Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài

               Suy Tư Dòng Đời:

  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dưới áp lực đường phố, chính quyền Irak buộc phải diệt tham nhũng

IRAQ-REFORM

Người biểu tình hô khẩu hiệu chống tham nhũng và nạn cúp điện nước, tại quảng trường Tahrir, Bagdad ngày 07/08/2015.
REUTERS/Thaier Al-Sudani

Ba chức vụ phó tổng thống và ba phó thủ tướng bị dẹp bỏ « tức khắc » : đó là một trong những quyết định khẩn cấp được chính phủ Irak chấp thuận để xoa dịu căm phẫn của người dân, trong loạt cải cách sâu rộng được thông báo trong ngày Chủ nhật 09/08.

Tệ nạn tham ô đã làm hàng ngàn người xuống đường hôm thứ Sáu với lời đe dọa sẽ biểu tình mỗi tuần cho đến khi chế độ được trong sạch hóa « không còn bọn ăn cắp ».

Trước sức ép của dân chúng, với hàng ngàn người biểu tình hôm thứ Sáu tuần trước tại Bagdad trong bối cảnh mùa hè oi bức gần 50°C và nạn cúp điện triền miên, chính phủ Haider Al Baradi đã chấp thuận một loạt biện pháp cải tổ sâu rộng guồng máy nhà nước.

Ngay giáo chủ hệ phái Shia, Ali Al Sistani, thuộc phe cầm quyền, cũng gây sức ép với thủ tướng Irak kêu gọi lãnh đạo phải « dũng cảm hơn, bạo dạn hơn » bài trừ nạn tham ô và công khai tố cáo đích danh những quan chức bê bối.

Tình trạng tham nhũng tại Irak đã được Liên Hiệp Quốc đưa ra ánh sáng trong một bản báo cáo công bố ngày 24/06/2013.
Gần phân nửa những công dân Irak trả lời các câu hỏi điều tra than phiền là họ phải « lót tay » công chức để « rút ngắn thời gian và thủ tục hành chánh ».

 Trung bình mỗi ba tháng thì một công dân Irak có chuyện phải hối lộ một lần : 19% là lót tay y tá bác sĩ, 15,5% nộp phong bì cho nhân viên công quyền và 14,2% cho cảnh sát.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc đưa ra một số nhận định vừa bi quan và lạc quan.
Bi quan vì phần đông nạn nhân cũng như công chức trong sạch không dám tố cáo tham nhũng do sợ bị trả thù.

Lạc quan vì theo kết quả gặt hái được từ khi thành lập vào năm 2004, Cơ quan Bài trừ tham nhũng đã dần dần hoạt động có hiệu quả và có kết quả thấy được: từ 7.800 trường hợp trong năm 2009 lên 12.500 hai năm sau đó và có đến 90% vụ tham ô bị pháp luật điều tra tội hình sự.
Trong năm 2011, gần 900 quan chức bị kết án tù.

Tệ nạn tham ô tại Irak bắt nguồn từ kỳ thị hệ phái Hồi giáo và sắc tộc. Thời nhà độc tài Saddam Husein thuộc hệ phái Sunni, người Shia và Kurdistan bị xem là công dân hạng hai, bị đàn áp và trù dập. Chín năm sau khi Saddam Husein bị giết chết, cộng đồng Sunni cảm thấy bị trả thù.

Trong bộ máy chính quyền mới, quyền lực chia đều cho ba thế lực : tổng thống là người Kurdistan, thủ tướng là người Shia còn chủ tịch Quốc hội là người Sunni .
Từ thỏa hiệp này, tuyển mộ công chức cũng tuân theo « định mức » thỏa hiệp.

Kế hoạch bài trừ tham nhũng vừa được chính phủ Irak thông qua dự trù sẽ bỏ lối tuyển dụng công chức theo « tỉ lệ » sắc tộc và hệ phái Hồi giáo, từng bị Liên Hiệp Quốc khuyến cáo trong quá khứ, để thay thế bằng thi tuyển theo năng lực.
Công chức cao cấp cũng phải được tuyển dụng theo yếu tố tài năng.

Qua sức ép của đường phố, các biện pháp cấp dưỡng dồi dào cho quan chức hồi hưu hay còn tại chức, từ xe hơi cho đến phụ cấp « đặc biệt » sẽ bị hủy bỏ theo chương trình chống tham ô.

Theo AFP, trong số các quyết định gây phấn chấn lòng dân, đưa đến một cuộc biểu tình ủng hộ thủ tướng hôm Chủ nhật ngay sau khi được thông báo, là dẹp 6 chức vụ lãnh đạo : ba phó thủ tướng và ba phó tổng thống trong đó có ông Nouri Al Maliki, tiền nhiệm và cũng là đối thủ của thủ tướng Haider Al Abadi.

Chi tiết đáng chú ý là bản thân ông Nouri AlMaliki, kẻ nổi tiếng tham ô, độc đoán và đàn áp hệ phái Sunni không nương tay khiến cho một bộ phận của phe này chạy theo tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, cũng đồng ý với kế hoạch bài trừ tham nhũng.

Cũng trong khuôn khổ cải cách, cơ quan chống tham nhũng sẽ được tăng thêm thẩm quyền, chi tiêu nhà nước được cắt giảm, một loạt hồ sơ tham ô cũ cũng như hiện hành sẽ được mở lại dưới sự giám sát của một ủy ban đặc nhiệm.

Một cách cụ thể là tòa án chống tham nhũng đã được đèn xanh mở lại điều tra đơn tố cáo phó thủ tướng đặc trách năng lượng Bahaa Al Araji tham ô.
Chức vụ của nhân vật bị dân căm phẫn là một trong 6 ghế bị dẹp bỏ trong kế hoạch cải cách.

Trong bản báo cáo năm 2013, Liên Hiệp Quốc đã cảnh cáo : tham ô là một trong những thách thức lớn nhất của chính quyền Irak trong bối cảnh đất nước tìm cách xây dựng nền tảng cho một chế độ dân chủ.


Switch mode views: