Tổng thống Pháp lo việc nước trước chuyện nhà
- Thứ Tư, 15 tháng Giêng năm 2014 01:34
- Tác Giả: Tú Anh
Tổng thống François Hollande : Có tề gia thì mới trị quốc ? - REUTERS
Chiều nay 14/01/2014, Tổng thống François Hollande sẽ trực diện với 600 nhà báo Pháp và ngoại quốc trong cuộc họp báo thường kỳ mỗi sáu tháng.
Sau năm 2013 đầy khó khăn, chủ nhân điện Elysée sẽ phải trả lời chất vấn trên hai mặt trận nhạy cảm : sóng gió kinh tế, chính trị và bão tố trong gia đình. Tình thế có vẻ gay go nhưng không chắc là tệ hại.
Năm 2013 vừa kết thúc là một năm « xấu » đối với Tổng thống Pháp François Hollande : hàng loạt cuộc biểu tình chống tăng thuế và sa thải công nhân, xu hướng thất nghiệp vẫn còn cao, kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria bị đình chỉ, tình hình Mali tạm ổn định nhưng đoàn quân viễn chinh vãn hồi an ninh tại Trung Phi có dấu hiệu sa lầy.
Chính sách tái cấu trúc kinh tế đang thực hiện một cách đớn đau làm cho tỷ lệ dân chúng bất bình gia tăng.
Theo kết quả thăm dò ý kiến công bố đầu tuần này, 74% dân Pháp không tin cậy vào Tổng thống François Hollande, một kỷ lục.
Tổng thống Pháp đặt hy vọng vào cuộc họp báo hôm nay để khôi phục lại niềm tin, giải thích đường hướng chiến lược phát triển theo như mong đợi của giới quan sát và các tác nhân kinh tế.
Vào cuối năm 2013, ông đề nghị với giới chủ nhân một « khế ước » bài trừ thất nghiệp : chính phủ giảm thuế cho xí nghiệp, đổi lại giới chủ nhân phải thu nhận nhân công. Đề nghị này đã được Nghiệp đoàn chủ nhân đồng ý và cam kết trong vòng năm năm sẽ tạo ra một triệu việc làm tức tương đương với một phần ba số người thất nghiệp hiện nay.
Công ăn việc làm là mối ưu tư số một của người Pháp cho nên mọi người chờ đợi Tổng thống Pháp giải thích giải pháp « đôi bên cùng có lợi » cụ thể như thế nào ?
Phải chăng Tổng thống « xã hội » đã đổi hướng theo trường phái kinh tế « tự do », ngả theo quyền lợi của giới chủ xí nghiệp hơn là bảo đảm thụ đắc xã hội cho giới công nhân ?
Trong năm 2014, người dân còn phải thắt lưng buộc bụng thêm nữa hay không ?
Dù một phần cử tri đảng Xã Hội nói riêng và cánh tả nói chung lo ngại nhưng đó là cái giá phải trả để làm giảm thất nghiệp và qua đó làm nhẹ đi gánh nặng cho ngân sách nhà nước bị thâm thủng từ vị tổng thống này này đến vị tổng thống khác.
Tổng thống François Hollande còn được báo chí chờ đợi trên hồ sơ Trung Phi.
Chưa bao giờ một cuộc can thiệp quân sự để tái lập hòa bình ngăn chận thảm sát chỉ được hậu thuẫn thấp, ít oi trong công luận quốc gia như thế.
Trên các hồ sơ quan trọng này, người dân mong chờ Tổng thống giải thích rõ mục tiêu và lợi ích.
Trong lãnh vực chính trị, năm 2014 này còn là năm thử thách lớn lao của Tổng thống Hollande và đảng Xã Hội với hai cuộc bầu cử : chính quyền địa phương và Nghị viện châu Âu.
Cho đến nay, các kết quả thăm dò ý kiến đều khá bi quan cho phe tả.
Cuộc họp báo hôm nay cũng là cơ hội để tổng thống Pháp trình bày những luận điểm là ông cho là chính đáng nhất để thuyết phục cử tri đang nghi ngờ tài năng của tổng thống và thất vọng khả năng điều hành của chính phủ Xã hội. Bao nhiêu thắc mắc, nghi vấn đang chờ Tổng thống giải thích.
Tuy nhiên, giới quan sát dự báo là thông điệp của chủ nhân Điện Elysée sẽ bị « nhiễu sóng » vì chuyện lục đục trong gia đình.
Đầu tiên, một tờ báo tiết lộ tổng thống có tình nhân là nữ diễn viên điện ảnh Julie Gayet.
Kế tiếp, người vợ không hôn thú của ông là nữ ký giả Valérie Trierweiler vào bệnh viện từ ba hôm nay sau khi chuyện này bị phanh phui. Dường như, bà đang chờ ông Hollande lý giải vấn đề này mới xuất viện.
Một nhân vật lãnh đạo của đảng Xã Hội nhìn nhận : cuộc họp báo với các vấn đề tế nhị đã khó mà hồ sơ « cơm không lành canh không ngọt » trong gia đình tổng thống lại càng làm phức tạp thêm.
Mọi người chờ xem chính trị gia Hollande, một người có tiếng quyền biến, sẽ đối phó ra sao trước các câu hỏi của đạo quân phóng viên .
Giới báo chí nước ngoài cũng theo dõi rất kỹ chuyện tình của Tổng thống Pháp và lượng định thiệt hại chính trị, nhưng với nhãn quan khá độ lượng.
Chẳng hạn trên đài CNN, một chuyên gia Mỹ nhận định nếu vụ việc này xảy ra tại Hoa Kỳ thì đã có từ chức còn ở Pháp , đời tư được bảo vệ.
Liệu tổng thống Hollande chứng minh được : theo truyền thống Pháp thì « trị quốc » quan trọng hơn là « tu thân và tề gia » ?