Home Văn Học Tùy Bút Những chuyện nhỏ trong đời sống lớn

Những chuyện nhỏ trong đời sống lớn PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Chúa Nhật, 18 Tháng 12 Năm 2011 08:17

 "Tôi muốn làm con ruồi trâu đốt vào mông đít xã hội để nó nhảy lên phía trước!"
(LS. Lê Quốc Quân)

Sáng nay lái xe ra phố tôi gặp được một người tử tế! Trong khi nhường đường cho một chiếc xe từ trong một shopping center đi ra, tôi được người lái xe là một cô gái đưa bàn tay tỏ một dấu hiệu cám ơn. Phải nói là lòng tôi cảm thấy một chút thoáng vui vì biết rằng trong cộng đồng này vẫn còn có những người tử tế. Bạn cũng như tôi đã bao nhiêu lần làm những cử chỉ tử tế như thế, nhường lối cho xe ra, đỡ một cánh cửa và được đáp ứng bằng một cái nhìn vô cảm của khuôn mặt sáp, đôi khi còn tỏ vẻ bất cần, xấc láo. Những người tôi nhắc ở đây không phải là người Tây, người Mỹ hay người Tàu, mà là những người Việt Nam "đồng bào" ruột thịt với tôi, những người cùng đến đây như tôi để được hưởng tự do, học hỏi văn minh, để có một đời sống tử tế.  
  
Ở trong parking một khu chợ nào đó, có lần bạn đang chớp đèn chờ vào một chỗ đậu trống thì bất chợt một chiếc xe tạt ngang vào xí phần. Nếu bạn không giữ bình tĩnh thì sẽ xảy ra một vụ đấu khẩu, có khi đưa đến ẩu đả giữa khu chợ có đông người qua lại, thôi thì một sự nhịn chín sự lành, dầu là bầu bí đi nữa thì cũng chung một giàn. Hồi còn ở Việt Nam, dù mãi đến năm 1985, tôi trông thấy hai cái xe 'bộ đội" đi ngược chiều với nhau, chúng gặp nhau và bất cần thiên hạ, đậu ngay giữa lòng đường để nói chuyện với nhau. Nhưng cảnh này tôi lại được thấy ở đất Bolsa một lần và nhất là cái cảnh đậu xe ngay giữa đường cản trở cho những xe sau, để chờ vào một chỗ parking thì chúng ta gặp hằng ngày.
 
Ngày hôm qua đứng ở bưu điện, cô nhân viên cười với tôi trong khi bán tem và cân thư cho tôi, khi quay ra tôi suýt đụng vào một người đang xếp hàng chờ đến lượt mình, tôi buột miệng xin lỗi nho nhỏ thì người này cũng nhoẻn miệng cười với tôi. Tôi xin xác nhận cô nhân viên bưu điện và người khách này đều không phải là người "mình", họ chẳng quen biết gì với tôi. Tôi cũng xin nhắc các bạn là tôi không phải là một chàng trai trẻ, có khuôn mặt đẹp như tài tử, to con để họ phải có cảm tình, mà tôi chỉ là một ông già Á đông, ốm yếu, đi đứng cập rập. Người ta nói "nếu không biết cười thì đừng mở tiệm," vậy mà có đến hàng trăm ngôi chợ và tiệm ăn người Việt ở Mỹ không biết cười. Lúc vào một tiệm ăn nhỏ, chính ông chủ cầm tập giấy tiến lại, ông hỏi tôi ăn gì, ghi xong phần tôi, quay sang người bạn tôi, ông "hất hàm". Phải hiểu cái "hất hàm" này thay cho câu nói "còn ông?" Hà tiện lời nói đã đành, suốt nửa giờ ngồi ở tiệm ông tôi không thấy ông hé một nụ cười, mặt mũi đau buồn như thời bao cấp ở Việt Nam người ta "mất sổ gạo!"
 
Hồi ở miền Đông, tôi có quen một ông chủ tiệm sửa xe hơi người Trung Đông, ông than phiền với tôi là "con chúng ta" sang đây, không biết bỏ những thói quen xấu của xứ sở mình và bắt chước cái hay của đất nước Mỹ, cũng như không biết phát triển cái tốt của mình và tránh học đòi điều xấu của họ. Không phải chỉ "con chúng ta" mà chính "chúng ta," dù đã định cư tại Mỹ lâu ngày, thành công đôi khi hơn người Mỹ, nhưng cách cư xử với cộng đồng địa phương không mấy tốt đẹp và còn những thói quen quá tệ có thể làm cho người địa phương đánh giá nền "văn hóa' của mình. Tôi đã mục kích cảnh một người Mỹ đứng tuổi đỡ cánh cửa ở nhà băng Well Fargo cho một bà người Việt. Bà này không những không đưa tay đỡ tiếp cánh cửa, "tỉnh bơ" đi ra, còn không buồn nhìn đến cái "sinh vật" đã đứng lại đỡ cửa cho mình, không mở miệng nói được một lời cám ơn ngắn ngủi, và đi thẳng ra parking, nơi đậu cái xe Lexus của bà, trong khi người Mỹ nọ chờ người đàn bà ra xong, quay lại nơi để xe của mình. Phản xạ, tôi quay mặt đi nơi khác để cho người Mỹ kia khỏi bất chợt nhận ra tôi cùng với bà kia "cùng một giống người".
 
Chuyện này làm tôi nhớ đến ông Bá Dương, tác giả cuốn "Người Trung Quốc Xấu Xí". Ông kể lại, trong thời gian ở Mỹ, ông học được thói quen giữ cửa cho người khác đi qua và liên tục nghe được từ cửa miệng những ông già, bà già Mỹ cái câu "cảm ơn ông", mà theo ông, "sướng cả lỗ tai". Ông Bá Dương cho biết "lúc quay lại Đài Loan tôi vẫn quen thói "tôn sùng" Tây phương này. Nhưng chỉ được ba hôm thì lại vẫn chứng nào tật nấy. Mà cái đó không phải vì ý chí của tôi yếu đuối, nhưng vì mỗi lần dừng lại cung kính giữ cửa, thì cái ông bạn da vàng ở đằng sau nhìn tôi như thể mồm anh ta đang ngậm cứt khô, không thể nào nghe được một thanh âm gì giống như tiếng "cảm ơn" từ nó cả. Tôi bèn cứ thả cho cửa nó tung ra như thói quen cũ, mặc kệ mẹ cho nó đập vào mặt ai thì vào, có đập chết cũng được".
 
Ông Bá Dương nói chuyện những người Tàu ở Tàu, nhưng cái câu chuyện tôi vừa kể là của một người Việt ở Mỹ, mà chắc là bà này ở cái xứ văn minh này đã lâu, qua cái xe bà lái, đã không học hỏi gì được cái tốt của người khác như lời than phiền của ông chủ tiệm sửa xe hơi người Trung Đông tôi vừa nói ở trên. Ông Bá Dương đi Mỹ một chuyến về, nghĩ tới cái tốt của người, so với cái xấu của mình, ông viết được nửa cuốn "Người Trung Quốc Xấu Xí", còn chúng ta sống hẳn với nước Mỹ, mang quốc tịch Mỹ, bằng cấp của Mỹ, nói năng như Mỹ mà không bắt chước được cái hay của người Mỹ. Nhiều người cho rằng, Mỹ cũng ăn cắp, cũng lường gạt, cũng đểu cáng có gì mà phải bắt chước!
 
Mười người Việt sống trong nước có cơ hội đi du lịch Mỹ, mười người về, đều khen ngợi cái sạch sẽ, ngăn nắp, nhã nhặn, hiếu khách, sự tôn trọng người khác của dân Mỹ. Trái lại, những người đi Việt Nam về, ngoài sự ca ngợi, giàu sang hào nhoáng của các thành phố lớn đều than phiền về sự thiếu vệ sinh, nhếch nhác, dối trá, lừa đảo của con người. Blogger Sao Việt ở Việt Nam vừa đi Ấn Độ về đã than thở: "Cái xứ gì mà đi thì nhớ, về là bao nhiêu chuyện chướng tai gai mắt nổi điên. Về được ba ngày thì mỗi ngày một chuyện, mà ba ngày ba chuyện liên quan đến nhau nên phải viết ra... Ngày đầu về đọc báo thấy chuyện tay bác sĩ ở Cần Thơ chủ trì ca mổ thận cho bệnh nhân, thay vì ca phẩu thuật cắt bỏ thận trái, thì y cắt bỏ luôn hai thận rồi im ỉm khâu lại trả bệnh nhân về, còn khoe với người nhà là ca mổ đã thành công tốt đẹp..."

Nhưng ở Bolsa này, nhạc sĩ Lê Ngọc Linh mấy năm trước khi qua đời, đã đau khổ, uất ức, than thở vì "mắt đang sáng, bác sĩ mổ thành mắt mù". Ông cho biết, nếu không phải là người Công Giáo, ông đã tự tử vì không chịu nổi cảnh, trong cuộc sống hằng ngày, phải nhờ cậy sự giúp đỡ của người khác. Ở Việt Nam những vụ như thế đã bị đưa ra công luận, bác sĩ phải ra tòa, nhưng vì sao ở đây người ta lại nể nang nhau, phải chịu đau đớn, bất công một mình cho đến lúc chết, mà vì "tình đồng hương" không muốn kiện cáo lôi thôi! Bác sĩ khoe tốt nghiệp từ những đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ nhưng luẩn quẩn ở "cối xay" Bolsa, vì người Việt mình hiền, dễ bắt nạt.
 
Nhiều chuyện xảy ra ở Việt Nam, đọc xong muốn điên lên, nhưng khổ nỗi, chê người được nhưng không thấy mình. Năm 1975, nhiều người may mắn sang đây, hay vượt biển, chân cẳng " bùn lấm bê bê", đáng lẽ cái xấu phải bỏ lại, chúng ta lại "nhập cư" chúng theo mình luôn vào đất Mỹ, mãi mãi không sửa đổi được vì mãi lom khom đi "cầm đuốc mà rê chân người".