Việc Pháp giao chiến hạm Mistral thứ hai tùy thuộc thái độ của Nga
- Thứ Ba, 22 tháng Bảy năm 2014 23:53
- Tác Giả: Thụy My
Chiến hạm Mistral của Pháp, có khả năng chở trực thăng - AFP /ROSLAN RAHMAN
Việc giao chiếc chiến hạm Mistral thứ hai theo đơn đặt hàng tùy thuộc vào thái độ của Matxcơva trong hồ sơ Ukraina.
Tổng thống Pháp François Hollande tối qua đã tuyên bố như trên trước báo chí.
Chính giới Pháp hôm nay 22/07/2014, tỏ ra ủng hộ quyết định của ông Hollande vẫn giao chiếc Mistral đầu tiên cho Nga.
Tổng thống Pháp nói rằng: “Chiến hạm Mistral thứ nhất theo hợp đồng đã hầu như hoàn tất và sẽ được giao như dự kiến vào tháng 10.
Hiện nay chưa có mức độ trừng phạt nào được quyết định có thể ngăn trở được việc này. Còn chiếc Mistral thứ hai thì còn tùy thuộc vào thái độ của Nga”.
Được biết chỉ có những biện pháp trừng phạt do các nguyên thủ Liên hiệp châu Âu đưa ra mới có thể ngăn cản việc Pháp giao cho Nga chiếc chiến hạm hiện đại thứ hai, nhưng hiện nay chưa có cuộc họp nào của các lãnh đạo châu Âu về vấn đề này.
Các Ngoại trưởng châu Âu họp lại hôm nay có thể tăng cường trừng phạt Nga, nhưng không liên quan đến việc chuyển giao các thiết bị quân sự.
Những người thân cận điện Elysée cho biết: “Hiện nay Pháp muốn việc trừng phạt tập trung và nhanh gọn vào mặt tài chính”.
Hợp đồng làm Paris bối rối từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraina lại được Thủ tướng Anh David Cameron gợi lên hôm qua, nói rằng việc chuyển giao này đối với Anh quốc là “khó thể chấp nhận được”.
Một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ tuyên bố phản đối việc Pháp bán Mistral cho Nga, còn Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hồi đầu tháng Sáu cũng nói rằng tốt nhất Paris nên ngưng lại việc giao chiến hạm này.
Quyết định của ông François Hollande vẫn giao chiếc Mistral đầu tiên cho Nga bất chấp phản đối của Anh và Mỹ, đã được các chính khách Pháp cánh tả cũng như cánh hữu lên tiếng ủng hộ.
Tổng thư ký đảng Xã hội Jean-Christophe Cambadélis cho rằng ông Hollande khi đặt điều kiện như vậy đã gây áp lực lên Matxcơva.
Theo ông, các chỉ trích của Anh - nơi thị trường tài chính có sự tham gia của nhiều đại gia Nga - mang tính mị dân, và việc hủy hợp đồng Mistral sẽ không làm Putin chùn bước được.
Còn cựu bộ trưởng đảng cánh hữu UMP Xavier Bertrand nhấn mạnh đến quyền tự quyết quốc gia.
Ông cho rằng lời cam kết và chữ ký của nước Pháp phải được tôn trọng, nếu không giữ lời hứa thì Paris không thể đóng được vai trò nào trong cuộc khủng hoảng Ukraina.
Hơn nữa, nếu không giao chiến hạm chở trực thăng đầu tiên trị giá 1,2 tỉ đô la, Pháp sẽ phải bồi thường cho Nga.
Tại công xưởng đóng tàu STX ở Saint-Nazaire (vùng Loire-Atlantique), nơi 400 lính hải quân Nga từ một tháng qua đang lặng lẽ thực hành cách điều khiển chiến hạm hiện đại này, người ta cho rằng việc giao tàu là điều bình thường.
Rohan Jardin, đại diện nghiệp đoàn CFDT của công trường đang thực hiện hợp đồng cho tập đoàn DCNS và cơ quan vũ khí Pháp DGA nói rằng: “Chiếc tàu đã đóng xong và Nga đã trả tiền, nếu không giao hàng là không bình thường”.
Ông nhấn mạnh, chiếc Mistral sẽ được giao không trang bị vũ khí: “Chúng tôi chỉ là người gia công trong vụ này. Tàu được giao cho Nga, bán cho nước khác hay đậu tại cảng để chờ đợi tình hình Ukraina hòa dịu hơn, không phải là việc của chúng tôi”.
Là chiến hạm đa năng tối tân, có cả bệnh viện trên tàu, chiếc Mistral đầu tiên theo đặt hàng của Nga mang tên Vladivostok được đóng cả ở Saint-Nazaire và Saint-Petersbourg, có thể chở theo 16 trực thăng, giúp đổ bộ 450 quân nhân cùng với lực lượng cơ giới.
Chiếc thứ hai, do một trùng hợp tình cờ, mang tên Sebastopol – cảng của thành phố Crimée của Ukraina, nơi Hải quân Nga trú đóng và vừa bị Matxcơva sáp nhập – theo dự kiến sẽ giao vào cuối năm 2015.
Hợp đồng còn để ngỏ khả năng mua thêm hai chiếc Mistral nữa, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay khó thể thành hiện thực.
Tin mới
- Tai nạn phi cơ Đài Loan: nhiều người chết - 23/07/2014 19:30
- Cựu thị trưởng gốc Việt bị 21 tháng tù tội tham nhũng - 23/07/2014 19:14
- Chiến dịch đẫm máu của Israel tại Gaza bị tố cáo là tội ác chống nhân loại - 23/07/2014 18:58
- Anh Quốc vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Nga - 23/07/2014 18:48
- Cam Bốt : Chính quyền và đối lập đạt thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng chính trị - 23/07/2014 18:42
- Thái Lan: Tướng Prayuth có thể nắm quyền đến 2015 - 23/07/2014 18:14
- Dưới áp lực của dư luận, Miến Điện hủy dự án đường sắt với Trung Quốc - 23/07/2014 15:51
- Tepco xin thêm hỗ trợ tài chính để đền bù nạn nhân Fukushima - 23/07/2014 15:45
- Nga thắt chặt luật trấn áp biểu tình không cho phép - 23/07/2014 00:47
- Gaza: Liên Hiệp Quốc và Mỹ thuyết phục ngưng bắn - 23/07/2014 00:37