Mấy ngày đầu gặp nhau vui vẻ vô cùng. Quà cáp từ bên Mỹ mang về cái gì cũng lạ, đẹp, thơm, và giá trị. Gia đình ông Phan mọi người từ lớn tới nhỏ cứ rảnh ra là tìm tới ông Tâm để nghe kể chuyện hấp dẫn của cuộc sống bên Mỹ.
Từ sớm đến tối rộn ràng vui lắm. Ông Tâm bắt đầu mua sắm thêm đồ đạc cần thiết bày biện cho căn nhà của mình. Ông cũng mua tặng bạn mình bộ sofa, cái bếp ga, và cái tủ lạnh. Gia đình ông Phan rất mừng cảm ơn rối rít và càng ân cần coi ông Tâm như thần tài trên trời rơi xuống. Coi vậy mà cũng không tốn kém chi lắm, từ cái lớn tới cái nhỏ, mua đủ thứ mà chỉ tốn xấp xỉ 1200 đô vì đồng đô la lúc này có giá lắm. Người xưa có câu ca dao: Thức lâu mới biết đêm dài, Ở lâu mới biết lòng người thực hư. Sau tuần lễ đầu tiên vui vẻ, ân cần là những phiền phức, khó chịu dần dần kéo tới. Vợ và con ông Phan thường qua mượn đồ không trả, bọn nhóc thường hay vô tư cầm nhầm món này món nọ nên đồ đạc trong nhà không cánh mà từ từ bay mất. Ông Tâm bực mình lắm nhưng ngại không nói ra. Tính ông cái gì ra cái đó. Xin thì ông cho mà mượn thì phải trả dù là một xu. Thêm nữa ở lâu ông Tâm dần dần biết được giá cả, vật liệu xây dựng và trị giá đất thời điểm bấy giờ mới hay cái nhà của ông trị giá thật sự chỉ bằng một nửa số tiền ông đã chi. Vậy mà phải mang ơn nghĩa với người ta mới đau. Theo ông thấy ông Phan vẫn là con người đơn thuần, có lòng tốt với bạn bè nhưng vợ con dâu rễ của ông thì trái ngược, thích lợi dụng, xin xỏ và có lòng tham không đáy. Căn nhà mới là do đứa con lớn của ông Phan lo liệu việc xây cất và có lẽ nó đã bỏ túi số tiền chênh lệch khi mua toàn vật liệu xấu và xây quá đơn giản, thiếu tiện nghi. Phòng vệ sinh với loại cầu tiêu trệt ngồi chồm hổm phải múc nước dội. Không có bồn rửa mặt và nhất là không có hệ thống nước máy. Nước dùng để nấu ăn, vệ sinh tắm rửa phải chứa trong hai thùng nhựa lớn mà mấy đứa con nhà ông Phan gánh đổ hàng ngày từ giếng nhà bên ấy. Thấy bất tiện quá nên ông Tâm lại bỏ tiền ra xây hồ chứa nước, bắt máy bơm để bơm thẳng vào nhà và dĩ nhiên là ông phải làm cho cả hai nhà. Đã không biết đủ rồi chứ, vợ con ông Phan còn xin xỏ ông Tâm giúp đỡ sửa sang đủ thứ cho nhà của họ làm như ông Tâm mang nợ từ kiếp trước không bằng. Ông Tâm không phải hạng người tính toán keo kiệt. Nhưng cái gì cũng có giới hạn, đâu phải ông là triệu phú và dễ bị dụ. Ông thấy rõ mình bị lợi dụng, bòn rút từng ngày từng ngày một cách trắng trợn. Nơi ông ở hơi vắng vẻ đìu hiu xa thị trấn, lỡ đêm hôm khuya khoắc bịnh hoạn thì phải nhờ hàng xóm láng giềng nên ông bấm bụng chịu đựng tạm thời. Ông đánh tiếng bà con ở thị trấn nhờ thuê một người giúp việc lo dọn dẹp nhà cửa cơm nước riêng cho ông để khỏi phải nhờ vã lệ thuộc nhà ông Phan nữa. Cô con gái bên Mỹ biết được tình cảnh của ông Tâm thì nhắc cha: - Ba liên lạc kêu cô Xuân ra ở với Ba để săn sóc cho Ba đi. Con biết cô Xuân vẫn chưa có chồng. Con nghĩ có cổ sẽ an tâm tin cẩn hơn và Ba sẽ có người hủ hỉ đỡ buồn. Cô Xuân là...bồ nhí của ông Tâm thời ông còn ở trong quân đội phải đi biệt phái xa nhà tận miền Tây. Hai người dây dưa dan díu với nhau gần 2 năm thì ông được phân công tác trở về quê nhà, chia tay với nàng. Rồi nước mất nhà tan ông phải đi học tập cải tạo một thời gian dài. Cô Xuân vẫn chưa lấy chồng, thỉnh thoảng gởi thơ vào tù thăm ông. Sau khi vợ ông mất, cô đến nhà lạy bàn thờ xin lỗi ngày xưa đã phá hoại hạnh phúc của gia đình và xin phép mấy người con được thỉnh thoảng thăm nuôi ông trong tù. Con của ông tư tưởng cũng thoáng nên bây giờ đã gợi ý cho cha liên lạc với cô Xuân để nối lại tình xưa an ủi nhau lúc tuổi già. Thật ra chẳng đợi con nhắc, ông Tâm cũng đã có ý định đó khi trở lại quê nhà. Cô Xuân thua ông đến 20 tuổi. Ngày ông quen cô thì cô mới 22 tuổi, không đẹp nhưng hiền lành. Cô là con nhà gia giáo nhưng chắc vì duyên nợ từ kiếp trước nên đã phải lòng và yêu ông dù biết ông đã có gia đình. Đến lúc chia tay với nhau cô vẫn ở vậy không lấy chồng và nghe nói đến nay vẫn còn ở căn nhà cũ với gia đình người em. Nhà cửa sắm sửa tạm ổn xong, ông Tâm viết thơ liên lạc mời cô Xuân đến ở với ông và cô bằng lòng ngay. Cô Xuân không muốn ông Tâm thuê người làm mà tự mình đảm nhiệm chợ búa, cơm nước và dọn dẹp nhà cửa. Sau hơn 20 năm xa cách cô mới được cơ hội ở chung với người yêu nên vui mừng lắm và tự nhủ sẽ hết lòng săn sóc chàng. Vậy là gia đình ông Phan mất đi một nguồn thu nhập là lo ăn uống và coi sóc nhà cửa cho ông bạn vàng. Đến khi ông Tâm từ chối không cho đứa con dâu ông Phan mượn tiền làm vốn đi buôn; không cho thằng Ba của ông Phan mượn tiền mua cái xe cúp đời mới; rồi còn thay ổ khóa và yêu cầu người của nhà ông Phan đừng tùy tiện vào ra nhà của ông mà không gõ cửa thì chiến tranh bắt đầu. Mấy người đàn bà nguýt háy khi thấy bóng ông Tâm ra vườn: - Già mà không nên nết! Vài bữa nó dụ hết tiền là sáng mắt. Hoặc: - Tưởng Việt kiều là ngon lắm. Đúng là ở đời, trâu buộc thường ghét trâu ăn. Bạn bè anh em ai giàu sang ai cùng khổ cứ ở cách xa tít mù chẳng thấy mặt nhau thì thôi, nhưng nếu cái giàu và cái nghèo mà ở sát cạnh nhau thì trước sau cũng sinh ra rắc rối, đố kỵ, tị hiềm. Ông Phan mỗi ngày bị vợ con tác động, nói xấu ông bạn vàng nên cũng bị ảnh hưởng dần. Lại thêm thái độ ông Tâm khi bực dọc thường tỏ ra nét mặt lạnh lùng băng giá nên ông Phan cũng tự ái. Thế là chiến tranh giữa hai nhà càng ngày càng gây cấn. Láng giềng tốt ngày xưa giờ không cho nhà ông Tâm bơm nước giếng để xài, đóng cái cổng chung không cho dùng, phá cây không cho sống...Đủ thứ cản trở...và cuối cùng đưa nhau ra tòa mới chỉ sau một năm hân hoan đón Việt kiều về nước tay bắt mặt mừng. Ông Phan kiện đòi lấy nhà đất lại với lý do ông Tâm chiếm đoạt đất xây nhà trái phép. Nhưng cũng may từ khi nhờ vả ông Phan xây nhà, ông Tâm có lần viết thơ hỏi đã gởi tất cả bao nhiêu tiền và ông Phan đã viết thơ trả lời. Có bằng chứng giấy trắng mực đen và có cả thủ tục “đầu tiên” (tiền đâu) nên khi ra tòa ông Tâm đã thắng là ông không chiếm đoạt đất xây nhà trái phép. Nhưng ông Tâm là Việt kiều, đâu được phép mua nhà đất và cũng không được phép ở lâu thường trú trên đất nước Việt Nam. Ông có quốc tịch Mỹ, có visa về Việt Nam nhưng chỉ có thể ở Việt Nam trong vòng 2 năm thôi. Căn nhà này ông không được chủ quyền đứng tên làm chủ. Cuối cùng ông thỏa thuận sang tay để rẻ lại cho bà con của tòa án với giá trị tương đương 5 ngàn đô la Mỹ. Tính ra lỗ hơn hơn chục ngàn đô cho căn nhà và quan trọng nhất là lỗ mất trắng tình bạn. Ông Tâm mua một căn nhà khác cũng ở xa thị trấn và nhờ cô Xuân đứng tên. Từ ngày về nước ông đã biết được cách chi tiền cho công an khu vực để mua hai chữ yên thân. Cứ mỗi tuần, họ tới thăm và mời “chú Ba” ra nhậu với tụi cháu. Dĩ nhiên chú Ba phải chi cho độ nhậu dù có tham dự hay không. Rồi Tết nhất, rồi mỗi dịp lễ lộc hoặc có chuyện gì trong gia đình họ ông cũng lì xì chút đỉnh. Thành thử ông không cần phải ra khỏi nước để làm lại visa nhập cảnh mà họ cũng không hỏi han làm khó dễ gì cả. Đủ thứ chi tiêu chứ không phải như trước kia ông dự trù chỉ cần mỗi tháng một trăm đô. Ăn uống chẳng bao nhiêu nhưng còn những khoản chi không tên mà ông không dự trù trước. Về sống ở đây, không những ông phải chi tốn cho công an mà còn chi cho bạn bè đàn em. Một vài người lính ngày xưa làm việc dưới quyền ông nay gặp lại đều có cuộc sống khó khăn nên nhờ ông giúp đỡ và ông không nỡ chối từ. Một số người nịnh hót nâng ông lên tận mây xanh rồi mượn tiền và hứa chắc như đinh đóng cột sẽ trả nhưng rồi lại trốn mất. Ông như con mồi béo bở, cứ gặp 10 người là đến 9 người xin tiền, mượn tiền nên sau một thời gian ông tránh ra đường sợ gặp người quen mất công từ chối. Ra đường thì nghi ngại, phải tránh gặp mặt người quen. Ở nhà hoài thì bực mình, dễ gây nhau. Cô Xuân giờ đây không nhu mì hiền lành như ngày xưa nữa. Cô hay mỉa mai, cãi lại. Cô còn hay đi về không đúng giờ giấc, hay lê la nhà hàng xóm, hay giận hờn, và cũng hay xin tiền gởi về giúp đỡ các em của cô có vốn làm ăn. Ông sinh ra nghi ngờ không biết cô đến với ông vì tình hay vì tiền nữa. Đúng là “Tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ. Lấy nhau rồi …chán quá cỡ người ơi.” Về phần cô Xuân thì ngày xưa chỉ nhìn thấy một ông Tâm oai hùng, đẹp trai, uy quyền hét ra lửa. Chàng dịu dàng, chiều chuộng nàng ra phết mỗi khi hẹn hò gặp nhau. Bây giờ thì là một ông lão hết xí quách, hom hem, nhăn nhó, cau có, lại còn khó chịu, độc tài, dễ nổi đóa, ngang như cua và chỉ coi cô như một bà quản gia kiêm đủ thứ hầm bà lằng. Người yêu của cô thay đổi nhiều quá, chẳng giống ngày xưa tí nào cả. Cô bất mãn, cãi lại thì bị ông mắng nhiếc đuổi đi. Cô về quê thì các em lại khuyên cô trở lại với “chồng”. Dầu gì cô cũng đã là một bà cô già, may phước lấy được Việt kiều mỗi tháng có tiền gởi về giúp đỡ gia đình thì đừng dại gì mà bỏ. Hai người cứ làm hòa rồi lại giận nhau. Cô khăn gói về quê được mấy lần thì đi luôn. Kể ra hai người cũng ở với nhau được hơn 2 năm dài đủ để hát bài “Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao. Hai năm trời mùa lạnh, cùng thở dài như nhau. Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng hư hao. Hai năm tình lận đận, hai đứa đành xa nhau...”* Ông Tâm hết tình và tiền cũng không còn nhiều. Cũng may ông còn được mấy người con có hiếu, mỗi năm rủ nhau đóng góp gởi về cha già tiêu xài. Ông vẫn cương quyết không về lại Mỹ, không chấp nhận cái sai của mình. Ông tự đánh lừa mình vẫn không nhờ vả con cái khi ghi nợ số tiền các con gởi về coi như mượn tạm để sinh sống vì ngày xưa khi đòi về lại Việt Nam sống ông đã tuyên bố không cần các con gởi tiền về giúp đỡ. Ông cho là căn nhà ông đang ở lên giá gấp 10, khi ông mất con cái bán mà trừ nợ. Ông Tâm bây giờ phải chi tiêu nhiều lắm. Ngoài tiền ngoại giao với con số không ít còn phải chi cho sức khỏe rất nhiều. Ngày còn ở Mỹ, ông mang đủ chứng bịnh trong người nhưng nhờ y tế của Mỹ rất tốt, lại miễn phí cho người già và bịnh nên ông đi bác sĩ và thuốc men thường xuyên. Nhờ vậy bịnh cao huyết áp, cao mỡ của ông không gì đáng lo ngại. Trở về Việt Nam, ông sống xa thị trấn, bác sĩ nông thôn chẳng có năng lực bao nhiêu, thuốc men không đầy đủ lại thêm ăn uống nhậu nhẹt không kiêng cử nên sức khỏe của ông giảm sút hẳn. Ông phải nhờ người quen giới thiệu một bác sĩ giỏi ở thị trấn và bao tất cả chi phí để vị bác sĩ kia đến tận nhà khám cho thuốc khi ông trở bịnh. Tiền bác sĩ, tiền thuốc men, và cả tiền quà cáp cho bác sĩ ngốn của ông mỗi tháng rất cao mà bịnh thì chỉ khống chế được giai đoạn ngắn rồi tái đi tái lại. Đau nhức vẫn hoàn đau nhức, đau tim vẫn hoàn đau tim, và...khó chịu vẫn hoàn khó chịu có khi còn nặng hơn xưa. Phải, ông Tâm càng ngày càng khó tính. Từ ngày cô Xuân bỏ đi không trở lại, ông nhờ giới thiệu người làm tới nhà lo việc nội trợ và để phòng khi ông bị lên cơn tim bất thình lình thì kêu bác sĩ hoặc đưa đi cấp cứu nhưng không ai có thể ở với ông được hơn tuần. Ông cấm họ không được ra khỏi nhà ngoại trừ thời gian giới hạn cho đi chợ, dễ nỗi giận la mắng ầm ĩ và làm tình làm tội đủ điều nên không ai ở được. Cũng may ông thuê được người nấu ăn mang đến nhà hàng ngày và dọn dẹp sơ nhà cửa. Nhưng cũng vì vậy mà ông càng ở riệt trong nhà và càng ngày càng thu mình trong căn nhà nhỏ, chỉ khi nào rất cần thiết mới ra ngoài. Con cái về thăm khuyên cha: - Ba qua lại Mỹ sống với tụi con đi. Ba ở đây mà cứ ru rú trong nhà như vậy thì dễ bịnh lắm. Ông bảo: - Sức khỏe của Ba giờ không đi xa được đâu. Ba ở nhà quen rồi, buồn thì ra vườn chăm ngó mấy cây xoài, cây mít cũng vui. - Nhưng Ba ở có một mình lỡ có chuyện gì bịnh hoạn bất tử ai biết mà cứu? - Có chị đưa cơm mỗi ngày 2 lần ghé qua đưa cơm nước mà. Với lại Ba có thuê chồng của chỉ mỗi ngày qua nhổ cỏ làm vườn dùm. Không sao đâu, Ba có chuyện gì họ biết liền. Cô con khuyên: - Ba chịu khó đi đây đi đó cho thoải mái chứ cấm cung mãi như vầy à? Ông Tâm lắc đầu: - Ba ra đường mà cứ sợ gặp người lợi dụng mình thì càng không thoải mái hơn. Nhưng đâu phải không ra đường cứ ru rú ẩn mình trong nhà là yên. Cứ mỗi tháng vài lần, công an khu vực lại tới hỏi thăm “chú Ba” một cách thân tình: - Chú Ba ơi, có khỏe không ra quán nhậu vài chai bia với tụi cháu cho vui. Lâu lâu bọn chúng nài nỉ quá ông Tâm phải ra quán uống 1 ly bia rồi lấy cớ sức khỏe yếu bỏ về, không quên trả trước tiền độ nhậu. Còn thì ông hay móc túi dúi cho chúng vài trăm ngàn cho yên: - Chú hôm nay bị đau dạ dày. Cầm ít tiền ra đó uống dùm chú vài ly. Nhiều khi bọn chúng đang nhậu ngoài quán cũng nhớ đến chú Ba gọi phone mời ra tham dự. Dĩ nhiên chú Ba không thể đến nhưng cũng phải biết ý cháu chắt mà hứa sẽ …tiền đi thay người. Vậy mà ông còn khoe với con gái: - Chút ít tiền chi ra mà Ba sai gì tụi nó cũng làm. Nói chữ sai là nổ cho vui vậy thôi chứ lâu lâu có rắc rối bên làng xóm cãi cọ ồn ào hoặc bọn lưu manh ở đâu tới phá làng phá xóm ông gọi phone kêu công an khu vực tới can thiệp. Có chú Ba chịu chi thưởng tiền đi nhậu nên khi chú Ba gọi phone là bọn chúng tới giải quyết ngay làm hàng xóm cũng nể nang ông lắm. Rồi có lần con chó cưng của ông chạy ra đường bị thất lạc cũng nhờ mấy cháu kiếm lại dùm. Dĩ nhiên cũng phải hậu tạ. Chỉ một năm sau khi ông Tâm khoe với con gái về đám “cháu hờ dễ sai” của mình, chuyện xấu xảy ra. Ông nhận được giấy của sở nhà đất thông báo có đơn kiện ông chiếm dụng nhà ở trái phép của cô Trần thị Xuân và đòi ông phải bàn giao nhà cho cô ta 10 ngày sau. Thơ đến trễ nên 10 ngày sau trong thơ tức là ngày mai. Ông Tâm giật mình nghĩ lại căn nhà mình đang ở ngày đó mua đứng tên cô Xuân chủ quyền vì cô là công dân của nước Việt Nam. Cô bỏ ra đi đã mấy năm nay, mỗi tháng ông đều gởi tiền cho cô sinh sống đã không biết ơn rồi chớ nay lại trở ngược kiện cáo đòi chiếm nhà. Ông Tâm gọi điện thoại ngay cho cô Xuân nhưng phone reng không ai trả lời. Ông cố gắng gọi liên lạc với 1, 2 người em của cô Xuân nhưng mọi người hình như tránh mặt, không thể nào liên lạc được. Họ tránh mặt là phải vì đã thông đồng ép cô Xuân kiện sở nhà đất đòi lấy căn nhà ông Tâm đang ở để có tiền bù việc làm ăn thua lỗ. Và họ đã đi đêm với sở nhà đất, với công an khu vực nên ngay ngày hôm sau ông Tâm bị đám cháu hờ công an khu vực với những gương mặt lạnh lùng vô cảm cùng với nhân viên nhà đất trục xuất ra khỏi căn nhà ông đang trú ngụ. Muốn được yên thân gởi nắm xương tàn trên quê hương đâu dễ với tình hình đất nước nhiễu nhương bất ổn, với bọn lãnh đạo bất lương thích đi đêm như hiện nay chuyên xài luật rừng. Ông Tâm đang trên máy bay trở về Mỹ sau khi được Việt Nam phẫu thuật mổ cho sáng mắt để biết rằng, dùng tiền đi mua lòng người mà nhất là bọn gian tham sẽ không được bền vững trước sau cũng bị phản bội. Và lâu nay cũng chính vì đồng tiền ông đã mất đi bạn bè, người yêu và nhất là sự tự do trên quê hương mình. Thanh Mai * bài hát “Hai năm tình lận đận”. Thơ Nguyễn tất Nhiên, nhạc Phạm Duy.
|