• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase
lỗi
  • Error loading module User 'saigonec_sgenew' has exceeded the 'max_questions' resource (current value: 1) SQL=SELECT m.id, m.title, m.module, m.position, m.content, m.showtitle, m.params, mm.menuid FROM sge_modules AS m LEFT JOIN sge_modules_menu AS mm ON mm.moduleid = m.id LEFT JOIN sge_extensions AS e ON e.element = m.module AND e.client_id = m.client_id WHERE m.published = 1 AND e.enabled = 1 AND (m.publish_up = '0000-00-00 00:00:00' OR m.publish_up <= '2025-01-12 23:36:03') AND (m.publish_down = '0000-00-00 00:00:00' OR m.publish_down >= '2025-01-12 23:36:03') AND m.access IN (1,1) AND m.client_id = 0 AND (mm.menuid = 135 OR mm.menuid <= 0) AND m.language IN ('vi-VN','*') ORDER BY m.position, m.ordering

Từ ngày 14/08, nhân loại bắt đầu ăn lạm tài nguyên của con cháu

CLIMATECHANGE-LIMA

Tái tạo rừng, Paucartambo, Peru.
REUTERS/Enrique Castro-Mendivil

Ngày 13/08/2015 vừa qua là ngày nhân loại sử dụng hết số lượng tài nguyên có khả năng tái tạo được của hành tinh trong một năm, theo tính toán của tổ chức bảo vệ sinh thái Global Footprint Network (Dấu chân sinh thái toàn cầu).

Kể từ ngày này, chúng ta bắt đầu mắc món nợ tài nguyên và sinh thái với thế hệ mai sau.
Lạm dụng tài nguyên, tăng tốc phát triển không bền vững, đồng nghĩa với gia tốc quá trình Trái đất bị hâm nóng.
Nhân loại đứng trước mệnh lệnh phải hành động khẩn cấp.

Ngày 13/08 là ngày vượt quá, « overshoot day » theo tiếng Anh. Năm ngoái, overshoot day rơi vào ngày 17/08, theo đánh giá của tổ chức bảo vệ sinh thái Global Footprint Network, có trụ sở tại California.

Nếu như vào năm 1970, ngày vượt quá mới là 23/12, thì tốc độ ăn lạm vào tương lai con cháu tiến nhanh vùn vụt.
Ông Pierre Cannet, phụ trách mảng năng lượng/khí hậu của Quỹ bảo vệ thiên nhiên Pháp WWF cảnh báo, với tốc độ hiện nay, thì vào năm 2030, ngày vượt quá sẽ rơi vào tận tháng 6.

Vẫn theo tổ chức Global Footprint Network, nếu chúng ta giảm được lượng phát khí thải xuống 30% so với hiện nay, thì “ngày vượt quá” có thể sẽ lùi lại đến 16 tháng 9.
Nói một cách khác, dù có thay đổi đến như vậy, một Trái đất vẫn là không đủ cho mức độ tiêu thụ kinh hoàng của nhân loại hiện nay.

Hàng năm, Global Footprint Network công bố kết quả nói trên.
 Ứớc tính của các năm trước có thể được điều chỉnh trở lại, tùy theo mức độ hoàn thiện về phương pháp và việc cập nhật số liệu.

Dự án Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc : 3.500 tỷ đô la/năm

Cùng với nỗ lực chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh khí hậu có tính quyết định tại Paris vào cuối năm, ngày 02/08, cộng đồng quốc tế đã nhất trí về nguyên tắc một dự án toàn cầu mang tên « Chuyển hóa thế giới chúng ta, chương trình phát triển bền vững từ đây đến 2030 ».

 Dự án này, được khởi sự từ năm 2012, có ý nghĩa tiếp nối « Các mục tiêu thiên niên kỷ » của Liên Hiệp Quốc, có hiệu lực đến cuối 2015.

Các chuyên gia và nhà ngoại giao của 193 nước đã đạt được đồng thuận xung quanh một văn bản dài khoảng 30 trang, bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững, được cụ thể hóa thành 169 « đích ».

Mục tiêu đầu tiên của dự án quan trong này là tấn công vào nạn nghèo đói, trước hết liên quan đến một tỷ người đang sống với dưới 1,25 đô la/ngày, đặc biệt tại miền nam Châu Phi và nhiều nơi tại Châu Á.

« Ai cũng có quyền có được một công việc tử tế », « sản xuất và tiêu thụ bền vững » và « các xã hội hòa bình và mở rộng cho tất cả » là các mục tiêu quan trọng khác của dự án phát triển bền vững.
« Khẩn trương có các biện pháp chống biến đổi khí hậu và các tác động của quá trình này » là mục tiêu thứ 13 của dự án.

 Các giới chức của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa thương thuyết về khí hậu dự kiến sẽ phải đi đến một thỏa thuận vào cuối tháng 12 tại Paris, với dự án phát triển bền vững, cho dù đây là hai sáng kiến được tiến hành độc lập.

Đồng chủ tịch các thương thuyết, đại sứ Kenya tại Liên Hiệp Quốc Macharia Kamau, cho báo giới biết : ước tính chương trình phát triển bền vững nói trên của Liên Hiệp Quốc sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư 3.500 đến 5.000 tỷ đô la/năm.

Đây là « một con số vô cùng lớn », đại sứ Kenya thừa nhận, tuy nhiên ông cũng cho rằng điều này « không phải là không thực hiện được ».
Đại sứ Kenya nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đóng góp từ khu vực tư nhân để bổ sung cho các viện trợ công công.

Dự án phát triển bền vững này còn phải được lãnh đạo 193 nước chính thức thông qua bên lề cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 26-27/09 tới.
Các nước đang phát triển rất quan tâm đến dự án này. Phát biểu nhân danh nhóm G77 (gồm 134 quốc gia đang phát triển), đại sứ Nam Phi Kingsley Mamabolo nhắc lại lời của Nelson Mandela :
« Điều đó dường như không thể được cho đến khi chúng ta thực hiện được ».

 Phát biểu được hoan nghênh nhiệt liệt. Đồng Chủ tịch đàm phán dự án phát triển bền vững, đại sứ Ailen, bày tỏ niềm tin vào « ý thức trách nhiệm tập thể » của 193 quốc gia và « ảnh hưởng của các đồng nhiệm » sẽ khuyến khích các nước thực thi « những cam kết chính trị », cho dù những điều này không bó buộc về pháp lý.
Suốt một tuần trước khi đạt được dự thảo này, các bên thương thuyết đã hết sức nỗ lực để giải quyết nhiều bất đồng, đặc biệt về biến đổi khí hậu, tiêu chí đánh giá kết quả của từng quốc gia, việc xác định thế nào là một quản trị tốt và quyền của phụ nữ.

Chuẩn bị thượng đỉnh COP 21 : Có « đột phá » trong thương lượng

Các thương lượng chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường tại Paris hồi cuối tháng 7/2015 đã đạt được một « đột phá », theo đánh giá của bà Laurenace Tubiana, đại diện của nước chủ nhà phụ trách các thương thuyết.

Tại Paris, đại diện 46 nước đã đạt được nhiều thỏa thuận về nguyên tắc, đặc biệt là hướng đến một thỏa ước bền vững, bao gồm « cơ chế thường xuyên đánh giá lại để nâng cao mức cam kết tập thể về giảm khí thải GES, với các điểm hẹn định kỳ 5 năm một lần ».
Người phụ trách các thương thuyết của hội nghị Paris nhấn mạnh : cho dù có sự lưỡng lự của một số nước, tất cả đều chấp nhận cơ chế này.

Tham gia vào đợt thương thuyết này có các đối tác chính : Trung Quốc – nước phát khí thải số một -, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil, Ả Rập Xê Út, hay Liên Hiệp Châu Âu. Một nước vắng mặt quan trọng : Nga, quốc gia đứng hàng thứ năm về khí thải.

Pháp dự trù sẽ có một số cuộc gặp không chính thức, đặc biệt vào đầu tháng 9 tại Paris về chủ đề gai góc, phương thức tài trợ cho các chính sách khí hậu.
Bên cạnh đó, ngày 24/07, 195 quốc gia cũng nhận được một văn bản dài gần 80 trang, cô đúc hơn, về các thương thuyết nhằm chuẩn bị cho đợt đàm phán vào cuối tháng 8.

Đây là kết quả làm việc của nhóm hai đồng chủ tịch các thương thuyết, giới chức môi trường-sinh thái Mỹ Daniel Reifsnyder và Algeri Ahmed Djoghlaf.

 Văn bản mới được cơ quan phụ trách Hiệp ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc CNCCC đánh giá là mang lại một cái nhìn « sáng tỏ hơn », đồng thời « không loại bỏ bất cứ một đề xuất nào của các bên ».

Khí CO2 hút về phải nhiều hơn khí thải ra để đại dương bớt axit hóa

Về nghiên cứu khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu, tạp chí Nature climate change đầu tháng này công bố một nghiên cứu đáng chú ý, được AFP trích dẫn.
Nghiên cứu khẳng định : cho dù nhiều biện pháp kỹ thuật hút CO2 từ khí quyển được triển khai, nhân loại không thể chặn được quá trình axit hóa đại dương trong nhiều thế kỷ.

Theo tính toán của các nhà khoa học, một phần tư lượng khí CO2 do các hoạt động của con người được hút xuống lòng của các đại dương.
Quá trình này giúp hạn chế hiệu ứng nhà kính, nhưng ngược lại, làm hạ thấp độ pH của các đại dương, gây tác động xấu đến các loài sinh vật biển.

Do tác động của các dòng hải lưu, những khối lượng nước khổng lồ nhiễm axit bị đưa xuống các vùng nước sâu và ở lại đây trong nhiều thập niên, thậm chí hàng thế kỷ.

Nhà khoa học phụ trách nghiên cứu nói trên cảnh báo : không làm giảm ngay lượng phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, với chủ trương bẫy khí C02 sau đó là một chủ trương có hệ quả tiêu cực, vì các đại dương sẽ phải hứng chịu nguy cơ axit hóa, không đảo ngược được trong một thời gian dài.

Trong một nghiên cứu khác, được công bố trên Nature communications, các nhà khoa học khuyến cáo, việc thu khí CO2 cần phải được đẩy mạnh song song với quá trình giảm khí thải, và việc này thậm chí cần phải được làm mạnh hơn gấp bội, để làm sao lượng CO2 hút được là nhiều hơn lượng C02 thải ra, góp phần giảm tải cho các đại dương.

Tốc độ hút CO2 nói trên tương đương với khả năng cất giữ CO2 từ 50 đến 250 gigatonnes.

Băng hà mỗi năm tóp đi một mét bề dày

Song song với đại dương axít hóa, hiện tượng băng tan với tốc độ ngày càng lớn cũng được giới khoa học về khí hậu lưu ý.
Theo một nghiên cứu trên tờ Journal of Glaciology, băng tan hiện nay trung bình một đến một mét rưỡi bề dày một năm, tốc độ này là gấp từ hai đến ba lần mức trung bình trong thế kỷ XX.

Nhận định nói trên được rút ra từ các dữ liệu trực tiếp trên hàng trăm băng hà khắp thế giới từ 2001 đến 2010.
Những số liệu này còn được so sánh với thông tin về hàng chục nghìn băng hà thông qua vệ tinh.
 Trong thế kỷ XX, mức tan băng đạt kỷ lục là vào năm 1998. Các năm kỷ lục tiếp theo là 2003, 2006, 2011, 2013 và gần như chắc chắn là năm 2014.

Đồng tác giả nghiên cứu, ông Michael Zemp, giám đốc Cơ quan theo dõi băng hà toàn cầu, có trụ sở tại đại học Zurich (Thụy Sĩ), cảnh báo : trong tương lai, cho dù nhiệt độ khí hậu có ổn định, băng hà vẫn sẽ tiếp tục tan chảy.

Giáo hoàng : Ngày Thế giới cầu nguyện vì sinh thái

Nỗ lực chống biến đổi khí hậu có thêm một lực đẩy mới. Tiếp nối thông điệp về sinh thái nổi tiếng mang tên « Laudato Si » (công bố hồi tháng 6), ngày 10/08, Đức Giáo hoàng Phanxicô thông báo sẽ lấy ngày 01/09 hàng năm làm Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự bảo tồn sản phẩm của Tạo hóa ».

Trong lá thứ gửi tới các hồng y và được Vatican phổ biến, người đứng đầu đạo Công giáo viết :
« Với tư cách là người Thiên chúa giáo, chúng ta hy vọng góp phần mình vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái mà nhân loại đang phải đối mặt hiện nay ».
Sáng kiến mới của Giáo hoàng có thể khiến 1,2 triệu tín đồ Công giáo toàn cầu hành động mạnh mẽ hơn gây áp lực lên chính phủ các nước, đặc biệt là tại các quốc gia Mỹ Latinh, một khu vực có thể có tiếng nói quyết định tại thượng đỉnh khí hậu Paris.

Hồi cuối tháng 7/2015, tại Vatican đã diễn ra một hội nghị của khoảng 60 thị trưởng các thành phố lớn hàng đầu thế giới, như Roma, New York, Paris, Madrid hay Sao Paulo, nhằm chống lại nạn nô lệ hiện đại và biến đổi khí hậu.


Switch mode views: