới 2018 tại Nga và 2022 tại Qatar.

Bài viết của Le Monde có hàng tựa với giọng kêu gọi : « Hãy từ chối khích lệ cho tham nhũng ! » Từ khi nghi án tham nhũng tại FIFA bung ra, một phần ba các đại diện từng tham gia bỏ phiếu trao quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới cho Nga và Qatar đã bị buộc phải từ chức.

Trong khi đó các điều kiện trao quyền tổ chức Cúp thế giới 2018 và 2022 giờ đây đang là trọng tâm của các điều tra tham nhũng trong tổ chức quản lý bóng đá thế giới này.

Le Monde ghi nhận, không phải bây giờ mà từ bốn năm qua đã có không ít cáo giác lan truyền về việc một số quan chức của FIFA nhận và đòi hối lộ để đổi lấy phiếu bầu chọn nước chủ nhà Cúp bóng đá thế giới. Những tố cáo như vậy cũng đã được thẩm tra trong một điều tra nội bộ do cựu thẩm phán Mỹ Michael Garcia chỉ đạo.

Ông Sepp Blattzer đã từ chối cho công bố kết luận bản báo cáo điều tra Garcia. Tuy nhiên tài liệu này đã được chuyển tới cơ quan chức năng Thụy Sĩ.

Chính quyền nước này đã nhanh chóng mở điều tra về vụ việc và đã thu giữ các cơ sở dữ liệu tại trụ sở FIFA của Zurich nhằm xác định những ai đã can dự vào vụ tham nhũng hoặc biết được vụ việc.

Le Monde khẳng định : « Nếu các quan chức FIFA đã nhận hối lộ để đổi lấy lá phiếu trao quyền tổ chức Cúp thế giới cho Nga và Qatar thì họ là những kẻ tội phạm hình sự phải bị xét xử . Không có chuyện giữ lại quyết định trao quyền đăng cai các Cúp bóng đá trên khi đó là kết quả của cả một quy trình tham nhũng ».

Tác giả bài báo còn đề nghị, nếu phát hiện tham nhũng, FIFA sẽ phải làm lại toàn bộ quy trình trao quyền đăng cai cho hai Cúp thế giới tiếp theo. Vẫn theo tác giả, giờ đây đã có nhiều lý do để tin là có tham nhũng trong việc trao quyền tổ chức Cúp bóng đá thế giới cho Nga và Qatar và vì thế cần phải tố chức lại việc bỏ phiếu. Bảy trong số 22 thành viên Ban chấp hành của FIFA tham gia bỏ phiếu cho các quyết định đã bị buộc từ chức bởi đang nằm trong vòng điều tra của FBI.

Bài báo nhắc lại cáo trạng của tư pháp Mỹ đối với 14 nhân vật bị truy tố đánh giá tham nhũng ở FIFA là « phổ biến, có hệ thống và đã ăn sâu cắm rễ ». Điều đáng nói ở đây là cáo trạng của tư pháp Mỹ chỉ là khẳng định những nghi ngờ đã lan truyền từ khá lâu nay trong dư luận báo chí và trong giới bóng đá thế giới, nhưng chỉ được coi là « tin đồn ».

Tác giả bài viết đề xuất : FIFA cần phải lập một ủy ban cải cách độc lập, nằm dưới sự chỉ đạo của một chính khách quốc tế có uy tín. Nhiệm vụ của ủy ban này là thanh lọc lại FIFA, hợp tác với các cuộc điều tra tội phạm quốc tế và tổ chức lại việc chọn lựa trao quyền đăng cai hai Cúp bóng đá thế giới 2018 và 2022. Việc làm này để chuẩn bị cho việc bầu cử một chủ tịch mới cho tổ chức và cũng là để chuẩn bị cho sự ra đời một FIFA mới.

Hy Lạp nỗi lo không chỉ châu Âu

Một thời sự khác được các báo chí Pháp quan tâm theo dõi đặc biệt trong những ngày qua đó là hồ sơ Hy Lạp. Câu chuyện dài nợ nần của Hy Lạp tiếp tục đặt ra những câu hỏi đất nước này bao giờ phá sản và Hy Lạp ra đi hay ở lại trong Liên hiệp ?

Nỗi lo không chỉ của các nước châu Âu hay chủ nợ mà còn cả của người dân nước này.
Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : « Bị đe dọa phá sản, người Hy Lạp chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất ».

Tờ báo ghi nhận, 3 ngày trước cuộc họp mang tính sống còn cho tương lai của Hy Lạp ở trong Liên hiệp châu Âu, viễn cảnh chia tay với Liên hiệp và rơi vào phá sản đang hiển hiện rõ rần khiến cho dân chúng nước này bắt đầu hoang mang. Các cuộc đàm phán giữa chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras và các chủ nợ bế tắc trong khi còn 11 ngày nữa (30/6) là đến hạn chót Hy Lap phải thanh toán 1,6 tỷ euro nợ cho Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, trước khi được tiếp tục giải ngân khoản tài trợ . Nếu không đạt được thỏa thuận và tìm được nguồn « tiền tươi » trả nợ thì ngày 1/7 Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ thực sự.

Đó là nỗi lo bao trùm đất nước này trong những ngày qua. Những người Hy Lạp có tiền tiết kiệm đang tìm cách lo thu hồi đồng vốn của mình để tự cất giữ. Le Figaro cho biết khách hàng rút tiền ở ngân hàng, ở các điểm rút tiền tự động trong tuần này đã đạt con số kỷ lục khiến cho các tài khoản ngân hàng tại Hy Lạp bị vét rỗng.

Chỉ riêng ngày hôm qua, số tiền rút khỏi ngân hàng lên tới 1,5 tỷ euro. Theo Le Figaro, không có gì ngạc nhiên về việc những người tiết kiệm nhỏ đi trước một bước đề bảo vệ số tiền ít ỏi của họ.Người dân Hy Lạp đang lo sợ các ngân hàng đầu tuần này sẽ phải tạm đóng cửa để hạ nhiệt cơ sốt rút tiền.

Để trấn an dân chúng, Ngân hàng Hy Lạp hôm qua trong vòng vài giờ đã liên tục ra hai thông cáo báo chí.

Theo Le Figaro, chính cuộc « đối thoại của những người điếc » giữa Athene và Bruxelles đang làm rúng động Hy Lạp. Hiện không có con số chính thức nào đưa ra nhưng người ta ước tính đã có « hơn 3 tỷ euro » được người dân và cả các doanh nghiệp rút khỏi ngân hàng trong tuần này, theo nhật báo le Parisien.

Giả thuyết về khả năng Hy Lạp ra khỏi Liên hiệp ( Grexit) đang lớn dần và Athene và lãnh đạo các nước châu Âu sẽ có những ngày cuối tuần này rất bận rộn với các cuộc điện thoại. Ngân hàng trung ương châu Âu hôm qua cũng đã chấp thuận trợ giúp khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp.

Trong bối cảnh như vậy, nhật báo Liberation trong bài « Hy Lạp : Giải phẫu một trò thao túng » đã nêu kết luận của một ủy ban của Quốc hội Hy Lạp chuyên về kiểm toán tài chính đánh giá “ các kế hoạch cứu trợ của các định chế quốc tế không chủ định cứu Athène mà chỉ là để cứu các ngân hàng nước ngoài ».

Tuy nhiên một số người vẫn muốn tin rằng một kịch bản thảm họa sẽ không xảy ra. Tại Hy Lạp, trong tuần hàng nghìn người đã xuống đường bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Alexis Tsipras trong cuộc đọ sức với các chủ nợ, có thể gọi đây là cuộc đối đầu giữa « một bên không còn gì để mất » với một bên không muốn « mất tất cả ».

Liên Hiệp Quốc 70 tuổi

Chuyển qua với nhật báo Công giáo La Croix. Hồ sơ chính của tờ báo hôm nay là « sinh nhật Liên Hiệp Quốc ». Ngày 26/6 tới đây tổ chức quốc tế này kỷ niệm 70 năm ngày ký bản Hiến chương làm nền tảng cho sự ra đời của tổ chức quốc tế này.

Từ đó đến nay Liên Hiệp Quốc đã có được khá nhiều thành công và cũng không ít thất bại cũng như bị rất nhiều chỉ trích. La Croix chạy tựa lớn trên trang nhất « Liên Hiệp Quốc, một ý tưởng thất vọng » trên bức ảnh lớn một lính « mũ xanh » của lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hiệp Quốc đang gác tại một chốt ở Congo.

La Croix trở lại lịch sử ra đời của tổ chức quốc tế này với bài viết mang tiêu đề : « Một tổ chức được thai ngén bởi những người thắng cuộc trong Thế chiến thứ 2 » mà trong đó Hoa Kỳ giữ vai trò chủ đạo trong việc xác định cơ cấu của tổ chức.

La Croix cho biết, « ngay từ năm 1942, thành lập một tổ chức quốc tế mới đã là một trong những mục tiêu của các nước Đồng minh. Ý tưởng ban đầu được gợi ra từ Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevel trong Tuyên bố Liên hiệp các quốc gia ngày 1/1/1942.

Đại diện của 26 nước tham gia Tuyên bố cam kết cùng tham chiến chống lại khối Trục ( Roma- Berlin-Tokyo). Trong thực tế, sáng kiến thành lập Liên Hiệp Quốc chủ yếu từ 3 cường quốc , sau đó cũng là những nướcthắng trận của Thế chiến thứ 2 là Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô".

Dự án thành lập tổ chức quốc tế được đưa ra khẩn trương lần đầu trong Tuyên bố Matxcơva ngày 30/10/1943, sau hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô, theo đó khẳng định « sự cấp thiết phải sớm thành lập một tổ chức quốc tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của tất cả các quốc gia hòa bình, một tổ chức mà tất cả các quốc gia đề có thể là thành viên, dù lớn hay nhỏ để bảo đảm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế ».

Chính văn kiện này đã tạo ra những nét cơ bản của Liên Hiệp Quốc trong tương lai đó là đề cao : Tầm quan trọng của chủ quyền lãnh thổ và bình đẳng giữa các quốc gia, liên kết chống chiến tranh và đặt trọng tâm vào các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế.

Từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1944, tại Dumbarton Oaks ( Washington –Hoa Kỳ) đã diễn ra hội nghị giữa Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô sau đó mở thêm với sự tham gia của Trung Quốc để xem xét chi tiết hơn các cơ sở cho tổ chức quốc tế trong tương lai.

Được bổ sung thêm sau hội nghị Yalta tháng 2/1945 giữa ba cường quốc, đề án soạn thảo tại Dumbarton Oaks được lấy làm cơ sở cho hội nghị San Francisco được triệu tập vào tháng 5 năm 1945 để sau đó đến ngày 26/6/1945, đại diện của 50 quốc gia đã ký vào bản Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Và tổ chức Liên Hiệp Quốc chính thức ra đời ngày 24/10/1945, sau khi các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Anh , Liên xô và đa số các nước ký tên phê chuẩn Hiến chương.

Sau đó hàng loạt các tổ chức trực thuộc Liên hiệp Quốc, chuyên trách từng các vấn đề đã ra đời.

Từ năm 1948 đến nay Liên Hiệp Quốc đã triển khai 61 chiến dịch can thiệp duy trì hòa bình, chủ yếu tại châu Phi, hiện còn 16 chiến dịch đang duy trì. Thời gian gần đây sứ mệnh duy trì hòa bình và hay can thiệp giải quyết các hồ sơ tranh chấp xung đột trên thế giới của Liên Hiệp Quốc tỏ ra kém hiệu quả bởi ngày nay quyền lợi của các cường quốc chồng chéo nhau rất phức tạp.




Switch mode views: