Đội tuyển Liên Triều tại Olympic Pyeongchang : Ý kiến trái chiều
- Thứ Năm, 18 tháng Giêng năm 2018 23:45
- Tác Giả: Mai Vân
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ký tặng trên một cây gậy chơi khúc côn cầu của một nữ vận động viên, nhân chuyến thăm Trung Tâm Đào Tạo Quốc Gia ở thành phố Jincheon (Hàn Quốc). Ảnh ngày 17/01/2018.
Yonhap via REUTERS
Vào ngày 20/01/2018, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế sẽ họp tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ) để bàn về việc Bắc Triều Tiên tham gia Olympic Mùa Đông tại Pyeongchang, Hàn Quốc.
Trong khi chờ đợi, trong những ngày qua, hai phái đoàn Seoul và Bình Nhưỡng đã rốt ráo thảo luận về những điểm cụ thể liên quan đến việc Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội.
Trong số này, có sáng kiến mang tính biểu tượng cao cho mong muốn hòa giải Nam-Bắc đã được hai bên nhất trí trên nguyên tắc :
Có ít ra một đội tuyển chung để cùng thi đấu, mà cụ thể là ở môn khúc côn cầu trên băng dành cho phái nữ.
Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, đã xuất hiện nhiều ý kiến phản đối.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters ngày 16/01, đã có một sự lệch pha rõ rệt giữa mong muốn của chính quyền Hàn Quốc, chủ trương sử dụng Thế Vận Hội Mùa Đông sắp tới để cho thấy sự đoàn kết Liên Triều, với một bộ phận dư luận tại miền Nam.
Cụ thể là một số vận động viên Hàn Quốc rất « tức giận » về đề nghị lập ê kíp hỗn hợp với đồng nghiệp Bắc Triều Tiên.
Điều này phơi bày sự thiếu hứng thú nói chung trước một số điểm trong kế hoạch hòa giải của chính phủ, một phản ứng có thể tác hại đến kế hoạch của Seoul muốn tranh thủ sự kiện thể thao quan trọng này để cải thiện quan hệ song phương, sau một năm căng thẳng lên cao vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Đội tuyển khúc côn cầu nữ : Điển hình hòa giải bất đắc dĩ
Đội tuyển nữ Hàn Quốc về môn khúc côn cầu trên băng là đội đầu tiên được chính quyền Seoul chọn để lập ê kíp chung với một số tuyển thủ Bắc Triều Tiên, khi bộ trưởng Thể Thao Do Jong Hwan cho biết chính phủ sẽ yêu cầu Ban Tổ Chức Thế Vận Hội tăng số thành viên đội tuyển từ 23 lên hơn 30 người.
Theo lời một viên chức Hiệp Hội Khúc Côn Cầu Trên Băng Hàn Quốc, đề nghị đó là một cú sốc đối với đội tuyển Hàn Quốc mới từ Mỹ về vào thứ Sáu tuần qua sau ba tuần tập huấn.
Trả lời Reuters, viên chức này cho biết : « Họ rất tức giận và cảm thấy ý kiến đó thật phi lý… Chúng tôi đã lặng người khi chính phủ đột nhiên quyết định như vậy và yêu cầu chúng tôi chơi cùng với những người hoàn toàn xa lạ ở Thế Vận Hội. »
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, huấn luyện viên trưởng đội tuyển khúc côn cầu nữ Hàn Quốc Sarah Murray hôm 16/01, cũng đã công khai bày tỏ lo ngại về việc thành lập đội tuyển chung cùng với một số nữ cầu thủ Bắc Triều Tiên.
Trong lúc bộ trưởng Thể Thao Hàn Quốc Do Jong Hwan và thủ tướng Lee Nak Yon đều cho rằng việc thêm một vài tuyển thủ miền Bắc vào đội hình Hàn Quốc sẽ không ảnh hưởng gì tới vận động viên nước nhà, bà Murray cho là điều đó đồng nghĩa với việc một số tuyển thủ miền Nam sẽ phải ngồi ngoài sân, và là một cách hành xử rất bất công đối với những người đã cố sức trong thời gian qua để giành được suất tại đội tuyển và đi thi đấu tại Thế Vận Hội.
Kiến nghị trên mạng chống việc thành lập đội tuyển liên Triều
Đề nghị trên cũng làm hàng ngàn người dân Hàn Quốc không hài lòng, họ ký kiến nghị trên mạng yêu cầu phủ tổng thống từ bỏ ý định đó.
Một người ủng hộ kiến nghị nhận định : « Tôi nghĩ là chính phủ đang lạm dụng quyền hành để thu hoạch lợi ích chính trị từ Thế Vận Hội... Lấy chỗ của các vận động viên Hàn Quốc đã nỗ lực kinh khủng cho Thế Vận Hội, một sân khấu mà tất cả vận động viên Hàn Quốc đều mơ ước, để cho người Bắc Triều Tiên hưởng thì không công bằng chút nào».
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mà văn phòng chủ tịch Quốc Hội Hàn Quốc và đài truyền hình SBS công bố, hơn 70% người Hàn Quốc phản đối việc thành lập đội tuyển hỗn hợp với Bắc Triều Tiên.
Thế nhưng cũng có hơn 80% cho biết họ tán đồng việc Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội nói chung.
Bị chất vấn, một phát ngôn viên phủ tổng thống đã từ chối trả lời, và đề nghị là nên đi hỏi các bộ có liên quan với các cuộc thảo luận với phía Bắc Triều Tiên.
Trên vấn đề này, bộ trưởng Thể Thao tuyên bố là đã thảo luận với Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế hầu « giảm thiểu mọi bất lợi » cho đội Hàn Quốc.
Một viên chức của bộ này đã khẳng định với hãng tin Reuters : « Chúng tôi cũng sẽ quan tâm dến ý kiến của dư luận Hàn Quốc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng ». Riêng bộ Thống Nhất thì từ chối bình luận.
Đối sách Bắc Triều Tiên của Seoul luôn gây chia rẽ tại Hàn Quốc
Phản ứng bất bình của công luận cho thấy chính sách về Bắc Triều Tiên, thường chỉ là trợ giúp đơn phương từ phía Hàn Quốc, vẫn là một yếu tố gây chia rẽ và căng thẳng trong nội bộ Hàn Quốc.
Tổng thống cánh tả Moon Jae In muốn sưởi ấm lại quan hệ với Bắc Triều Tiên đã bị đông cứng sau gần một thập niên chính phủ bảo thủ cánh hữu cầm quyền ở Hàn Quốc.
Chính quyền của ông đã đề nghị hai miền thể hiện sự thống nhất nhân Thế Vân Hội Mùa Đông, cùng diễu hành trong buổi lễ khai mạc và bế mạc, cũng như cùng hợp sức tranh đua như thể là một quốc gia duy nhất.
Thế nhưng theo quan chức cao cấp của Hiệp Hội Khúc Côn Cầu Trên Băng Hàn Quốc được Reuters trích dẫn, thì họ không hề được nghe nhiều về ý định đó từ các chính trị gia, mà chỉ được bộ Thể thao ra lệnh và nói với họ là « hãy chuẩn bị sẵn sàng ».
Quan chức này khẳng định : « Nói thật là chúng tôi không biết chuyện diễn ra như thế nào. Nói thẳng ra là tôi không biết họ muốn gì khi nói Hãy chuẩn bị, khi mà chúng tôi không có bất kỳ kênh nào để nói chuyện với đội Bắc Triều Tiên ».
Nhiều vấn đề cần chuẩn bị như đội hình gồm những ai, chiến lược thi đấu ra sao và ai sẽ là huấn luyện viên chính cho đội tuyển hỗn hợp Nam Bắc đó.
Vẫn theo viên chức trên, « không hề có vấn đề then chốt và cơ bản nào nói trên được bàn thảo. Và chỉ có ba tuần nữa là đến trận đấu đầu tiên của đội tuyển Hàn Quốc tại Thế Vận Hội (vào ngày 10/02).
Liệu ai có thể tưởng tượng nổi điều đó ? Thật là phi lý ».
Trong phiên họp Quốc Hội ngày 15/01 vừa qua, bộ trưởng Thể Thao Hàn Quốc đã bảo vệ đề nghị thành lập đội tuyển nữ chung Nam Bắc, và giải thích rằng với việc tăng số vận động viên, thì không có vận động viên Hàn Quốc nào phải đứng ngoài.
Hàn Quốc vẫn giữ « quyền điều hành » đối với đội tuyển chung, và đội này sẽ không « tác hại đến vận động viên và năng lực của đội tuyển Hàn Quốc ».
Cánh hữu bảo thủ rất hoài nghi về chủ trương ngoại giao Olympic
Theo ông Choi Moon Soon, tỉnh trưởng tỉnh Gangwon, nơi diễn ra Thế Vận Hội, cái nhìn tiêu cực của công chúng có lẽ xuất phát từ việc quan hệ liên Triều bị giá lạnh thời chính quyền bảo thủ trước đây, nhưng cái nhìn này sẽ thay đổi một khi Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội.
Ông nhắc lại : « Hai miền Triều Tiên đã cùng diễu hành nhân 9 lần Thế Vận Hội, và thế giới đã rất hoan nghênh. Rất ít người phản đối ».
Thế nhưng Kim Dae, một kỹ sư 26 tuổi ở Seoul, không thấy có lợi ích gì rõ ràng khi thành lập một đội hỗn hợp: « Cứ tựa như là hai đội riêng biệt bị buộc phải thi đấu chung. Như vậy thì lợi ích ở đâu ? ».
Nghị sĩ bảo thủ, Kim Ki Sun, thắc mắc : lợi ích chính trị có đáng với các vấn đề đặt ra hay không :
« Nhiều người lo ngại là Bắc Triều Tiền tranh thủ Thế Vận Hội Pyeongchang để tuyên truyền. Và hòa bình đã kéo dài được bao lâu sau khi hai nước Triều Tiên cùng diễn hành trong những kỳ Thế Vận Hội trước đây ? »
Dẫu sao thì một cuộc thăm dò dư luận ngày 08/01 của hãng Realmeter cho thấy là 54% người Hàn Quốc ủng hộ kế hoạch của chính quyền Seoul chăm lo và tài trợ cho đoàn Bắc Triều Tiên trong thời gian Olympic. 41% không tán thành.
Tin mới
- Hoa Kỳ : Bố mẹ không nhận tội hành hạ 13 người con - 19/01/2018 17:26
- Quan hệ Mỹ-Trung sẽ còn trồi sụt theo tính khí của TT Trump - 19/01/2018 17:19
- Olympic : Đa số dân Hàn Quốc chống "diễu hành chung" với Bắc Triều Tiên - 19/01/2018 17:03
- Ông Tập Cận Bình Muốn: “Làm Cho Trung Quốc Vĩ Đại Trở Lại.” - 19/01/2018 06:23
- Mỹ đưa thêm oanh tạc cơ B-52 chở bom nguyên tử đến Guam - 19/01/2018 04:42
- Ý phá đường dây băng đảng Trung Quốc xâm nhập ngành vận chuyển - 19/01/2018 04:35
- Quan hệ Mỹ và Nga: « Nhọc nhằn » hòa giải - 19/01/2018 04:27
- Philippines sửa đổi Hiến Pháp để Duterte tiếp tục nắm quyền ? - 19/01/2018 00:28
- Hun Sen bổ nhiệm con rể làm phó giám đốc cảnh sát Cam Bốt - 19/01/2018 00:13
- Hàn Quốc: Thỏa thuận với Bình Nhưỡng về Thế Vận Hội gây tranh luận - 19/01/2018 00:02