Bê bối Choi Soon-Sil : Tổng thống Hàn Quốc bị dồn vào chân tường
- Thứ Tư, 23 tháng Mười Một năm 2016 17:38
- Tác Giả: Minh Anh
Người dân Hàn Quốc biểu tình đòi tổng thống Park Geun-Hye từ chức, Seoul ngày 19/11/2016.REUTERS/Kim Kyung-Hoon
« Tôi xin thành thực xin lỗi vì đã làm đồng bào thất vọng trong vụ bê bối Choi Soon-Sil… Tôi hoàn toàn có lỗi là đã sao nhãng và hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này ».
Nước mắt lưng tròng, cúi đầu nhận lỗi trước một rừng ống kính truyền thông, tổng thống Park Geun-Hye không làm người dân Hàn Quốc nguôi giận.
Trong vòng có vài tuần lễ, bốn cuộc biểu tình lớn đã diễn ra ở thủ đô Seoul đòi bà phải từ chức.
Tất cả bắt nguồn từ người được coi là quân sư - thầy pháp của tổng thống Park Geun-Hye, bà Choi Soon-Sil bị bắt và truy tố với tội danh lừa đảo, lạm dụng quyền lực, hối mại quyền thế, bị nghi ngờ tác động đến những quyết định quan trọng của Hàn Quốc.
Vậy bà tổng thống Park Geun-Hye bị trách cứ những gì ?
Tại sao người dân Hàn Quốc lại phẫn nộ đến vậy ?
Liệu bà Park Geun-Hye có thể tại chức cho đến khi hết nhiệm kỳ tổng thống, vào tháng 12/2017 hay không ?
Trả lời phỏng vấn đài RFI, ngày 14/11/2016, bà Juliette Morillot, chuyên gia về Triều Tiên, đồng tác giả cuốn « 100 câu hỏi để hiểu về Bắc Triều Tiên », giải thích về sự phẫn nộ của người dân :
« Đó thật sự là một cơn sóng thần. Càng đi sâu vào vụ việc, người ta càng phát hiện ra các vòi bạch tuộc tham nhũng, lạm dụng quyền thế lan tỏa rất rộng.
Cuộc tuần hành ngày 12/11 có hơn một triệu người tham gia, lớn nhất tại Hàn Quốc kể từ cuối những năm 1980.
Người dân Hàn Quốc công phẫn và tôi nghĩ rằng làn sóng biểu tình sẽ không nhanh chóng ngừng lại ».
Tổng thống Hàn Quốc cho biết sẵn sàng trả lời các câu hỏi của tư pháp.
Ngày 16/11, ông Kim Chong, nguyên thứ trưởng bộ Thể Thao Hàn Quốc, đã bị thẩm vấn tại viện công tố Seoul về các hoạt động chuẩn bị Thế Vận Hội mùa đông 2018, trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ bê bối Choi Soon-Sil.
Điều đáng nói là tất cả các tập đoàn lớn, vốn là niềm tự hào của Hàn Quốc, đều được nhắc đến trong hồ sơ bê bối này.
« Đúng như vậy, tất cả các tập đoàn lớn đều liên quan bởi vì bà Choi Soon-Sil, vị cố vấn mờ ám của tổng thống Park Geun-Hye có nhiều công ty nhỏ, đóng vai trò bình phong, trên danh nghĩa là có nhiệm vụ khuyến khích phát triển thể thao tại Hàn Quốc.
Thế nhưng, bà cố vấn đã ăn chặn tiền, gần như là một dạng trấn lột, không chỉ đối với các công ty nhỏ, mà cả những tập đoàn lớn của Hàn Quốc.
Bà Choi đã huy động được rất nhiều tiền và biển thủ cũng rất nhiều tiền, chủ yếu để chi cho cô con gái học huấn luyện ngựa và đua ngựa, ở Đức.
Tuy nhiên, bà tổng thống Park Geun-Hye không hề kiếm lợi trong vụ bê bối này ».
Park Geun-Hye: Con rối trong gia đình họ Choi?
Vậy bà Choi Soon-Sil là ai và bà có quan hệ thân thiết như thế nào với tổng thống Park Geun-Hye ?
Chuyên gia Juliette Morillot phác họa đôi nét về bà cố vấn.
« Hai người có quan hệ với nhau từ rất lâu, từ thời người cha của bà Choi. Bố của bà Choi, ông Choi Tae-Min đã là quân sư - thầy pháp của vị tổng thống độc tài Park Chung-Hee, thân phụ của đương kim tổng thống Hàn Quốc.
Ông Park Chung-Hee là người đã tạo ra sự phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc, một tổng thống cứng rắn. Dường như tổng thống Park Chung-Hee bị ám sát là bởi vì ông đã để cho vị cố vấn thầy pháp Choi Tae-Min có quá nhiều quyền hành trong chính phủ Hàn Quốc thời đó.
Sau khi cả bố và mẹ bị ám sát, bà Park Geun-Hye, lúc đó khoảng 20 tuổi, đã trở nên cô độc. Bà đến sống trong gia đình ông Choi và được coi như con nuôi.
Như vậy, họ có quan hệ mật thiết. Chính nhờ mối quan hệ gắn bó này mà bà Choi đã được coi như là một Shaman - thầy pháp của tổng thống Park Geun-Hye.
Tư tưởng Shaman ăn sâu trong xã hội Hàn Quốc và điều này không có gì là lạ. Nhưng điều gây ngạc nhiên là chaman Choi lại được tiếp cận những hồ sơ quan trọng của Nhà nước, thậm chí can thiệp cả vào những mối quan hệ đối ngoại rất tế nhị, như với Bắc Triều Tiên ».
Theo AFP, ông Choi Tae-Min, mục sư, đã đóng vai trò như là « người đỡ đầu » về tinh thần của bà tổng thống Park Geun-Hye, sau khi bà mồ côi cha mẹ.
Theo một tài liệu ngoại giao Hoa Kỳ, do Wikileaks tiết lộ, thì có những tin đồn đại cho rằng ông Choi « đã hoàn toàn kiểm soát được bà Park, cả thể xác lẫn tinh thần ».
Năm 1994, sau khi người cha qua đời, bà Choi Soon-Sil lại càng gần gũi bà Park Geun-Hye hơn. Một số truyền thông đưa tin là dường như một số nghi lễ Shaman đã được tổ chức ngay tại dinh tổng thống Hàn Quốc.
Theo đài truyền hình JTBC TV, các tài liệu lưu trữ trong máy tính cá nhân của bà Choi Soon-Sil cho thấy chính vị quân sư-thầy pháp này đã chỉnh sửa, viết lại một số diễn văn của tổng thống, nhận được nhiều tài liệu mật, kể cả các tài liệu liên quan đến quan hệ của Seoul với Tokyo và Bình Nhưỡng.
Cũng có nguồn tin cho rằng dường như bà cố vấn Choi đã quyết định hoặc ít ra là can thiệp vào việc đóng cửa khu công nghiệp liên Triều Kaesong, chấm dứt sự trao đổi, giao lưu, tuy ở mức rất hạn chế, giữa hai miền nam và bắc Triều Tiên.
Văn hóa Shaman và chiếc cùm Khổng Tử
Việc bà Choi bị điều tra, truy tố về những vấn đề này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về khả năng lãnh đạo, tư duy độc lập của tổng thống Park Geun Hye.
Khi mới lên cầm quyền, bà Park hứa hẹn nhiều, như tạo công ăn việc làm, xây dựng một nền kinh tế mạnh, xã hội công bằng, minh bạch, chống tham nhũng… Thế nhưng, bà đã thất bại.
Phải chăng bà tổng thống chỉ là con rối ?
Ai là người thực sự lãnh đạo đất nước từ bốn năm qua ?
Đây mới là những câu hỏi thực sự.
Tại Hàn Quốc, bà tổng thống có biệt hiệu « Công chúa cầm sổ ». Bà ghi lại những câu hỏi và không đủ khả năng trả lời ngay hoặc đưa ra các quyết định.
Phải chăng bà bị thao túng ?
Về điểm này, bà Juliette Morillot có giải thích như sau :
« Người dân Hàn Quốc thực sự chán ngán. Tất cả đã trỗi dậy như một làn sóng với tất cả sự hận thù, căm ghét có cội nguồn từ quá khứ xa xôi của Hàn Quốc. Đó là cái quá khứ lịch sử với các vị vua bị thao túng, với quá khứ gần đây là nạn tham nhũng trầm kha.
Vào cuối thế kỷ 19, một hoàng hậu Hàn Quốc cũng có một Shaman-pháp sư như vậy. Xã hội Hàn Quốc giống như một tảng băng. Phẩn nổi của tảng băng là cái xã hội mà chúng ta nhìn thấy, rất hiện đại, internet kết nối phát triển khắp nơi mà ai cũng biết.
Thế còn phần chìm của tảng băng là cái cùm Khổng Tử và tham nhũng, rất nặng nề.
Cái cùm Khổng Tử này đã tạo nên tư tưởng thuần phục và chính cái tư tưởng thuần phục này giúp cho đất nước tiến lên, tạo ra sự phát triển kinh tế thần kỳ, nhưng đồng thời lại làm cho xã hội đông cứng, bảo thủ.
Giới trẻ Hàn Quốc ngày nay chống lại cái cùm này và hệ quả của nó. Họ không hài lòng và đấu tranh chống lại.
Có một điều thú vị là từ ‘tham nhũng’ trong tiếng Hàn. Nếu tra từ điển các từ đồng nghĩa với tham nhũng thì có tới vài trang, có rất nhiều từ đồng nghĩa, từ chỉ danh từ ‘tham nhũng’. Điều này cho thấy là nạn tham nhũng tràn lan ở nhiều tầng lớp xã hội.
Tổng thống Park Geun-Hye trước đây nhiều lần tuyên bố chống tham nhũng, nhưng bà không phải là nguyên thủ Hàn Quốc đầu tiên có dính líu đến tệ nạn này.
Nhiều người tiền nhiệm của bà cũng không có những nhiệm kỳ trong sạch, vẻ vang gì.
Có một vị cựu tổng thống đã từng bị kết án tử hình, rồi sau đó được ân xá. Hai người khác bị đi tù. Các vị này và những người thân của họ có dính líu đến tham nhũng và đây là một tệ nạn trầm kha ».
Thủ tục phế truất Park Geun-Hye: Một con dao hai lưỡi
Được bầu làm tổng thống từ tháng 12/2012, bà Park Geun-Hye hiện nay có tỉ lệ được lòng dân cực kỳ thấp.
Chuyên gia Juliette Morillot bổ sung :
« Cần biết là tất cả người dân Hàn Quốc, tất cả các phe phái chính đảng đều bị sốc bởi những gì xảy ra. Bà Park không được lòng phe đối lập. Điều này là đương nhiên, thế nhưng bà cũng không được lòng đảng của bà.
Đảng này đã từng hy vọng là con gái của nhà độc tài Park Chung-Hee sẽ lãnh đạo đất nước một cách cứng rắn, kiên quyết.
Thế nhưng, cuối cùng, họ nhận thấy đây chỉ là một người bị mồ côi, bị người thân cận thao túng, một phụ nữ yếu đuối. Họ thất vọng.
Người dân Hàn Quốc đoàn kết lại với nhau để chống lại bà và đôi khi vì những lý do khác nhau ».
Trước sức ép của công luận và phe đối lập trong cuộc khủng hoảng chính trị này, liệu bà Park Geyn-Hye sẽ phải từ chức hay bà bất chấp tất cả, cố bám vào chiếc ghế tổng thống cho đến khi hết nhiệm kỳ vào tháng 12/2017 ?
Vì sao nghị viện Hàn Quốc không muốn khởi động thủ tục « phế truất » tổng thống ? Chuyên gia Juliette Morillot nhận định :
« Tôi nghĩ bản thân bà Park Geun-Hye không muốn từ chức và cố bám vào quyền lực. Hiện nay, bà đang tranh thủ kéo dài thời gian vì chỉ còn một năm nữa là hết nhiệm kỳ tổng thống.
Thực ra cũng không có nhiều giải pháp, phe đối lập và người dân tỏ ra lo ngại. Giải pháp thứ nhất là bà Park chủ động từ chức và trong trường hợp này, Hiến pháp Hàn Quốc có quy định thành lập một chính phủ lâm thời trong khi chờ đợi bầu được một tổng thống mới.
Trường hợp thứ hai là khởi động thủ tục phế truất- impeachment theo quy định của Hiến pháp. Biện pháp này đã được sử dụng vào năm 2004 để chống lại tổng thống Roh Moo-hyun (đọc là "Nô Mu Hiên") nhưng vì những lý do pháp lý, đấu đá chính trị, chứ không phải vì tham nhũng.
Vào thời đó, người dân Hàn Quốc đã rầm rộ xuống đường chống lại thủ tục phế truất tổng thống.
Tuy nhiên, thủ tục phế truất như con dao hai lưỡi, có thể gây ra những hệ quả trái ngược ngay lập tức, có thể đổi trắng thành đen tức thời.
Tôi xin giải thích rõ. Trong giai đoạn đầu của thủ tục phế truất, cần phải có được hai phần ba số phiếu ủng hộ tại nghị viện.
Sau đó, Toà Bảo Hiến, bao gồm 9 thẩm phán, phải có ý kiến. Nếu 6 trong số 9 thẩm phán này chấp thuận phế truất tổng thống, thì bà Park sẽ bị mất quyền lãnh đạo.
Ngược lại, nếu không có được sáu trên chín phiếu thuận của Tòa Bảo Hiến thì Tòa sẽ tuyên bố thủ tục phế truất vô giá trị và bà Park được trắng tội ».
Quả thực là người dân Hàn Quốc và phe đối lập lo ngại, nếu chọn giải pháp khởi động thủ tục phế truất thì không loại trừ khả năng bà Park Geun Hye được xóa tội.
Nhật báo Hàn Quốc Hankyoreh đề xuất giải pháp trung gian để làm dịu sự phẫn nộ của người dân : Đó là lập một « chính phủ trung lập », nhưng thực sự nắm quyền điều hành đất nước cho đến cuối nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 12/2017.
Bà Park Geun-Hye thì chỉ là tổng thống có tính chất « tượng trưng ».
Thế nhưng, tổng thống Park Geun-Hye có thể bác bỏ giải pháp này vào bất kỳ lúc nào.
Do vậy, người dân tiếp tục xuống đường đòi tổng thống từ chức. Hơn một triệu người tuần hành ở thủ đô Seoul ngày 12/11/2016.
Một tuần sau, 19/11, hơn nửa triệu người xuống đường.
Và việc Viện Công tố Hàn Quốc hôm 20/11 lên tiếng : nghi ngờ bà Park Geun Hye "thông đồng" tham nhũng có thể sẽ còn làm cho các cuộc biểu tình chống tổng thống tiếp diễn tại Hàn Quốc trong những ngày sắp tới.
Related news items:
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-11-2016 - 26/11/2016 01:26
- Irak : Khủng bố tại Hilla, 80 người chết, đa số là người Iran - 26/11/2016 00:53
- Interpol dưới quyền Trung Quốc: Có đáng ngại? - 25/11/2016 18:41
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-11-2016 - 25/11/2016 06:48
- Pháp và mối quan hệ nguy hiểm với vùng Vịnh - 24/11/2016 16:10
- Giáo hoàng Phanxicô tiếp chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang - 24/11/2016 15:41
- Ông Trump đề cử nữ thống đốc gốc Á làm đại sứ Mỹ tại LHQ - 24/11/2016 06:14
- Hillary, khí hậu, tra tấn : Trump bỏ nhiều cam kết tranh cử - 23/11/2016 20:06
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-11-2016 - 23/11/2016 19:18
- Mỹ và Philippines sẽ giảm quy mô tập trận chung - 23/11/2016 18:26
Các tin khác
- Trung Quốc và Đức : « Tuần trăng mật » đã qua - 23/11/2016 01:16
- Quan hệ Nga-Mỹ thời hậu Obama : Lợi bất cập hại đối với Putin - 23/11/2016 00:19
- Vì Trump và Brexit, tương quan lực lượng thế giới bị chao đảo - 23/11/2016 00:08
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-11-2016 - 22/11/2016 21:25
- Toà thánh cho phép linh mục tha tội phá thai - 22/11/2016 16:43
- Hoa Kỳ rút lui, Trung Quốc có cơ hội bá quyền khu vực - 22/11/2016 15:28
- Động đất ở Nhật, sóng thần ập vào bờ biển Fukushima - 22/11/2016 01:00
- Texas: Tìm thấy mỏ dầu lớn chưa từng thấy - 21/11/2016 19:11
- Báo Anh: Chủ nghĩa dân tộc mới có thêm thành viên Donald Trump - 21/11/2016 18:53
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-11-2016 - 21/11/2016 17:38
Bài Mới Đăng
Error: No articles to display