Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-01-2016
- Chúa Nhật, 24 tháng Giêng năm 2016 03:18
- Tác Giả: Thụy My
Vụ Litvinenko : Nền tư pháp độc lập Anh quốc không sợ Putin!
Vợ góa và con trai của cựu điệp viên Alexandre Litvinenko trưng ra báo cáo của tư pháp Anh trong cuộc họp báo tại Luân Đôn ngày 21/01/2016.
REUTERS/Toby Melville
Liên quan đến nước Nga, trong bài xã luận hôm nay 23/01/2016 mang tên « Thuốc độc của vụ Litvinenko », Le Monde nhấn mạnh đến sự quan trọng của độc lập tư pháp tại các quốc gia dân chủ.
Tờ báo viết, tại các nền dân chủ, đó là điều mà các nhà lãnh đạo e ngại nhất : một người thẩm phán nhỏ bé hoàn toàn độc lập, buộc tội một nguyên thủ nước ngoài, trong khi Nhà nước cần duy trì quan hệ ngoại giao và hợp tác.
Chính phủ hết sức bối rối khi tư pháp và ngoại giao không cùng nhìn về một hướng.
Trong vụ Litvinenko, vị thẩm phán có tên là Robert Owen. Ông là người Anh, phụ trách điều tra hình sự về vụ ám sát diễn ra tại Luân Đôn.
Ông Robert Owen đã chỉ thằng ngón tay kết tội một trong những nguyên thủ chính yếu của hành tinh : Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Mười năm sau vụ ám sát, thẩm phán Owen được chính phủ Anh giao nhiệm vụ điều tra, tuần này đã công bố bản báo cáo, kết luận về cái chết của nhà đối lập Nga Alexandre Litvinenko hồi tháng 11/2006 tại thủ đô Anh quốc (đây là kết luận, chứ không phải tuyên án).
Tị nạn tại Luân Đôn từ năm 2010 và đã được nhập quốc tịch Anh, ông Litvinenko, lúc đó 43 tuổi, vốn là nhân viên tình báo FSB (hậu thân của KGB thời chiến tranh lạnh).
Ông đã chấp nhận làm việc cho cơ quan tình báo Anh MI6.
Litvinenko đã chết sau khi bị hấp thụ một liều mạnh chất polonium 210, chất phóng xạ cực độc được lén bỏ vào tách trà của ông trong cuộc hẹn với hai đồng nghiệp cũ trong ngành tình báo Nga, từ Matxcơva đến.
Vị thẩm phán viết rằng việc sử dụng một chất phóng xạ như vậy « tối thiểu cho thấy có sự can dự mạnh mẽ của một Nhà nước chứ không phải một tổ chức tội phạm ».
Ông Owen kết tội FSB và nói thêm : « Hành động có thể đã được thông qua bởi ông Patrouchev (tức Nicolas Patrouchev, cựu giám đốc FSB) và cả Tổng thống Vladimir Putin ».
Tại Matxcơva, điện Kremli nói báo cáo của thẩm phán Owen là « một trò đùa », « có thể là chuyện tiếu lâm Anh ».
Còn ở Luân Đôn, chính phủ bày tỏ một sự tức giận có kềm chế.
Đó là điểm khó khăn khi giao thiệp với một chế độ như của ông Putin. Tính thực dụng buộc phải hòa thuận với Nga và Tổng thống của nước này, vốn được tín nhiệm cao của người dân trong nước tại các cuộc thăm dò.
Nhưng thực tế bạo quyền cũng khiến người ta không thể chối bỏ sự thật.
Trước khi bản báo cáo Owen được công bố, một người thân tín của ông Putin, lãnh đạo Tchetchenia là Ramzan Kadyrov, đã viết trên tờ Izvestia hôm 18/1 rằng cần phải tống những người đối lập với Putin vào nhà thương điên như trong thời Liên Xô cũ.
Ông ta kêu gọi biểu tình chống « các kẻ thù của nhân dân, bọn phản bội », « nhà báo đối lập hay nhà đấu tranh nhân quyền », tóm lại là « đội quân thứ năm » dám chỉ trích chính sách của Kremli.
Le Monde đặt câu hỏi, phải chăng đây là lời kêu gọi sát nhân ?
Hôm 27/02/2015, một trong những thủ lãnh đối lập với Putin là Boris Nemtsov đã bị sát hại ngay trên đường phố.
Tư pháp cáo buộc có sự liên can của các cận vệ ông Kadyrov.
Từ hơn một chục năm qua, danh sách các nhà đối lập chính trị, nhà báo, người bảo vệ nhân quyền bị giết hại trong những điều kiện mờ ám tiếp tục dài thêm.
Tờ báo kết luận, đó là những trạng huống đáng lo ngại, trước mối quan hệ nhập nhằng mà các nền dân chủ phải duy trì với các chế độ toàn trị trên thế giới.
Kinh tế Nga chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất
Cũng về nước Nga, phụ trang kinh tế của Le Monde nhận định « Nền kinh tế Nga chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất ».
Hôm thứ Ba 19/1, Hội đồng An ninh Liên bang Nga đã sửa đổi lại các ưu tiên chiến lược của đất nước.
Riêng « tình trạng mất cân bằng ngân sách quốc gia » đã được coi là mối đe dọa tiềm tàng, cùng với « tính dễ tổn thương của hệ thống tài chính ».
Đồng rúp hồi đầu tuần đã sụt xuống còn 79 rúp đổi một đô la, chỉ số RTS của thị trường tài chính Matxcơva từ đầu năm đã mất đi 15% giá trị.
Nhưng nhất là lạm phát (từ 12 đến 15% trong năm 2015), thu nhập giảm và nạn suy thoái mà nước Nga đã lâm vào từ một năm qua đã ảnh hưởng mạnh đến nhiều tầng lớp dân chúng.
Số lượng người Nga sống dưới ngưỡng nghèo khổ từ 20,3 triệu vào cuối 2015, tức trên 14% dân số.
Tương tự, loạt bài về cuộc sống của người dân Nga trong thời kỳ ông Putin nắm quyền hiện nay trên tờ Courrier International cho biết, nếu giai cấp trung lưu phải hãm bớt lại nhu cầu tiêu dùng, thì một phần không nhỏ dân chúng đang bị rơi vào cảnh nghèo khó.
Hố ngăn cách giàu nghèo tại Nga hiện nay càng bị đào sâu thêm : 1% người giàu đang kiểm soát 70 % tài sản cả nước.
Theo một cuộc thăm dò, người Nga đang sợ rằng từ 30 đến 50% dân chúng sẽ gia nhập đội quân người nghèo.
Khốn khó nhất là trẻ em, người về hưu và những người làm việc bán thời gian.
Nam giới nhập cư cần học hỏi các tiêu chí văn hóa châu Âu
Cũng tại châu Âu, nhưng về hồ sơ nhập cư, tác giả Michel Guerrin trên Le Monde nhấn mạnh đến chương trình của Na Uy nhằm buộc những người đàn ông nhập cư phải học hỏi « các tiêu chí văn hóa châu Âu », trong khi nhiều nước châu Âu khác lại do dự vì sợ mang tiếng bài Hồi giáo.
Có đến 766 đơn kiện của các phụ nữ được nộp ở Köln, trong đó hơn phân nửa vì bị tấn công tình dục, và không phải tất cả các nạn nhân đều nhờ đến cảnh sát.
Những sự kiện tương tự cũng diễn ra ở các thành phố khác của Đức, tại Áo, Phần Lan, Thụy Sĩ, và trước đây tại Ai Cập.
Hàng trăm người đàn ông đồng loạt nhào vào những người phụ nữ, xé áo, sờ soạng hoặc có những hành động thô bỉ hơn với họ ; hiện tượng này được gọi là « taharosh ».
Khi người phụ nữ Hồi giáo bị coi như món đồ vật sở hữu, bị cấm ra ngoài ban đêm…thì cú sốc đối với người đàn ông nhập cư trước sự « tự do » của phụ nữ phương Tây là dễ hiểu.
Kölner Stadt-Anzeiger, tờ báo chính ở Köln (gọi theo tiếng Pháp là Cologne) đã kêu gọi những người nước ngoài « hãy tôn trọng giá trị của chúng tôi ».
Đó là không mặc áo choàng trùm toàn thân, chấp nhận chỉ trích về tín ngưỡng, tham gia các câu lạc bộ thể dục và các hoạt động cộng đồng…
Tờ báo viết : « Đây là cái giá phải trả để nhận được sự bảo vệ của nước tiếp đón ».
Nữ Tổng thống kỹ trị của Đài Loan
Nhìn sang châu Á, Courrier International có bài viết « Là phụ nữ, tổng thống và độc lập » nói về bà Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen), nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan vừa đắc cử.
Đáng ngạc nhiên nhất là quá trình đi lên của bà : giáo sư đại học rồi trở thành nhà kỹ trị, nhân vật chủ trương độc lập này sẽ phải tìm ra một giải pháp thỏa hiệp với Bắc Kinh.
Bà không thường tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố, không phải là nạn nhân các cuộc chiến chính trị giữa các phe Quốc dân đảng, và Dân Tiến.
Chuyên tâm học lên đến tiến sĩ tại Mỹ và Anh, sau đó bà Thái Anh Văn trở về Đài Loan để dạy học.
Chỉ đến khi tham gia vào ê-kíp chính phủ thương lượng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới hồi tháng Giêng năm 2002, bà mới bắt đầu bước chân vào chính trường.
Tác giả bài viết cho rằng vốn có tài thương thuyết, tân Tổng thống sẽ có lợi thế trong các cuộc thương thảo với Hoa lục sắp tới.
Đài Loan và « thế hệ hoa hướng dương »
Trong phóng sự ảnh mang tên « Đài Loan, thế hệ hoa hướng dương », tuần báo L’Express nói về lớp trẻ được nuông chiều của hòn đảo này, đã gây ngạc nhiên khi làm nên phong trào phản kháng chống lại các hiệp định thương mại với Bắc Kinh.
Mùa xuân năm 2014, phong trào « Hoa hướng dương » bất ngờ dấy động, vào lúc chính quyền tiếp tục muốn áp đặt lên một xã hội ngày càng bất mãn trước sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Sau khi chiếm đóng Quốc hội suốt ba tuần lễ, tập hợp được hàng trăm ngàn người biểu tình, giới trẻ rốt cuộc khiến chính phủ phải lùi bước.
Từ đó đến nay, Đài Loan không còn là một Đài Loan của trước đây.
Sau nhiều năm trượt dài vào móng vuốt êm ái của Bắc Kinh, sự thức tỉnh của lớp trẻ và giai cấp trung lưu đã được diễn đạt qua « cái tát bầu cử » nẩy lửa giáng vào phe Tổng thống mãn nhiệm, bị coi là tay sai của Trung Quốc.
Có 8% cử tri mới đủ tuổi đi bầu lần đầu tiên, và chính họ đã góp phần vào thắng lợi của bà Thái Anh Văn, vốn có các cố vấn xuất thân từ cuộc cách mạng « Hoa hướng dương ».
Bố già Trung Quốc ở châu Phi vào tù vì « đả hổ diệt ruồi »
Liên quan đến Trung Quốc, bài điều tra « Sự sụp đổ của bố già Trung Quốc tại châu Phi » trên Courrier International cho biết Sam Pa, nhà tài phiệt Trung Quốc có ảnh hưởng lớn nhất tại châu Phi đang phải ngồi tù từ ba tháng qua, do các quan chức đầy thế lực mà ông này dựa vào đã bị thất sủng.
Bị phá sản trong việc buôn lậu vũ khí hồi cuối thập niên 90, không đầy mười năm sau ông Sam Pa, người thích gái đẹp và xe sang, đã trở thành người đứng đầu một đế quốc thương mại kiểm soát nhiều tỉ đô la.
Tập đoàn Queensway do ông ta thành lập hoạt động trong nhiều lãnh vực, đầu tư ở khắp bốn châu lục, từ Bắc Triều Tiên, Zimbabwe cho đến Manhattan.
Sam Pa nói nhiều thứ tiếng, sở hữu nhiều hộ chiếu với bảy danh tính khác nhau, chuyên di chuyển bằng máy bay riêng.
Ông ta quen biết nhiều trong giới buôn vũ khí, và nhất là các quan chức cao cấp, nhờ đó thâm nhập được các thị trường mới, khiến gia tài sinh sôi nảy nở.
Nhưng nay nhà tài phiệt này trở thành nạn nhân chiến dịch « đả hổ diệt ruồi » của Tập Cận Bình.
Một ngày trước khi Sam Pa bị bắt, cơ quan chống tham nhũng của đảng đã mở điều tra đối với Tô Thụ Lâm (Su Shulin), lãnh đạo tỉnh Phúc Kiến, quan chức có quan hệ chặt chẽ với Sam Pa trong các hợp đồng ở Angola.
Với Tô Thụ Lâm, có lẽ ông Tập đã chiếu tướng được một con cọp, còn với Sam Pa, thì đã bẫy được chúa tể của đám ruồi.
Ả Rập Xê Út, kinh tế Nga, nhập cư : Tựa chính báo Pháp
Tựa chính các nhật báo Pháp hôm nay nói về các vấn đề xã hội đa dạng. Libération chạy tựa lớn « Điều tra vụ tấn công ở Köln ».
Sau các vụ tấn công tình dục hàng loạt đêm giao thừa dương lịch vừa qua làm sửng sốt cả nước Đức, mọi nghi ngờ đều hướng về một khu phố ở Düsseldorf, nơi có những băng nhóm tội phạm là người nhập cư.
Trên lãnh vực y tế, Le Figaro lo lắng trước « Virus Zika, nạn dịch mới do muỗi lan truyền ».
Hiện diện tại khoảng 15 nước châu Mỹ la-tinh và ở đảo Martinique, loại virus này đe dọa các phụ nữ mang thai, có thể gây quái thai.
Về chính trị, Le Monde quan tâm đến « Tự thú », cuốn sách mới xuất bản của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy nhìn nhận những sai lầm trong thời gian cầm quyền.
Còn về giáo dục, La Croix chạy tít « Tiếng la-tinh và Hy Lạp muôn năm ! », khi có những tiếng nói cất lên bênh vực các cổ ngữ này, cho rằng vẫn có chỗ đứng trong giới trẻ.
Về phía các tuần báo, L’Obs chạy tựa trang nhất « Những người bạn Ả Rập Xê Út của chúng ta », đưa ra những tiết lộ về « một đồng minh cồng kềnh » - theo tờ báo. Không hẹn mà nên, Le Point nhấn mạnh « Ả Rập Xê Út, vương quốc làm rung chuyển thế giới » với các hồ sơ dầu lửa, thánh chiến và Iran.
L’Express kêu gọi « Hãy chủ động thời gian » trước áp lực công việc, trong một thế giới kết nối internet.
Le Courrier International dành hẳn chủ đề tuần này để mô tả « Cuộc sống dưới thời Putin ».
Trừng phạt kinh tế, đồng rúp lao dốc, can thiệp quân sự vào Syria đã làm cho cuộc sống thường nhật của người dân Nga ngày thêm khó khăn.