Vụ Trịnh Xuân Thanh: Một nghi can người Việt bị tạm giam tại Đức
- Thứ Năm, 24 tháng Tám năm 2017 19:59
- Tác Giả: Thanh Phương
Ảnh chụp cảnh ông Trịnh Xuân Thanh phát biểu trên truyền hình Việt Nam ngày 03/08/2017, cho biết là ông "đã ra đầu thú".
REUTERS/Kham
Hôm nay, 24/08/2017, Viện Công tố Đức thông báo là một nghi can người Việt trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin đã bị tạm giam tại Đức sau khi được dẫn độ từ Cộng hòa Séc.
Theo thông báo của Viện Công tố Đức, nghi can người Việt, được viết dưới tên tắt là Long N. H. ( Nguyễn Hải Long ?), 46 tuổi, bị tạm giam để điều tra về tội “hoạt động gián điệp” và “đồng lõa bắt cóc”.
Cụ thể, nghi can này, theo sự chỉ đạo của cơ quan mật vụ Việt Nam, vào ngày 20/07 đã thuê tại Praha một chiếc xe tải nhỏ Volkswagen, được sử dụng trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin ngày 23/07 để đưa về Việt Nam.
Ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, nguyên là nguyên Chủ tịch Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, bị chính quyền Hà Nội cáo buộc đã biển thủ hàng triệu đô la từ công ty này, nhưng đã bỏ trốn ra nước ngoài cho nên bị chính quyền phát lệnh truy nã quốc tế.
Theo báo chí Đức, ông đã bị một toán người vũ trang bắt cóc tại một công viên ở thủ đô Berlin ngày 23/07 vừa qua, khi đang xin tị nạn tại Đức.
Chính quyền Đức đã khẳng định là trong vụ bắt cóc này chắc chắn là có sự tham gia của cơ quan mật vụ Việt Nam.
Sau đó, ngày 31/07/2017, Bộ Công an Việt Nam thông báo là ông Trịnh Xuân Thanh đã ra “đầu thú” tại Cơ quan An ninh điều tra và bản thân ông cũng đã được đưa lên đài truyền hình để xác nhận ông “tự nguyện” trở về nước.
Hãng tin CTK của Cộng hòa Séc, trích dẫn “một nguồn thạo tin”, cho biết là một ngày sau vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một người Việt 46 tuổi đã bị bắt giữ ở Cộng hòa Séc, trước khi bị chính phủ Đức phát lệnh bắt giữ châu Âu vào ngày 11/08.
Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đã gây tổn hại nặng nề quan hệ giữa Việt Nam với Đức, bởi vì đối với Berlin, khi cho người bắt cóc ông Thanh, một người đã xin tị nạn tại Đức và đang được cứu xét , Hà Nội đã vi phạm luật pháp của Đức và luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại Giao Đức đã triệu đại sứ Việt Nam tại Đức vào ngày 01/08 và tuyên bố tùy viên an ninh của tòa đại sứ là "persona non grata", buộc nhân vật này phải rời khỏi Đức trong vòng 48 tiếng.
Ngoài ra, chính phủ Đức cho biết sẽ xem xét về các biện pháp trả đũa về chính trị, kinh tế và viện trợ phát triển. Bộ Ngoại giao Đức đòi Việt Nam phải đưa ông Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức để họ có thể xem xét đơn dẫn độ của Việt Nam cũng như đơn xin tị nạn của ông Thanh theo đúng luật pháp Đức.
Theo hãng tin AFP, chính phủ mới của Việt Nam, được thành lập vào tháng 4 năm 2016, đã cam kết sẽ kiên quyết chống nạn tham nhũng và cải tổ khu vực Nhà nước thiếu hiệu quả và làm ăn thua lỗ.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng việc trừng trị những quan chức cao cấp là kết quả của những đấu đá nội bộ hơn là chống tham nhũng thật sự.
Trong bản xếp hạng của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) năm 2016, Việt Nam đứng hàng thứ 113 trên tổng số 176 quốc gia về tính minh bạch, thấp hơn những nước láng giềng Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines và Indonesia.