Khi biết vậy, tôi cố viết chậm lại và rõ hơn. Giống như một đứa học trò mẫu giáo hay tiểu học nắn nót từng chữ. Từng chữ. Từng chữ. Để cho ba mẹ đọc được những gì mình muốn nói.
|
Hình: Getty Images/iStockphoto
|
Mấy ngày ở Canberra, ngoài việc đi thăm Đài tưởng niệm chiến tranh Úc, tôi còn đi xem cuộc triển lãm 10 thế kỷ bản thảo viết tay (The Handwritten: Ten Centuries of Manuscript – Treasures from Staatsbibliothek zu Berlin) ở Thư viện Quốc gia Úc.
Cuộc triển lãm kéo dài khá lâu, từ ngày 26 tháng 11 năm 2011 đến ngày 18 tháng ba năm 2012. Tác phẩm được trưng bày bao gồm 100 bản thảo hoặc thư từ của các danh nhân thế giới trong thời gian hơn 1000 năm: từ Descartes đến Dante, Michelangelo, Machiavelli, Napoleon, Karl Marx, Newton, Nobel, Einstein, Darwin, Luther, Galileo, Beethoven, Hegel, Goethe, Kafka, v.v… Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy tận mắt, dù qua một lớp kính dày, chữ viết tay của những tác giả tôi ái mộ, từ Voltaire đến Nietzsche, Dostoyevsky, Kafka và Herman Hesse. Hầu như chữ người nào cũng đẹp. Có người viết chân phương. Có người viết khá bay bướm, cuối chữ thường uốn éo, bay lượn, như muốn vươn lên cao hoặc trườn ra xa, không chịu ngừng lại. Chỉ có chữ của Napoleon là không đều đặn lắm, có nét đậm xen kẽ giữa những nét nhạt; có chữ tự nhiên lớn bên cạnh những chữ nhỏ. Chữ của những người còn lại, nói chung, đều ngay ngắn. Khi đến phần chữ của Nietzsche và Dostoyevsky, tôi tưởng tượng sẽ nhìn thấy nét chữ bạo liệt hơn, dữ dội hơn, xuất phát từ những cơn điên hoặc những đau đớn họ chịu đựng. Nhưng không. Nét chữ của họ vẫn đều. Và đẹp.
Có thể vì người chọn. Người ta cố tình chọn những trang đẹp nhất từ hàng ngàn trang bảo thảo hay thư từ hiện có chăng? Cũng có thể vì ngày xưa, giấy mắc, người ta phải đắn do cẩn thận trước khi đặt bút viết. Nên không thấy những chỗ bị gạch xóa. Lại viết bằng bút lông. Nên nét dễ đẹp. Đó là chưa kể, kéo dài cả hàng ngàn năm, văn hóa nhân loại chủ yếu là văn hóa viết tay. Ngay gần đây, thậm chí, ở Việt Nam, vào mẫu giáo hoặc những năm đầu tiên của tiểu học, trẻ em cũng được dạy nắn nót từng chữ, từng chữ.
Xem triển lãm chữ viết trên thế giới, tôi cứ bần thần nghĩ đến chữ viết của giới cầm bút Việt Nam. Và ao ước: giá mà được nhìn tận mắt nét chữ của Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, hoặc gần đây hơn, Nguyễn Khuyến và Tú Xương nhỉ? Không biết một người giàu cá tính như Nguyễn Trãi, lúc thì cứng cỏi, khí khái, lúc thì tình tứ lãng mạn, viết chữ ra sao? Còn Tú Xương? Nét chữ của ông có phóng túng như tính cách của ông không? Nét chữ của Nguyễn Du, khi viết Truyện Kiều, có thay đổi gì không từ câu đầu tiên đến câu cuối cùng? Ở những câu thơ đau đớn như rút ruột ra mà viết, nét chữ có bị lệch đi chút nào không nhỉ? Tôi không biết. Tất cả chữ viết của những người cầm bút Việt Nam tôi được nhìn thấy đều thuộc thời hiện đại, chủ yếu từ sau năm 1930.
Nhắc đến chữ viết của giới cầm bút, tự dưng nhớ đến bài “Chữ” của Võ Đình. Là một nhà văn kiêm họa sĩ, Võ Đình chú ý không những đến chữ nghĩa mà còn đến cả khía cạnh thẩm mỹ của chữ viết. Ông thích thú với chữ ký của Khái Hưng: “Dõng dạc, phóng khoáng, đẹp.” Ông ngạc nhiên trước chữ viết li ti, đều đặn, liền lạc của Nhất Linh: “Làm sao một người như Nhất Linh, nghệ sĩ, chính khách, một người có cuộc sống xuôi ngược, hào hùng như thế mà lại có chữ viết dè xẻn, cần cù như vậy?”
Với những người cầm bút cùng thời, Võ Đình làm một “tổng kết” ngắn: “Ở Việt Nam, Trịnh Công Sơn viết chữ thật tốt mặc dù có khi đều đặn quá, hay có khi lại bay bướm quá. Chữ Hoàng Phủ Ngọc Tường có thể không "tốt" bằng chữ Trịnh Công Sơn, nhưng cứng cỏi hơn, rạch ròi hơn. Trương Thìn có chữ viết phóng khoáng, mạnh mẽ, nhiều tính nghệ sĩ. Hơn nửa thế kỷ, chữ viết cụ Vân Trì không thay đổi: Nét nào ra nét ấy, không thiếu, không thừa một ly. Chữ như vậy là tốt, nhưng đẹp?
Ở Pháp, thầy Nhất Hạnh cũng có lối chữ tương tự. Viết như thở: "Hít vào thì biết rằng hít vào"; "Thở ra thì biết rằng thở ra". Cho nên chữ viết dung dị, nghiêm túc, đều đặn. Và vắng bóng những nét bung phá ngoạn mục. Chữ Đặng Tiến có cá tính mạnh: Trúc trắc, gập ghềnh một cách nghênh ngang. Thi Vũ: Chữ viết chăm chút, nhưng rộng rãi, vững vàng.
Miền Đông Gia-Nã-Đại có một số chữ thật tốt: Nguyễn Quý Bổng ở Ottawa, Trân Sa ở Toronto, Hoàng Xuân Sơn và Hồ Đình Nghiêm ở Montréal. Miền Tây Gia-Nã-Đại, ngươi Hạnh Cơ viết chữ quốc ngữ thật tốt mà viết chữ Hán với bút lông cũng nhuyễn lắm. California, ha!
Ở Nam Cali, Bùi Vĩnh Phúc viết văn khúc chiết, sáng sủa, nhưng chữ viết của họ Bùi, thật tốt, lại có lúc bay bướm quá. Hoàng Quốc Bảo cũng vậy: Chữ thật tốt nhưng đôi khi quá hoa hòe. (Nguyễn) Khánh Trường không tránh né cái bay bướm, cái hoa hòe ấy được bao nhiêu cho nên lắm lúc bị chúng tóm được! Phóng bút là một cái "sướng" mà cũng là một cái "tật". "Tật" ấy, tìm thấy tận bên trời Úc châu xa xôi: Nguyễn Hưng Quốc, văn đã hay mà chữ lại tốt. Chỉ tiếc đôi khi chữ người trượt chân xuống chỗ hoa hòe – như ba ông, Bùi, Hoàng, và Nguyễn ở Nam Cali. Cũng ở tận bên trời Úc châu xa xôi có Hoàng Ngọc-Tuấn viết chữ thật tốt. Tốt và đẹp. Gần miền Đông Hoa kỳ hơn, bên Đức quốc, có Đỗ Quang Nghĩa – chồng của Lê Minh Hà – chữ viết cũng vào hạng cừ khôi.
Cũng ở Nam Cali, nhưng không như ông Bùi (Vĩnh Phúc) viết chữ bay bướm, có bà Bùi (Bích Hà) viết chữ thẳng thớm, đều đặn, rất tốt, tuy không có cái nét bóng bẩy lắm khi tìm thấy trong văn. Chữ viết của nhà thơ Viên Linh, thuộc vào bực thượng thừa. Cẩn trọng, đài các như người, là chữ viết của nhà thơ Thanh Nhung (Công huyền Tôn nữ Nha Trang).
Bắc Cali có Nguyễn Bá Trạc: Bây giờ không biết thế nào chứ nhiều năm về trước, gặp nhau, thấy người thì năng nổ, "bất cần đời" mà chữ viết lại ung dung, cẩn túc. Lạ. Đó cũng là trường hợp Nguyễn thị Hoàng Bắc ở Virginia: Chữ viết tốt, nghiêm trang, thon thả, không sắc nhọn, nghịch ngợm như người. Virginia lại có nhà thơ Vi Khuê, chữ viết trang trọng, nghiêm chỉnh. Có điều, chữ bà tốt nhưng vì chăm chút quá, nắn nót quá, thành ra gò bó. Cũng ở Virginia, có ngươi Đinh Cường viết chữ tốt. Tốt nhưng, không như danh tính, hơi nhu.
Trở về California, thủ đô tị nạn: Nhiều người, lắm tài. Có một anh, hay bệnh, gầy nhom, nhưng chữ viết lại ngang tàng, gân guốc. Nhịp chữ phóng khoáng, tự do mà trang trọng, chu đáo. Nét chữ sắc sảo mà vẫn có dáng uyển chuyển, hào hoa. Đó là người viết Hà Thúc Sinh.”
Ở trên, Võ Đình khen chữ viết tôi “tốt” nhưng lại chê là có lúc “hoa hòe”. Nhớ, có lần, tôi “khoe” câu ấy với các sinh viên của tôi. Ai cũng lắc đầu quầy quậy. Tất cả đều đồng ý: chữ viết của tôi chẳng có gì đẹp đẽ cả. Rất phóng túng. Như múa may. Và khó đọc. Tôi đã biết chuyện đó ngay hồi nhỏ. Lúc tôi lên lớp 12, chuẩn bị thi tú tài (sau này là Tốt nghiệp phổ thông), ba mẹ tôi rất lo lắng về chữ viết của tôi. Thỉnh thoảng mẹ tôi đến bàn tôi ngồi học, khen tôi học giỏi và nhắc tôi… viết chữ cho rõ kẻo có thể bị hỏng một cách oan uổng chỉ vì giám khảo không đọc được! Tôi cố. Nhưng đâu vẫn hoàn đấy.
Nhưng nhớ nhất là thời gian tôi sống ở Pháp và những năm đầu tiên sang Úc, lúc đường dây điện thoại gọi về Việt Nam chưa phổ biến, mọi sự liên lạc đều qua thư từ. Tôi vẫn gửi thư về cho ba mẹ. Lúc bận bịu quá thì viết trên các tấm bưu thiếp. Thư nào gửi tôi, ba mẹ tôi cũng cho biết là ông bà rất vui khi nhận được thư tôi. Thỉnh thoảng ông bà lại mang ra ngắm đi ngắm lại. Hoặc khoe với hàng xóm. Tuy nhiên, sau đó, tôi mới biết được một sự thật “phũ phàng”: ba mẹ tôi thường không đọc được những gì tôi viết ngoằn nghèo trên các bức thư ấy. Chỉ đoán. Và cũng chỉ đoán được lõm bõm. Nhưng ông bà vẫn vui vì nhìn thấy những nét-chữ-không-thể-đọc-được của đứa con trai ở xa.
Khi biết vậy, tôi cố viết chậm lại và rõ hơn. Giống như một đứa học trò mẫu giáo hay tiểu học nắn nót từng chữ. Từng chữ. Từng chữ. Để cho ba mẹ đọc được những gì mình muốn nói. Mà những điều ấy thì đơn giản vô cùng: Con nhớ ba mẹ vô cùng! |