Liệu Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thành công ?
- Thứ Năm, 31 tháng Mười Hai năm 2015 20:23
- Tác Giả: RFI
Quốc kỳ các nước ASEAN tại trong hội nghị tại Indonesia.
wikipedia
Hôm nay, 31/12/2015, Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN (AEC) chính thức ra đời, với mục tiêu hướng tới là lập một thị trường chung, trên cơ sở mô hình Liên Hiệp Châu Âu, để có thể làm đối trọng với Trung Quốc, cường quốc khổng lồ trong khu vực Châu Á.
Khu vực Đông Nam Á với 634 triệu dân, là khối thương mại đứng hàng thứ ba tại Châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Xét về tiềm năng, Cộng đồng kinh tế ASEAN có thể trở thành đối tác xuất khẩu cũng như nhập khẩu đứng hàng thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.
Hiện nay, trao đổi thương mại giữa các nước trong ASEAN chiếm gần 25% tổng xuất nhập khẩu của khu vực này và sẽ tăng khoảng 10% mỗi năm. ASEAN hy vọng là vào năm 2020, tỷ lệ xuất nhập khẩu bên trong AEC sẽ lên tới 30%.
Giấc mơ của ASEAN về một thị trường chung duy nhất, theo mô hình Liên Hiệp Châu Âu, đã được thai nghén từ lâu.
Tuy đã được chính thức ra đời, nhưng AEC vẫn chỉ là một vỏ rỗng. Để có thể phát triển theo mô hình Liên Hiệp Châu Âu, theo giới chuyên gia, AEC còn thiếu vắng một số yếu tố cơ bản cũng như phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn.
Trước tiên, Ban Thư ký ASEAN đặt tại Jakarta, thủ đô Indonesia, quá nhỏ bé, ngân sách hoạt động và nhân lực rất hạn chế, đặc biệt là không có thẩm quyền như Ủy ban Châu Âu tại Bruxelles, trong vai trò gần như là chính phủ của Châu Âu.
Trong AEC, thẩm quyền vẫn thuộc về các bộ chủ quản của từng nước và gây khó khăn cho việc phối hợp khi cần phải xử lý một vấn đề chung.
Yếu tố thứ hai là chưa có sự hài hòa, đồng nhất về luật pháp bên trong ASEAN. Kể từ 01/01/2016, Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN bước vào hoạt động với một loạt các luật lệ khác nhau, trong lĩnh vực tiêu dùng, bảo hộ trí tuệ, luật về công ty, đất đai, bất động sản, đầu tư v.v.
Cho đến nay, ASEAN chưa có mạng lưới ngân hàng chung, một đơn vị tiền tệ có thể được coi là đồng tiền chung, thậm chí một số đồng tiền quốc gia không thể chuyển đổi, giữa các nước ASEAN chưa có thỏa thuận chống đánh thuế hai lần, thỏa thuận về nhập cư.
Một số trở ngại khác xuất phát từ bản chất của ASEAN, như mọi quyết định phải có được đồng thuận chung, áp dụng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Điều đó có nghĩa là ASEAN không có một cơ chế thực thụ giải quyết các vấn đề khủng hoảng.
Bên cạnh đó, còn có nhiều yếu tố khác cản trở sự phát triển một cộng đồng kinh tế chung, như thiếu quyết tâm chính trị, (Thái Lan đang khủng hoảng về cơ chế lãnh đạo, Malaysia đối mặt với nạn tham nhũng, Việt Nam không hồ hởi vì các doanh nghiệp chưa thể cạnh tranh với các đối tác trong khu vực…), tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong địa hạt kinh tế vẫn còn rất nặng nề.
Do vậy, việc áp dụng lộ trình giảm hàng rào thuế quan và đặc biệt là hàng rào phi thuế quan, cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải giữa các nước, thực hiện một chính sách kỷ cương để buộc các thành viên phải tuân thủ những cam kết, đó là những trở ngại to lớn mà các nước trong AEC phải vượt qua.
Ông John Pang, thuộc trường nghiên cứu quan hệ quốc tế Rajaratnam, ở Singapore, được AFP trích dẫn, nhận định : « AEC sẽ không mang lại ngay những những thay đổi triệt để ».
Tuy nhiên, theo tạp chí trên mạng Eurasia Review, thì không nên coi sự phát triển chậm trễ của AEC là một thất bại của ASEAN.
Kể từ khi được thành lập đến nay, ASEAN vẫn « thủng thỉnh » như vậy khi ra các quyết định quan trọng. Ví dụ việc kết nạp Timor Leste làm thành viên thứ 11 đã kéo dài từ bốn năm nay.
Câu hỏi chính là liệu AEC có thu hút được đầu tư ngoại quốc hay không ? Nếu không, cộng đồng kinh tế này sẽ có số phận giống như dự án « Tam giác phát triển Indonesia-Malaysia-Thái Lan (IMT-GT) » hay « Khu vực phát triển Đông ASEAN Brunei-Indonesia-Malaysia-Philippines (BIMP-EAGA)».
Các dự án này chỉ còn tên gọi, nhưng hoàn toàn không có hoạt động hợp tác cụ thể gì kể từ khi được thành lập.
Tin mới
- Thế kẹt của Trung Quốc trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên - 07/01/2016 17:03
- Cảm nghĩ của một công dân trước hiện tình nguy ngập của đất nước - 06/01/2016 23:55
- Phe Taliban tổng tấn công để gây sức ép đàm phán - 06/01/2016 19:55
- Biển Đông : Bắc Kinh bắt đầu thực hiện ý đồ quân sự hóa Trường Sa ? - 05/01/2016 19:19
- Xung khắc Riyad-Teheran có nguy cơ kéo Trung Đông vào bạo loạn - 04/01/2016 18:25
- TPP VÀ DIỄN BIẾN DÂN CHỦ HÓA VIÊT NAM - 03/01/2016 06:56
- Trung Quốc không còn che giấu tham vọng quân sự - 02/01/2016 21:50
- Kinh tế Mỹ sáng sủa, tương lai toàn cầu kém xán lạn - 02/01/2016 05:44
- Ukraina khẳng định sự chuyển hướng sang phương Tây - 01/01/2016 21:32
- Trung Cộng, con cờ của tập đoàn tư bản tài chánh Mỹ gốc Do Thái - 31/12/2015 21:55