Home Văn Học Tùy Bút Chuyện gần 40 năm sau mới kể

Chuyện gần 40 năm sau mới kể PDF Print E-mail
Tác Giả: VIỆT NAM   
Chúa Nhật, 13 Tháng 11 Năm 2011 05:45

Những phút cuối cùng ở Trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam

 

Hồi Ký
■ Kính dâng Tổ Quốc.
■ Kính dâng các anh hùng vị quốc vong thân.
■ Đây là những vết tích đau thương của lịch sử dân tộc, không bao giờ phai mờ trong tâm khảm những người con mất nước.
                     
Khoảng xế trưa ngày 29 tháng Tư, 1975, theo lệnh Chỉ Huy Trưởng, toàn thể Trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam[1] di chuyển ra bến tàu, gần trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Quốc Gia, cách ngã tư Bến Đình khoảng một cây số để lên tàu di tản.  Từ Trường, tôi đi bộ qua đường Lê Lợi, về nhà ở trại Cô Giang, Phường Thắng Tam. Tôi chỉ kịp trao đổi với mẹ tôi vài lời. Năm đó mẹ tôi đã 55 tuổi, còn tôi vẫn chưa lập gia đình. Sau khi bị thương lần thứ hai tại Trà Ôn, tôi nhận giấy thuyên chuyển về Trường TSQVN. Tại đây, tôi được sắp xếp dạy Anh Văn, khi vết thương ở chân chưa lành.
-Mợ chuẩn bị nhanh lên. Mình phải đi ngay bây giờ.
-Đi đâu? Mẹ tôi hỏi.
-Chắc là đi Mỹ.
-Sang Mỹ lạnh lắm. Chắc mợ chịu không nổi đâu.

Chỉ có thế, rồi hai mẹ con tôi im lặng. Sau khi mẹ tôi xếp vội vài bộ quần áo bỏ vào vali, tôi cột chặt vào sau chiếc xe Honda Dame. Xong xuôi tôi lấy cây Carbin đeo vào vai, đội nón sắt, dắt xe ra khỏi nhà sau khi đã khóa cửa cẩn thận, rồi chở mẹ tôi ra bến tàu.

Bên ngoài, dọc theo con đường dẫn ra bến tàu, khoảng 400[2] em TSQ di chuyển chỉnh tề, cộng với các gia đình binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan nối đuôi nhau. Một số nhà dân ở hai bên đường, thấy chúng tôi di chuyển, đã hiếu kỳ ra đứng nhìn theo. Chỉ Huy Trưởng ngồi trên xe díp có tài xế lái, dẫn đầu “đoàn quân”. Có vài người đi xe gắn máy. Còn lại đều đi bộ. Chỉ Huy Trưởng lúc bấy giờ là Trung Tá Ngô Văn Dzoanh, người đã thay thế Đại Tá Hồ Nhựt Quan (Cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 9) cách đó hơn một năm.

Tôi chở mẹ tôi chạy chậm, khoảng gần cuối đoàn người. Không ai nói với ai một lời. Tôi để ý, không thấy một vị Sĩ quan quen biết nào ở Ban Văn Hóa cả. Lúc đó, tôi không nhớ đầu óc mình đã suy nghĩ gì. Khi đến gần bến tàu, bỗng nhiên đoàn người dừng lại, nhốn nháo. Không thấy Trung Tá Ngô Văn Dzoanh đâu. Nghe nói ông đang nói chuyện với các sĩ quan chỉ huy một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đang chiếm giữ bến tàu.

Đến khi có lệnh tất cả mọi người phải quay về Trường, tôi cũng về theo. Có người cho là vì tình trạng an ninh tại bến tàu lúc bấy giờ. Nếu Trường TSQ lên tàu, sẽ tạo ra một tình trạng hết sức lộn xộn, chậm trễ. Việt Cộng từ phiá Bà Rịa có thể pháo kích lên tàu bất cứ lúc nào. Tôi kể lại chuyện này với tất cả sự dè dặt, vì sự thực, tôi không được nghe nội dung câu chuyện giữa các sĩ quan TQLC và Trung Tá Ngô văn Dzoanh. Ngoài ra, vì đi gần cuối, tôi không hề thấy một người lính hay Sĩ quan TQLC nào, cũng chưa thấy chiếc tàu của Hải Quân đâu cả, và cũng không biết nó mang tên gì.
Thế là đoàn người quay đầu lại, di chuyển về Trường trong nỗi thất vọng.

Về đến nhà, cửa nẻo vẫn được khóa kỹ lưỡng. Tôi dắt xe vào nhà với cái vali đằng sau, nói mẹ tôi chờ, rồi đi bộ qua trường.
Ngay trước cột cờ, khoảng 400 em TSQ mặc đồ vàng, đã nghiêm chỉnh xếp hàng đôi từ nhỏ đến lớn, lặng lẽ chờ đợi.
Tôi đứng gần Phòng Sĩ Quan Trực cùng với một số người khác. Thấy loáng thoáng có Thiếu tá Nguyễn Văn Thương, Trưởng Khối Quân Huấn; Đại Úy Hoàng, Liên Đoàn Trưởng LĐ TSQ; Đại Úy Lê Viết Đắc, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ Hùng Vương; Trung Úy Tuất, An Ninh; Chuẩn Úy Hà Văn Cúc, An Ninh; Chuẩn Úy Lâm A Mạ, Chuẩn Úy Khôi… Nếu tôi không lầm, các Sĩ quan này đều là Cựu TSQ (AET).

Lúc bấy giờ Trung Tá Ngô Văn Dzoanh không ngồi tại văn phòng của ông. Ông đứng phía trước Phòng Sĩ Quan Trực bên cạnh. Tôi được biết Trường có kế hoạch di tản ra Đệ Thất Hạm Đội và đang chờ trực thăng đáp xuống.

Tôi nghĩ đến mẹ tôi đang chờ ở Trại Cô Giang, nhưng tôi đã tự trấn an mình ngay. Nhà tôi ở trong Trại Cô Giang, căn nhà số 2, dãy thứ hai, đối diện với Trường, chỉ cách bề ngang một con đường. Nếu gần đến lượt, tôi chạy về đưa mẹ tôi qua Trường, cũng vẫn còn kịp.

Khoảng một tiếng sau, một chiếc trực thăng đáp xuống sân Trường. Sáu hay bảy em TSQ nhỏ đứng đầu bước lên. Sau đó, tôi thấy có một người đàn ông Mỹ. Trước đó tôi đã gặp ông này vài lần, nhưng không nhớ ở đâu. Hình như ông ta là Kỹ Sư Cố Vấn. Ông ta leo lên cùng với cô vợ người Việt Nam và cô con gái nhỏ. Tôi còn thấy hai ông Trung Sĩ Chỉnh và Ngộ (con trai bà giáo Thảo bán mắm ruốc) nữa. Hai người này là Hạ Sĩ Quan An Ninh, không biết họ từ đâu chạy ra chỗ trực thăng đậu, rồi leo lên. Tôi thấy không ai kịp phản ứng và cũng không ai nói gì cả. Lúc đó, tôi không nhận thấy mình đã ngây thơ, khờ khạo. Mỗi chuyến trực thăng có thể chở được 20 người ngồi cả trên sàn. Cộng chung các em TSQ với các cán bộ nhà Trường và gia đình họ, tối thiểu khoảng 7-8 trăm người. Nếu chỉ có một chiếc trực thăng, để chở hết, phải mất 40 chuyến. Không ai biết tàu đang đậu ở đâu ngoài khơi, nhưng thử ước lượng mỗi chuyến mất độ 30 phút cho thời gian bay đi, bay về, lên, xuống. Vậy là, phải mất 20 tiếng! Một chuyện không thể nào thực hiện được khi Cộng quân đã tới sát bên.

Ngay sau đó trực thăng bay đi. Chúng tôi im lặng chờ chuyến thứ hai đáp xuống.

Chúng tôi cứ đứng chờ như thế đến 2-3 tiếng. Sau cùng, Trung Tá Ngô Văn Dzoanh xuất hiện. Ông buồn bã xem đồng hồ, rồi nói với những người đang đứng trước Phòng Sĩ Quan Trực:
-Đến giờ phút này moi hoàn toàn thất vọng rồi. Trực thăng không xuống nữa đâu. Thôi, các toi hãy về nhà tự lo cho mình và gia đình.

Ông chỉ nói có bấy nhiêu. Dường như tiếng nói của ông bị đứt đoạn, nghẹn ngào. Có một số em TSQ đứng gần đấy, thấy chúng tôi tan hàng, đã khóc theo. Tình cảnh này giống như một đàn gà. Bầy con đang đi theo mẹ, nhởn nhơ bắt sâu, bỗng từ trên trời xuất hiện một con diều hâu. Bầy con chạy vội núp vào cánh mẹ. Con diều hâu hung hăng bay xà xuống. Đàn gà náo loạn, tan tác.

Tôi về nhà. Trại Cô Giang vắng ngắt. Nhà bà Y Tá bên phải và nhà Thiếu Úy Hòa bên trái đóng chặt cửa. Không biết họ có ở nhà không. Một lúc sau tôi thấy Đại Úy Trần Đình Ân, Trưởng Ban Văn Hóa[3], mặc quân phục, đội mũ bê rê màu xanh đậm, chở vợ trên xe gắn máy chạy ra đường cái, ngang qua nhà tôi. Vợ chồng Đại Úy Ân nhìn thấy tôi. Không một lời nói nào, chỉ có ánh mắt, nhưng khi ấy tôi lại không hiểu được.

Gần như Trại Cô Giang không còn ai. Tôi bàn với mẹ tôi chạy tới tá túc nhà anh An ở Phường Thắng Nhì. Bà cô ruột của anh An là bạn thân của mẹ tôi hồi còn đi học. Bỗng nhiên, Thiếu Úy Từ Hữu Mỹ[4] bước qua nhà tôi. Thiếu Úy Mỹ ở cách nhà tôi vài căn. Gia đình của Thiếu Úy Mỹ ở Chương Thiện, mới lấy vợ được vài tháng. Quê vợ ở Bình Dương. Hai người bị kẹt lại Vũng Tàu. Thiếu Úy Mỹ “xin” đi theo tôi vì không biết đi đâu cả. Có thể ngày mai Việt Cộng sẽ tới đây.

Một lần nữa, tôi lại khóa cửa nhà. Tôi chở mẹ tôi bằng xe Honda Dame, bên cạnh có Thiếu Úy Mỹ chở vợ bằng xe đạp mini. Cả hai chúng tôi vẫn “lon lá” đầy đủ. Ra đến đường, một em TSQ chặn tôi lại. Em đưa cho tôi trái lựu đạn M26.
-Thầy giữ “cái này” để xài.

Có thể em là TSQ lớp 11 hay 12. Vì thời giờ gấp rút, tôi không hỏi tên em, chỉ nhớ là đã cám ơn. Tôi biết khi tôi đi rồi, em lại quay về Trường, vì còn biết đi đâu.
Người tôi lúc đó được trang bị gần như đầy đủ: quân phục tác chiến, nón sắt, súng carbin, lựu đạn, băng đạn, thẻ bài.

Chúng tôi chạy xe dọc theo con đường phía bên ngoài Trường TSQ. Trường nằm bên phải, buồn bã, lạnh lùng. Ngang khu Liên Đoàn, tôi còn thấy vài ba bộ đồ vàng lảng vảng ở ngoài hành lang, hay dưới cột cờ. Không biết các em đang làm gì. Thôi nhé, vĩnh biệt các em. Vì vận nước đổi thay, thầy trò chúng ta phải chia tay nhau. Chúng tôi đã làm bổ phận, mặc dù chưa xong, của những người thầy đối với các em, nhưng rất xót xa vì chúng tôi không phải là những người mẹ. Chúng tôi biết, những thứ các em thực sự cần lúc bấy giờ là những mái gia đình đầm ấm, ở đó có tình thương yêu của những người mẹ, người cha hay người anh, người chị.

Rồi đến khu Văn Hoá vắng ngắt. Kiến trúc có hai cầu thang ở hai bên. Có những lớp học ở tầng dưới và ở trên lầu. Có những người đã cùng dạy học với tôi ở đó. Đại Úy Nguyễn Văn Thi (về từ Võ Bị Đàlạt, dạy Toán), Trung Úy Trần Trị Chi, Trung Úy Nguyễn Văn Minh, Trung Úy Lê Văn (?) Thiện (dạy Vạn Vật), Trung Úy Lâm Quang Đạt, Thiếu Úy Phạm Quang Tuyên (dạy Anh Văn), Thiếu Úy Phạm Việt Hùng (dạy Văn), Thiếu Úy La Hoa Hùng (dạy Toán), Thiếu Úy Trần Quang (?) Huy (dạy Văn), và một số người nữa tôi không nhớ tên.

Đối diện với Trường TSQ, có một dãy tường dài màu trắng. Ở đó, bây giờ tôi còn thấy viết một câu nói nổi tiếng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng tin những gì Cộng Sản nói. Hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm.” Vào giờ phút ấy, tôi vẫn còn thấy câu nói đó như một thách đố, nhưng lại rất nghẹn ngào, uất hận.
Trên đường, chúng tôi thấy mọi nhà đều đóng cửa. Phố xá vắng lặng như chiều 30 Tết. Không một người qua lại.         

Chúng tôi tới nhà anh An ở khu chợ mới, Phường Thắng Nhì vào khoảng 4 giờ chiều. Cô ruột của anh An là bạn thân của mẹ tôi khi hai người còn nhỏ. Bất ngờ thấy chúng tôi tới, anh An lo sợ ra mặt. Chắc anh không muốn bị phiền phức. Nhưng chị An không nói gì.
Nhìn thấy chúng tôi đùm đề súng đạn, anh nói:      
-Trời ơi, đến giờ này mà các chú còn súng đạn như thế này. “Họ” tới sát bên rồi.
Rồi quay qua thằng cháu, anh giục:
-Khánh. Mày mang những thứ này vứt ra ngoài hàng rào. Nhanh lên.
Khánh là lính Nhảy Dù từ Vùng 1, Vùng 2 mới di tản về.

Chúng tôi lặng lẽ cởi bỏ súng đạn, kể cả thẻ bài, đưa cho Khánh. Khánh đi ra đằng sau, vứt những thứ đó qua bên kia hàng rào. Chúng tôi vào nhà, lột được cái áo, nhưng chưa kịp thay. Hai đứa còn mặc quần treillis. Đúng là lúc đó Việt Cộng đã tới sát bên. Chúng tràn ngập khu nghĩa địa cách nhà anh An chưa đầy một cây số. Không có tiếng súng nào
Chúng tôi ngồi trong nhà, chờ xem động tĩnh. Đêm đó, đầu óc tôi căng thẳng khiến cho giấc ngủ chập chờn.

Sáng sớm hôm sau, 30 tháng Tư, tôi choàng tỉnh dậy vì có những tiếng động ở bên ngoài. Từ trong nhà, tôi nhìn qua lỗ khóa. Khoảng một tiểu đội Việt Cộng đang đứng lố nhố trước cửa nhà anh An, chỉ cách tôi vài ba thước, qua một cánh cửa gỗ. Chúng đang xì xào bàn tán những gì tôi nghe không rõ. Tôi nhìn thấy những chiếc nón cối bạc màu, những đôi dép râu bao quanh những đôi chân cáu bẩn, và những đôi giầy vải màu nâu bạc phếch. Nào là AK 47, B 40, đại liên, lựu đạn, máy truyền tin. Cạnh chỗ chúng đang đứng, có một miếng gỗ đóng xơ xài trên một cái cột, có hàng chữ viết tay “TÙ HÀNG BINH ĐI LỐI NÀY”, và có một dấu mũi tên chỉ về hướng núi có đài vi ba, Phường Thắng Tam. Ngoài ra, còn một bảng khác có hàng chữ “HÀNG SỐNG, CHỐNG CHẾT” được đóng ngay đó.

Đến khoảng 8 giờ sáng, tôi lại nhìn qua lỗ khóa một lần nữa. Bọn Việt Cộng vẫn còn đứng trước cửa nhà anh An. Vài phút sau, tôi không còn tin vào mắt mình được nữa. Ông Nghị viên Thành phố Vủng Tàu Đoàn Ngọc Nhiều được một tên đệ tử còn trẻ chở tới bằng xe Honda 67 màu đen. Cả hai đều mặc áo trắng. Tên trẻ tuổi đeo băng đỏ ở cánh tay. Chiếc xe dừng lại, được chống càng, Nghị viên Nhiều bước xuống, nét mặt nghiêm trọng, nói chuyện với tên Việt Cộng đeo K.54, hình như là cấp chỉ huy. Nghị viên Nhiều nói gì với tên Việt Cộng, tôi nghe không được rõ, chỉ thấy tên Việt Cộng nhìn Nghị viên Nhiều, thỉnh thoảng lại gật gù.

Tôi bàng hoàng, cảm thấy lạnh người. Tôi ngoắc Thiếu Úy Từ Hữu Mỹ lại, nói nhỏ:
-Đoàn Ngọc Nhiều là Việt Cộng[5].
-Đâu?
Thiếu Úy Mỹ nhìn qua lỗ khoá một chập, rồi quay qua tôi:
-Đ.M.

Thiếu Úy Mỹ chửi thề nho nhỏ, không nói gì thêm. Thực ra, ngay lúc đó tôi không cảm thấy sợ hãi chút nào. Tôi chỉ thấy hoang mang. Sự việc xảy ra quá sức bất ngờ, ngoài sự tưởng tượng của mình. Tại sao Đoàn Ngọc Nhiều còn đứng kia? Anh ta là Nghị Viên Thành Phố cơ mà? Tại sao anh ta không di tản? Anh ta không muốn đi hay không đi được? Anh ta định làm gì? Chuyện gì đã xảy ra cho Đại Tá Thị Trưởng Vũng Tàu? Nếu Đoàn Ngọc Nhiều biết có Thiếu Úy Mỹ và tôi ở phiá sau cánh cửa này, không biết anh ta sẽ phản ứng ra sao, và không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho hai chúng tôi. Hàng trăm câu hỏi xoáy trong đầu óc tôi lúc bấy giờ.

Khi tôi mới thuyên chuyển về Trường TSQ, Đoàn Ngọc Nhiều còn là Trung Úy, phụ trách dạy Toán. Tôi chưa có dịp nào nói chuyện trực tiếp với anh ta, ngoài trừ vài lần gặp anh ta trên đường dẫn vào khu Văn Hoá, cả hai cười cười, gật đầu. Anh ta thân với Đại Úy Hồ Công Tâm, Cựu Trưởng Ban Văn Hoá Trường TSQ. Về sau, anh ta ra ứng cử chức vụ Nghị viên Thành Phố. Thị Trưởng Thành Phố Vũng Tàu lúc bấy giờ là Đại Tá Vũ Duy Tạo. Đại Úy Tâm nhờ nhóm Sĩ Quan trẻ chúng tôi vận động cho anh ta. Chính tôi đã cầm cả mấy trăm cái business cards của anh ta, đi giới thiệu với mọi người quen biết, nào là ở tư gia, ở quán cà phê, ở tiệm cơm…những nơi bọn chúng tôi hay la cà, tán gẫu. Kết quả, anh ta đắc cử Nghị viên Thành phố Vũng Tàu một cách vẻ vang. Hình như anh ta có số phiếu cao thứ nhì. Sau vụ này, chúng tôi vẫn không có được một lời cám ơn, một cái bắt tay, hay một ly cà phê. Mấy tháng sau, anh ta xin giải ngũ. Cuộc sống huy hoàng, thảnh thơi và quyền lực của một Nghị viên Thành phố bắt đầu. Mấy gia đình giầu và tai mắt ở Vũng Tàu, có con gái lớn, vồn vã anh ta ra mặt. Anh ta dựa dẫm Đại Tá Vũ Duy Tạo. Có lần anh ta theo Đại Tá Tạo đi thăm Trường TSQ, không quên dắt theo mấy cô mặc áo dài. Tội nghiệp, lần đó cả Trường TSQ phải đứng dàn chào. Tôi biết anh ta muốn lợi dụng những dịp này để “lấy le” với chúng tôi. Chỉ có vậy thôi.

Vậy mà bây giờ anh ta đứng kia, áo sơ mi trắng, bộ điệu khúm núm, xum xoe, không đúng phong độ hay tư cách của một Nghị viên tí nào.
Tôi chán ngán quay vào.

Trưa hôm đó, tôi chở mẹ tôi về lại Trại Cô Giang. Cửa đằng trước vẫn có ổ khoá nằm đấy, nhưng cửa sau đã bị phá hỏng và bên trong bị xáo trộn, một ít đồ bị mất. Nhưng không có gì quan trọng cả. Những ngày tháng sắp tới, nào có biết cuộc đời sẽ trôi giạt về đâu, vậy thì, có gì để tiếc nuối đâu. Tôi chỉ thấy chán ngán và chấp nhận.

Tôi nhìn qua Trường TSQ, tất cả đều vắng vẻ, lạnh lùng, ngoại trừ cái cổng sắt to lớn bị hư hại. Đó là dấu tích của trái đạn B.40 do Việt Cộng bắn vào khi tấn công Trường, và đó cũng là trận chiến đơn độc, trận thử lửa đầu tiên nhưng rất hào hùng của các em TSQ bé nhỏ, còn trong độ tuổi thơ ngây. Trận đánh này đã xảy ra từ buổi sáng đến buổi trưa ngày 30 tháng Tư khi tôi đang ở nhà anh An ở Phường Thắng Nhì[6].

Cũng trưa hôm đó, từ Dinh Độc Lập, Tổng Thống Dương Văn Minh ban lệnh đầu hàng. Thế là hết.       

Sáng ngày 1 tháng Năm, tôi ra “trình diện” ở Phường Thắng Tam. Trình diện xong, tôi xách xe Honda chạy lung tung quanh Vũng Tàu như một người mất trí.

Buổi tối hôm đó, tôi lại buồn tình xách xe chạy ra bãi trước. Đang đứng nhìn ra biển, tôi gặp Đại Úy Hoàng, Cán bộ Liên Đoàn Trưởng TSQ. Hai chúng tôi nhìn nhau, chỉ nhè nhẹ lắc đầu, không nói gì với nhau cả. Có những chiếc tàu ở ngoài khơi, thật xa, thật xa.

Vài ngày sau, từ Trại Cô Giang, tôi nhìn thấy những chiếc xe tải quân đội Molotova chạy vào Trường TSQ, chất đầy đồ đạc và giường sắt (loại giường của quân đội Mỹ), chở về đâu không biết. Trường TSQ có khoảng 2 ngàn chiếc giường như vậy, để cho các em TSQ sử dụng. Những chiếc xe Molotova chạy ra chạy vào nhiều chuyến để chở “chiến lợi phẩm”. Lúc đó, không còn một em TSQ nào trong Trường. Chỉ cần nửa ngày, Trường TSQ đã được “dọn” sạch sẽ. “Tàn dư Mỹ Ngụy” được phân tán nhanh chóng, có thể ra cả tới miền Bắc.

Mấy ngày sau, tôi còn gặp Chuẩn Úy Lâm A Mạ (AET) mua cuốc xẻng ở tiệm làm đồ sắt của anh An ở ngã tư Bến Đình. Chuẩn Úy Mạ đang chuẩn bị cho những ngày tháng mới và những công việc mới. Còn Chuẩn Úy Khôi (cũng là AET) đang chăm sóc cái quán Mưa Rừng với bà vợ thứ hai ở gần Trường TSQ.

Qua ngày hôm sau, có hai ba tên Việt Cộng, đội nón cối, vác AK đến nhà tôi, cho biết tôi chỉ được ở trong Trại Cô Giang vài ngày nữa, rồi phải dọn đi, trả nhà cho “Cách mạng”.
Sau khi nghe tin Cầu Cỏ May đã được sửa lại, Thiếu Úy Mỹ và vợ đã từ giã mẹ con tôi để về Bình Dương, gửi lại chiếc xe đạp mini. Hai hôm sau, bà mẹ vợ đã đến lấy về.

Trại Cô Giang ngày càng vắng vẻ. Tôi chần chừ ít ngày nữa. Sau cùng, mướn một chiếc xe tải nhỏ, dọn về Sàigòn.
Vì lỡ trình diện ở Vũng Tàu nên tôi phải ra Vũng Tàu để đợi “đi học”, mặc dù tôi đã dọn nhà về Sàigòn.

Sau vài lần “tẽn tò”, đến cuối tháng Sáu 1975 tôi thực sự ra đi, đến 5 năm sau mới trở về. Thoạt đầu, tôi được đưa đến Long Thành, ở trong doanh trại của một đơn vị Công Binh cũ, cách Suối Tre khoảng một tiếng đi bộ. Tại đây, tôi lại bị kinh ngạc một lần nữa khi gặp Nghị viên Đoàn Ngọc Nhiều. Chắc hẳn anh ta đã bị Việt Cộng “sa thải”, không còn được tin dùng nữa. Khi trái chanh đã được vắt kiệt, bây giờ chỉ còn việc vứt vào thùng rác, không thương tiếc.

Lần đầu gặp tôi tại đây, có lẽ thấy tôi quen quen, anh ta nhe răng cười. Tôi phớt lờ. Tôi nhớ chỉ gặp anh ta 2-3 lần, vì ở hai C khác nhau. Rồi sau đó, qua những lần chuyển trại, không biết anh ta ra sao, về đâu.

Cuối năm 1993, tôi và gia đình qua Mỹ theo diện HO, lại bất ngờ nghe tin Nghị viên Đoàn Ngọc Nhiều đang cư ngụ ở L.B. với bà vợ Nha Sĩ (?). Vậy là anh ta lại sang Mỹ sớm sủa hơn ai hết. Không biết anh ta đã bị “ở tù” bao lâu?  Không biết anh ta sang Mỹ theo diện gì? (HO, ODP, vượt biên hay bảo lãnh). Có người nói với Đoàn Ngọc Nhiều là tôi và gia đình mới qua, và nói là Đoàn Ngọc Nhiều sẽ ra mừng chúng tôi. Hôm sau, ông ta nói với tôi là Đoàn Ngọc Nhiều xin lỗi, vì bận việc, không tiếp được. Tôi biết không bao giờ Đoàn Ngọc Nhiều muốn (hay dám) gặp bất cứ ai ở Trường TSQ cũ, vì tự nhiên cứ thấy lương tâm mình hổ thẹn, mặc dù vẫn tưởng việc làm của mình không ai biết. Nhưng anh ta phải biết là dưới gầm trời này, không có chuyện gì bí mật cả, nhất là khi mình có tội. Tôi định kể chuyện cho ông ta nghe, nhưng lại thôi. Có một lần vô tình tôi gặp Đoàn Ngọc Nhiều. Anh ta không nhận ra tôi (?). Tôi hỏi anh ta có còn nhớ ai ở Trường TSQ không. Anh ta lắc đầu, trả lời yếu ớt: “Tôi quên rồi”.

Đã gần 40 năm trôi qua, chúng ta vẫn không thể quên được ngày Cộng quân cướp được miền Nam, không thể quên được ngày chúng ta phải chịu nhận sự trả thù cay độc của chúng ở những trại tù, trong Nam cũng như ngoài Bắc. Có những chuyện dường như mới xảy ra ngày hôm qua, ngày hôm nay, hay mới tức thời. Làm sao quên được. Bây giờ, có những đêm nằm ngủ với những cơn ác mộng, có khi chúng ta vẫn thảng thốt ngồi dậy, nhìn quanh, bàng hoàng.

Tuyệt nhiên tôi không có một hiềm khích cá nhân nào đối với Đoàn Ngọc Nhiều. Nhưng xét ra, anh ta đã bôi lọ thanh danh cao quý của người lính Việt Nam Cộng Hòa, đã “đâm sau lưng các chiến sĩ”, đã “ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng Sản”, đã cúi đầu làm tay sai chỉ điểm cho bọn Việt Cộng khi chúng xua quân cưỡng chiếm miền Nam. Có thể anh ta là Việt Cộng nằm vùng, và cũng có thể anh ta chỉ là thứ 30 tháng Tư đón gió trở cờ. Sau khi cháy nhà, đã có những con chuột ra mặt. Thôi thì đủ cả: chuột nhắt, chuột cống, chuột ghẻ, chuột chù…làm náo loạn một thời gian không ngắn.
Những kẻ phản bội, nhất là phản bội tổ quốc, vẫn thường có nhiều thủ đoạn tráo trở, lừa bịp, kể cả hành động luồn cúi, hèn hạ. Phải nói ra để nhận diện, tẩy chay.

Đã gần 40 năm qua, tôi định không kể chuyện này cho ai nghe. Nhưng nếu vậy, lịch sử dân tộc sẽ mất đi sự công bằng. Trong khi bao nhiêu người con thân yêu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ chính nghĩa tự do trên từng tấc đất, có kẻ đã lợi dụng, sống ích kỷ, phè phỡn, bon chen, lúc nào cũng muốn đè đầu đè cổ người khác. Đến khi đất nước gặp nạn, những kẻ đó lại đang tâm làm ngơ, phủi tay, phản bội, trốn chạy trước hơn ai hết. Phải nói ra để lương tâm được ngủ yên, mặc dù đã quá muộn màng.
 
VIỆT NAM

[1] Sau khi Trường TSQ Cao Nguyên (Pleiku) sát nhập vào Trường TSQ Vũng Tàu, Trường  này đổi tên là Trường TSQ Việt Nam. Khi tôi thuyên chuyển về đây cuối năm 1973, Trường đã có tên này rồi.
[2] Bình thường, quân số TSQ vào khoảng 1400-1500. Trước tháng Tư 1975, Trường đã cấp giấy phép cho trên 1000 em có gia đình ở Sàigòn và các vùng phụ cận, Vùng 3 và Vùng 4 được về nhà.
[3] Đại Úy Ân thay thế Đại Úy Hồ Công Tâm khoảng gần một năm trước đó. Vợ ông là chị bà con bên ngoại của tôi.
[4] Th/Úy Mỹ trước dạy Anh Văn lớp 8, sau qua dạy thể dục.
[5] Đúng ra là bọn 30 tháng Tư.
[6] Trận đánh này đã được hai Cựu TSQ Nguyễn Anh Dũng và Lâm A Sáng kể lại trong “Trận chiến bi hùng cuối cùng của TSQ Vũng Tàu 1975” in trong Những Trận Đánh Không Tên Trong Quân Sử (Việt Nam 2003).