Gà bây giờ không là thú chơi tao nhã nghệ thuật, nó trở thành môn bài bạc ăn thua đỏ đen như ở sòng bài.
|
Điểm đá gà nóng này biến hiện bất thường nhưng rất nổi tiếng, dân mê gà độ ai cũng biết. Thoạt nhìn thì chỉ là con đường trong khu Việt Nam Thương Tín đang bị quy hoạch treo lâu năm hơi vắng lặng, nhưng đùng cái biến thành nơi chọi gà ồn ào huyên náo lúc nào không biết. Có động thì nó tan ngay, ẩn giấu vào các ngõ hẻm gần đó thật mau. Còn dân chọi gà thì làm độ bằng điện thoại di động mỗi người một nơi, chỉ hẹn đúng giờ mới đến thật linh hoạt! Và nó đã xuất hiện liên tục như thế hàng chục năm nay.
Cũng có lúc nhóm chọi gà bị hốt, bị lấy sạch gà và tiền bạc, bị phạt nhưng chỉ trong một hai ngày rồi lại ngang nhiên xuất hiện đánh đá ồn ào như bình thường! Hiện nay các hoạt động lễ hội cổ truyền hiện ra khắp nơi. Sống động nhất vẫn là chọi trâu ở Đồ Sơn, đua bò ở Bảy Núi (Thất Sơn) và đá gà ở Sài Gòn Gia Định. Trước đây lúc nhà văn Sơn Nam còn sống, ông được giao nhiệm vụ tổ chức Khu văn hóa ở Gia Định, Lăng Ông Bà Chiểu và chỉ trong thời gian đó, một trường đá gà công khai lớn tại Lăng Ông tập trung hầu hết dân nhà nghề miền Đông, miền Tây và cả Trung bộ đem gà giống, gà nòi đến ăn thua náo nhiệt ồn ào cả một vùng. Suốt ngày, những người buôn gánh bán bưng đến bán đồ ăn, thức uống cho dân đá gà được coi như một thứ chợ văn hóa tại Lăng Ông. Sau này có lẽ gây rối và ăn thua dữ quá nên khu đá gà bị tai tiếng phải dẹp đi, các tay máu mê cờ bạc bị cấm đá gà ăn tiền phải tìm đất khác mà cáp độ ăn thua lén lút.
Lăng Ông bị dẹp trường gà khiến dân gà dàn trải đi khắp nơi, có lúc vì mê gà, ôm gà cho một người bạn trẻ có bề thế, chúng tôi đã theo anh ta rủ đi đá gà. Tưởng là trường gà mở ở đâu, không ngờ đó là một trại cưa, bán gỗ bên ngoài chất đầy cây ván. Khi đi luồn qua khỏi gian nhà chính dài rộng, đến sau nhà ông chủ trại cưa thì lộ ra một khu đá gà, quy tụ độ một hai chục tay đá gà, vài chục chiếc lồng gà, bên trong gà gáy vang dậy chẳng giấu được ai cả. Dân gà vốn gan lì, ăn chơi sòng phẳng, tính khí ngang tàng và ít khi nào chạy mặt nghĩa là chờ lúc thua thì trốn chạy đi, dù bao nhiêu ăn thua họ đều chung đủ cả. Đá gà như thế, bất kỳ đâu có bãi đất trống được “bảo kê” hay xa khu vực bị ruồng bắt thì đó là nơi tốt cho việc cá độ ăn thua.
Những ngày gần đây, thì khu đá gà trong cư xá Việt Nam Thương Tín ngày trước vẫn rộn rịp. Hẻm vào là một con đường rộng rãi, hơi vắng người có vài chiếc quán cà phê, quán cơm nhỏ. Khu này đang trong tình trạng quy hoạch có thể bị di dời lúc nào. Bên trong khu cư xá đã xây xong nhà cao tầng thông qua khu Văn Thánh nhưng phía mặt ngoài thì còn treo đó chưa đụng tới. Thoạt nhìn thì rất vắng chẳng ai quan tâm nhưng trong giới đá gà, chẳng ai lạ gì địa điểm ấy, nhất là vào những ngày nghỉ, các độ gà liên tục hiện ra ồn ào như vỡ chợ. Tuy vậy chỉ nghe động một chút thôi thì gà và chủ nó dạt đi khắp xóm thật nhanh, biến mất vào các dãy hàng quán ở ngang trường tiểu học, hay dãy chợ tự phát dọc trước khu Việt Nam Thương Tín.
Công an đi rồi thì họ trong chớp mắt lại thả gà ra ăn thua ngay. Hết độ này đến độ khác. Gà đá chỉ vài cái nhảy, có con dính cựa dao, hay loại căm xe máy chuốt cong nhọn hoắt như lưỡi câu cá lớn. Thứ cựa này độc hại vô cùng, chỉ dính vào đùi hay đâm vào mạn sườn, cổ họng là gà có thể nằm dãy chết ngay lập tức. Ăn thua thật mau theo kiểu các tay anh chị giang hồ, giải quyết nhanh rút gọn vậy.
Tuy nhiên hễ gà đụng nhau gặp thì thả đá ngay. Các tay chọi gà thực sự đã gặp nhau từ trước ở một nơi khác để cân ký lô, cáp độ ăn thua tính toán với nhau thật kỹ, rồi khi đồng ý đá thì lên xe kéo nhau ồ ạt chạy tới bãi trong cư xá đó mà thả gà cho đá ăn thua. Ngày lễ hay cuối tuần, các tay chơi gà thường tụ tập nhau trước quán cà phê ở đối diện với trường học. Họ dùng điện thoại di động để gọi với nhau, cho biết là có độ rồi, đá bao nhiêu, mấy chai, mỗi chai tức là một triệu, Tại quán cà phê, cứ từng người từng nhóm cáp miệng với nhau.
Trong hẻm 220 có một cái quán cà phê đặc biệt. Các tay chơi đủ loại trong xóm hay ngoài phố đến đó uống cà phê để nhìn gà của chủ quán nhốt trong bội trước quán. Họ vừa cá độ đá banh ban đêm, vừa cáp độ gà ban ngày ở ngay trước quán cà phê ngang phòng điện thoại công cộng. Dân gà thường bắt gà “sổ” (đá thử gà) ngay trước quán. Quán gà này ai cũng biết vì ông chủ mê gà, thích đá độ hơn là bán cà phê, lúc nào quán cũng đông khách, cả bọn xì ke ma túy, cá độ bóng đá, chơi số đề, và cả bọn giựt dọc ngoài xa lộ cũng thường tụ tập tại đây.
Ở hẻm gần đó vào sâu trong ao cá, một chỗ rộng như nhà ga cũng có quán cà phê, với nhiều ghế cho khách ngồi uống cà phê và lựa gà chọi trước khi họ thực sự vào khu đá gà ăn thua sát phạt nhau. Trước khi vào trận, trước hết là “vô tay” tức lòn tay dưới bụng gà nâng lên coi nặng nhẹ, hay cân luôn xem mấy ký, gà hai ký rưỡi, ba ký rất dễ có độ, gà lớn trên ba ký rất kén độ.
Vì ăn thua nhanh để tránh bị ập tới bắt, nên họ đá cựa bằng căm thép chuốt nhọn hoắt. Hên xui qua một hai cái nhảy là có con nằm luôn chờ chết rồi. Nhưng không phải vì thế mà dân đá gà ở Văn Thánh hay Việt Nam Thương Tín không chọn lựa gà giống hay. Họ bắt giống gà Cao Lãnh, cánh rộng, nhảy cao, cựa đâm nhanh hay loại gà Bà điểm Hóc Môn đá đòn cứng khỏe mạnh, nặng ký, to con như tay võ sĩ da đen ngoại quốc. Gà Bà điểm mặt đỏ au vì thoa nghệ đỏ, lông đen mướt, dấp dáng tựa Huất Trì Cung. Nhưng gà Bà điểm ăn thua thật chậm, vì cựa ngắn, đá bằng cặp chân khỏe, có khi cả ngày cả đêm chưa ăn thua. Dân đá gà phải thắp đèn cho đá đêm luôn. Ngày xưa, gà Cao Lãnh có tiếng như sau:
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân
Cũng là vùng Sa Đéc Cao Lãnh xưa, và Đồng Tháp ngày nay đó thôi. Các ông thầy gà đá theo sắc lông như Hỏa kỵ Thủy, Hỏa khắc Mộc... ra trường gà cáp độ trước hết nhìn lông. Sau đó coi mặt gà nhỏ, mắt nhỏ đen tròng, chân xanh, cựa sắt đen có câu:
Chân xanh mắt ếch đá chết không chạy
Cựa thì thẳng song song với ngón chân cái, mồng thì mồng dâu được cắt gọn. Hễ mồng gà để cao ngã qua bên nào, mắt bên ấy dễ bị đâm mù. Gà mạnh mẽ dữ tợn, hơi lùn có nhiều cách đá: Đá ngang gọi là xỏ ngang, đá ngang gãy cổ gà đối phương, gà vô dĩa rồi đâm cựa vào sườn gà khác... Có con đá mặt, có con đá lòn. Có con bay vụt lên như chim đá cả hai cựa đâm trúng hầu vào gà địch. Ở Cái Bè, cù lao Tân Phong có gầy được giống gà nòi dữ dội cực hiếm. Đó là loại gà mọi cũng hùng vĩ nhưng sắc lông hơi vàng đen, đặc biệt là trên đầu có một sợi lông ở giữa sọ xoắn lại. Ai tinh tế thì nhìn thấy, cầm lông ấy lên kéo dài như sợi dây cước tiệp với màu đỏ vàng của lông trên đầu gà. Ở đó, các ông chủ đá gà miệt vườn cáp độ ăn thua lớn có đến năm, mười lượng vàng một trận.
Vùng bến tàu Sài Gòn truyền tụng câu chuyện, có một ông chủ ghe chài lớn chở trái cây lên cầu Ông Lãnh bán rồi đụng độ với ông chủ tiệm vàng. Độ đá ấy có đến một ngàn lượng vàng, thu hút dân đá gà đến bến Chương Dương đến coi như mở hội. Sau chuyến đó, khắp cả miền Nam vang dội trận gà Bến Chương Dương ai cũng biết.
Bây giờ cứ mỗi ngày dân nuôi gà, bắt gà độ cho người ta đá thường chở nhau, mang xách theo chừng vài cặp gà nòi đi tắt qua các trạm kiểm soát ngoại ô lên đường hẻm Xô Viết Nghệ Tĩnh bán cho ông chủ cà phê ở đây. Gà để trong bội hay nhốt trong chuồng gáy vang cả khu phố ai cũng biết. Dân cờ bạc mua gà cân ký. Gà hay giá từ ba trăm ngàn đến một, hai triệu. Họ mua xong cho ăn thua liền tại chỗ. Gà bị đâm chết cũng bán lại ngay mỗi con một trăm ngàn cho dân trong xóm mua về nấu cari, ăn với bánh mì cũng no nê khoái khẩu.
Hồi trước gà đá nổi tiếng vài nơi, ngày nay Chợ Lách Cần Thơ nổi tiếng hơn cả. Gần như ở Chợ Lách ai cũng nuôi gà nòi để bán. Họ săn sóc gà nòi thật kỹ. Tắm rửa cho ăn, quần thảo như nuôi võ sĩ hơn cả con cưng của mình. Gà nòi ở quê được ngủ trong mùng như chủ. Gà nòi Việt đã xuất khẩu qua Thái Lan, và Hồng Kong hay lên Lào, sang Campuchia ở vùng Đông-Nam Á. Loại gà Khét có lông đặc xám như cơm cháy khét. Ngày trước dân đá gà kỵ nuôi loại này với gà lông trắng vì cho là xui xẻo. Một ông thầy gà ở Chợ Lách gây giống, gà của ông tỏ ra vô cùng lợi hại, đá gan lì, đá hay và bền. Ngày trước nhiều cách nuôi gà đá: Nuôi theo màu lông ngũ hành, theo bùa Lỗ Ban, bùa Thái Lan... cho ăn mỗi lần 5 hạt đậu ngũ sắc, 5 màu. Nuôi gà có thuốc tẩm như võ sĩ cho da thịt gà cứng như sắt, cựa không đâm sâu được. Trước đây, Tướng Nguyễn Cao Kỳ nổi tiếng đá gà nòi thường ăn thua với các tướng tá của Mỹ ở Tân Sơn Nhất. Còn Tướng Thiệu thì thích đi câu cá nên thi sĩ TTK có làm hai câu đối chơi như sau để tả cái tính khí, phong cách của hai người có tiếng một thời.
Nịnh mụ đầm, nốc Whisky, gà chọi còn đây ta cứ chọi Nhậu nếp than, nhổ tóc bạc, cần câu còn đó tớ còn câu
Riêng về gà độ. Có những loại gà hay gọi là thần kê, trong đó có gà Tử Mị gọi là Linh Kê. Đảo Phú Quốc có giống gà mái nòi màu đen, khỏe và gan lì cho đổ với gà trống Cao Lãnh. Khi ấp nở khoảng chục con gà nòi. Nhưng đặc biệt trong bầy có một con gà xấu xí như gà Tàu lai còi cọc, tròn vo. Bộ tướng ấy chỉ có đem làm thịt, thế mà chủ nó đưa lên trường đá gà ăn một hơi chín độ. Khi cáp đá, nó thường bị đối thủ đá lăn tròn như quả bóng, ai thấy cũng cười ầm lên. Thế mà nhảy đá loi choi vài ba lần, nó đã đâm trúng yếu hầu khiến địch thủ phải lăn ra chết tươi. Từ độ này tới độ khác đều in như vậy, và linh thiêng như có tổ độ vậy nên người ta đồn đó là linh kê. Con linh kê này ngủ thì nằm xoải ra như gà chết, nên còn gọi là gà tử mị nữa. Loại rất hiếm thấy vậy.
Gà bây giờ không là thú chơi tao nhã nghệ thuật, nó trở thành môn bài bạc ăn thua đỏ đen như ở sòng bài. Ở khu cư xá Việt Nam Thương Tín hay quán cà phê đằng trước cũng không ngoài tệ nạn đó vậy. Thường thì chúng tập trung trước quán để cáp độ trước. Nhưng việc ăn thua cũng là điều thường. Đám thanh niên du đãng tụ tập đá gà, đá banh, hay thua đề là chúng không từ một việc làm táo bạo nào cả. Việc chỉnh đốn khu đá gà chắc còn lâu mới làm được! Ngày nay, đúng là trường gà xuất hiện như tốc độ phát triển của các khu nhà từ nhà ổ chuột hóa ra nơi khang trang cao ngất trời như khu nhà cao tầng ở Saigon mới xây đây. Có nơi nhà mới xây đập ra cất lại như nghìn lẻ một đêm lúc hiện lúc biến. Các nơi đá gà độ thì cũng vậy, lúc tan lúc tụ như đánh du kích với an ninh đường phố. Dân đá gà có máu mặt thì chọn nơi được bảo kê nặng ký, an toàn. Đá ăn thua giá nào cũng có.
Thời gian tốc độ, cái sống tất bật, dân chơi gà mua được gà về nuôi thì không cần săn sóc gà theo lối cũ, nghĩa là soi mói từng chút, từng cái lông cái cánh, từng cái vẩy độ, cái cựa, từng cổ gà, mặt gà, đầu móng, đuôi gà... như xưa nữa. Đám mới này cho gà ăn lúc lắc bò, uống thuốc bổ, hay bị cựa về còn nuôi dưỡng lại được thì cho uống trụ sinh, và mổ ké, tức chỗ bị thương mọc ghẻ hay chai đi thì thành mụt như ung thư cứng có mủ. Họ đo gà và so gà tranh nhau từng ký lô, từng gram một, nghe tiếng gáy nhanh thì con gà đó đá mau, giải quyết trận lẹ, gà gáy chậm kéo dài thì có nước đá bền.
Có ông thầy Hai rất nổi tiếng, lúc còn trẻ thường đá gà ở nghĩa địa Đô thành, ở Tân Sơn Nhất đụng với các tay thầy gà của tướng Vỹ. Bọn hậu sinh đá gà có người hỏi. Bác Hai ơi! Bác cho biết làm sao hai con gà thả ra thì biết con nào sẽ thắng hay thua? Bác Hai nói: - Theo kinh nghiệm của tao, khi hai con gà thả ra cho đá, thì chúng lập tức nhảy lên cùng lúc chít cựa hoặc đá tấp vào nhau liên hồi. Sau khi đá cú đầu, hai con gà té dạt về hai bên, hễ con nào ị trước thì con đó thua. Vì lúc đá gà thường khi hai con gà nòi nhảy đá một lúc, thế nào cũng có con ị ra. Cho nên dân đá gà quan sát, reo hò ầm ĩ lên: - Ị rồi! Ta thắng rồi tụi bây ơi! Cứ theo đó mà bắt độ sẽ thắng đúng hết tám phần mười vậy. Ngoài ra còn có câu:
Voi một ngà, gà một mắt.
Chủ đem gà một mắt đến trường gà đá ăn tiền thì tất nhiên con gà chột đó phải thật hay rồi. Có tật có tài mà! Bác Hai chỉ như thế. Gà lúc đá nhau, nghe có tiếng rẹc rẹc hay rốc rốc như gõ vào ống tre thì đó là gà giỏi đâm đá cựa vào đối phương. Còn gà cứ đá bình bịch tức chỉ đá vào lông của địch thủ là gà dở...
Muôn ngàn chuyện về thú chơi gà đá vậy |