Vĩnh biệt Britannica! |
Tác Giả: Nguyễn Hưng Quốc | |
Thứ Tư, 21 Tháng 3 Năm 2012 04:42 | |
Britannica sẽ đình chỉ việc xuất bản trên giấy để tập trung vào ấn bản điện tử trên internet Mới đây, Ban giám đốc Từ điển Bách khoa Toàn thư Britannica tuyên bố họ sẽ đình chỉ việc xuất bản trên giấy để tập trung vào ấn bản điện tử trên internet. Đọc bản tin ấy, tự dưng thấy buồn buồn. Thật ra, tôi chưa bao giờ có bộ Bách khoa Britannica trong nhà cả. Không có không phải vì không thích. Thích chứ. Ai mê sách mà lại không thích sở hữu một bộ từ điển đồ sộ nổi tiếng, như một lâu đài tri thức của nhân loại, như thế. Chỉ có điều là, do chút cân nhắc, tôi quyết định không mua, dù trong lòng lúc nào cũng thèm thuồng. Thành ra, với tôi, bộ từ điển ấy cứ hiện hữu như một người tình ở xa. Năm 1991, lúc tôi từ Pháp sang định cư ở Úc, việc bán Từ điển Bách khoa Toàn thư Britannica đang được mùa. Hầu như đến nhà người nào cũng thấy một cái kệ thâm thấp để một dãy gồm mấy chục cuốn dày cộm và chi chít chữ. Sau, tôi mới biết có nhiều người chỉ sống bằng nghề đến từng nhà, từng nhà để giới thiệu Britannica. Tôi chỉ nhớ mang máng thời ấy, giá một bộ như thế cũng đến trên dưới một ngàn rưỡi đô-la. So với vật giá thời ấy, đó là số tiền lớn. Nhưng nhiều người vẫn mua. Tôi biết, trong số đó, có nhiều người không hề thích đọc sách. Nhất là sách bằng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ họ còn rất lạ lẫm. Bao nhiêu năm bộ từ điển khổng lồ nằm yên trong nhà, dù phủ đầy bụi, vẫn còn trinh trắng, chưa có một bàn tay nào đụng vào. Hỏi, mới biết có nhiều lý do. Trước hết, là vì thời thượng: thấy ai cũng có nên mình cũng mua. Để bằng người khác. Sau nữa, có chút gì như tâm lý sùng tín sách vở, xuất phát từ mặc cảm của những người tị nạn còn ít nhiều ngơ ngác trên đất khách: cứ nghĩ, nếu có bộ từ điển bách khoa toàn thư ấy ở nhà, một lúc nào đó, mình sẽ biết được mọi chuyện, và như thế, cũng sẽ rất trí thức. Tuy nhiên, tôi nghĩ, lý do này mới là quan trọng nhất: người ta hy vọng con cái sẽ học được nhiều điều ở đó. Người Việt vốn thương con và vốn trọng học vấn, ai cũng mong con cái học giỏi để được thăng tiến trong xã hội. Nhưng trong hoàn cảnh những năm đầu tị nạn, còn ngỡ ngàng và lúng túng trong cuộc sống mới và giữa một nền văn hoá mới, người ta biết không thể giúp đỡ được gì nhiều trong chuyện học hành của con cái. Ở Việt Nam, đi học về, con cái hỏi, bố mẹ còn có thể giải đáp. Ở đất khách, với nhiều người, việc đó trở thành vô vọng. Bộ từ điển bách khoa toàn thư nặng trĩu kia xuất hiện như một vị cứu tinh. Con cái hỏi gì, bố mẹ chỉ cần hất hàm về phía…bửu bối. Thế là xong. Viết như trên, tôi chỉ muốn bày tỏ một sự thông cảm đối với tâm lý của những người tị nạn trong giai đoạn đầu chứ không hề có ý mỉa mai. Vả lại thời ấy, không phải chỉ có người Việt Nam mới đua nhau mua Britannica. Cả người Úc cũng thế. Đến nhà bạn bè người Úc, tôi cũng thấy những cái kệ thâm thấp bày chật những cuốn từ điển dày cộm như thế. Đó cũng chính là thời huy hoàng nhất của Britannica: có năm, riêng ở Mỹ, họ bán được đến 120.000 bộ. Hơn nữa, ngay cả khi đó chỉ là chuyện thời thượng thì, theo tôi, việc bỏ tiền ra mua sách, dù để trang trí, cũng là một việc đáng khuyến khích. Bản thân tôi vẫn thích trang trí nhà bằng sách. Tôi xem là đẹp những bức tường bày đầy sách. Một số bạn bè tôi cũng vậy. Cũng giành phần quan trọng nhất trong nhà để bày sách và giành những giây phút thanh thản nhất để ngắm nghía những cuốn sách ấy. Có người lâu lâu lại tẩn mẩn ngồi đếm số lượng sách mình có trên kệ. 500 cuốn ư? – Ít quá. Họ lại thu vén tiền bạc để mua thêm. Từng cuốn. Từng cuốn. Đến lúc mặt tường đã chật cứng sách, họ không giấu được niềm vui sướng đến hả hê. Không ai có thể phủ nhận chính những cuốn sách như thế đã thúc đẩy văn hóa và văn minh nhân loại tiến triển vượt bậc. Có thể nói một cách ngắn gọn, nền văn hóa và văn minh hiện đại được xây dựng trên một cái nền chính: sách. Sách, một mặt, giúp kiến thức được tích lũy và bảo tồn, lưu truyền từ đời này sang đời khác, mặt khác, giúp các kiến thức được đối chiếu, cọ xát với nhau, và dưới mắt nhìn mang tính phê phán của người đời, bổ sung, tự làm hoàn chỉnh và cuối cùng, làm nẩy nở các kiến thức mới. Cứ thế, kiến thức đẻ ra kiến thức. Trong các loại sách, các cuốn từ điển, đặc biệt tự điển bách khoa, tồn tại như những tập đại thành, tổng kết kiến thức của cả một thời đại. Năm 1768, khi bộ bách khoa toàn thư đầu tiên Britannica gồm ba tập ra đời, nó được chào đón như một kết tinh của cả quá trình học tập, tìm kiếm và phát minh của nhân loại trong hàng mấy chục thế kỷ, và như một hình ảnh tiêu biểu của thời kỳ Khai sáng, lúc trí tuệ được lên ngôi. Sau này, càng ngày Britannica càng được mở rộng và phát triển. Năm 2010, ấn bản của Britannica gồm đến 32 tập, nặng đến gần 59 ký (129 pounds), chứa đựng vô số những kiến thức mà nhân loại đã tích lũy được. Tuy nhiên, dù có ý nghĩa lớn lao như vậy, sức bán của Britannica càng ngày càng giảm sút. Ấn bản năm 2010 chỉ bán được có 8000 bộ. Bốn ngàn bộ khác, nặng tổng cộng đến 236.000 ký, vẫn nằm trong kho: Nếu không ai mua, chúng sẽ bị chở đến các hãng tái chế giấy, ở đó, sẽ bị xay nát để được hóa thân thành những tờ giấy trắng. Trắng tinh. Tại sao Britannica bản in trên giấy lâm vào hoàn cảnh khốn cùng như vậy? Câu trả lời rất rõ: Nó bị internet tấn công! Thứ nhất, từ đầu thập niên 1990, tiên đoán được xu hướng phát triển của thời đại, Britannica đã chuẩn bị cho các hình thức tồn tại mới: thoạt đầu, dưới hình thức CD, sau đó, trên các website. Những năm gần đây, trong tổng số thu nhập của Britannica, tiền bán từ điển trên ấn bản bằng giấy chỉ chiếm có 1%, trong khi đó số tiền thu được trên internet lên đến 15% (số còn lại là đến từ việc bán tài liệu giảng dạy và tham khảo cho các trường học đủ mọi cấp, 85%). Thứ hai, ngay trên internet, Britannica cũng bị cạnh tranh gay gắt từ Wikipedia, một loại từ điển bách khoa toàn thư… chùa, vốn được viết bởi hàng chục ngàn cộng tác viên vô danh trên khắp thế giới. Trước, giới hàn lâm nhìn Wikipedia bằng cặp mắt khá coi thường. Sinh viên ở các đại học thường được dặn dò: không được sử dụng tài liệu trên Wikipedia trong các bài luận văn. Dần dần, về sau, ấn tượng xấu về Wikipedia càng ngày càng giảm. Năm 2005, tạp chí khoa học Nature làm một cuộc điều tra thử, thấy trong 42 đề mục được xem xét cẩn thận, số lỗi trung bình trong một bài trên Wikipedia là 4, trên Britannica là 3. Mức chênh lệch ấy, thật ra, không đáng kể mấy. Bởi vậy, cái chết của Từ điển Bách khoa Toàn thư Britannica ấn bản bằng giấy không những cho thấy sức uy hiếp của internet trên số phận nền văn hóa trên giấy in mà còn cả sức uy hiếp của tập thể vô danh trên một tầng lớp chuyên gia ít ỏi. Chưa ai biết tương lai nhân loại sẽ đi về đâu trước sức uy hiếp của hai thế lực ấy. |