Thổ Nhĩ Kỳ trưng cầu dân ý về cải cách Hiến Pháp
- Chúa Nhật, 16 tháng Tư năm 2017 18:07
- Tác Giả: Trọng Thành
Áp Phích với ảnh tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trên đường phố Istanbul. Ảnh chụp ngày 14/04/2017.
REUTERS/Alkis Konstantinidis
Hôm nay 16/04/2017, hơn 55 triệu cử tri Thổ Nhĩ Kỳ được kêu gọi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến Pháp.
Nếu phe ủng hộ cải cách chiến thắng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành một quốc gia mà tổng thống nắm gần trọn quyền lực.
Đối lập và giới bảo vệ nhân quyền lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một chế độ độc tài. Cải cách do chính quyền tổng thống Erdogan chủ trương sẽ làm thay đổi triệt để hệ thống chính trị tồn tại từ gần một thế kỷ nay.
Thông tín viên Alexandre Billette giải thích về ý nghĩa của cuộc bỏ phiếu,
« Cuộc cải cách này dự kiến đưa Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang một chế độ mà tổng thống nắm rất nhiều quyền lực, với việc hủy bỏ chức vụ thủ tướng.
Tổng thống sẽ có thêm các quyền mới như bổ nhiệm hay cách chức các bộ trưởng, bổ nhiệm các phó tổng thống, bổ nhiệm một phần các thẩm phán của Tòa Bảo Hiến, ban bố tình trạng khẩn cấp, hay điều hành đất nước bằng các sắc lệnh, trong một số trường hợp, nếu cần thiết, v.v.
Tóm lại, đây là một sự thay đổi triệt để đối với hệ thống chính trị hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu được chấp thuận, các thay đổi sẽ được thực thi kể từ năm 2019, với các cuộc bầu cử Quốc Hội và tổng thống, được tiến hành năm năm một lần, và được tổ chức đồng thời.
Các nhà lập hiến phản đối cuộc cải cách Hiến Pháp này thì lên án chủ trương tập trung quyền lực vào tay tổng thống, mà không thông qua các cuộc thảo luận thực sự, công khai.
Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng trở thành một trong những chế độ tổng thống tập trung nhiều quyền lực nhất trên thế giới, mà không có các cơ chế đối trọng quyền lực thực thụ để cân bằng lại các đặc quyền mới của nguyên thủ quốc gia ».
Giới quan sát : Kết quả sít sao
Suốt trong những tuần trước cuộc bỏ phiếu, đối lập Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức phi chính phủ liên tục lên án chính quyền thiên lệch : Phe ủng hộ cải cách áp đảo trên truyền thông và trên đường phố.
Tuy nhiên, theo AFP, kết quả cuộc bỏ phiếu được dự đoán là sẽ sít sao. Chủ trương sửa đổi Hiến Pháp của tổng thống Erdogan có khả năng sẽ bị phản đối rất mạnh từ cử tri người Kurdistan, chiếm một phần năm dân số Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như từ phe hữu dân tộc chủ nghĩa, đang bị phân hóa mạnh, cho dù lãnh đạo của phe này chính thức đứng về phía tổng thống Erdogan.
Kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý sẽ chỉ được công bố sau 18 giờ, giờ quốc tế, ngày 16/04/2017.
Tin mới
- Bầu cử Pháp : Ứng viên cực hữu đánh mạnh vào người nước ngoài - 18/04/2017 22:24
- Pháp phá vỡ một âm mưu khủng bố trước bầu cử tổng thống - 18/04/2017 22:17
- Tổng thống Pháp kêu gọi Nga và Ukraina hãy « xứng đáng với trách nhiệm » - 18/04/2017 22:11
- Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mỹ - Nhật kiên quyết với Bình Nhưỡng - 18/04/2017 17:48
- Bình Nhưỡng dọa thử tên lửa “hàng tuần, hàng tháng, hàng năm” - 18/04/2017 17:41
- Thuyền nhân : Khoảng 8.500 người được cứu ngoài khơi Libya - 17/04/2017 23:12
- Đường vào Elysée : Khoảng cách giữa bốn ứng viên dẫn đầu tiếp tục thu ngắn - 17/04/2017 22:53
- Cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines đầu tiên dưới thời Duterte - 17/04/2017 17:30
- Tư pháp Mỹ xét đơn kiện sắc lệnh “phạt” thành phố che chở dân nhập cư - 16/04/2017 18:21
- Khủng bố Dortmund: Báo chí Đức tình nghi thủ phạm thuộc phe cực hữu - 16/04/2017 18:12