Thực ra đây là một biện minh cho áo dài mini, hay đúng hơn cho sự thực dụng của áo dài.
|
Sở dĩ có chuyện này là hôm nọ tôi được đọc bài của nhà văn Trần Mạnh Hảo mang cái tựa đề “Mặc áo dài đi yêu nước”. Tôi xin nói ngay là tôi rất thích bài này.
Nhưng điều làm tôi thấy cần đính chính là đoạn nhà văn viết về cái áo dài mini của Sài Gòn năm xưa: “Áo dài thủa trước gần chấm đất đã được cuộc cách mạng lưng lửng Sài Gòn kéo lên dưới đầu gối chừng mười lăm hai mươi phân, làm cho vẻ áo dài chợt chông chênh, lắt lẻo như cầu tre gập ghềnh khó đi của thon thả, của đứt đoạn mây trời pha chút buông thả hớ hênh. Chiếc áo dài lưng lửng xuân, lưng lửng gió, lưng lửng kín, lưng lửng hở Sài Gòn đã chinh phục cả nước gần hai mươi năm, tạo ra nét thẩm mỹ chông chênh chìm nổi của bồng bềnh tung hứng gió bay và mắt nhìn cũng theo gió, theo vết đứt đoạn của cách tân áo dài bay đi cùng cảm hứng xuân xanh.”
Trước hết là chuyện “áo dài thủa trước gần chấm đất” thực ra là chuyện mới. Tôi còn nhớ ảnh mẹ tôi chụp ngày cưới, áo dài còn cách mặt đất cả hai tấc. Cái thuở mà áo dài gần chấm đất là giai đoạn mà các nhà vẽ kiểu áo dài bắt đầu quay sang bắt chước Tây phương và cái áo xườn xám của Trung Quốc. Ðây là lúc áo dài cổ cao, eo thắt thiệt chặt, và dài thật dài, nhưng thực ra cũng chưa chấm đất. Mãi đến bây giờ tôi mới thấy cái áo dài chấm đất và thú thật tôi không thích cái áo dài kiểu đó tí nào cả. Cho đến năm 1975, tôi, cũng như tất cả người phụ nữ miền Nam sống ở thành thị, coi cái áo dài là bộ quần áo hàng ngày. Chúng tôi đi học mặc áo dài, đi làm mặc áo dài và đi chơi cũng mặc áo dài.
Xin phép mở ngoặc đôi chút. Cả miền Nam đã bật cười khi trong một cuốn phim của chế độ mới có cảnh một cô thư ký của ông cố vấn Ngô Ðình Nhu mặc quần jean áo thung. Không biết ông bà nào làm cuốn phim đó nghĩ sao mà chẳng hỏi ai cho nó đúng sự thật. Cái thời cụ Diệm làm sao có chuyện lố lăng như vậy. Mà thật ra vào cái thời đó, ngay cả ở Âu Châu và Hoa Kỳ, quần chỉ được mặc khi đi picnic. Tôi còn nhớ vào thập niên 1960, trường đại học tôi học ở Hoa Kỳ đã cấm nữ sinh viên mặc quần đi học!
Nhưng xin quay trở lại chuyện áo dài. Chính vì áo dài trước năm 1975 là áo quần để đi làm nên khi có một số nhà vẽ kiểu có sáng kiến sử dụng cái quần loa và cái áo tunic của thời thập niên 1960 để áp dụng cho áo dài, thành cái áo dài mini, nó đã được phụ nữ nhanh chóng chấp nhận. Áo dài mini có cái tiện là nó đỡ vướng. Tôi xin đoan chắc là cái áo dài bết đất đang thịnh hành ngày hôm nay không thể mặc hàng ngày được, bởi lết bết kiểu đó vấp té chết. Ngay cả hình ảnh các em học sinh Sài Gòn ngày nay mặc áo dài cũng thấy là áo của các em không bết đất.
Kiến trúc sư Nguyễn Gia Ðức, anh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, người đã vẽ kiểu cho Thư viện Quốc gia duyên dáng ở Sài Gòn, đã có lần nhận xét về áo dài mini là nó thực sự đã trở về nguồn. Trong một buổi mạn đàm với một số đàn em kiến trúc, ông đã đưa hình ảnh cái áo tứ thân thời xưa và hình ảnh một cô thiếu nữ mặc áo dài mini quần ống loa. Kể ông nói cũng đúng, nếu nhìn xa cái dáng dấp giống nhau. Áo tứ thân chẽn ở trên, ngắn và mặc kèm với cái váy lãnh trông không khác gì hình ảnh cái áo dài mi ni quần loa cả. Ông cũng nhắc cho đám trẻ là phụ nữ nông thôn thời xưa mặc váy chứ không mặc quần. Mặc quần là quan quyền, rồi sau là dân thành thị.
Áo dài, như một số những người bạn Á Châu của tôi thường ghen tuông nhận xét, có cái lợi là nó không quá rườm rà như cái sari của Ấn Ðộ hay những hình thức sarong của Ðông Nam Á. Cái áo dài gọn gàng có thể mặc trong khi làm việc. Người phụ nữ Việt Nam có thể đi xe đạp, cưỡi xe gắn máy mà vẫn mặc áo dài.
Trong các trang phục phụ nữ Á Châu ngày nay có lẽ chỉ có cái áo của người Pakistan là tương đối gọn. Ở một hình thức nào đó, nó hao hao giống cái áo dài Việt Nam của chúng ta. Nhưng người Pakistan, vì tôn giáo, đã thêm thắt khiến nó rườm rà hơn áo dài Việt Nam. Ðiều quan trọng là chúng ta đừng nên làm trò với tà áo dài để khiến nó trở thành một món xa xỉ phẩm chỉ lễ hội mới mang ra dùng. Tôi còn nhớ nghe kể là khi có vận động các bà các cô đi biểu tình yêu nước mặc áo dài, không có bao nhiêu người mặc chỉ vì họ không có áo dài.
Cái áo cổ truyền của phụ nữ Việt Nam duyên dáng nhưng tiện dụng. Nó thích hợp với phong thổ, thời tiết của đất nước chúng ta. Hơn thế, cũng như áo đầm của Tây phương, chúng ta nên thích ứng để cho áo dài có thể được sử dụng ở mọi hoàn cảnh.
Tại sao chúng ta không có áo dài bết đất để làm áo dạ tiệc. Tà áo đó rất xứng đáng đứng cạnh những cái evening gown của thế giới. Rồi tại sao chúng ta không có áo dài ngắn hơn để tiện cho lúc đi làm việc. Áo ngắn, gọn thì mới làm việc được chứ lết bết làm sao làm việc. Từ thời Tự Lực Văn Ðoàn, phong trào áo dài Lemur đã được các nhà ái quốc trong phong trào sử dụng như là một khí cụ canh tân đời sống. Khác với cái áo rộng rinh, hai người chui vào cũng lọt, áo dài Lemur được cắt theo khổ người phụ nữ, làm tăng sắc đẹp của họ, nhưng vẫn duy trì được hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam. Ðó quả là một thành công của nghệ thuật Việt Nam.
Dĩ nhiên nhiều bạn trẻ trong nước ngày nay có lẽ nghĩ áo dài cổ hủ. Họ muốn theo thời trang của thế giới, baggy jeans và sloppy t-shirt, hay những bộ đồ dạ hội như tà áo của Quận chúa Catherine của nước Anh chứ nào ai thích tà áo dài.
Và đó chính là thách thức cho các nhà vẽ kiểu thời trang. Nhưng thời trang áo dài không có nghĩa là biến nó thành một thứ evening gown lai căng, nửa tây, nửa ta, chẳng giống ai cả. Cái cảnh một cô người mẫu mặc cái áo dài mà có cái đuôi dài như áo cưới của Quận chúa Catherine chẳng thuyết phục được ai.
Có lẽ chính vì thế chúng ta cần không phải là “Mặc áo dài đi yêu nước” mà “mặc áo dài để yêu nước”. |