Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài

               Suy Tư Dòng Đời:

  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giảm thâm thủng ngân sách: Pháp xin Châu Âu nương tay

FRANCE-GERMANY-MINISTER


Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin gặp đồng nhiệm Đức Wolfgang Schäuble tại Berlin - Reuters


Với mức tăng trưởng trong quý 2 bằng số không, chính phủ Pháp đã buộc phải điều chỉnh dự báo cho năm 2014, đồng thời kêu gọi Châu Âu nương tay trong vấn đề cắt giảm thâm thủng ngân sách.

Theo thông báo của Viện thống kê và kinh tế quốc gia ( Insee ) ngày 13/08/2014, mức tăng tổng sản phẩm nội địa GDP của Pháp trong quý 2 năm nay là 0%, chủ yếu là do các xí nghiệp tiếp tục giảm đầu tư, mặc dù được chính phủ trợ giúp.

Như vậy là tính đến cuối tháng sáu, kinh tế nước Pháp được xem là đạt « thành quả tăng trưởng » 0,6%, một từ chuyên môn có nghĩa là nếu không tăng tốc, tăng trưởng kinh tế của Pháp trong cả năm 2014 sẽ không vượt qua mức đó, thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu của chính phủ là 1%.

Trong một bài viết đăng trên tờ Le Monde số ra ngày 14/08, Bộ trưởng Tài chính Michel Sapin đã nhìn nhận là cỗ máy kinh tế nước Pháp đang bị « trục trặc » và ông đã hạ mức dự báo tăng trưởng trong năm nay xuống còn 0,5%, cao hơn một chút sao với mức tăng trưởng 0,4% của năm 2013.

Trước tình trạng tăng trưởng khựng lại như thế và mức lạm phát thì thấp hơn dự báo, ông Sapin báo trước rằng thâm thủng ngân sách của Pháp trong năm 2014 sẽ vượt quá mức 4% GDP, thay vì 3,8% như hy vọng trước đó.

Như vậy là Pháp sẽ không thể nào đạt được mục tiêu giảm thâm thủng ngân sách năm 2015 xuống còn 3%, mức giới hạn mà Liên Hiệp Châu Âu ấn định cho các nước thành viên.

Cho nên, bộ trưởng Michel Sapin cũng yêu cầu là phải điều chỉnh nhịp độ cắt giảm thâm thủng cho phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay, bởi vì nước Pháp không thể đạt được mục tiêu đề ra.

Nhưng ông tuyên bố là Pháp sẽ thực hiện đúng lời hứa tiết kiệm 50 tỷ euro và sẽ tiếp tục thực hiện các cải tổ, chỉ có điều là chính phủ không thể tăng thuế được nữa để lấy tiền lấp vào những lỗ hổng mới.

Với ghi nhận là kinh tế toàn bộ Châu Âu đều bị đình trệ, Bộ trưởng Tài chính Pháp cho rằng chính Ngân hàng Trung ương Châu Âu, cũng như Ủy ban Châu Âu phải đề ra giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.

Đúng là không chỉ có Pháp, mà đầu tàu kinh tế thứ hai của Châu Âu và nền kinh tế hàng đầu khu vực euro là Đức cũng đang gặp trục trặc.

Hôm qua, chính phủ Berlin thông báo là GDP của Đức trong quý 2 đã sụt giảm 0,2%, một kết quả gây bất ngờ cho các nhà phân tích, vì họ dự đoán mức sụt giảm này chỉ là 0,1%.

Theo các số liệu của Cơ quan thống kê Châu Âu được công bố hôm nay, trong quý 2, tăng trưởng kinh tế của toàn khu vực euro cũng là 0%, sau khi đã chỉ tăng 0,2% trong quý 1, một kết quả cũng gây thất vọng cho các nhà phân tích.

Vấn đề là hiện chưa ai có thể dự báo là kinh tế khu vực euro có sẽ tăng tốc trong 6 tháng cuối năm nay hay không, nhất là vào lúc trên thế giới đang có rất nhiều căng thẳng : Ukraina, Irak, Trung Đông....



Switch mode views: