Nghề truyền thống Huế ngày mỗi mai một


hue quatgiay
Một trong những người hiếm hoi còn sót lại trong làng làm Quạt giắy truyến thống Huế. RFA

Làng quạt giấy truyền thống Huế tại xóm Chùa, đường Chi Lăng, Phường Phú Hậu, tp Huế có lịch sử hơn trăm năm nay. Nhưng hiện tại trong làng chỉ còn 3 hộ cố gắng bấu víu với nghề. O Huệ là một trong những người hiếm hoi còn sót lại trong làng làm công việc này.

“Giờ chừ ế quá họ dẹp hết”

Làm quạt tuy không khó nhưng để có được chiếc quạt hoàn chỉnh, những người thợ phải trải qua 10 công đoạn khác nhau. Một cái quạt thành phẩm được chỉ được bán với giá 1 ngàn đồng, người thợ chỉ lấy công làm lời, nhưng lãi trên mỗi sản phẩm chỉ tính bằng trăm đồng, một ngày làm việc, tiền công kiếm được chỉ khoảng 50k đồng.

“Quạt chú làm ri thì xài cũng mấy năm.  Bán thì cũng rẻ thôi, tuỳ theo giá chợ. Làm một ngày được năm ba chục ngàn tiền công chớ mấy, ít. Chú đạp xe đi bán dưới Vinh Thanh rứa, chú bán lẻ được giá hơn, bán lẻ một chục 15,000, bán sỉ 1 chục 12,000. Một cái quạt có 1500 chớ mấy”.

Thực tế cho thấy khi những chiếc quạt máy, máy lạnh trở nên phổ biến thì quạt giấy trở nên không còn hữu dụng.

“Khi trước hay cúp điện ngoài tê họ vô đây đóng là cả xóm ni coi như thanh niên đi lãnh về đan thuê cho họ. Chừ ế vì điện có thường xuyên, thời trước điện năng cúp họ cần tới cái quạt nhiều, chừ cũng có mà phải đi xa bán nhưng cũng lai rai rứa thôi.”

Trước đây, cả xóm Chùa ai cũng biết làm quạt, từ mấy đứa nhỏ cho tới người lớn. Nhiều người từ nơi khác còn tới để học nghề. Nhưng giờ chẳng ai mặn mà với nghề này nữa.

“Mấy người già đầu nớ, có 3 nhà làm, còn người trẻ ít tiền hắn đi làm cái khác hắn mai một thì thôi, kiếm cái khác làm mụ làm ông tự đi bán, vì cái quạt ni hắn bình thường, còn quạt xếp thì khách hắn mới mua.”

Cùng chung cảnh ngộ với quạt giấy xóm Chùa, hiện nay làng ngói Nam Thanh ở xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, TT Huế từng là nơi sản xuất ngói lợp cho các lăng tẩm dưới thời nhà Nguyễn, nhưng hiện nay nghề này cũng mai một dần.

Nhu cầu làm ngói vẫn có nhờ việc trùng tu cố đô, nhưng người dân nơi đây gặp khó khăn trong việc mua đất về làm nguyên liệu và để tiếp tục sản xuất họ gặp quá nhiều vướng mắc hành chính từ phía chính quyền.

“Chừ bên đại nội kêu gọi gạch ngói để xây mà chừ ở đây không có đất nên cũng chịu. Kỳ trước về đây là lò mô lò nấy chật cứng.”

“Làng nghề truyền thống mà chừ thất nghiệp, sân bãi làm đẹp lắm mà chừ không có đất làm dân đi tản mát hết để sân để bãi cỏ lên lút hết kìa. Họ không bán đất, đất đai không có họ nghỉ hết, chủ lò họ nghỉ hết. Chủ lò đi mua đất mà họ không bán kêu bị ô nhiễm. Mỗi lò là họ chụm ngói liệt lên chỗ đại nội với chùa chiền, mà đất họ không bán thì chủ lò thất nghiệp nên nhân công cũng thất nghiệp theo luôn.  Người thì đi làm thuê làm mướn, ở nhà trông con trông cái, có việc mô mà làm ăn, thất nghiệp đói hết.”

hue thucong
Người làng Nam Thanh gắn bó với nghề thủ công nghiệp. RFA

Hơn trăm năm nay, người làng Nam Thanh gắn bó với nghề thủ công nghiệp. Vì đó nên họ không có đất nông nghiệp để canh tác, việc thất nghiệp kéo dài là không tránh khỏi và tương lai của các hộ trong làng cũng mù mịt.

“Làng 100 hộ mà 60 hộ là thủ công nghiệp còn 40 hộ là nông nghiệp, chừ không có đất thì mạnh ai đi nấy, người thì thợ nề, kẻ thì đi ở, người thì đi làm thuê làm mướn ở Quảng Trị, Quảng Bình chứ không là thất nghiệp. Cái ni cũng kiến nghị ra tới tỉnh ra tới trung ương nhưng cũng chịu.”

Hiện nay, dự án trùng tu đại nội Huế là một trong những hi vọng cuối cùng của người dân để giữ lại nghề truyền thống.

“Giờ ở trên thành nội kêu gọi, tư gia nào có khả năng thì cung cấp cho thành nội chứ không làm tập thể nữa. Con cái chừ bỏ đi hết”

Làng văn hóa Nam Thanh dưới thời triều đình nhà Nguyễn ban tặng 7 sắc phong, bao gồm 3 sắc phong dưới thời vua Duy Tân và 4 sắc phong dưới thời Khải Định do có công sản xuất nhiều gạch ngói cung cấp cho việc xây dựng kinh thành.

Nhiều dân làng tỏ ra tự hào với quá khứ, muốn nghề xưa vẫn dược duy trì thế nhưng không ai có thể cưỡng lại thực tế phát triển của xã hội. Có chăng mong muốn của họ là những nhà quản trị xã hội thấy trước mọi xu thế và có kế hoạch giúp cho dân chúng ổn định cuộc sống trên mảnh đất truyền thống quê nhà.

Related news items:

Tin mới

Các tin khác