APEC tại Papua New Guinea: Có nên tổ chức các diễn đàn quá tốn kém?
- Thứ Hai, 19 tháng Mười Một năm 2018 20:45
- Tác Giả: Thanh Hà
A man walks past a billboard displaying the national flags of the United States and Papua New Guinea a day after the Asia Pacific Economic Cooperation (APEC) forum ended, in Port Moresby, Papua New Guinea, November 19, 2018.
REUTERS/David Gray
Tổ chức thượng định và hội nghị quốc tế là những sự kiện ngoại giao nặng phần trình diễn, mà kết quả lại không bao nhiêu.
Nhiều nhà quan sát lại đưa ra nhận định như trên sau thất bại từ hội nghị APEC - Papua New Guinena vừa bế mạc.
Là một trong những quốc gia nghèo nhất, chậm phát triển nhất trong diễn đàn APEC, Papua New Guinea gồng mình huy động hàng triệu đô la cho hai ngày hội nghị tại thủ đô Port Moresby.
Thủ tướng Peter O'Neill tưởng chừng APEC 2018 là cột mốc quan trọng đánh dấu hoạt động ngoại giao của quốc gia nhỏ bé này trên trường quốc tế, ít ra là trong khu vực Thái Bình Dương.
Tiếc là sau 48 giờ họp, lần đầu tiên trong lịch sử APEC, 21 phái đoàn đã ra về mà không ra được một bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị.
Đây là một vố đau đối với nước chủ nhà.
Trước khi lãnh đạo của 21 nền kinh tế tham gia Diễn Đàn Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương tập hợp về Port Moresby, một nhà quan sát thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lượng và Quốc Tế, William Reinsch nói với hãng tin Pháp AFP "mong đợi từ cuộc họp cấp cao lần này không bao nhiêu mà ngay cả những mục tiêu ít ỏi đó cũng ít hy vọng đạt được".
Hai nhân vật chủ chốt trong số 21 lãnh đạo thành viên APEC là tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga, Vladimir Putin đều vắng mặt.
Washington và Bắc Kinh, qua các phát biểu của phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã có những lời lẽ gay gắt hiếm thấy chỉ trích lẫn nhau.
Bản thân diễn đàn APEC vốn được lập ra gần bốn thập kỷ nay nhằm thúc đẩy tự do mậu dịch, lần này đã trở thành đấu trường giữa Mỹ và Trung Quốc cũng trên hồ sơ thương mại.
Thất vọng về hiệu quả của APEC và thất bại của nước chủ nhà, một lần nữa làm dấy lên câu hỏi : nên hay không duy trì các cuộc họp thượng đỉnh, các hội nghị cấp cao, rất tốn kém mà kết quả lại chẳng là bao.
Trong trường hợp của Papua New Guinea, các phí tổn cho sự kiện ngoại giao lần này bị coi là "quá sức của chính quyền Port Moresby".
Khoảng 40 % dân số Papua New Guinea sống dưới ngưỡng nghèo khó, chính phủ nước này đã bị chỉ trích nhập không dưới 40 chiếc xe hơi sang trọng của tập đoàn Ý Maserati với giá tối thiểu 100.000 đô la một chiếc để đưa đón các lãnh đạo đến dự diễn đàn APEC.
Tranh cãi dấy lên đến nỗi thủ tướng O'Neill đã phải lên tiếng cải chính rằng toàn bộ tốn kém trong vụ mua bán xe hơi này do tư nhân đài thọ và Nhà nước chỉ "mượn xe" trong hai ngày hội nghị mà thôi.
Bên cạnh tai tiếng về xe hạng sang chở các lãnh đạo quốc tế, an ninh cũng là một hồ sơ khiến Papua New Guinea đau đầu.
Làm thế nào để một quốc gia với hơn 8 triệu dân này có thể bảo đảm an ninh cả trên bộ, trên biển và trên không cho các nguyên thủ và lãnh đạo quốc tế ?
Do không có phương tiện Port Moresby đã phải mượn các nước bạn từ tàu chiến, máy bay chiến đấu và các lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố đến bảo đảm an ninh cho các lãnh đạo đến dự APEC.
Một nửa trong số 4.000 quân nhân được huy động bảo vệ trật tự và an ninh thuộc các lực lượng của nước ngoài.
Mỹ, Úc, New Zealand đã phải hỗ trợ Papua New Guinea trong thời gian chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thủ tướng Nga, Dmitri Medvedev hay phó tổng thống Hoa Kỳ có mặt tại quốc gia nằm chơi vơi trong vùng Nam Thái Bình Dương này.
Về mặt cơ sở hạ tầng, theo giới quan sát, Papua New Guinea đã không thể đón tiếp một cách chu đáo 21 phái đoàn quốc tế, mỗi đoàn là hàng chục người, có khi số này lên tới cả trăm.
Hãng tin Pháp AFP ghi nhận khá nhiều thiếu sót về mặt lễ tân từ phía nước chủ nhà.
Một trở ngại bất ngờ đối với phía nước chủ nhà hội nghị APEC năm nay, là áp lực chính trị từ các phía, đặc biệt là qua sự cố nhân viên ngoại giao Trung Quốc đã đột nhập vào bộ Ngoại Giao Papua New Guinea nhằm gây áp lực trong việc soạn thảo bản tuyên bố chung. Cảnh sát đã phải can thiệp.
Nhưng một khi vượt qua được ngần ấy thách thức về mặt tổ chức, Papua New Guinea đã thất bại trong nỗ lực san bằng bất đồng giữa hai ông khổng lồ của diễn đàn APEC là Mỹ và Trung Quốc.
Chuyên gia Euan Graham thuộc trung tâm nghiên cứu về châu Á đại học La Trobe- Úc, lấy làm "tiếc cho Papua New Guinea", bị kẹt giữa hai siêu cường kinh tế và quân sự là Mỹ và Trung Quốc.
Vẫn theo chuyên gia này, trong bối cảnh tinh thần dân tộc chủ nghĩa và chủ trương bảo hộ đang dâng cao, nền tảng của APEC đã phần nào bị lung lay.
Nhưng việc hội nghị Port Moresby không tìm được một đồng thuận tối thiểu để ra được một bản tuyên bố chung kết thúc hai ngày họp là một vố đau với toàn thể khối 21 nền kinh tế trong vành đai Thái Bình Dương, vốn cùng xem tự do mậu dịch là một ưu tiên.