Home Văn Học Tùy Bút Anh hùng và đau khổ

Anh hùng và đau khổ PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Mộng Tú   
Chúa Nhật, 06 Tháng 11 Năm 2011 14:48

 CSVN trồng cây muồng, cây sao khắp Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa để biến nơi này thành rừng

 

 Cuối tuần vừa qua, khi ở Cali, tôi được bạn rủ đi xem nhạc Trịnh Công Sơn lồng vào với vũ điệu ballet do đạo diễn Đào Thắng (Thang Dao Dance Company) cùng đoàn vũ Ballet Austin II đến từ New York sang trình diễn ở quận Cam, với đề tài “Vết Lăn Trầm”.

Tất cả những vũ công là người Mỹ: Vũ công nữ mặc một chiếc áo, kết hợp giữa Mỹ và Việt, phần trên may giống áo dài Việt Nam, phần dưới xòe ra như váy dài, (không mặc với quần dài); nam vũ công mặc quần vải dài, áo bà ba. Sân khấu không dàn dựng, ánh đèn tím nhạt hắt lên tấm phông sau. Nhạc Trịnh công Sơn, tiếng hát Khánh Ly.

Buổi trình diễn trên đất Mỹ, cho người Việt tị nạn ở Mỹ thưởng thức.

Ca Sĩ Khánh Ly đứng hát mười bản nhạc trong 45 phút không ngưng nghỉ. Ca sĩ Khánh ly hình như được trời sinh ra, phú cho giọng hát, dành riêng để hát nhạc của Trịnh Công Sơn. Cái giọng kể lể, đục, trầm, lăn từ lời ca này sang lời ca khác, như lăn nỗi buồn vào lòng người.

Nhạc TCS là nhạc buồn, nhạc phản chiến, lời hát toàn mô tả về đau thương mất mát của chiến tranh, của thân phận con người Việt Nam, càng nghe càng thấm.

Đại bác đêm đêm dội về thành phố. Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe. Đại bác qua đây đánh thức mẹ dạy. Đại bác qua đây con thơ buồn tủi. Nửa đêm sáng chói hỏa châu trên núi. Đại bác đêm đêm dội về thành phố. Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe.

Tôi ngồi trong rạp, những vũ công nhẩy múa như những con rối trước mắt bỗng nhòa đi, chỉ còn giọng hát lê thê, trầm, đục vang trong đầu, những lời hát kéo tôi đi xa quá. Khi nghe đến những câu:

Hò ơ ơ ớ ơ ơ hò, con ngủ đi con
Đứa con của mẹ da vàng
Ru con ru đạn nhuộm hồng vết thương
Hai mươi năm đàn con đi lính
Đi rồi không về, đứa con da vàng của mẹ.
Ngủ đi con.
Ru con, ru đã hai lần
Ôi tấm thân này ngày xưa bé bỏng
Mẹ mang đầy bụng mẹ bồng trên tay
Hò ơ ơ ớ ơ ơ hò. Sao ngủ tuổi hai mươi

Nhìn nữ vũ công cong mình làm hai cánh tay thành cái nôi, đong đưa ru đứa con vô hình; nam vũ công nằm ngang trên cánh tay của hai vũ công khác khi người ca sĩ kết thúc câu hát:

Ôi tấm thân ngày xưa bé bỏng/Mẹ mang đầy bụng mẹ bồng trên tay/Hò ơ ơ ớ ơ ơ ớ hò/Sao ngủ tuổi hai mươi.

Trong đầu tôi bỗng hiện lên mấy tấm hình trên Net tôi vô tình được xem gần đây. Hình đám tang của cụ bà Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam, đám tang vào năm 2010, cụ Thứ thọ 106 tuổi, được những nhân vật to tướng của nhà nước gửi hoa phúng điếu.

Đám tang của một người đàn bà mất hết tất cả người thân yêu nhất của mình trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước: Chồng, chín (9) người con, con rể và cháu ngoại của bà đều tử trận.(1) Trong chín người con hy sinh vì tổ quốc không thấy nói rõ bao nhiêu trai, bao nhiêu gái. Nhưng trai gái gì cũng thế thôi, cũng xương thịt của bà. Một đời làm người, bà chứng kiến bấy nhiêu người thân yêu tử trận, không biết nước mắt bà còn không? Năm 1994, nhà nước CS phong cho bà một cái chức rất đẹp: Bà Mẹ Anh Hùng Việt Nam. Chẳng biết khi bà sống, bà có tiêu hết các món tiền Trợ Cấp Tuất nhà nước Cộng Sản cấp dưỡng cho mình không? Nhiều người thân chết thế thì chắc bà tiêu tiền không hết. Trong bao nhiêu năm đau đớn đó, có lúc nào bà oán ghét chiến tranh, oán ghét loài người gây ra chiến tranh không nhỉ? Rồi đất nước thanh bình, Mỹ bị đuổi về nước, bà có vui không? Có thấy sự hy sinh của chồng con mình là xứng đáng không? Khi đã được phong là anh hùng thì nỗi đau khổ của bà có hết không? Chỉ tội nghiệp cho bà, một bà mẹ chất phác, chân quê, chắc là bà hoang mang lo lắng lắm. Chồng con chết hết vì đuổi được Mỹ sao bây giờ lại thấy đón Mỹ về, rồi đây lấy ai mà đánh, đuổi, đám giặc Mỹ mới này. May quá bà đã mất đi và cũng chẳng còn lại gì để hy sinh tiếp.

Người ta đã bắt tay xây một tượng đài vinh danh những bà mẹ anh hùng Việt Nam. Tượng bà Nguyễn Thị Thứ được tạc to nhất và đứng giữa bao nhiêu bà mẹ anh hùng vô danh khác. Bà được chọn vào chỗ đó vì bà là người mất nhiều người thân yêu nhất. Những bà mẹ khác chỉ có ba hay bốn người con, đôi khi cũng có người bị hy sinh hết đàn con của mình, cũng mất nguyên cả gia đình đấy nhưng tổng số nhỏ hơn. Ai mang được sự đau khổ ra để cân đong như thế nhỉ. Có một con mà mất, cũng là mất tất cả. Trái tim bà mẹ nào cũng giống nhau, cũng mất hết cùng với con mình. Trái tim không biết đếm bao giờ, khi nó đau đớn, nó đau đớn trọn vẹn, đến giọt máu cuối cùng của trái tim.

Tượng đài định xây thật to, nghe đâu đến hơn 400 tỷ đồng Việt Nam, khoảng 20 triệu Mỹ kim, nhưng phải ngưng lại nửa chừng vì dân chúng và nhất là các bà mẹ anh hùng, xin xây tượng nhỏ thôi, để tiền đó phụ giúp các bà có cơm ăn áo mặc tuổi già, nhất là những bà mẹ ở miền Trung, các bà sống nghèo khổ lắm.

Tiếng hát khàn khàn, ẩm đục của người ca sĩ vẫn lăn lăn trên sàn nhẩy cùng với gót chân của những vũ công ballet.

Thôi ngủ yên đi con,
Ngủ đời yên đi con,
Che dấu thân đau rã mòn,
Ngủ đời yên đi con
Như vết thương đau ngủ buồn
Như trùng dương đêm mắt thâm
Còn nghe ngóng...

Đầu óc tôi lại lăn về một trang bài khác trên Net.

Nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở Biên Hòa đã bị biến thành một cánh rừng.

Chiến dịch Rừng Cây Xuyên Tâm: CSVN trồng cây muồng, cây sao khắp Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa để biến nơi này thành rừng, và để rễ cây xuyên phá quan tài và di cốt 18.000 tử sĩ VNCH.(2)

Những người mẹ Việt Nam Cộng Hòa có con hy sinh trong cuộc chiến, cũng chịu cảnh đau thương như những người mẹ Bắc Việt. Nhưng bà mẹ của Việt Nam Cộng Hòa còn thêm một niềm đau nữa là bà đã cùng chia sẻ với con bà sự khốn đốn của người lính bại trận. Thân già lặn lội nuôi con trong cảnh tù tội, nhìn con bị đối xử không một chút nhân bản, để rồi khi con bà chết, không một nấm mồ.

Những người con đã nằm yên trong nghĩa trang quân đội, thì bây giờ lại nhận được những oan khiên đen tối từ lòng dạ con người. Cả nghĩa trang thoắt biến thành một cánh rừng. Những cây muồng, cây sao mọc chen chúc với ngững ngôi mộ đã đổ nát. Những rễ cây đang âm thầm làm “Chiến Dịch Rừng Cây Xuyên Tâm” qua những phần mộ là xuyên qua trái tim bà một lần nữa, nhân đôi thương tích của bà.

Có ai nghĩ đến dựng tượng anh hùng cho bà mẹ miền Nam không?

Việc dựng tượng có cần thiết không? Người ta có thể dựng tượng để vinh danh đủ mọi thứ, mọi kiểu anh hùng, nhưng bức tượng sẽ có thể mai một với thời gian, nỗi đau khổ vì chiến tranh thì không bao giờ xóa đi được. Ở nghỉa trang quân đội Biên Hòa của VNCH, không có bức tượng anh hùng nào cả, chỉ có bức tượng Tiếc Thương đã bị kéo đổ xập xuống năm 1975, nhưng chứng tích đau thương vẫn còn đó. Những bia mộ bị đập nát, hoang phế, điêu tàn, nhưng những niềm đau trong huyệt vẫn nằm nguyên chỗ cũ và sự thương tiếc của người dân Việt miền Nam trước 1975 cho những người nằm đó không bao giờ mất đi cùng với tháng ngày.

Những bà mẹ Việt Nam của cả hai miền, dù có được dựng tượng hay được vinh danh anh hùng vì có con hy sinh cho tổ quốc thì nỗi đau cũng vẫn còn nguyên. Anh hùng thì khác nhau, nhưng đau khổ thì lấy gì mà thay vào được.

Không lẽ được bầu làm anh hùng, được dựng tượng rồi hết đau khổ hay sao?