Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-09-2015

Kinh tế Trung Quốc trì trệ : Nhật Bản lao đao, Thái Lan méo mặt

MARKETS-BONDS-EURO


Các trang báo Pháp sáng nay, 07/09/2015, hầu như ngập tràn các bài viết về dòng người tị nạn ồ ạt đổ vào Châu Âu và ý định của Tổng thống Pháp tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo ngay trên lãnh thổ Syria.

Riêng tờ Le Figaro, trên phụ trương kinh tế có bài nhận định về mối ràng buộc lẫn nhau ngày càng lớn cả về công nghiệp lẫn thương mại giữa hai cường quốc Châu Á, Nhật Bản và Trung Quốc, bất chấp những căng thẳng chính trị.

Bài viết đề tựa « Cú hãm Trung Quốc làm suy yếu kinh tế Nhật Bản ». Quan sát đầu tiên Regis Arnaud, tác giả bài viết nhận thấy người Trung Quốc làm khách hàng chính tại hầu hết các trung tâm thương mại lớn.
Đến mức các thông báo tại những cửa hiệu sang trọng đều được viết hay nói bằng tiếng Hoa.

 Ngay cả trên sàn chứng khoán Tokyo, chính các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã nhấn chìm bầu không khí tại đây : chỉ số Nikkei đã bị sụt đến 14% trong vòng một tháng.
Thế nhưng, đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, nếu những biến động chứng khoán tại Trung Quốc không mấy tác động đến nền tài chính của Nhật, do các nhà đầu tư nhỏ Trung Quốc chỉ chiếm có 2%, thì việc này lại làm trì trệ nền kinh tế Nhật.

Bởi lẽ Trung Quốc chiếm đến 18% nguồn xuất khẩu và 9% nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản. Một tỷ lệ đủ để tạo ra một « cú sốc đáng kể trong trường hợp có khủng hoảng chứng khoán ».

Hơn nữa, bất chấp những bất đồng chính trị giữa đôi bên, Nhật Bản cũng không được lợi gì nếu Trung Quốc thất bại, theo như nhận xét của ông Hiromichi Shirakawa, chuyên gia kinh tế tại Credit Suisse.

Thế nhưng, đối với Tokyo, tiêu thụ và sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc sụt giảm mới là vấn đề chính. Bắc Kinh lệ thuộc vào Nhật Bản trong nhiều ngành công nghiệp linh kiện.
Nhiều loại linh kiện bán dẫn chiến lược được cài đặt trong nhiều sản phẩm được xuất xưởng dưới nhãn mác « Made in China ».

Nhật Bản vẫn luôn đứng đầu một số ít nhà sản xuất độc quyền cho nhiều loại linh kiện quan trọng, mà Trung Quốc rất cần để có thể vận hành các nhà máy : động cơ pin cho máy tính, chất màu hóa học, lốp xe, cáp dẫn cho xe ô-tô…

Ông Hiromichi Shirakawa nhận xét : « Trung Quốc là một thị trường quan trọng đặc biệt cho các nhà sản xuất hóa chất, may mặc, các dụng cụ quang học và các thiết bị khoa học… ».
Theo tính toán của vị chuyên gia này, giả như sản xuất công nghiệp Trung Quốc dừng tăng trưởng hoàn toàn trong năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ bị mất đến 0,4%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, khó có thể đánh giá được việc kinh tế Trung Quốc trì trệ có những tác động gián tiếp nào lên nền kinh tế Nhật Bản : chẳng hạn doanh số doanh nghiệp Nhật sụt giảm, cũng đồng nghĩa với việc giảm đầu tư.
Giá chứng khoán giảm, thì ảnh hưởng đến niềm tin, dẫn đến giảm tiêu thụ…

Vị trí của Trung Quốc ám ảnh Nhật Bản đến mức chỉ cần Trung Quốc hơi sụt sùi là sẽ dẫn đến một tác động quan trọng về tâm lý hơn là trên trao đổi thương mại giữa đôi bên.
 Bởi vì theo ước tính của Ngân hàng CLSA, trong giai đoạn 2013-2020, lượng du khách Trung Quốc đến xứ sở hoa Anh đào sẽ tăng từ 1,3 lên 9 triệu người.
Các chủ hãng lớn đang vò đầu bứt tóc làm sao cho khách Trung Quốc quay lại các gian hàng của họ. Vì một lẽ rất dễ hiểu là du khách Trung Quốc rất phóng tay.

Trong năm 2014, tuy chỉ chiếm có 17% lượng khách viếng thăm, nhưng mức mua sắm của khách Trung Quốc chiếm đến 40% tại Nhật Bản.
 1/3 doanh số hàng tháng của các thương hiệu sang trọng lớn là đến từ khách Trung Quốc, tập trung chủ yếu vào các loại sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, dầu gội, tả quần (được ấn định 2 gói/ du khách), những thứ sản phẩm còn khan hiếm trong nước.

Bắc Kinh mà bầm dập, Bangkok cũng méo mặt

Le Figaro tiếp tục dẫn độc giả xuống vùng Đông Nam Á với bài viết « Bắc Kinh bị bầm mình làm Thái Lan cười không nổi ».

Khó khăn kinh tế tại Trung Quốc là một vố đau cho chính phủ của tướng Prayuth Chan o-Cha, tại Thái Lan, Le Figaro nhận xét.
Vị lãnh đạo quân sự này đã nhắm vào việc xích lại gần chế độ ông Tập Cận Bình để khôi phục nền kinh tế đất nước, bị nhấn chìm sau nhiều năm bất ổn chính trị.
Đối với Bangkok, Trung Quốc là một thị trường khá lớn cho ngành xuất khẩu gạo và cao su.

Thế nhưng, trong sáu tháng đầu năm, lượng gạo xuất sang Trung Quốc đã bị giảm đến 6,3% và cao su giảm 26,9%.
Nhu cầu nguyên nhiên liệu thế giới uể oải kèm theo hai vụ nổ bom khủng bố mới đây gây thiệt hại nhân mạng cho phần đông du khách Trung Quốc đã làm cho ngành xuất khẩu các loại sản phẩm từ dầu khí giảm đến 22,5%.

Sự dồn dập các số liệu xấu trong một đất nước mà xuất khẩu chiếm đến 70% Tổng sản phẩm quốc nội đang gây khó khăn cho nhà hoạch định chính sách, lo sợ vì thiếu kinh nghiệm kinh tế từ một chính quyền quân sự, sau cú đảo chính hồi tháng 05/2014.
Le Figaro kết luận « Vận xui không bao giờ đến một mình ».

Tấn công IS tại Syria : « Đã đến lúc »

Việc Tổng thống Pháp bất ngờ thay đổi chiến thuật tấn công IS gây xôn xao làng báo Pháp.
Sự việc đã được tờ Le Monde – trong số báo ra cho hai ngày Chủ Nhật 06 và thứ Hai 07/09/2015, nhưng phát hành vào chiều tối thứ Bảy, loan báo sớm với hàng tít lớn « Hollande dự định tấn công IS tại Syria ».

Đích thân Tổng thống Pháp François Hollande đưa ra thông báo này trong buổi buổi họp báo định kỳ 6 tháng/lần.
Đối với các nhật báo, quyết định trên cho thấy có một biến chuyển quan trọng trong chiến lược chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Đối với Le Monde, tình hình đã trở nên « khẩn cấp trên mặt trận ngoại giao tại Syria », như tựa đề bài xã luận.

Liên Hiệp Châu Âu đã phản ứng quá chậm chạp kể từ khi chính quyền Bachar al-Assad nổ súng vào đoàn người biểu tình đòi dân chủ trong suốt cuộc « mùa xuân Ả Rập » hồi tháng 05/2011.

Phải đợi cho đến khi tấm ảnh đứa trẻ Syria gây chấn động thế giới Châu Âu mới hiểu ra rằng cần phải hành động, trong khi đó hơn 240.000 người đã mất mạng vì cuộc nội chiến.

Tờ báo nhắc lại đương nhiên trong thảm kịch nhân loại này có một phần trách nhiệm của Hoa Kỳ, đặc biệt là Tổng thống Barack Obama, sau vụ chính quyền Damas sử dụng vũ khí hóa học chống thường dân. Không những thế, Châu Âu còn dần dần ngả theo xu thế của Nga : không đòi hỏi sự ra đi của ông Bachar Al-Assad.
Cũng phải mất bốn năm, Nga với Iran mới nghĩ đến chuyện đối thoại với phương Tây và các quốc gia Ả Rập khác về hồ sơ Syria.

Trong khi đó, các cuộc oanh kích của liên quân quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu lại cho kết quả không mấy thuyết phục.
Người ta có thể hiểu là ngoại giao cần phải có thời gian. Nhưng vấn đề là người dân Syria không thể chờ đợi. Họ đã bị chính quyền Damas hay quân thánh chiến IS làm cho kiệt sức, ly tán, khủng bố, hay hành hạ.

Đối với họ, tình trạng hiện nay chẳng khác gì như đang chết dần chết mòn. Họ chẳng còn cách nào khác là phải gõ cửa Châu Âu, một ngôi nhà lạnh lùng thụ động.
 Nóm tóm lại, với quyết định trên của Pháp, « giờ đã đến lúc ».

Về điểm này, tờ báo thiên hữu Le Figaro, hiếm khi có cùng tiếng nói với Le Monde, cũng cho rằng « Đã đến lúc ».
Tờ báo cho rằng vì « Daesh, người tị nạn : Hollande buộc phải xem lại chiến lược của mình ».

 Nhưng tờ báo có xu hướng bảo thủ cũng nhấn mạnh rằng : « Sự dấn thân mới của Pháp sẽ chẳng thể một mình thay đổi hiện trạng hiện nay. Việc xem xét lại chiến lược rộng lớn hơn đòi hỏi có một sự liên minh Ả Rập – Phương Tây.
Liên minh này phải thành lập một quân đội khu vực thật sự để giành lại những vùng lãnh thổ do quân thánh chiến chiếm đóng ».

Đồng quan điểm với tờ báo thiên hữu, nhật báo Công giáo cũng cho rằng : « giải pháp duy nhất cho thảm kịch Syria và sự chạy trốn của người tị nạn phải bằng con đường ngoại giao. Hình thức khủng hoảng và câu chuyện gần đây đòi hỏi phải đàm phán với Iran và Nga. Và buộc Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc vương xứ Ả Rập cũng phải hành động ».

Riêng nhật báo Cộng sản L’Humanité phản đối thẳng thừng quyết định trên của chính phủ. Tờ báo lên án « các nhà lãnh đạo Pháp đã không ngừng đưa ra lập luận hiếu chiến và sẵn sàng dấn thân vào một cuộc leo thang mới không thông qua Liên Hiệp Quốc ».

Một chiến lược sai lầm ?

Tờ thiên tả Libération, ngoài việc chỉ trích nhẹ dụng ý thay đổi chiến lược của ông Hollande còn nhằm cho việc tái tranh cử tổng thống năm 2017, tờ báo còn đăng bài nhận định của ông François Heisbourg – chuyên gia địa chính trị - cố vấn đặc biệt cho Quỹ vì Nghiên cứu Chiến lược tại Pháp cho rằng đó là « Một sai lầm chiến lược ».

 Theo quan điểm của Heisbourg, một hành động như vậy trong một đất nước Syria hỗn loạn, có lẽ vừa vô ích vừa phản tác dụng.
François Heisbourg cho rằng các vụ dội bom của liên quân quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu không những không làm suy yếu được quân thánh chiến Daesh, mà còn củng cố thêm sức mạnh của « vương quốc » tự xưng này.
Bằng chứng hiển nhiên là các vụ phá hoại các ngôi đền tại khu di tích cổ Palmyra.

Hơn nữa người dân trong khu vực có liên quan không thể không tin là có sự thông đồng giữa các lực lượng liên quân chống Daesh với không quân của Damas nhắm vào cùng thành phố, gây ra những thiệt hại to lớn về nhân mạng.

Nước Pháp cho đến giờ đã tỏ ra rất khôn khéo không can dự vào sự hỗn độn này.
Điều dễ hiểu là Paris muốn chứng tỏ là luôn làm nhiều hơn nữa để chống lại chủ nghĩa cực đoan vào lúc mà các mối đe dọa không ngừng gia tăng.
Đương nhiên các vụ oanh kích là hấp dẫn, vì dễ đưa ra quyết định và thực hiện và rất thích hợp cho việc dàn cảnh truyền thông.

Theo ông, tốt hơn hết là nên chú trọng vào việc tăng cường dần các phương tiện cho DGSI –Tổng cục an ninh quốc gia, trợ giúp nhiều bộ phận và lực lượng đặc nhiệm chống lại « du khách thánh chiến » tại Syria.

Việc này sẽ ít ngoạn mục hơn nhưng hiệu quả hơn. Hơn nữa, chính những phương cách này sẽ không làm trỗi dậy những ngờ vực cho là Pháp, khi gởi những chiến oanh tạc cơ, muốn làm cho mọi người quên đi việc Paris tiếp nhận rất ít người tị nạn chiến tranh Syria.

Matxcơva kiên quyết không bỏ rơi đồng minh Damas

Cũng liên quan đến Syria, báo Le Monde cho biết « Matxcơva tái khẳng định sự ủng hộ của mình với Bachar al-Assad ».
 Nhật báo nghi ngờ Nga đang gia tăng hỗ trợ quân sự cho chế độ Damas.

Như vậy là Nga đã quyết định lấy lại hồ sơ Syria. Bên lề diễn đàn kinh tế Vladivostok, Matxcơva đề xuất thành lập một liên quân quốc tế bis chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, thay thế cho liên quân hiện nay do Hoa Kỳ dẫn đầu.
 Liên quân do Nga đề nghị sẽ bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út hay Jordani và nhất là có sự tham gia của chế độ Damas.

Nhận định về đề xuất này, Le Monde cho rằng mục đích là nhằm thoát khỏi tình trạng cô lập do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga do việc can dự vào cuộc khủng hoảng Ukraina.
Thế nhưng, đề xuất của Nga hiện chưa nhận được nhiều hưởng ứng. Đối với các nước Ả Rập, một liên quân có sự tham gia của Bachar al-Assad là không thể chấp nhận.

Syria : Nga vừa đấm vừa xoa

Một mặt kêu gọi thành lập liên quân chống khủng bố, mặt khác Nga đã ngấm ngầm gởi quân sang Syria hỗ trợ chế độ Damas.

« Washington tỏ ra quan ngại về việc Nga trực tiếp tham chiến » như nhận định của Le Figaro.
Theo các nguồn tin tình báo Hoa Kỳ, Matxcơva đã gởi hàng trăm nhà chế sẵn đến phi trường Lattaquié của Syria, dựng trạm kiểm soát không lưu di động đồng thời xin phép bay trên không phận Syria trong tháng 9 này.

Theo bản tin New York Times được Le Figaro trích dẫn, chính quyền Hoa Kỳ nghi ngờ Nga rất có thể sẽ sử dụng phi trường này cho việc vận chuyển các trang thiết bị quân sự, nhưng cũng để tiến hành các vụ oanh kích hỗ trợ chế độ Bachar al-Assad.
Cũng theo nguồn tin này, các ngôi nhà tiền chế này có thể tiếp nhận khoảng 1000 quân nhân.

Le Figaro đánh giá những động thái của Nga rõ ràng một vố đau cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Ông từng hy vọng thuyết phục được Nga tìm ra một giải pháp chính trị cho xung đột.
Từ nhiều tháng nay, ông John Kerry gia tăng các cuộc gặp với đồng nhiệm Nga. Điều hiếm thấy là cuộc gặp đầu tháng 8 vừa qua còn có sự tham gia của Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út tại Qatar.

Phía Ả Rập dường như đưa ra một cuộc đổi chác lớn, theo đó, nếu Nga từ bỏ Bachar al-Assad, đổi lại khối này sẽ giảm bớt lượng sản xuất dầu thô để làm tăng giá dầu.
Như vậy, việc Nga dấn thân trực tiếp bên cạnh chế độ Damas gần như dập tắt hết niềm hy vọng.

Một sự ủng hộ gây ra làn sóng phản đối từ nhiều tổ chức nhân quyền, cho rằng chính quyền Damas cũng thảm sát thường dân không kém IS.
Thế nhưng, theo giải thích của tờ New Yorrk Times, ông Putin rất có thể có trong tay nhiều lá bài : « Khi mở rộng ảnh hưởng quân sự tại Syria, Nga rất có thể ở trong thế mạnh hơn để nhào nặn một thỏa thuận tương lai và nhằm khuyến khích đồng minh chia sẻ quyền lực ».

Switch mode views: