Thượng đỉnh BRICS khai mạc trong bối cảnh khó khăn kinh tế
- Thứ Bảy, 15 tháng Mười năm 2016 14:38
- Tác Giả: Thanh Hà, Thanh Phương
Thượng đỉnh khối BRICS khai mạc tại thành phố Goa, tây nam Ấn Độ, ngày 15/10/2016.
REUTERS/Danish Siddiqui
Thượng đỉnh BRICS lần thứ 8 mở ra trong hai ngày 15 và 16/10/2016 tại Goa, miền tây nam Ấn Độ.
Năm nền kinh tế đang trỗi dậy gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi họp thượng đỉnh trong bối cảnh, BRICS không còn sức hấp dẫn như 15 năm trước, khi vừa được hình thành.
Ngoại trừ nước chủ nhà là Ấn Độ, kinh tế của bốn đối tác còn lại trong khối đang bị chựng lại.
Thông tín viên đài RFI từ New Delhi, Sébastien Farcis giải thích :
« Các nền kinh tế mới trỗi dậy đến dự thượng đỉnh Goa trong tình trạng suy yếu. Nước Nga đang hồi suy thoái do giá dầu khí giảm.
Brazil cũng bị ảnh hưởng vì giá nhiên nguyên liệu tụt giảm và cùng lúc, phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.
Còn tại Trung Quốc, sản xuất công nghiệp đang bị chựng lại.
Nhưng nhóm BRICS vẫn muốn đưa một nền tảng chiến lược hữu ích cho các nền kinh tế đang vươn lên. Nga và Trung Quốc muốn một khối BRICS vững mạnh làm đối trọng với phương Tây.
Còn Ấn Độ, suốt cuối tuần này, sẽ vận động để lên án khủng bố với mục tiêu cô lập Pakistan trên phương diện ngoại giao.
Theo quan điểm của New Delhi, Pakistan ủng hộ các nhóm thánh chiến Hồi giáo chống lại Ấn Độ.
Trong lĩnh vực kinh tế, thành công đầu tiên của khối BRICS là đã thiết lập được một ngân hàng đầu tư.
Ngân hàng này sẽ tài trợ những dự án đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với tổng số tiền là 735 triệu euro.
Ngân hàng đầu tư mới của BRICS cần bơm một khoản tiền hơn 3 tỷ euro để phát triển các cơ sở hạ tầng mới.
Giờ phải chờ xem tình hình tài chính mong manh hiện nay của năm nước này có đủ sức để vượt qua được thách thức đó hay không ».
Hiệp định năng lượng, quốc phòng Ấn – Nga
Bên lề thượng đỉnh BRICS, hôm nay (15/10/2016) tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký kết các hiệp định trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng, một dấu hiệu cho thấy quan hệ hai nước được thắt chặt thêm.
Trong số các hiệp định đó, có hiệp định về việc Matxcơva cung cấp cho New Dehli hệ thống tên lửa phòng không mới nhất, S-400.
Là quốc gia nhập khẩu thiết bị quốc phòng hàng đầu thế giới, Ấn Độ hiện đang tiến hành nâng cấp các thiết bị quân sự có từ thời Liên Xô, với kinh phí lên tới 100 tỷ đôla, nhằm bảo vệ các đường biên giới với Pakistan, kẻ thù không đội trời chung, và với Trung Quốc, một cường quốc ngày càng hùng mạnh.
Thủ tướng Modi và tổng thống Putin cũng sẽ ký các hiệp định về năng lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nhiên liệu và điện của nền kinh tế Ấn Độ, đang tăng trưởng mạnh.
Vào thời chiến tranh lạnh, Ấn Độ đã là đồng minh quân sự thân cận nhất của Liên Xô và một trong những nước nhập khẩu thiết bị của Liên Xô nhiều nhất.
Nhưng trong những năm gần đây, New Dehli đã quay sang mua các thiết bị quân sự của Hoa Kỳ.
Tin mới
- Thái Lan nhìn về quốc vương tương lai với đầy âu lo - 16/10/2016 23:06
- Hoa Kỳ cố thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria - 16/10/2016 18:14
- Bão Sarika sắp đổ bộ lên Việt Nam - 16/10/2016 18:03
- Tên lửa S-400 của Nga giúp Ấn Độ tăng cường phòng thủ - 16/10/2016 17:45
- Hoa Kỳ phát hiện một vụ bắn tên lửa bất thành của Bắc Triều Tiên - 16/10/2016 17:38
- Mưa bão đầu mùa gây khốn đốn cho dân vùng Vịnh - 15/10/2016 20:49
- Ngoại trưởng Mỹ: Không còn ‘tàn dư cộng sản’ ở Việt Nam - 15/10/2016 20:42
- United Airlines trở ngại điện toán, hàng ngàn người lỡ chuyến bay - 15/10/2016 20:33
- Bỉ: Vùng Wallonie chống hiệp định tự do mậu dịch châu Âu-Canada - 15/10/2016 20:12
- Hoa Kỳ giảm nhẹ thêm các biện pháp trừng phạt Cuba - 15/10/2016 20:00