Khi em hậu phương lên tuyến đầu… |
Tác Giả: Lê Tấn Lộc |
Thứ Hai, 12 Tháng 12 Năm 2011 07:33 |
... Thiếu úy đừng lo! Tui rành sáu câu tụi du kích xã nầy. Tụi nó chỉ có ba thằng, hai thằng có “quảnh-tầm-xào” (súng trường thời Đệ I Thế Chiến , thằng kia chỉ có mã tấu và lựu đạn nội hóa, liệng chưa chắc đã nổ!...
Ngày đó, trước khi nổ ra cuộc binh biến 1.11.1963, từ chiến tuyến đèo heo hút gió do Tiểu đoàn 3/8, Sư đoàn 5 BB trấn đóng, nằm khuất trong khu rừng chồi mênh mông tiếp giáp các đồn điền cao su quận Trị Tâm (Dầu Tiếng cũ), trải dài suốt các vùng đất “hiểm nghèo” An Sơn, An Điền, Phú Thứ, Thùng Thư (Bình Dương), sào huyệt của đám du kích VC -từ đó chúng thường xuyên hoạt động khuấy phá, sách nhiễu dân lành, tạo thành những vùng “bị ung thối”, bất ổn- tôi được lịnh về hậu cứ Đại đội 11/1 Chiến Tranh Tâm Lý nằm trong khu quân sự Tam Hiệp (Biên Hòa), tiếp cận hậu cứ Tiểu đoàn 5 Nhẩy Dù, đón ba nữ ca sĩ dân chính Mai Sương, Thu Vân, Mộng Thu, vừa được đơn vị nầy tuyển mộ, lên…tiền tuyến hợp lực với Liên Toán CTTL, do tôi chỉ huy, làm công tác dân sự vụ; đồng thời ủy lạo chiến sĩ tiểu đoàn 3/8, trách nhiệm hành quân yểm trợ chiến dịch thiết lập Ấp Chiến Đấu hay Ấp Chiến Lược, tùy tình hình an ninh địa phương, khởi đầu tại 2 thí điểm Phú Thứ và Thùng Thư… Nhớ lại,vài tháng trước đó, sau khi thụ huấn Khóa 3 Căn Bản Tâm Lý Chiến tại Trung Tâm Huấn Luyện CTTL (tiền thân của bản doanh Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến sau nầy), với ám số chuyên nghiệp “SQTLC/HQ” (Sĩ Quan Tâm Lý Chiến/Hành Quân), tôi được cử làm Sĩ quan Phụ tá Đại đội 11, Tiểu đoàn 1 CTTL. Vừa đáo nhậm đơn vị buổi sáng, đang ăn trưa tại Câu Lạc Bộ, tôi được xe Jeep của đại đội từ tuyến đầu về “bốc” hỏa tốc lên thay chân cho Đại đội trưởng được đi phép sau 3 tháng thi hành công tác tâm lý chiến bên cạnh Tiểu đoàn 3/8. Vào thời điểm đó, mỗi Khu Chiến Thuật được biệt phái một Đại Đội CTTL/Hành Quân do Nha Chiến Tranh Tâm Lý quản trị, đặt thuộc quyền sử dụng của Phòng 5 Sư đoàn liên hệ và thường được Ban 5 Trung đoàn điều động tăng phái cho các Tiểu đoàn trực thuộc. Chân ướt chân ráo ra trường, lần đầu tiên xuất quân tôi đã lọt ổ phục kích trên đường ra trận tuyến! Vừa qua khỏi Bưng Cầu chưa tới 1 cây số, chiếc Jeep trúng mìn! May thay xe chỉ bị hất tung lên khoảng một thước rồi rơi xuống mặt lộ, bể hết bốn bánh, nằm bất động: Thuở ấy mìn của VC còn quá “đơn sơ”, quá “thủ công nghệ”, sức tàn phá không đáng kể. Bốn “thầy trò” tôi -một Trung sĩ, một Hạ sĩ nhất , một Hạ sĩ già, tài xế, đầy kinh nghiệm chiến trường và một Chuẩn úy lính mới tò te- tức tốc phóng ra khỏi xe, nằm sát mặt đường, dùng chiếc Jeep hư hại làm ụ che chắn, ba khẩu Garant M1 châu lại bắn trả, tác xạ như một trung liên BAR…Riêng Chuẩn úy nhà tôi chỉ biết “cầu âu” siết cò cây Carbine M1 vì chưa xác định được hướng hỏa lực địch! Ông hạ sĩ già vừa bắn vừa trấn an ông quan “non nớt” chiến trận của mình: -Thiếu úy đừng lo! Tui rành sáu câu tụi du kích xã nầy. Tụi nó chỉ có ba thằng, hai thằng có “quảnh-tầm-xào” (súng trường thời Đệ I Thế Chiến , thằng kia chỉ có mã tấu và lựu đạn nội hóa, liệng chưa chắc đã nổ! Chú Hạ sĩ già có lý. Chưa đầy 20 phút “giao tranh”, tiếng quảnh-tầm-xào im bặt và một trái mảng cầu lép xì khói nhưng không nổ, lăn lông lốc trên mặt lộ, do bọn phục kích ném bừa trước khi “chém vè”! Chúng tôi lồm cồm ngồi dậy, nhanh chóng “thu dọn chiến trường”…Dùng địa bàn và bản đồ, tôi dẫn cả bọn vượt sông, băng rừng…an toàn tới địa điểm đóng quân. Trình diện Tiểu đoàn trưởng tại Thùng Thư, bất ngờ tôi được yêu cầu nhận trách nhiệm Quyền Đại đội trưởng ĐĐ Chỉ huy, vì Thiếu úy Đại đội trưởng tử thương, Chuẩn úy Đại đội phó bị thương nặng, cấp chỉ huy cao nhứt còn lại của đại đội là…Thượng sĩ đại đội! Quân số đại đội cũng đã quá hao hụt: 60 còn khả năng tác chiến, 15 bất khiển dụng vì thương tích trầm trọng, chờ tản thương cùng lúc với Đại đội phó. Tiểu đoàn đã xin bổ sung gấp, nhưng tình trạng thiếu sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ là tình trạng chung, đầu thập niên 60…Vả lại, nếu có sĩ quan thay thế cũng phải chờ tới tháng sau, khi từ trực thăng của Sư đoàn (lúc bấy giờ còn quá ít) một quân nhân thuộc Phòng 4 “xô”một con heo xuống tiếp tế tăng cường “cải thiện chế độ ăn uống” cho đơn vị. (Gạo được tiếp tế bằng quân xa GMC, có Thiết vận xa M113 hộ tống). Cùng lúc vị sĩ quan phát ngân viên vội vã nhảy xuống phát lương cho quân sĩ; rồi cũng gấp rút trèo lên trực thăng quay lại rước đến các đơn vị khác trong khu vực hành quân của Trung đoàn 8 tiếp tục phần vụ. Hy vọng lúc đó sẽ có sĩ quan điền khuyết, nhưng không chắc lắm! Thế là chuẩn úy mới ra lò tôi lại phải cùng lúc làm Liên Toán trưởng CTTL/Hành Quân “chuyên môn” và… Quyền Đại đội trưởng “tác chiến”! Ba tháng liền dính chặt với đơn vị, bù đầu với hai nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ, tôi không còn thì giờ nghĩ tới gia đình hay bè bạn. Gần gũi, chia ngọt xẻ bùi với tôi trên tuyến án ngữ nhằm cô lập VC, tách chúng khỏi dân chúng, chỉ là những chiến binh cùng xa nhà như tôi, thường xuyên đối đầu với hiểm nguy mỗi lần xuất quân tuần tiểu, truy lùng địch hay gài đặt những tổ báo động về đêm, bảo vệ vòng đai phòng thủ của tiểu đoàn, cũng như bảo đảm an ninh bằng cách giữa đêm đột nhập Ấp Chiến Đấu, bất thần kiểm tra xem VC có len lỏi vào uy hiếp đồng bào trong Ấp chăng. Một đêm nọ, địch phát loa tuyên truyền chống quốc sách Ấp Chiến Lược, tiếng nói nghe rất gần vòng đai Ấp…Tôi cho súng cối “thục” liên tục. Nhưng loa vẫn tiếp tục ra rả suốt đêm. Khoảng hơn 5 giờ sáng, chú hạ sĩ già của tôi bèn đề nghị tôi cho chú và hai binh sĩ đi “tắt” cái loa quái ác đó: -Bảo đảm với Thiếu úy, một tiếng đồng hồ nữa cái loa đó sẽ tịt ngòi! -Nguy hiểm lắm, chú à! -Không sao đâu, Thiếu úy cứ an tâm! Quả nhiên, gần 6 giờ sáng, VC “ngưng phát thanh”! Và chú hạ sĩ già xuất sắc của tôi dẫn độ tên du kích “xướng ngôn viên” với chiếc loa cầm tay có nút bấm nói-tắt, chạy bằng pin! -Thiếu úy biết sao không? Tụi nó cũng 3 thằng thôi (Tổ tam tam chế mà!). Hai thằng kia canh cho thằng nầy nói. Nhưng súng cối “chụp” rát quá, chúng nó rút lui, để thằng nầy an toàn tiếp tục phát thanh: Nó đào một hố cá nhân sâu một thước, dài hai thước, rồi nó nằm dài, tha hồ nói…Tụi tui tiến tới sát miệng hầm mà nó chẳng hay biết, cứ thao thao bất tuyệt…Cho tới lúc tui kê súng vào đầu nó! Lần khác, một Trung đội trưởng của tôi tử thương vì trúng đạn bắn sẻ. Trước đó ông Thượng sĩ đại đội cũng bị bắn sẻ, may thay đạn xuyên nón sắt chỉ làm sướt da đầu một lằn dài! Chưa kể, mỗi lần xuất quân, binh sĩ cũng bị trúng đạn của tên du kích bắn sẻ nầy. Nhiều lần tiểu đoàn lịnh cho đại đội tôi tìm cách diệt tên sát thủ vô hình, nhưng vẫn vô hiệu quả. Nhờ kiên trì theo dõi hướng đạn bắn đi, chúng tôi dần dần xác định được vị trí của tay súng bắn sẻ xuất phát từ một bụi tre già, cách vị trí đóng quân của tiểu đoàn khoảng 60 thước. Lục soát suốt ngày, chẳng tìm ra dấu vết tên sát nhân. Cuối cùng, nhờ kín đáo gài các tổ phục kích đêm, chúng tôi tóm được tay du kích xã-chuyên viên bắn sẻ: Hắn ẩn núp trong một hầm đào dưới gốc bụi tre. Cửa hầm được ngụy trang quá tài tình thành một mảng đất có cỏ mọc xanh rì, bao quanh bụi tre! Hình ảnh tang thương của một Trung đội trưởng khác của tôi -đang dùng cơm được tôi cấp tốc ra lịnh đi giải cứu một tổ báo động đang bị địch vây khổn- lọt ổ phục kích, lãnh nguyên tràng trung liên vỡ bụng, thức ăn còn bốc khói chưa kịp tiêu hóa văng tung tóe… theo tôi suốt chặng đường về nhà chớp nhoáng thăm gia đình. Hoàn toàn trái ngược với những gì anh em chiến binh chúng tôi thường xuyên đối diện với cái chết chờn vờn bên ngoài phòng tuyến, dân Sàigòn hầu như không ý thức quê hương đang trong tình trạng chiến tranh. Cảnh tượng sinh viên, học sinh bị xách động “xuống đường” chống phá chính quyền, gây rối loạn khắp nơi trong thành phố, vô tình “cầm chưn” một số lớn lực lượng an ninh (lẽ ra phải được sử dụng để truy nã VC nằm vùng) và lực lượng tổng trừ bị (đáng lý ra phải được điều động tăng cường cho những điểm nóng bỏng trên chiến trường) khiến tôi đau lòng nghĩ tới những thằng bạn cùng khóa đã vĩnh viễn nằm xuống, đôi khi chưa kịp lãnh lương sĩ quan! Trên đường trở lên hậu cứ, chiếc Jeep tôi bị kẹt cứng vì lưu thông tắt nghẽn; Tôi được dịp chứng kiến cảnh các cô cậu dìu nhau “vô tư” bát phố, nói nói cười cười…Ra tới xa lộ, lại được xem màn biểu diễn lạn xe hai bánh như hát xiệc. Thú thật, tôi muốn nổi điên, suýt nhấn ga cán bừa những chiếc xe gắn máy lạn qua lạn lại trước đầu xe Jeep, khiến tôi nhiều phen đứng tim, gồng người đạp thắng! Phải cố nén cơn bực tức: bổn phận đang chờ tôi ở hậu cứ và trách nhiệm cũng đang đợi tôi nơi chiến tuyến!
Đêm cuối ở hậu cứ, tôi tổ chức một buổi trình diễn ca nhạc lộ thiên cho gia đình binh sĩ của đơn vị, nhằm thử sức ba “mầm non văn nghệ” vừa tuyển dụng. Các “thiên thần mũ đỏ” láng giềng cũng được mời tham dự. Mai Sương được khán giả nhiệt liệt hoan nghinh. Màn tam ca được chấm quá…đạt! Tuy mới vào nghề, các em đã tỏ ra khá “chuyên nghiệp”. Tôi cảm thấy phấn chấn trước viễn ảnh tốt đẹp các em sẽ hỗ trợ hữu hiệu cho công tác ủy lạo chiến sĩ và thu phục cảm tình đồng bào trong các Ấp do Liên Toán CTTL/HQ điều hành. Nghĩ tới chặng đường ngày mai đưa các em lên tiền đồn -các cô em dáng dấp còn quá nhiều nét “nữ sinh”- tôi vô cùng bối rối, lo ngại cho thân phận liễu yếu đào tơ mà đã sớm dấn thân vào vòng binh lửa: Chặng đường gay go -gấp trăm lần đoạn đường chiến binh ở các quân trường- đầy dẫy mìn bẫy, hầm chông, ổ phục kích, với nhiều cây quảnh-tầm-xào “rắp ranh bắn sẻ”! Biết đâu chẳng có ngày chiến binh chúng tôi phải ngậm ngùi tiếc thương … “Nhưng không chết người trai khói lửa Mà chết người gái nhỏ hậu phương…” Sau đêm văn nghệ, tiếp xúc với ba cô em, tôi hỏi: -Sao mấy em không tìm một công việc gì nhàn hạ và ít nguy hiểm hơn? -Em thì nhà nghèo, mẹ mất sớm, ba làm cảnh sát viên thường, với một bầy con 8 đứa, làm sao đủ tiền nuôi? Mai Sương trả lời. Em lớn nhứt, đành nghỉ học. Kiếm việc gì khi em chưa đủ tuổi trưởng thành? May nhờ ông anh họ làm ở Nha CTTL mách bảo Tiểu đoàn 1 CTTL tuyển ca sĩ cho các Đại đội. Mà Đại đội 11 gần Sàigòn nhứt…Thật tình, chính em cũng thích ca cho lính nghe hơn là đi làm thuê làm mướn… -Vậy chắc Mai Sương ít nhiều cũng mơ ước được là… “người yêu của lính”? - Hoàn cảnh của em cũng tương tợ như hoàn cảnh của Mai Sương. Thu Vân tiếp lời. Nhưng em mồ côi cha (tử trận). Nhà thiếu trước hụt sau. Em là con út. Các anh của em đều ở trong quân đội…Tự nhiên em thấy thương lính lạ lùng! -Lại thêm một cô em muốn làm…người yêu của lính! Ấm lòng chiến sĩ biết bao! Tôi cảm thấy được an ủi phần nào rằng ở Sàigòn hoa lệ, ăn chơi vô tư lự, ít ra cũng còn có người…nghĩ tới và thương lính tiền đồn… -Em thì…người yêu chết trận. Tứ cố vô thân. Cha mẹ mất sớm. Anh em tứ tán khắp nơi vì chiến cuộc. Mộng Thu cúi đầu ứa lệ, nói nhỏ… Sáng sớm, tôi đích thân đến hậu cứ Trung đoàn nhờ sĩ quan chỉ huy hậu cứ cho tôi gửi ba cô em của tôi theo đoàn Thiết vận xa M113 tiếp tế…Yêu cầu của tôi được chấp thuận. Như thế tôi sẽ yên tâm hơn lên Jeep đi cùng chú hạ sĩ già dặn phong sương về lại Thùng Thư! Càng nghĩ càng cảm thương vô biên các em tôi “thân gái dặm trường”…Lòng tôi tràn ngập niềm mến phục những người “em gái hậu phương” sắp thẳng đường xông ra tiền tuyến, sát cánh cùng anh em chiến binh chúng tôi ngăn chặn địch quân khủng bố đồng bào nông thôn. Với số thù lao hàng tháng 1800 đồng bạc -một nửa lương thiếu úy- ba cô em gan dạ của tôi sẽ phải đương đầu với mọi bất trắc nơi chiến trường, hôm nay trèo lên M113, mai mốt có thể cũng sẽ phải nhảy trực thăng xuống những địa điểm không thể di chuyển bằng đường bộ… Thuở ấy chưa có Nữ Quân nhân, chỉ có Nữ Trợ tá. Và họ chỉ làm việc ở hậu phương những đơn vị lớn, hoặc ở các Phòng, Sở Trung Ương. Các em tôi -tuy chỉ là nữ ca sĩ dân chính- vẫn xuống công tác tới cấp đại đội… Đáng ca ngợi lắm chứ! Các Toán CTTL chúng tôi đi hành quân phải tự lo lương thực, đủ thứ lỉnh kỉnh, gạo và thức ăn, thường là cá khô làm chuẩn. Lúc bấy giờ chưa có gạo sấy Quân Tiếp Vụ hay “C ration” do Quân đội Hoa Kỳ cung cấp sau nầy. Chuẩn úy tôi được một “tà lọt” phục dịch, một mang máy truyền tin kiêm cận vệ (thường là để “chăm sóc” khi tôi bị thương hay…tử thương!). Tôi nghĩ anh em sĩ quan thời đó không thể quên hình ảnh thân thương của thằng em “tà lọt” gập người nhỏ thó quảy túi đeo lưng khổng lồ -nặng hơn trọng lượng của chàng!- chứa đầy thức ăn dã chiến, nồi niêu son chảo móc lủng lẳng hai bên “ba-lô”, lo từng bữa ăn cho “ông thầy”! Ba cô em ca sĩ “hành quân”của tôi chắc cũng phải phụ lực với anh “tà lọt” yêu quí để có gì bỏ bụng khi xong công tác. Tất cả chi phí ẩm thực nầy đều do “quan” Chuẩn úy ta gồng mình đài thọ, với tiền lương tháng quá “khiêm nhường” 3.300 đồng! Các cô đã nghèo mà lính còn nghèo rớt mồng tơi hơn nữa! Coi như mình tôi “lo” cho 6 miệng ăn! May là toán phục dịch phía Đại đội Chỉ huy đã có Thượng sĩ đại đội lo! Ở quân trường, tôi thường nghe “Bộ binh là hoàng hậu của các trận đánh” (L’infanterie est la reine des combats). Nơi trận tuyến các tỉnh miền Đông Nam Phần, ở thời điểm 1963, các cuộc chạm súng thường chỉ diễn ra tối đa tới cấp đại đội. Về Hải quân, chỉ có vài chiếc giang thuyền của Bảo An (Địa Phương Quân sau nầy). Với không quân, họa hoằng lắm mới thấy xuất hiện một hai skyrider dội bom vào các điểm nghi ngờ địch đặt súng cối. Cho nên, Bộ binh chỉ trông nhờ vào các trực thăng yểm trợ, rất hữu hiệu, nhanh chóng và chính xác khi chạm địch. Các thiết vận xa M113 cũng trợ lực rất hiệu quả cho chúng tôi, trong nhiệm vụ hộ tống, tiếp tế, khai thông các trục lộ. Hỏa lực các trọng liên 12.7 và 13.2 của các chiến sĩ thiết giáp đã nhiều phen làm địch quân khiếp vía! Vũ khí cá nhân của Bộ binh thời đó chỉ có súng ngắn Colt 12, súng trường Garant M1 (có thể trang bị óng phóng lựu), tiểu liên Thompson, Carbine M1, lựu đạn tấn công và phòng thủ, bên cạnh các vũ khí cộng đồng trung liên Bar (được biết qua hỗn danh FM đầu bạc), đại liên M1, súng cối 81… Cho nên, không cường điệu lắm nếu nhận định “Trực thăng và Thiết vận xa M113 mới thật là hoàng hậu chiến trường” thời đó. Bởi thế VC mới tuyên truyền láo khoét trực thăng và thiết giáp của “Diệm-Mỹ” làm bằng cạc-tông, chỉ cần lấy sào thọc trúng là “máy bay lên thẳng” rớt xuống đất ngay! “Xe bọc sắt” cũng thế, đụng phải các ụ đất “ta” đắp mô là vỡ toang! Thực ra, trực thăng lúc bấy giờ là…vô địch, thiết vận xa trúng mìn chỉ…đứt xích là cùng (thuở ấy VC chưa được Trung cộng trang bị B40). Riêng cá nhân tôi, những lần biệt phái cho Tiểu đoàn 5 Nhẩy dù, được sử dụng Carbine M2 bá xếp, vũ khí chỉ được trang bị cho các lực lượng Tổng Trừ Bị, Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân…Và là vũ khí cá nhân “tối tân” nhất thời đó trong Quân đội VNCH! Sự hiện diện của 3 nữ ca sĩ “non trẻ”, dù muốn dù không cũng đã thổi một luồn sinh khí mới cho Tiểu đoàn 3/8 nói riêng, cho đồng bào các Ấp Chiến Đấu Phú Thứ và Thùng Thư nói chung. Ít ra 3 em cũng mang đến chút tươi vui cho mọi người trong khu vực trú đóng của đơn vị. Nhưng đồng thời cũng là mối bận tâm phụ trội cho tôi, với tư cách là sĩ quan TLC/HQ. Các em được săn đón chí cốt từ mọi phía, sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ…Mà tôn chỉ của ngành Tâm Lý Chiến là quân cán chính CTTL phải luôn luôn giữ tác phong gương mẫu khi tiếp xúc với các đơn vị bạn hay với dân chúng, tránh tối đa mọi hành vi gây tai tiếng xấu cho ngành! Mà tôi làm sao ngăn cấm các cô em tôi -vốn đã sẵn có cảm tình với lính- tiếp xúc với các chiến binh ? May cho tôi là các em tự giác khép mình vào khuôn khổ do Nha CTTL hoạch định. Mai Sương, Thu Vân, Mộng Thu luôn quấn quít bên tôi, coi tôi như người anh cả, không tự ý giao dịch lung tung. Và thường xin phép tôi cũng như yêu cầu tôi cùng đi với các em trong những lần họp mặt ngoài đơn vị CTTL, mặc nhiên coi tôi như…lá bùa hộ mệnh! Chuẩn úy tôi giờ đây kiêm thêm một nhiệm vụ mới nữa, không có trong chương trình huấn luyện của Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức:“Bê-bi-xít-tơ”! Cũng tốt thôi: coi như dịp may hiếm có cho tôi áp dụng những điều thu thập được từ những năm theo ngành Tâm lý học ở ĐH Sư Phạm và ĐH Sorbonne, để sau nầy trở về đời sống dân sự đem ra ứng dụng vào “nghiệp” gõ đầu trẻ…vị thành niên! Ngày đó chắc cũng còn xa… Trước mắt, còn nhiều việc thực tiễn, cấp bách hơn phải chu toàn: hành quân tảo thanh đám du kích đang tìm mọi cách thâm nhập khuấy phá các Ấp; củng cố hệ thống bảo vệ an ninh cho đồng bào nhằm cô lập tối đa bọn phiến cộng…Và mọi việc coi như đang tiến hành tốt đẹp: những vụ chạm súng lẻ tẻ với địch ở Phú Thứ và Thùng Thư giảm thiểu thấy rõ! Ba cô em ca sĩ của tôi có thể cùng Ban Văn Nghệ Liên Toán CTTL đến ủy lạo chiến sĩ ở các địa điểm đóng quân của các đại đội khá xa Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn mà không còn phập phồng lo sợ bị phục kích hay bị bắn sẻ! Lần đầu ra quân tại Phú Thứ, sau tràng vỗ tay của anh em chiến binh nhiệt liệt chào đón Toán Văn Nghệ lưu động do tôi đích thân hướng dẫn, cử tọa im phăng phắc khi Mai Sương cất tiếng “Chúng mình hai người bước chân ngược xuôi, Đôi lần vẫn nhắc đến tên người xưa…” cho Thu Vân tiếp nối “Đêm nay dĩ vãng về trong giá lạnh, Nhớ chuyện mùa thu tâm tình, Cùng đi chiến đấu tôi và anh…”, để rồi Mộng Thu trầm buồn buông lững tiếng ca cực kỳ truyền cảm “Đêm đêm gối súng mình đâu tiếc đời, Thế mà tình yêu chết rồi...” Tiết mục kế tiếp khiến khán thính giả thêm rạt rào thương cảm với giọng hát như tiếng nức nở của Mộng Thu, hầu như muốn phơi bày tâm sự u uất: Nửa đêm nhớ anh, buồn nghe mưa khóc qua mành Nửa đêm nhớ anh, tủi thân mi khép mong manh Ai ngỡ duyên mình, bẽ bàng lá thắm xa cành Chim đàn xa tổ tội tình, người chờ người trong lúc tuổi xanh… (…) Anh nhớ đêm nay có người em gái thơ ngây, Môi hồng nức nở canh dài, bàng hoàng vì trong mộng chờ ai… Kết thúc buổi trình diễn, hợp ca “Huynh đệ chi binh” lôi cuốn hội trường hòa ca vang dội, vô cùng hào hứng! Cuối cùng vị sĩ quan do Tiểu đoàn yêu cầu bổ sung cũng đã từ trực thăng tiếp tế nhảy xuống nhận Đại đội Chỉ huy do tôi bàn giao. Và ba tháng sau ngày các em ca sĩ lên tuyến đầu, Đại đội trưởng ĐĐ11CTTL hướng dẫn một Liên Toán mới lên thay chân cho Liên Toán tôi đi phép, sau khi chúng tôi kiện toàn tổ chức hai Ấp Chiến Đấu thành hai Ấp Chiến Lược Phú Thứ và Thùng Thư. Các em tôi giờ đây xem ra cũng “dày dặn phong sương” không kém các anh tiền tuyến, không còn “mình hạt xương mai” như lúc mới đáo nhậm đơn vị nữa, dáng điệu cũng “nhà binh” ra phết -dù chưa hề qua một ngày huấn nhục ở quân trường- phần lớn là do tự nguyện theo chân các anh chiến binh dầm mưa dãi nắng tảo thanh du kích. Sau một đêm sinh hoạt với trại gia binh của đại đội, khoảng 11.30 sáng ngày 1/11/1963, chúng tôi dùng GMC rời hậu cứ về Sàigòn thăm gia đình. Bất ngờ, tới ngã ba xa lộ, ngang con đường từ Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức đổ ra, xe chúng tôi gặp nút chặn của khoảng một Trung đội Thủy Quân Lục Chiến. Tôi xuất trình sự vụ lệnh theo yêu cầu: -Chuẩn úy không thể về Sàigòn. -Sao vậy? Đảo chánh chăng? Mấy anh đảo chánh hay đi “giải cứu”? -Chúng tôi chỉ được lệnh ngăn chặn các quân nhân với lời yêu cầu tất cả quay về đơn vị gấp chờ lệnh… Về tới hậu cứ, vừa bước chân vô văn phòng, đã nghe điện thoại reo vang: -Chuẩn úy chuẩn bị ngay một Toán CTTL chờ Phòng 5 Sư đoàn cho xe tới đưa về Sàigòn công tác khẩn cấp. Chưa tới nửa giờ, Toán chúng tôi đã tháp tùng một cánh quân của Sư đoàn thẳng đường xông…về Thủ Đô! Các cô em ca sĩ được miễn đi theo. Chắc chắn sẽ chẳng có dịp “trình diễn văn nghệ”, em hát cho anh nghe, nếu không là… “một lần cuối cùng…rồi thôi”! Đạn từ trong Thành Cộng Hòa tua tủa bay tới hướng Toán phát loa kêu gọi đầu hàng. May mà chúng tôi có nơi ẩn núp tương đối an toàn trên một cao ốc, nơi có sự hiện diện của nhiều sĩ quan cao cấp. Tôi nghe Trung tướng TVĐ hét bằng tiếng Pháp qua ống liên hợp (combiné) của máy truyền tin trên chiếc Jeep “cần câu”: -“Commandant LTB! Où sont tes chars?” (Thiếu tá LTB! Thiết giáp của ông đâu hả?). Không nghe có tiếng trả lời…Súng từ phía lực lượng kháng cự đảo chánh vẫn bắn rát… Sau đó Toán chúng tôi được chuyển đến dãy lầu Tòa Án, phát loa kêu gọi lực lượng bảo vệ Dinh Gia Long buông súng…Cũng không kết quả, trái lại, Đại úy Ngải, TQLC bị bắn gục trước Dinh… Tình thật, khi bị TQLC chặn ngoài xa lộ, cũng như khi nhận lệnh của Phòng 5 Sư đoàn, tôi vẫn chưa biết đích xác chuyện gì xảy ra ở Sàigòn. Lần binh biến 11.11.1961 do Đại tá nhẩy dù NCT chủ xướng tôi theo dõi diễn tiến trên đài Truyền Hình tại Paris (Giờ chót Ngô Tổng Thống được các lực lượng trung thành giải cứu). Cho nên lần nầy, tôi chẳng rõ ai đảo chánh và ai giải cứu, cho tới khi chứng kiến tình hình chuyển biến ở Thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long. Rõ ràng phe đảo chánh làm chủ tình hình…Quân nhân cấp thấp như tôi chỉ biết tuân lệnh thượng cấp, đúng như “truyền thống” quân đội: Thi hành trước, khiếu nại sau! Khi mọi việc đã xong, trở về đơn vị gốc chờ lệnh thì…bất ngờ một công điện hỏa tốc yêu cầu tôi trình diện Bộ Quốc Phòng trong vòng 48 tiếng. “Mọi chậm trễ, đơn vị trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm”! Từ đó trở đi, cuộc đời binh nghiệp của tôi trải qua nhiều gian truân, bất trắc, hoàn toàn ngoài ý muốn! Một vài cuộc binh biến xảy ra sau ngày “đảo chánh”, không hiểu do căn duyên gì mà tôi bị “dính” vào, dù võ nghiệp không phải là nghề chính của tôi: “Chỉnh lý”, “Biểu dương lực lượng” diễn ra nhằm lúc tôi là sĩ quan trực Phòng Công điện Bộ Tổng Tham Mưu, nên bị “hốt” chung với các vị mà quí ngài Chỉnh lý và Biểu dương muốn loại trừ…
Nhưng rồi cũng tới lúc tôi được trả về đời sống dân sự. Từ đó trở đi tôi không còn cơ hội gặp lại các cô em ca sĩ đã từng sát cánh cộng tác thực hiện quốc sách Ấp Chiến Lược, quốc sách mà những vị chủ xướng lật đổ và sát hại hai anh em cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, xóa sổ nền Đệ I Cộng Hòa, đã thẳng tay dẹp bỏ, gây nhiều tổn thất cho lực lượng hành quân truy lùng địch sau đó, vì địch trở lại trà trộn với đồng bào nông thôn, dùng họ làm lá chắn, cầm chưn quân ta. Những lúc đứng trên bục gỗ, nhìn xuống đám môn sinh “vị thành niên”, chạnh lòng nghĩ đến các em nữ ca sĩ “non trẻ” ngày nào cùng tôi “sống chết có nhau” trên tuyến đầu đầy dẫy thử thách, gian nguy, tôi thầm nguyện cầu cho các em nhanh chóng trưởng thành qua cơn binh lửa, sớm được làm “người yêu của lính”, cho tôi được dịp nhìn các em bước lên xe hoa (cho dù là “đám cưới nhà binh”, có “hai xe lội nước đi đầu”). Để nâng ly rượu hồng chúc mừng các em tôi, cùng nhau hồi tưởng một thời đã từng chung bước trên vùng đất biết bao lần thấm máu anh em chúng tôi đã đổ ra bảo vệ nó -một thời mà mỗi lần cất tiếng ngân nga “nhớ chuyện mùa thu tâm tình, cùng đi chiến đấu tôi và anh” cả khung trời kỷ niệm dấu yêu xa xưa thoáng hiện về Như chân chim muôn thuở, In mãi bậc thềm rêu chẳng bao giờ phôi pha theo ngày tháng…
|