Về tới Mỹ, nằm ngủ hai ngày liên tiếp tôi mới dậy đi lễ Chúa nhật và ngồi vô máy kể lại chuyến đi VN 3 tuần cho mọi người nghe.
“Phái đoàn” kỳ này có 3 con vịt đẹt gồm có chị Ba Châu, chị Sui, vợ tôi... do tôi làm tour guide, khởi hành từ Los Angles đi Taipei, ngồi trên máy bay khoảng 12 tiếng đồng hồ. Đến Phi trường Đài Bắc đã chiều, nhưng bà chị dâu và chị Sui phải ngồi xe lăn (vì mới giải phẩu chân) nên chờ người phục vụ quá lâu mới có xe. Người bạn Lý Hoài Tống đang hành nghề Taxi tại đây không biết tôi xuống ở Terminal số mấy, nên chạy tới chạy lui như con gà mắc đẻ, mà số phôn của anh ta tôi cũng làm mất mới kẹt. Tôi đành nhờ hiệp hội Taxi thông báo cho bạn biết tôi đã theo xe bus ra khách sạn rồi. Chừng nửa tiếng thì vợ chồng Tống đến nơi chúng tôi ở, anh nói thôi cứ ở đây đi, sáng mai sẽ gặp nhau rồi đi thăm thành phố Đài Bắc. Khách sạn này khá sang trọng và chúng tôi không phải trả tiền, vì hãng China Airline đài thọ. Mới tảng sáng là Tống đã đến đón. Đường khá xa nên mất khoảng 45 phút mới tới thành phố, hai bên cũng có ruộng vườn y như bên VN, nhưng thỉnh thoảng có những building cao ngất và những xa lộ trên cao đang được xây dựng. Nhìn sinh hoạt của dân Đài Bắc, cảnh trí, đường phố hơi giống VN. Hơi giống thôi, chứ sự sạch sẽ, sinh hoạt, việc làm của dân chúng thì còn lâu lắm VN mới đuổi kịp...và khi đó không biết người ta đã tiến tới đâu. Bạn Lý Hoài Tống của chúng ta rất chí tình, buổi sáng đi đón Thuật, buổi chiều đi đón bọn tôi, mất cả ngày làm việc kiếm cơm, mà lại còn "hao tại" khi tiếp đãi bạn bè, ngoài ra y còn gửi về cho một số bạn cùng khoá tiền quà nữa. Thật cảm ơn bạn đã cho chúng tôi cảm giác thân thương, và có dịp đi thăm những thắng cảnh đẹp đẽ của Đài Loan.
*Huế Về đến Sài gòn ngày hôm 31-10-11,chúng tôi bay đi Huế bằng vé đã mua từ mấy tuần trước, nên roundtrip chỉ có 80$ mà thôi. Quá rẻ. Trưa hôm đó máy bay Airbus đáp Phú Bài sau 50 phút bay. Đây là nơi những phi đoàn trực thăng chúng tôi đã từng biệt phái dài hạn khi Mùa Hè Đỏ Lửa 72 nổ ra. Nhà cửa, hang ga đã hoàn toàn đổi khác, không còn chút gì là dấu vết năm xưa. Xe chạy chừng 15 phút là tới Huế. Chúng tôi có cô cháu gái làm một Mini Hotel ngay đối diện sân vận động, nên trong 4 ngày tại Huế sẽ ở tại đây, chứ không về nhà của bà Ngoại thằng Chuồn ở dưới chợ Dinh. Bà cụ năm nay mới 92 cái xuân xanh, mê tốc độ nên vài tuần trước không biết đua xe, đánh võng, nẹt pô... thế nào mà bị ô tô đâm phải, bị nứt xương tay, cha Xứ đã xuống xức dầu (bí tích cho người sắp qua đời của người Công Giáo) nhưng khi thấy chúng tôi về thăm, bà nhỏm ngay dậy, ăn hết một tô cháo, tỉnh như sáo sậu, và khi nghe tôi rủ vào chơi SG, là bò dậy sắp xếp quần áo ngay. Thế mới biết sức mạnh tinh thần và lòng yêu thương mạnh đến thế nào. Hôm sau chị em tôi bốn người từ SG ra, mướn xe đi thăm thánh địa La Vang ngoài Quảng Trị và chạy ra Bến Hải, còn chúng tôi lo tổ chức hai bữa họp mặt: Một của tất cả con cháu trong gia đình; và một của chừng 20 cựu nữ sinh Đồng Khánh. Bữa ăn gia đình ăn rặt món Huế như mắm tôm chua ăn với trái vả, rau thơm với thịt ba rọi luộc, nộm mít non, cá ác mó nấu canh thơm... bữa tối ăn ngoài nhà hàng; còn bữa hội ngộ bạn học thì tổ chức tại nhà Thúy Vi trong thành nội. Cô mới xây dựng một căn nhà rường phiá sân sau, có thể tiếp đón chừng 30 người khách dự tiệc. Thúy Vi đang làm Cty Du lịch với các đoàn khách nước ngoài, nên nếu họ thích phong cảnh sân vườn xứ Huế, thì cô đãi ăn tại đây, có đầu bếp phục vụ các món Tây Tàu và cả món Huế nữa. Không ngờ sau hơn 30 năm, bạn bè O Điểm vẫn còn yêu văn nghệ và hát hò hay như vậy, tiệc tan lúc 10g tối thì trời đổ cơn mưa. Ngồi trên xe ấm cúng, nghe bản nhạc "Chiều mưa trên kinh đô Huế, kiếp phong trần không bến đậu, mà mưa rơi vẫn rơi rơi hoài, cho lòng nhớ ai..." mà cảm thương cho ai kia lạnh lẽo ngoài sương gió..
*Đà Nẵng Sáng hôm sau chúng tôi mướn chiếc xe lớn mà vô Đà Nẵng, chui qua hầm Hải Vân cho biết. Đoạn đường này nếu phải leo đèo chắc hơn 2 tiếng, nhưng chui qua hầm thì chỉ 65 phút đã thấy thành phố Đà Nẵng rồi. Tới căn cứ Hoà Khánh thuở xưa, xe chạy vô một con đường mới để đi Bà Nà. Đây là một khu du lịch do nước ngoài đầu tư, nên hai bên đường nhựa phẳng lì, cảnh trí quá đẹp, cỏ xén cây trồng đẹp như cảnh tiên. Bãi đậu xe mênh mông nhưng sao vắng vẻ quá. Vé cáp treo 15$ / nguời và đường lên núi rất xa. Hôm nay miền Trung đang có bão nên nhìn ra ngoài chẳng thấy gì cả ngoại trừ mây nước mịt mù. Bước ra khỏi lồng kiếng, sương gió quật vào mặt nên ai nấy ướt mem. Những khách sạn, nhà hàng vắng teo và lạnh buốt. Chúng tôi đã đi trái mùa! Nếu đến đây vào mùa hè chắc hẳn là đẹp hơn Đà Lạt. Thôi đành trở về Đà Nẵng vậy. Thành phố phát triển tột bực nhưng sao có nhiều công trình bỏ dở dang, sắt thép chỏng chơ rỉ sét (?). Anh Tài xế nói nhiều công ty nước ngoài không còn tiền để làm tiếp khi kinh tế thế giới đang khủng hoảng. Chúng tôi tạt ngang cơ sở điêu khắc tượng ở Ngũ Hành Sơn một chút, rồi chạy trên xa lộ sát bờ biển để về Hội An- Phố Cổ. Đoạn đường này xưa kia mọc toàn xương rồng và lùm bụi, chẳng ai dám bay low level, nó bắn cho vỡ đít, bây giờ nhà cửa san sát như phố thị. Thức ăn ở đây ngon và giá phải chăng. Khách Sạn giá 20$. Xe xích lô chở 2 người đi dạo phố với giá 10$/giờ. Tôi nghe nhiều về phố cổ và chợ đêm, nhưng bữa đó ngoài ánh đèn màu trên sông Hoài (một nhánh của sông Thu Bồn) thì chẳng thấy gì đặc biệt, vì nước triều cường ngập nhiều đường phố, tội nghiệp cho mấy ông phu xích lô quá chừng. Qua một đêm thì sáng hôm sau chúng tôi đi thăm thánh địa Mỹ Sơn của người Chàm. Suốt mấy năm tôi hành quân nơi đây, nhưng chưa hề biết đến dưới những tán rừng rậm rạp kia, có một phế tích của nước Chiêm Thành một thời cường thịnh. Bây giờ có dịp tới Đà Nẵng, cũng nên đi thăm một lần cho biết, chứ ngày trước từ máy bay tôi có thấy gì đâu. Hôm nay sáng Chúa nhật, khi đi ngang đồi Đức Mẹ ở Trà Kiệu-Duy Xuyên, tôi dự định đi lễ tại đây. Nơi này tôi đã tới bằng trực thăng một lần, với quần áo xi-vin để dự lễ hôm TT ra thăm nơi Đức Mẹ đã hiện ra hơn 100 năm, nhưng không ngờ bữa đó đã nổ ra một trận phục kích hụt- tính giết TT, làm bọn tôi chạy trối chết, ra cánh đồng quăng lựu đạn khói cho máy bay xuống rước, bốc theo nhiều người bị thương, máu loang áo dài trắng. Hôm nay cảnh trí điêu tàn cỏ hoang ngập lối như không có người chăm sóc, hỏi thăm dân chúng thì họ nói cứ chạy theo con đường vòng vèo này sẽ ra đến nhà thờ chính. Nhà thờ khá lớn và có hai tầng. Sau lễ chúng tôi có ra viếng mộ Đức Giám Mục Phạm Ngọc Chi. Ngài là một trong hai GM đã đem người Công Giáo di cư vào nam năm 1954. Sau 75 ngài bị giam giữ tại đây và mất sau đó chừng 10 năm.. Trời không mưa nhưng nước sông Thu Bồn dâng lên rất mau, chắc đang mưa nguồn trong núi. Nước ngập đến gần nửa bánh xe nên chúng tôi đành trở ra quốc lộ. Đi ngang Vĩnh Điện, xe ghé vô quán bê thui. Nhớ cách đây gần 20 năm, khi ấy cha Thông còn "tụ trì" tại nhà thờ Vĩnh Điện, chúng tôi đã ghé thăm và được đãi một bữa bê thui nhớ đời. Bởi vậy đang lúc bụng đói, hai dĩa thịt tái đầy tú hụ với khế chua, chuối chát, bánh tráng và rau thơm bưng ra, chúng tôi tranh nhau ăn như hổ vồ mồi. Lúc tính tiền mới ngạc nhiên: Cả tiền ăn với tiền bia mà mỗi người chưa hết 3 đô la. Xe về tới Đà Nẵng thì mưa như trút, chúng tôi đành đứng bên cửa sổ nhìn xuống dòng sông Hàn nước dâng cuồn cuộn. Ngày xưa chỉ có một chiếc cầu Trình Minh Thế nối thành phố với bán đảo Sơn Chà, nhưng nay đã có thêm hai cây cầu mới và một đang làm dở dang. Sáng hôm sau vẫn còn mưa nhưng chúng tôi cũng đi lên Ngũ Hành Sơn bằng thang máy; thăm tượng Phật trên triền núi Sơn Chà. Đường lên quanh co nhưng rộng rãi, đó đây những khu du lịch đang ủi đất để san lấp bên mé biển, trên chóp núi là đài kiểm báo Panama tròn như quả cầu trắng. Quần thể ngôi chùa quá to lớn, tượng Phật cũng cao, có cầu thang phía trong như kiểu của tượng Nữ Thần Tự Do bên Mỹ. Trời vẫn còn mưa ào ạt nên chúng tôi đành phải ra về. Soeur Thanh Hương dòng St. Paul đã hẹn gặp mặt khi qua thăm gia đình ở San Jose, nhưng liên lạc suốt buổi mà không sao gặp được, chúng tôi bèn đi ăn bê thui lần nữa cho qua thời giờ. Phía trước quán có một chiếc lồng quay, đang nướng một con bê coi ngon lành quá nên chúng tôi ghé vào. Thật là thất vọng vì thịt bê dai nhách như trâu già và giá tiền thì mắc gấp ba so với Vĩnh Điện, cho dù hai nơi cách nhau chưa tới 20Km. Vẫn còn quá sớm để vào phi trường đáp máy bay về SG, nên chúng tôi đề nghị tài xế đưa tới một quán cá phê "sang sang" một chút. Sang thật! Đó là quán Không Gian Xưa. Vì trời mưa nên mỗi một người khách đều được nhân viên che bằng chiếc dù lớn, đưa vào tới tận bàn ngồi. Những cây bon-sai cổ thụ mấy trăm năm tuổi trồng theo phong cách Nhật Bản có đầy ngoài sân. Hòn non bộ rải rác quanh những căn nhà rường mà cột kèo, xà ngang, trính dọc, rui mè... đều được điêu khắc tỉ mỉ. Một ly cà phê bình thường chỉ có bảy tám ngàn, nhưng hôm ấy có 9 người mà họ tính triệu rưỡi. Ra xe, thằng em Chung Mốc-nông dân Kiên Giang của tôi than: "Hết mẹ nó năm tạ thóc"! Đường vào phi trường không còn một chút gì dấu tích để nhận ra đâu là cổng Hoà Cường, đâu là quán cơm Khí Tượng, đâu là khu Gun Fighter...và khu vệ sinh của ga hành khách thì hôi không thể tả.
*Đà Lạt Trở lạiø Saigon, chúng tôi lên đường đi Đà Lạt. Vì ra đi lúc 2g khuya nên không bị kẹt xe, chúng tôi ghé Phương Lâm lúc còn rất sớm. Chuyến đi này tôi mới để ý đến vườn cây giá tị mà ta thường gọi là khu rừng bà Ngô Đình Nhu, nằm giữa Định Quán và Phương Lâm, thân cây đã lớn đến ba bốn tấc. Nhà dì tôi ở kế bên chợ, có đứa con gái út bán vật liệu xây dựng Tứ Hải khá to lớn. Các em tôi đãi cơm tấm và đọt bí xào tỏi, ngon quá chừng. Tội nghiệp đứa em họ nhỏ hơn tôi một tuổi- thằng Định (Mão)- rời K5 khi vừa học xong lớp Đệ Tứ. Vợ chồng nó đồng tuổi 60, sanh đôi 8 lần chỉ được có 16 đứa con gái, chết bốn còn lại...đúng một tá bươm bướm bay phấp phới.. Em gái nó phê bình: "Sanh hết trứng mẩy, lấy trứng lép, ghép làm đôi, vẫn còn sanh được". Khu vực chợ Phương Lâm nay trở thành một thị trấn lớn và tương đối giàu có. Đèo dốc trên đường tới Bảo Lộc tuy không ghê bằng đèo Hải Vân nhưng coi cũng rất nguy hiểm. Cây cối xanh tươi, măng le gài dầy bịt hai bên đường. Khi tới Đức Trọng (có phi trường Liên Khương) thì xe rẽ vào đường cao tốc. Hai bên là đồi thông già, trải dài các thung lũng là vườn rau xanh mướt. Thỉnh thoảng cũng có những vườn hồng dòn như ở Cali, nhưng trái nhỏ hơn và ăn không ngọt bằng. Khi hết đường cao tốc Đức Trọng thì xe rẽ vào khu du lịch thác Prenn. Chúng tôi đã từng vào đây nên anh tài xế chạy luôn về Đà Lạt, nhưng vì đây mới là lần thứ hai anh tới thành phố này, nên chạy lạc vào một con đường ngoằn ngoèo dành cho xe tải chở rau, tuy cảnh đẹp nhưng vừa xa lại vừa khó đi vì đầy ổ gà. Thời tiết Đà Lạt giống Nam Cali, nhà cửa dọc các triền đồi có nét đẹp riêng, hoa lá khoe sắc cho dù đã vào thu. Có lẽ đây là thành phố lớn độc nhất trên thế giới, không có đèn giao thông ở các ngã tư mà xe cộ không hề bị kẹt, và rất ít khi xẩy ra tai nạn. Chúng tôi mướn 3 phòng giá 15$/phòng nhưng không được tiện nghi mấy, y như mấy nhà khách chứ không được là Mini hotel. Cả bọn rủ nhau đi ăn hủ tiếu mì. Dở ơi là dở. Mấy bà kéo nhau ra khu chợ Hoà Bình, mua khoai lang, bắp luộc về ăn coi bộ khoái chí. Chị Sui Hồng còn mua được 3 quả ổi đào tiên rất lớn, rất ngon và rất lạ. Da nhẵn bóng còn hơn vỏ bưởi, nó ánh lên màu xanh ngọc bích nên ai nhìn cũng cho là trái cây giả làm bằng nhựa. Người bán trái cây thấy khách nghi ngờ bèn cắt ra một quả cho ăn thử, nó rất thơm và ngoài vỏ màu xanh, trong ruột lại trắng và có hột y chang ổi xá lị. Vì không có đem dao theo, nên khi mua trái đào tiên về phòng, mấy bả chưa cho tôi được thưởng thức miếng nào, hẹn khi về SG sẽ ăn, bây giờ chỉ nhìn cho sướng con mắt. Người bạn học của o Điểm tới chơi, rồi chở o đi thăm một bạn nữa bây giờ đang là sư nữ ở Trúc Lâm Thiền Viện. Lúc về, o nói: " Nhà con Nga to ghê, chồng nó là giáo sư đại học; có cô con gái du học ở Mỹ về cũng đang dậy cùng trường với bố; nhà nó có cả xe Mercedes. Cũng mừng vì bạn em thì đông, có chừng mười người khá giả, còn hầu hết đều vất vả trong cuộc mưu sinh". Đám bạn hữu SG có đưa cho tôi một danh sách người đồng khoá đang tản lạc khắp bốn phương, thấy có Hà Đăng Thăng ở Đà Lạt, nên gọi phone cho hắn, tính rủ đến khách sạn rồi đi kiếm quán cà phê ngồi nói chuyện chơi. Ai dè hắn ở mãi Đức Trọng, nói đường lên Đà Lạt leo đèo đổ dốc tới hơn một tiếng chứ không gần. Hỏi thăm vợ con thì hắn nói vợ con tao đã bỏ tao mà đi mất rồi. Tôi quát lên: "Tầm tuổi này mà mày còn bê bối, để bị vợ con bỏ thì mày tệ quá". Nó khóc: "Sự thực thì bà ấy qua đời sau 5 năm bị ung thư. Đứa con gái đi tu 9 năm nay, bị bịnh sơ gan cổ chướng nên nhà dòng trả về nhà, nằm chịu đựng chứ nhà dòng không có khả năng đưa đi bịnh viện". Tôi nghẹn lời, hứa ngày mai sẽ tới thăm khi trên đường đi Phan Rang. Vì không rành đường nên xe trở lại đường cao tốc về hướng SG. Tới Đức Trọng hỏi thăm thì mới biết đã lố, muốn đi Phan Rang phải dùng con đường cũ ngày trước. Bởi thế phải chạy lên hướng Đà Lạt một quãng khá xa mới tới ngã ba Finôm đi Tháp Chàm-Phan Rang. Tôi chưa bao giờ thấy một quốc lộ nào kinh khủng như con đường này, toàn là ổ voi chứ không phải ổ gà. Cũng là trong địa phận Đức Trọng, nhưng phía vô phi trường Liên Khương thì đất đỏ au nên rau cỏ rất tốt, bắp cải to như cái rá, nhưng hướng đi Tháp Chàm thì đất trắng pha sỏi đá, cây cối xem ra còi cọc quá. Đường xấu, xe chạy khoảng 20Km/g nên cả 40 phút sau chúng tôi mới thấy Đăng đứng chờ nơi ngã ba. Hắn chạy trước dẫn đường với chiếc xe cà tàng, nhìn từ phía sau hai cái bánh xộc xệch không thẳng hàng. Con đường đá nhỏ vòng vèo vào đến ngang hông ngôi giáo đường thì tới nhà hắn. Khu vực này hầu hết là người Bắc di cư 54 nên nhà thờ rất gần nhau, y như khu Hố Nai vậy, nhưng vì đất đai kém phì nhiêu, lại bị kẹp giữa núi cao và dòng sông Pha nên đất vườn ít quá, nhìn tổng thể thấy hiện rõ sự nghèo nàn, có nhà còn vách đất, thế nên nhà thờ cũng như nhà dân quá nhỏ, phủ đầy bụi trắng. Chúng tôi bước xuống xe thì Thăng nói mời các bạn vào nhà đốt cho vợ tôi nén nhang. Vô nhà thấy trống lốc chẳng có món nào đáng mười đồng bạc. Căn nhà mái tôn rỉ sét, ngang 8m đã bị ngăn đôi, vết trám cement còn mới, hắn nói là phải ngăn ra để bán một nửa, lấy tiền lo thang thốc cho con. Hỏi bây giờ làm gì để sinh sống, nó nói đi lượm phân bò, khi nào đầy chiếc xe thùng thì đem bán cho các vườn cải. Ôi cuộc đời có ai ngờ bạn mình vì con đau vợ ốm mà rơi tuốt xuống đáy xã hội như thế. Trước khi chia tay, tôi móc bóp ra, chị dâu tôi, chị Sui... cũng làm như thế, để chia sớt nỗi thống khổ của một cảnh nghèo. Đường từ đây xuống hết đèo Ngoạn Mục mới đáng gọi là "Đoạn đường chiến binh". Xe bò nhẩn nha như con rùa vì những cái hố trên đường to như hố bom. Đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu. Qua khỏi những ống nước vĩ đại của Đập thủy điện Đa Nhim là xuống tới chân đèo. Nhìn lên đoạn đường mới chạy qua ở tít trên cao, chỉ thấy mây bay mờ mịt mà kinh. Mấy tiếng đồng hồ nhấp nhổm trên xe nên ai cũng cần giải quyết cái sự "rót trà". Chúng tôi ghé vào một quán bên đường khá rộng rãi để có thể xả nước, rồi kêu cà phê đá và nước dừa ra uống. Bị Lừa. Một cô nhỏ bưng thúng ổi xá lị trái rất to tới mời. Chúng tôi lắc đầu vì ổi bên Mỹ thiếu gì, ăn không hết để nó rơi đầy gốc, nhưng cô ta mời mãi, lại quảng cáo nào là mỗi trái đều có bọc nên không nhiễm thuốc trừ sâu lẫn trứng dòi, nào là giống ổi to như trái bưởi Năm Roi không nơi nào có v v.. Tôi thấy tội nghiệp nên hỏi bao nhiêu một ký, cô nói hai chục ngàn (một đô la), mà một trái chừng nửa ký. Tôi móc ra 10 ngàn rồi kêu cô xẻ ra một trái ăn thử. Khá ngon, nhưng khi cô mời mua thêm thì tôi nói trên xe còn mấy trái ổi đào tiên, tiện đây cô có dao thì làm ơn cho mượn bổ ra ăn chơi. Vừa thấy trái đào, cô la lên: -Chú ơi đừng ăn kẻo chết, chú bị lừa rồi. Đây chính là trái ổi xá lị. Họ gọt vỏ, lấy giấy nhám đánh cho hết vết lưỡi dao, ngâm vô bột nhuộm và bột thơm rồi bán cho du khách. Có phải chú mua trái này 20 ngàn không? Tôi đáp iủ xiù: -Không phải, mà là 30 ngàn một trái! -Thôi chú quăng vô thùng rác đi. Trái này mà kêu cháu ăn rồi cho triệu bạc cháu cũng hổng dám ăn. Tôi ngán ngẩm nhìn qúi vị đàn bà tối hôm trước đã chia nhau ăn trọn trái ổi ngâm thuốc độc đó mà khen ngon rối rít. |