Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài

               Suy Tư Dòng Đời:

  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vì sao Trung Quốc lại cố tổ chức G20 một cách chu đáo?

g20-china-tap

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đọc diễn văn bế mạc thượng đỉnh G20 Hàng Châu, Chiết Giang, ngày 05/09/2016.
REUTERS/Damir Sagolj

Thượng đỉnh G20 Hàng Châu, Trung Quốc kết thúc hôm thứ Hai 05/09/2016.
Lần đầu tiên là nước chủ nhà tổ chức cuộc họp thượng đỉnh quy tụ 20 quốc gia giầu có nhất hành tinh, Bắc Kinh đã lộ rõ tham vọng cường quốc của mình.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, Trung Quốc cũng đang trả giá đắt cho chính những tham vọng này của mình.

 Báo Le Monde số ra ngày 06/09/2016 có bài phân tích đề tựa « Trung Quốc, nước chủ nhà G20 quá hoàn hảo ! »

Mở đầu bài viết, Brice Pedroletti, phóng viên thường trú của Le Monde tại Bắc Kinh nhận định trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, Trung Quốc đã phòng ngừa, không để cho xẩy ra bất kỳ chuyện gì ngoài ý muốn : cảnh sát tràn ngập khắp nơi, chỉnh trang đô thị, xây trung tâm triển lãm mới toanh và tuyệt đối không có khói ô nhiễm vì các nhà máy bị đóng cửa.

Nỗ lực này tương xứng với những tham vọng của Trung Quốc lần đầu tiên chủ trì thượng đỉnh G20.
Một sự phô trương sức mạnh mà thế giới đã quen nhìn thấy ở Trung Quốc : đó là một sự dàn cảnh, trong thời gian có cuộc họp thượng đỉnh, cho thế giới cũng như người dân trong nước thấy được « giấc mơ một nước Trung Hoa phục sinh », một ý tưởng mà chủ tịch Tập Cận Bình rất tâm đắc.

Nhưng việc dàn cảnh đó cũng xác nhận rõ sự tồn tại của một hậu trường mênh mông và tăm tối, mà ở đó cơ chế toàn trị thúc giục toàn bộ hoặc gần như toàn bộ người dân các thành phố phải đi nghỉ, làm biến mất các tiếng nói đối lập và chỉ trích hoặc quy định việc tiếp cận internet tùy theo tình hình.

Chắc hẳn Trung Quốc bây giờ không phải là « anh chàng khổng lồ kinh tế và là chú lùn chính trị » như trường hợp của Nhật Bản ở thời kỳ trước khi Trung Quốc trỗi dậy.

Thượng đỉnh G20 là thời điểm tôn vinh một loạt các sáng kiến mà Trung Quốc đưa ra từ năm 2013 để nước này có trọng lượng hơn trong trật tự thế giới – theo như chính mong muốn của phương Tây, vốn gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Trong số các « sáng kiến mang tính định chế » đó – theo như cách gọi của nhà nghiên cứu Françoise Nicolas trong số mới nhất của tạo chí nghiên cứu Triển Vọng Trung Quốc (Trung Quốc muốn trật tự quốc tế nào)- có việc thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Á Châu AIIB, vào năm 2015.

Về sáng kiến này của Bắc Kinh, bà Franҫoise Nicolas, giám đốc Trung Tâm Châu Á, Học viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI, nhận xét, đây « là một bước ngoặt thật sự trong việc phản đối trật tự đã được thiết lập ».

Tại Trung Quốc, việc Canada, ngay trước khi khai mạc G20, thông báo tham gia BAII, được đánh giá như là một thành công trong việc « lôi kéo được một đồng minh mới của Hoa Kỳ ».

Gậy ông đập lưng ông

Theo phóng viên nhật báo, trong vòng ba năm gần đây, Bắc Kinh đang bị một loạt cú « gậy ông đập lưng ông » do chính những chính sách ngoại giao của mình.
Thế nhưng, Trung Quốc vẫn thản nhiên tự khẳng định mình.  Việc Trung Quốc chiếm các đảo ở Biển Đông đã làm cho Tòa Trọng Tài La Haye ra phán quyết hồi tháng 07/2016, bất lợi cho nước này.

Tuy Trung Quốc sẽ không bị hất ra khỏi các đảo này, nhưng cái giá phải trả rất là cao.

Theo bà Valerie Niquet, phụ trách mảng châu Á, thuộc quỹ nghiên cứu chiến lược FRS, « Hầu như toàn bộ các nước châu Á – ngoại trừ Lào, trong một chừng mực nào đó là Cam Bốt và Bắc Triều Tiên - đều trông đợi cường quốc Mỹ trở lại khu vực nhằm làm đối trọng với sức mạnh đáng lo ngại của Trung Quốc.

Phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye là một đòn giáng vào Trung Quốc. Nước này giờ đây mới nhận ra rằng khả năng chiêu dụ - từ lâu được dựa trên sức tăng trưởng kinh tế hấp dẫn – không giúp họ tránh được các phán xét của cộng đồng quốc tế. »

Đối với hồ sơ Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh đã tỏ thái độ kỳ thị lạnh nhạt với Bình Nhưỡng để ve vãn Seoul, để rồi sau đó chỉ trích nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye kể từ khi bà muốn tăng cường hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

 Trong quan hệ với Nhật Bản, sự nghi kỵ lẫn nhau cực kỳ cao. Hình ảnh Trung Quốc tại xứ sở Hoa Anh Đào chưa bao giờ tệ như lúc này kể từ khi Bắc Kinh tiến hành mở cửa và cải cách.

Tại Hồng Kông, một hồ sơ hiểu theo nghĩa hẹp là chính trị nội bộ, nhưng lại có rất nhiều hệ lụy trên phạm vi quốc tế, sự chống đối kém tinh tế của Bắc Kinh đối với các dự án, cải cách chính trị đã đẩy một bộ phận giới trẻ xuống đường năm 2014.

Hai năm sau « phong trào dù vàng », Hồng Kông đang vang vọng những lời kêu gọi đòi độc lập.

Cuối cùng là Đài Loan. Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu (Quốc Dân đảng) với lập trường theo chân Bắc Kinh, hồi năm 2015, đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ, có lợi cho phe đối lập trong cuộc bầu cử hồi tháng Giêng 2016.

 Quan hệ Bắc Kinh - Đài Bắc đang ở mức tồi tệ nhất kể từ thời tổng thống Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian 2000-2008), cho dù lần này, bà Thái Anh Vănv(Tsai Ing-wen), tân tổng thống, không làm gì để làm cho Bắc Kinh nổi giận.

Chuyên gia chính trị Lâm Hòa Lập (Willy Lam), tại Hồng Kông, tác giả một cuốn sách được xuất bản gần đây, về chủ tịch Tập Cận Bình, thì cho rằng : « Trung Quốc không có quốc gia bằng hữu – mà chỉ toàn là các quốc gia khách hàng lệ thuộc vào sự hào phóng của Trung Quốc, như Lào, Cam Bốt hay Pakistan ».

Ông Tập Cận Bình đang sử dụng « ngoại giao đao kiếm theo kiểu Putin », bởi vì « chủ nghĩa dân tộc là trụ cột sống còn duy nhất cho tính chính đáng của đảng Cộng sản trong bối cảnh kinh tế bị suy giảm ».

Để kết thúc bài viết, tác giả dẫn lời bà Valérie Niquet nhận định là Trung Quốc đang làm « dấy lên nhiều nỗi lo lắng trong lúc cánh cửa cơ hội – cách diễn đạt của các lý thuyết gia Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng 2009 –đang khép lại.

Do đó, chiến lược khẳng định sức mạnh, đi kèm với những lời kêu gọi liên tục phát triển khả năng quân sự, đã không chú ý tới những nhu cầu thực tại của nền kinh tế và xã hội Trung Quốc.

Chiến lược này tạo ra một tình trạng chối bỏ, kể cả tại Trung Quốc, nơi mà hiện tượng chuyển vốn ra bên ngoài, nhiều trí thức hoặc những người thuộc tầng lớp trung lưu bỏ nước ra đi cho thấy là có một sự khó chịu nào đó hoặc mất lòng tin vào khả năng tiến triển của chế độ ».

Switch mode views: