Ngân hàng Thế giới xóa đoạn báo cáo chỉ trích Trung Quốc
- Chúa Nhật, 05 tháng Bảy năm 2015 19:53
- Tác Giả: Trọng Thành
Cổ phiếu Trung Quốc sụt giảm đến 30% trong vòng có hai tuần.
REUTERS/Aly Song
AFP ngày 05/07/2015 cho biết, Ngân hàng Thế giới, có trụ sở tại Washington, vừa xóa bỏ một đoạn trong báo cáo về kinh tế Trung Quốc.
Đây là đoạn văn có nội dung chỉ trích mạnh mẽ nền kinh tế thứ hai thế giới, đặc biệt là sự mờ ám trong lĩnh vực tài chính.
Ngày 01/07/2015, Ngân hàng Thế giới ra báo cáo khẳng định những thành quả của ba thập niên phát triển của Trung Quốc có khả năng bị hủy hoại, nếu sự hiện diện rộng khắp của Nhà nước Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính không được thu hẹp lại.
Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị Trung Quốc sửa đổi lại « tình trạng lãng phí trong một số đầu tư, tình trạng nợ nần chồng chất, và một hệ thống tài chính phi chính thức rất ít được điều chỉnh bằng pháp luật ».
Tuy nhiên, hai ngày sau đó, định chế này ra thông điệp cho biết đoạn văn này đã bị xóa, với lời giải thích : « Đoạn 3 về lĩnh vực tài chính trước đây nằm trong báo cáo đã được xóa bỏ, vì đoạn này không tuân thủ quy chế kiểm tra và thẩm định thông thường của Ngân hàng Thế giới ».
AFP không liên lạc được với các đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Bắc Kinh hôm nay.
Đoạn báo cáo này chỉ trích hệ thống tài chính mờ ám của Trung Quốc vừa bị xóa bỏ, trong bối cảnh chứng khoán của Trung Quốc đang điêu đứng, với trị giá cổ phiếu sụt giảm gần 30% chỉ trong hơn hai tuần lễ (từ giữa tháng 6/2015), tạo một không khí gần như hoảng loạn.
Đợt sụt giảm chưa từng có này đánh dấu chấm hết cho một giai đoạn sốt chứng khoán, kéo dài từ hơn nửa năm nay, với trị giá cổ phiếu tăng hơn gấp đôi.
Nguồn tín dụng chủ yếu thúc đẩy bong bóng chứng khoán này là các khoản cho vay hết sức dễ dãi, và không được kiểm soát, tại « thị trường tín dụng không chính thức », với lãi suất lên đến 17%./năm.
Theo nhận định của Reuters, thị trường tín dụng không chính thức tại Trung Quốc có sự tham gia của các ngân hàng thương mại lớn nhất nước, tất cả đều là ngân hàng công, nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, các công ty đầu tư và vô số các công ty chứng khoán khác.
Rất nhiều trong số các tổ chức trung gian này chỉ mới tồn tại chưa đầy một năm nay, nhưng thường nhận được sự hậu thuẫn của các ngân hàng hay doanh nghiệp nhà nước, và hoạt động bên ngoài sự kiểm soát của các cơ quan tài chính hay chứng khoán.
Vẫn theo Reuters, cho dù cổ phiếu Trung Quốc sụt giá tổng cộng hơn 2.000 tỷ euro trong bốn tuần gần đây, mô hình vận hành hiện nay vẫn còn chưa bị đặt thành vấn đề.
Bắc Kinh và các định chế tài chính Trung Quốc lo ngại chứng khoán sụp đổ làm bất ổn thêm thị trường tài chính, khiến tăng trưởng kinh tế vốn đã chững lại bị ảnh hưởng thêm nữa.
Hôm nay, chính quyền Trung Quốc vừa bắt giữ một người đàn ông 29 tuổi, bị nghi ngờ đã truyền đi trên mạng tin đồn, theo đó nhiều người đã nhảy lầu tự sát, vì chứng khoán sụp đổ.
Tin mới
- Những điều ít biết trong nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - 07/07/2015 14:23
- Du lịch Việt Nam liên tục tuột dốc - 06/07/2015 17:35
- Hy Lạp : Phe chống thắng lợi, tương lai bất định - 06/07/2015 16:42
- Phong trào dân chủ Hồng Kông không đe dọa "an ninh quốc gia" - 06/07/2015 16:34
- Bắc Kinh khẳng định tôn trọng người Duy Ngô Nhĩ - 06/07/2015 15:54
- Người Mỹ gốc Hoa dùng thẻ tín dụng giả trộm $75,000 - 06/07/2015 00:46
- Putin: Quan hệ Mỹ-Nga là chìa khoá giải quyết khủng hoảng thế giới - 05/07/2015 21:37
- Chuột được huấn luyện để rà mìn ở Cambodia - 05/07/2015 21:14
- Syria : Mỹ dội mưa bom xuống thủ phủ của IS - 05/07/2015 20:24
- Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc căng thẳng vì người Duy Ngô Nhĩ - 05/07/2015 20:02