Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài

               Suy Tư Dòng Đời:

  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dân biểu Mỹ kêu gọi ngưng viện trợ cho Cam Bốt nếu bầu cử không công bằng

Hunsen-vo


Thủ tướng Hun Sen và phu nhân vận động cho đảng PPC tại Phnom Penh. Ảnh ngày 27/06/2013
Reuters


Một số dân biểu Mỹ trong buổi điều trần trước Quốc hội hôm qua 09/07/2013 đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ cắt viện trợ cho Cam Bốt, trừ phi ông Hun Sen chấp nhận bầu cử tự do vào ngày 28/7 tới.

Thủ tướng Hun Sen, người đã lãnh đạo Cam Bốt suốt 28 năm qua và còn muốn ở lại chức vụ suốt thập kỷ tới, bị tố cáo là đã bịt miệng những người bất đồng chính kiến để loại trừ mọi nguy cơ bị thất cử.

Lãnh tụ đối lập chủ chốt là Sam Rainsy hiện đang sống lưu vong tại Pháp và có nguy cơ bị bắt giam nếu về nước.

Mới đây Cam Bốt cũng đã cấm phát tin tức của các đài phát thanh ngoại quốc trước cuộc bầu cử, nhưng do bị phản đối đã nhanh chóng rút lại.

Dân biểu Cộng hòa Steve Chabot, chủ tịch tiểu ban Đông Á thuộc ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ hôm qua tuyên bố, ông không nghi ngờ gì ông Hun Sen sẽ lại thắng « thông qua bạo lực chính trị, tham nhũng và lạm dụng quyền hành ».

Ông cũng hoan nghênh quyết định của Tổng thống Barack Obama và các chính phủ phương Tây khác không gởi các quan sát viên đến để « hợp pháp hóa » cuộc bầu cử.

Dân biểu Chabot nói tiếp : « Nhưng tuyên bố rằng cuộc bầu cử không tự do hoặc không công bằng vẫn chưa đủ. Chính sách của Mỹ đối với Cam Bốt cần phải thay đổi, và chính quyền Obama cần phải cứng rắn hơn trước chế độ độc tài lâu năm nhất châu Á này ».

Ông cho biết sẽ soạn thảo dự luật cắt viện trợ cho Cam Bốt nếu bầu cử không dân chủ.

Hai dân biểu Cộng hòa khác là Marco Rubio và Lindsey Graham cũng đưa ra một dự luật tương tự, nếu chính phủ Cam Bốt được lập nên, thông qua « những cuộc bầu cử không hợp pháp » thì sẽ không có tư cách nhận viện trợ trực tiếp của Mỹ.

Họ cũng đề nghị chính phủ Hoa Kỳ giảm viện trợ phát triển và sử dụng ảnh hưởng của mình để khuyến khích các định chế quốc tế hành động tương tự.

Về phía mình, Cam Bốt tỏ ra phớt lờ trước những lời kêu gọi trên. Ngoại trưởng Hor Namhong tuyên bố với báo chí là : « Cam Bốt là một quốc gia có chủ quyền. Họ có thể nói bất cứ những gì họ muốn, nhưng quyết định về tương lai đất nước nằm trong tay nhân dân Cam Bốt ».

Tổng thống Mỹ Obama xem đất nước Đông Nam Á này là một ưu tiên, nhưng giữ một khoảng cách đối với ông Hun Sen.

 Trong chuyến viếng thăm Cam Bốt hồi tháng 11/2012 để dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á, ông Obama đã thúc giục ông Hun Sen về mặt nhân quyền và dân chủ, trong một cuộc tiếp xúc mà Nhà Trắng mô tả là căng thẳng.

Dù vậy, chính quyền Mỹ vẫn đề nghị viện trợ cho Cam Bốt 73 triệu đô la trong tài khóa tới, gần như tương đương với những năm trước đây. Phnom Penh cũng được viện trợ gần 50 triệu đô la cho các lãnh vực y tế, nữ quyền và môi trường vùng hạ nguồn Mêkông, theo sáng kiến của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Số tiền viện trợ trên rất ít ỏi, nếu so sánh với hàng tỉ đô la đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các lãnh vực khác được Trung Quốc – người đồng minh ngày càng thân thiết của Hun Sen, hứa hẹn.

Nhưng theo ông John Sifton thuộc tổ chức Human Rights Watch, thì Hoa Kỳ vẫn có thể làm áp lực qua việc cắt đứt quan hệ với quân đội Cam Bốt, và nói thẳng là việc « độc đảng và độc quyền chính trị trong tay một người là không thể chấp nhận được trong thế kỷ 21 ».



Switch mode views: