Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài

               Suy Tư Dòng Đời:

  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm báo Pháp Quốc Ngày 06-02-2015

Châu Âu trong vòng vây thánh chiến và Nga

Ukraina -ngungban

 

Thường dân miến đông Ukraina tranh thủ thời cơ tiếng súng tạm ngưng để lên đường lánh nạn - REUTERS /Gleb Garanich

Hai lãnh đạo châu Âu đến Matxcơva. Hollande và Merkel làm đặc sứ hòa bình nhưng nỗ lực trung gian hòa giải cuối cùng này có đủ sức làm Putin lùi bước ?

Châu Âu đang nằm trong vòng vây của hành động xâm lấn của Nga tại Ukraina và mũi dùi tấn công của thánh chiến. Bên cạnh các thông tin báo động này vẫn còn những nốt nhạc phấn khởi : tăng trưởng cuối cùng đã trở lại với châu Âu, Rumani « hốt » tham nhũng.

Sau khi đến Kiev, cặp lãnh đạo châu Âu François Hollande và Angela Merkel đến Matxcơva vào trưa nay để tìm cách ngăn chận một cuộc leo thang xung đột không đảo ngược.

Trên đây là nhận định của Le Figaro trên trang nhất dưới bức ảnh Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đứng cạnh tổng thống Ukraina Petro Porochenko.

Lãnh đạo Pháp Đức sẽ thảo luận với Putin đề nghị hòa bình mới. Hòa bình nhưng tôn trọng nguyên tắc « toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina ».

Le Figaro nhắc lại lập trường trên đây của Tổng thống Pháp và quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi gặp lãnh đạo Ukraina cùng ngày chỉ trước vài giờ : Mỹ không làm ngơ trước sự kiện quân nhân Nga không mang phù hiệu xâm nhập biên giới Ukraina.

Tỏ vẻ bi quan về một giải pháp thương lượng, đặc phái viên của nhật báo cánh hữu từ Đông Ukraina cho biết phe nổi dậy thân Nga « tăng cường sức mạnh vũ khí và người dự kiến lên 110.000 ».

Kiev cũng tổng động viên để thêm quân số. Câu hỏi đặt ra là tại sao « Washington đe dọa viện trợ vũ khí cho Ukraina chống xâm lăng còn Berlin và Paris chìa bàn tay hòa bình với Nga ? »

Nhật báo Libération giải thích François Hollande đã cảnh báo là « nỗ lực ngoại giao không thể kéo dài bất tận ». Vì theo Kiev, Nga đã đưa 9.000 quân sang Ukraina.

Trong Liên Hiệp Châu Âu, trừ Ba Lan và các nước Baltic cũng như Anh Quốc, hầu hết các nước khác nhất là Pháp và Đức không muốn cung cấp vũ khí cho Ukraina.

Các biện pháp cấm vận, phối hợp với giá dầu tuột giốc, làm kinh tế Nga khốn đốn, nhưng không làm cho ông Putin chùn bước. Do vậy, chỉ còn lại con đường… ngoại giao, Đức Pháp muốn tìm một cơ sở cho một giải pháp hòa bình toàn diện, theo đó Nga phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ Ukraina và châu Âu không đưa hồ sơ Crimée vào tiến trình đàm phán.

Nhưng liệu lãnh đạo Đức-Pháp có hy vọng gì thuyết phục được Putin chấp nhận đàm phán hay không ?

Câu trả lời của nhật báo Công giáo La Croix là « không hy vọng » nhưng ít ra sẽ làm cho lãnh đạo Nga thấy tinh thần liên đới của châu Âu là hiểu được tại sao tây Âu lo ngại chiến tranh bùng nổ : ở xa, Washington xem xung đột tại Ukraina là ý đồ của Nga tạo lại không khí chiến tranh lạnh còn Paris và Berlin muốn nối lại quan hệ đối tác lâu dài với Matxcơva.

Dù sao, Tổng thống Nga Putin đã được tổng thống Pháp Hollande cảnh báo về trách nhiệm của Nga nếu xảy ra « chiến tranh toàn diện » tại châu lục.

Tuy nhiên, tính liên đới của châu Âu về an ninh tùy thuộc vào liên minh NATO, dưới sự lãnh đạo của Mỹ và quan tâm nhiều hơn về những âu lo của Ba Lan và các nước baltic từng bị Liên Xô đô hộ.

Do vậy Đức và Pháp thiếu một đòn bẩy quân sự hỗ trợ cho chính sách ngoại giao mà Le Monde gọi là để thuyết phục một đối thủ « quỷ quái » như Putin.

Lính Nga can thiệp tại Ukraina bị chính phủ bắt chẹt ?

Thông tín viên của nhật báo cánh tả Libération trích lời dân biểu Lev Schlossberg ở Matxcơva cho biết binh sĩ, sĩ quan các trung đoàn đi « tập trận » đều cắt đứt liên lạc với gia đình, phải ký giấy cam kết không tiết lộ mọi hoạt động.

Gia đình binh sĩ bị bắt chẹt : nếu họ kể chuyện con em sang Ukraina thì họ sẽ mất tiền cấp dưỡng (65.000 euro) trong trường hợp tử trận, (20.000 đến 40.000 ) tùy theo tình trạng thương tích, còn vô sự thì chỉ lãnh lương bình thường.

Chưa hết, nếu vô tình kể chuyện đi đánh nhau ở Ukraina thì binh sĩ đó sẽ bị trả đũa bằng bản án tù. Nói cách khác, Nga « không » tham chiến tại Ukrana, do vậy « cũng không có cựu chiến binh ». Mùa hè vừa qua, nhiều binh sĩ Nga tử thương đã được chôn cất một cách bí mật, không kèn không trống.

Châu Âu bị bao vây tứ phía

Nga, khủng bố Hồi giáo, tin tặc : từ sau đệ nhị thế chiến, chưa bao giờ châu Âu đối phó với nhiều mối đe dọa như hiện nay. Với 8 trang lớn, Le Monde, nhật báo có uy tín nhất nhì của Pháp nêu lên một loạt nguy cơ : Chiến tranh « hợp thể » của Putin ( tuyên truyền một chiều nhắm vào cộng đồng nói tiếng Nga, bịt miệng truyền thông độc lập, can thiệp bằng lực lượng che mặt, không đeo phù hiệu).

NATO đối phó cách nào với Putin ? Ở tuyến đầu, các nước baltic chuẩn bị tình huống xấu nhất, tăng cường an ninh quốc phòng cho dù được NATO bảo vệ.

Phó tổng thống Mỹ : tây phương không thể dung thứ cho Putin ngăn cấm Ukraina thi hành quyền dân tộc tự quyết. Quân đội Pháp học tập chiến thuật chống thánh chiến, chính phủ thành lập « hiến binh » ngăn chận tin tặc và bảo vệ an ninh lưu thông chống khủng bố…

Nhưng theo Liberation, châu Âu vẫn chưa tìm ra được giải pháp hiệu quả chống thánh chiến : gửi quân sang Trung Đông ?

Hậu thuẫn quân sự cho các nước Ả Rập ? Mua chuộc phân hóa hàng ngũ hồi giáo cực đoan ? Tây phương vẫn đang tìm phương án đối đầu với các thủ đoạn ghê tởm.

Le Figaro chú ý đến sự kiện một thủ lĩnh Al Qaida ở Yemen vừa bị máy bay không người lái của Mỹ bắn chết. Hareth al-Nadari, kẻ kêu gọi ám sát nhà báo Charb, chủ nhiệm tuần báo trào phúng Charlie-Hebdo và sau đó lớn tiếng đe dọa tấn công nước Pháp, là một thủ lãnh lợi hại nhất của khủng bố Suni tại Yemen.

Trong khi Tây phương tìm cách phản công thánh chiến thì Trung Quốc cũng đưa tin truy tìm và ngăn chận người Duy Ngô Nhĩ sang Trung đông gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, « đường dây » thánh chiến đưa người sang Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Miến Điện, khoảng 300, rồi từ đó qua Trung Đông. Chính phủ đã nhiều lần phát hiện và phá vỡ.

Tin này của Hoàn Cầu Thời Báo được Le Figaro trích đăng lại nhưng giới phân tích Tây phương xem đây là tuyên truyền của Bắc Kinh để biện minh cho chính sách trấn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Nicolas Bequelin của Human Rights Watch cho rằng Trung Quốc luôn tìm cách gắn liền các vụ bạo động tại Tân Cương với thánh chiến Hồi giáo để được Tây phương ủng hộ cho chính sách đàn áp. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra được chứng cớ nào.

Một nhà xã hội học ở Thượng Hải tên Lý Phi Phàm nói rằng chính phủ Trung Quốc lo ngại các phần tử thánh chiến này trở về Hoa lục sẽ gây bất ổn như ở tây phương.

Tuy nhiên, theo ông Nicolas Bequelin, khó mà một thanh niên Duy Ngô Nhĩ từ Trung Đông có thể trở lại Hoa lục do chính sách kiểm soát an ninh và trấn áp tối đa ở Tân Cương.

Nguy cơ của Trung Quốc không thể so sánh với tình cảnh của Châu Phi trước bạo lực của Boko Haram, một thủ lĩnh có hàng chục ngàn quân cuồng tín gieo tai họa cho châu Phi, đốt nhà thờ Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, trường học, giết học sinh, bắt cóc nữ sinh .

Để chống lại chiến dịch phản công của Liên quân châu Phi, Boko Haram lại ra tay thảm sát ở Camerun giết hơn 120 người. Liberation dành một trang phóng sự cho thảm kịch người Phi Châu nhân danh Allah giết người Phi Châu.

Kinh tế Châu Âu phục hồi

Theo Les Echos, tăng trưởng kinh tế đã trở lại với toàn châu Âu. Lần đầu tiên từ năm 2007, tổng sản lượng quốc gia của 28 nước thành viên đều gia tăng : đó là nhờ giá dầu xuống thấp và đồng euro hạ giá so với đôla.

Kinh tế lên nhưng phải cứu Hy Lạp đang bị phá sản. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã ra kỳ hạn cho Athènes phải nhanh chóng tìm một thỏa thuận với các đối tác phương tây nếu không đến hết tháng hai này Ngân hàng Trung ương sẽ không tài trợ trực tiếp cho ngân hàng Hy Lạp nữa.

Thủ tướng cánh tả Alexis Tsipras bị dồn vào chân tường.

Dưới tựa BCE, Ngân hàng Trung ương Châu Âu ra tối hậu thư cho Hy Lạp, Le Monde cho rằng BCE muốn ép buộc Hy Lạp chấp nhận sự kiểm soát của ba nhà tài trợ là Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ủy ban Châu âu ở Bruxelles.

Thái độ cứng rắn của BCE đã làm cho thị trường chứng khoán Athènes mất điểm. Còn Le Figaro đưa phản ứng của Hy Lạp tố cáo Ngân hàng trung ương Châu Âu « bắt chẹt ».

Rumani « hốt » tham nhũng : hàng chục cựu bộ trưởng vào tù

Thông tin bài trừ tham nhũng đáng được chú ý đăng trên báo Libération: Tại Rumani, cuộc tẩy sạch chống tham ô đã khởi động : Từ giữa tháng một đến nay , viện Công tố, được Liên Hiệp Châu Âu hậu thuẫn, đã trở lại « chiến trường » : một cựu Bộ trưởng Kinh tế bị câu lưu, một chủ nhân tập đoàn truyền thông phạm tội trốn thuế, tẩu tán tài sản bị tống giam.

Cựu viện trưởng viện kiểm sát đặc trách chống tham nhũng và tội ác có tổ chức bị vào tù.

Tổng cộng hơn một chục cựu bộ trưởng Rumani bị tống giam và danh sách mỗi ngày mỗi dài thêm từ khi có luật chống tham nhũng được bổ sung điều khoản mới : giảm án cho những tội phạm tố cáo đồng lõa hoặc tiết lộ các hành vi tham nhũng mà họ có biết.

Giải thưởng quán quân dành cho nữ Bộ trưởng Du lịch Elena Udrea vừa mãn nhiệm : bà tố cáo đương kim giám đốc sở phản gián đòi chồng của bà hối lộ 500.000 euro để tài trợ cho một đài truyền hình tư nhân.

Bị tố cáo tội rửa tiền, Elena Udrea khai tên tuổi một loạt chính trị gia, thẩm phán, doanh nhân …

Theo giới quan sát tại Bucarest, đây chỉ mà màn đầu vì sắp tới sẽ mở ra những hồ sơ liên quan đến các cuộc đại tư hữu hóa trong những năm gần đây mà nhiều chính khách tả cũng như hữu sẽ đau đớn trả lời trước công lý.

Từ một nước bị xem là đứng đầu danh sách đen, chỉ trong vòng vài năm Rumani vượt lên hàng vô địch chống quốc nạn tham nhũng, theo nhận định của Libération.


Switch mode views: