"Hai bài này hay lắm, ý rất xây dựng nhưng không biết tác giả là ai. Bạn bè gửi cho tiểu muội rồi tiểu muội gửi cho Đoàn huynh."
Thưa quý bạn, cách đây hơn tuần lễ, tự nhiên tôi nhận được email của một vị độc giả có địa chỉ email như sau: {TrungVuongGroups61-68}
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
Theo tôi hiểu, "Mộc tiểu muội" tức Mộc Uyển Thanh, em "cùng họ" (con gái Trấn nam vương Đoàn Chính Thuần) nhưng bắn một trăm phát đại bác không tới của nhân vật Đoàn Dự trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung. Còn "Trưng Vương Groups 61-68", tôi chưa từng được hân hạnh quen biết với bất cứ một vị cựu nữ sinh Trưng Vương nào trong nhóm này. Tuy nhiên, tôi thuộc nhóm NT-CVA 56-63, tức học các trường Nguyễn Trãi và Chu Văn An trong khoảng thời gian từ năm 1956 tới năm 1963, Mộc cô nương học Trưng Vương từ năm 1961 tới năm 1968, như vậy kém tôi ít nhất 5 tuổi, xưng tiểu muội cũng phải.
Trong email đó, Mộc tiểu muội gửi cho tôi hai bài viết rất hay với lời dặn: "Hai bài này hay lắm, ý rất xây dựng nhưng không biết tác giả là ai. Bạn bè gửi cho tiểu muội rồi tiểu muội gửi cho Đoàn huynh. Cái gì hay thì chúng ta phải phổ biến cho mọi người cùng đọc mặc dầu ta chẳng biết ai viết. Thế nhé, Đoàn huynh nhớ phổ biến nhé...".
Tôi đọc, thấy hay thật. Tuy hơi thắc mắc ở chỗ chưa xin phép tác giả (có biết của ai đâu mà xin!) nhưng cung kính không bằng tuân lệnh, tôi "tuân lệnh" vị cựu nữ sinh Trưng Vương, xin gửi đến quý bạn hai câu chuyện kể của hai tác giả mà chúng ta không biết tên. Bây giờ xin mời quý bạn thưởng thức để thấy cái ý trong hai câu chuyện này rất đáng quan tâm:
Câu chuyện thứ nhất: Nỗi đau tuổi già
Ở đây, chúng ta không bàn chuyện đau nhức, cao máu, tiểu đường v.v..., bởi vì đã có nhiều vị bác sĩ quan tâm tới tuổi già trên đất Mỹ này, những loại đau nói trên đã có thuốc và có chính phủ Mỹ trả tiền. Nhưng có những thứ đau khác không có thuốc chữa và cũng chẳng có ai gánh vác giùm.
Báo OC Register thứ Sáu tuần trước có đăng tin một ông già bị người ta đem bỏ trước cổng một ngôi chùa ở thành phố Westminster. Ông lão lặng lẽ ngồi trước hiên chùa suốt ngày. Cảnh sát đến mang ông vào bệnh viện tâm thần. Trong người ông không có bất cứ một giấy tờ nào để có thể biết ông là ai và ở đâu. Ông không nói một tiếng nào, chỉ lặng lẽ, đôi khi cười một mình như một người mất trí. Ông là một người châu Á - Việt Nam cũng không chừng (!) - như vậy ông không phải sinh ra tại Mỹ hay từ trên trời rơi xuống như cô bé Maika trong một bộ phim truyện giả tưởng của Tiệp Khắc. Chắc chắn là có người chở ông tới đây và bỏ ông lại - không ai ngoài con cái hay thân thích của ông.
Lâu nay thỉnh thoảng người ta thấy có những phụ nữ sinh con rồi đem con bỏ vào thùng rác, nhưng chưa thấy ai đem cha mẹ vứt bỏ ngoài đường như vậy. Ông già chỉ cười vu vơ, trí nhớ của ông đã suy kiệt, nếu không có lẽ ông sẽ đau khổ biết chừng nào! Người ta kể trước đây có người chở bà mẹ già đến bỏ ở cây xăng. Tôi (tác giả bài này.- ĐD) không tin, tưởng là chuyện đùa. Nhưng bây giờ thì thực sự đã có người đem cha đến bỏ trước cửa chùa.
Cũng lại một câu chuyện về các cụ già. Tháng trước, tôi có dịp đưa tiễn người thân về Việt Nam. Tại quầy China Airlines ở phi trường Los Angeles, tôi đã chứng kiến một cảnh khá đau lòng. Chuyện đó là, trong khi mọi người đang xếp hàng trình vé và cân hành lý thì một bà cụ người Việt Nam cứ lúng túng trước quầy với các thứ giấy tờ vương vãi, bề bộn trên sàn nhà. Cụ ngồi bệt xuống đất, móc hết túi này đến túi khác với vẻ mặt hết sức lo lắng.ï
Một nhân viên phi trường thấy tôi cũng là người Việt Nam, ngỏ ý muốn nhờ tôi bước lên giúp đỡ bà cụ. Tôi hỏi, nhân viên kiểm tra cho biết cụ có vé máy bay, có visa nhập cảnh Việt Nam nhưng không có passport hay thẻ xanh. Tôi giúp cụ moi từ đống giấy tờ ra thì chỉ thấy một cái hộ chiếu của Việt Nam đã cấp cách đây mười mấy năm khi cụ đến Mỹ, hộ chiếu này đã hết hạn từ lâu, và một cái ID của cụ do tiểu bang Florida cấp. Cụ cho biết cụ mới một mình đi từ Florida đến phi trường Los Angeles mấy tiếng đồng hồ trước đây và bây giờ trình giấy tờ để lên máy bay đi Việt Nam.
Cuối cùng, cụ cũng lên được máy bay. Nhưng cụ sẽ chẳng bao giờ có thể trở lại được Florida nữa vì trong tay không có passport, không có thẻ xanh, không có “entry permit” của Hoa Kỳ. Chắc chắn đây là trường hợp của một bà mẹ già quê mùa, bị con cái “đuổi khéo” về Việt Nam. Tội nghiệp, cụ đã ngồi trên máy bay năm sáu tiếng đồng hồ để đến phi trường Los Angeles, sắp tiếp tục chặng đường về Việt Nam nhưng không hề biết rằng mình sẽ không thể trở lại Mỹ vì sự bất nhân của con cái.
Hình ảnh bà cụ già cứ ám ảnh tôi mãi. Cụ quê mùa, vụng về, có lẽ vì chẳng giúp ích gì được cho các con mà chỉ thêm gánh nặng, bởi vậy các con để cho cụ đi, khi cụ biết mình không thể trở lại bên Mỹ được nữa thì chuyện đã rồi.
Tôi nghĩ, thôi thì tuổi cụ đã già, có nằm lại trên mảnh đất quê hương theo ý các con muốn cũng được, chết ở bên Mỹ này có biết bao nhiêu thứ tốn kém. Vậy mà sao tôi cứ thấy thương cụ như thế nào ấy.
Lại một câu chuyện khác. Có ông bà kia sang Mỹ từ hai mươi năm trước, đi làm nuôi con, dành dụm mua được căn nhà và đã pay-off. Khi các con trưởng thành, đã lập gia đình riêng thì ít lâu sau ông bố qua đời. Thấy mẹ sống một mình trong căn nhà 1ớn, mà giá nhà cửa lúc đó đang lên, các con bèn bàn với mẹ bán căn nhà đó đi rồi về ở với các con cho vui. Bà mẹ nghe theo, bán nhà, chia đều cho mỗi con một ít, chỉ giữ lại dăm ngàn đô và về ở với con. Bà không biết lái xe, không biết tiếng Anh, cũng không biết trông nom cháu theo kiểu Mỹ hoặc làm home work, nên các con phải nhờ người đưa đón con cái của họ lúc đi học. Bà thích nấu ăn, kho cá, nhưng các con sợ nhà hôi hám, không cho. Lúc đầu thì chẳng sao, lâu dần bà trở thành gánh nặng. Một buổi chiều, đứa con gái xô cửa trở về nhà, thấy mẹ đang gồi coi ti vi, nó hất hàm hỏi: - "Có hiểu gì không mà má cứ ngồi coi suốt ngày vậy?". Có lần, chuông điện thoại reo, đứa con gái nhấc máy, bên kia không hiểu ai hỏi gì nhưng trước mặt bà già, nó trả lời: "Bả đi khỏi rồi!", sau đó nó cúp máy cái cạch. Thì ra, ở bên Mỹ, tiền bạc quan trọng hơn mẹ.
Lại một bà mẹ khác, ở chung nhà với đứa con lớn nhưng nhờ đứa con nhỏ đưa đi bác sĩ. Xong việc, nó chở mẹ về rồi lẹ lẹ dọt xe đi làm. Bà mẹ lên tới bậc thềm, tìm khắp nơi không thấy chỗ giấu chìa khóa, mà bà thì không có chìa khóa riêng, không có cell phone, cũng không biết tiếng Anh nên không dám bấm chuông sang ngồi nhờ bên nhà hàng xóm. Bà đành ngồi trên bậc thềm trước cửa nhà mình từ sáng tới chiều. Bà đang bịnh nên mới phải nhờ đứa con nhỏ đưa đi bác sĩ. Khi đứa con lớn đi làm về thì bà đã ngã lăn quay ra đất, phân và nước tiểu cùng khắp.
Ngày trước, tôi có đọc một truyện cổ tích. Có hai vợ chồng nhà kia đối xử với bố mẹ già không tốt, thường bắt ăn cơm bằng cái "muỗng dừa". Một hôm, hai vợ chồng đi làm đồng về, thấy đứa con nhỏ của mình đang hì hục đẽo một cái gáo dừa như thế, bèn hỏi, nó thành thật trả lời: "Đẽo muỗng dừa để cha mẹ ăn lúc già". Nghe con trả lời, vợ chồng nhà đó hết hồn, bấy giờ mới biết gieo nhân nào thì gặt quả đó, mình đối xử tàn nhẫn với bố mẹ, sau này con cái mình sẽ "trả ơn" lại như thế. Ở bên Mỹ, chúng ta không có những chuyện cổ tích nho nhỏ như vậy chăng? Tôi nhớ cách ngôn có câu: "Trồng đậu được đậu, trồng dưa được dưa, chẳng ai trồng cỏ dại cả". Vậy mà có một số người không biết suy nghĩ lại trồng cỏ dại đấy quý vị ạ.
Câu chuyện thứ hai: Bà mẹ quê
|
Ảnh minh họa |
Có nhiều cách gọi cha mẹ tùy theo từng địa phương, nhưng ở quê tôi, một vùng thuộc tỉnh Kiến An, Hải Phòng, thì con gọi bố mẹ là thầy bu, vì thế tôi xin dùng hai danh từ này cho bài viết về mẹ tôi, một bà mẹ quê mùa.
Thầy tôi qua đời ngày 15 tháng Giêng năm 1947, hưởng dương 41 tuổi. Ông cụ mất khoảng 2 tháng sau khi bị bệnh mà thuở ấy người vùng quê chỉ biết gọi là bệnh 'thương hàn".
Những ngày thầy tôi lâm trọng bệnh và khi các con tiễn ông cụ ra cánh đồng thì nay tôi không còn nhớ gì nữa. Kỷ niệm duy nhất còn sót lại trong đầu óc tôi là khi ông cụ tháo cái vạy cày ra khỏi cổ con trâu, rồi đưa sợi dây thừng cho tôi bảo dắt nó đi ăn. Nó đang gặm cỏ, khi đến cái ao trước cửa nhà thờ thì bèn kéo sợi dây thừng, chạy ào xuống nước, ngước mũi lên mà thở phì phò rồi ngụp lặn cái đầu có vẻ khoái chí lắm. Còn tôi, một thằng bé mới 6 tuổi, không thể kéo nó lên được nên đành cầm sợi dây thừng, cứ đứng trên bờ mà khóc vì sợ con trâu chết đuối. Kỷ niệm đối với thầy tôi chỉ có bấy nhiêu thôi, tôi không nhớ gì hơn. Nhưng với bu tôi thì tôi nhớ nhiều, dù chưa một lần nhắc lại các kỷ niệm đó với anh chị em hoặc con cháu.
Khi thầy tôi mất thì bu tôi mới 43 tuổi, một nách 7 đứa con, sống trong căn nhà tranh vách đất, ba gian hai chái, với một mảnh vườn và mấy sào ruộng thuộc làng Cựu Viên, tỉnh Kiến An, cách thành phố Hải Phòng chừng 3 cây số. Một hình ảnh mà đã hơn 60 năm rồi tôi vẫn còn nhớ như in, đó là lúc hoàng hôn, bu tôi đứng ở góc vườn, hướng ra nghĩa địa mà kêu tên thầy tôi trong tiếng nức nở sau khi đã chôn cất thầy tôi xong.
Bu tôi cả ngày chân lấm tay bùn với ruộng lúa vườn rau, mỗi buổi chiều về, sau khi thổi cơm cho con, nấu cám cho lợn xong thì mặt trời đã lặn. Giữa lúc tranh tối tranh sáng, bà lẳng lặng ra góc vườn, lúc thì ngồi ngắt đọt khoai lang, khi thì hái chè (trà) và khóc trong khi các con không hề hay biết.
Một buổi chiều, khi chim đã về tổ, tôi leo lên cây ở góc vườn để bắt ổ chim sáo đen khi nghe chim con "chíp chíp" mà tôi đã rình từ lâu, tôi thất kinh suýt ngã xuống đất vì chợt thấy một bóng đen đứng ở góc vườn. Nhưng tôi hoàn hồn khi nhận ra giải khăn tang trắng trên đầu, hai đuôi khăn chạy dọc xuống lưng của bu tôi. Tôi vội tụt xuống định chạy vào nhà, nhưng rồi khựng lại, ngồi thụp xuống bên gốc cây vì nghe tiếng bu tôi khóc: "Ối ông ơi! Trời đã tối rồi! Ông đi đâu mà sao không về ăn cơm với các con ông ơi!" .
Tuy mới lên 6, tuổi nghịch ngợm của trẻ con nhà quê nhưng tôi rùng mình nổi gai ốc khi nghe bu tôi hờ gọi thầy tôi như thế. Bà khóc trong nấc nghẹn, cố kềm trong họng không cho ra tiếng vì sợ các con nghe được. Chắc bà cam chịu đau khổ, thương nhớ một mình, không đành lòng chia sẻ nỗi buồn với các con. Các anh chị tôi không ai hay biết việc này, vì sau một ngày quần quật với công việc ngoài ruộng thì đã mệt nhoài, mọi người đi nghỉ sớm để ngày mai, khi gà vừa gáy và tiếng chuông nhà thờ "bính-boong' lúc 5 giờ sáng là đã phải dậy để chuẩn bị ra đồng.
Riêng mình tôi là biết bu tôi khóc. Tôi chẳng nói cho ai hay, nhưng tiếng khóc của mẹ xoáy vào đầu óc tuổi thơ khiến tôi cứ đứng sau hè nhìn bu tôi nấc nghẹn và rũ như tàu lá chuối héo mà ứa nước mắt theo. Nhiều khi tôi thấy bà vịn cành chè rồi sức nặng của khổ đau, của héo úa làm nó bị gãy.
Một lần, đã gần tối, bu tôi đang khóc, tôi nghe có tiếng nói ở bên kia bờ giậu: 'Sao mẹ Quán cứ khóc thế? Phải để cho anh Quán nó yên nghỉ chứ!". Đó là tiếng nói của cụ Dưỡng, chú ruột thầy tôi, chắc cụ cũng xót ruột vì tiếng khóc mỗi chiều tối ngoài góc vườn. Bu tôi là cháu dâu nên phải vâng lời chú, từ đó không dám khóc ngoài vườn nữa nhưng nỗi sầu thì làm sao vơi được, nên nước mắt v?n tiếp tục rơi cùng những tiếng nấc nghẹn ngào trong góc bếp lúc đêm khuya.
Mùa đông tháng giá, tiết trời lạnh lẽo ở vùng quê với căn nhà lá có nhiều khe hở gió lùa vào. Mấy anh em tôi nằm trong ổ rơm, đắp chiếu. Kín đầu thì hở chân, kín chân thì hở đầu, cái lạnh đêm khuya lại thêm dạ dày trống rỗng thật đúng với câu "bụng đói, cật rét" nên giấc ngủ chập chờn. Nửa đêm về sáng, khi gà vừa gáy, tôi thức giấc thấy ánh lửa từ bếp hắt lên. Tôi bò dậy, mon men xuống để sưởi cho ấm thì thấy bu tôi đang ngồi nấu cám lợn, một tay cầm chiếc que đun, tay kia đẩy tiếp nắm rơm vào cho lửa cháy. Bóng bu tôi in lên vách bếp, ngả nghiêng theo ánh lửa bập bùng.
Đêm khuya, thấy con thức giấc mò xuống bếp thì bà mẹ hiểu ngay lý do tại sao. Bà kéo vạt vội áo lau nước mắt rồi lấy giọng ra vẻ thản nhiên, hỏi: - Đói hả? Ngồi sát lại đây sưởi cho ấm, chờ bu nướng cho củ khoai.
Bếp nhà quê đun bằng rơm rạ nên có tiếng nổ lép bép bắn ra những tàn lửa tựa pháo bông, đôi khi làm tro bụi bay lên người đang đun. Bu đứng dậy khẽ phủi tro trên chiếc khăn tang rồi với tay lấy một củ khoai lang trong cái thúng đựng khoai treo ở phía trên, vùi vào trong bếp chỗ giữa ba ông "đầu rau".
Có thể nhiều người không biết 'khoai lùi bếp nóng" mùi vị nó ra sao. Ngay các cháu nội, cháu ngoại của bu tôi đang sống trên đất Mỹ hiện nay, tuy đã lớn nhưng cũng không biết. Song đối với tôi, củ khoai lang lùi bếp nóng mà bu "ban" cho tôi không có gì so sánh nổi. Người ta thường dùng tiếng "ban" để nói về các ơn đức mà Thượng đế, Chúa hay Phật đã cho con chiên, Phật tử. Bu tôi đã "ban" cho tôi củ khoai lang nướng vùi bếp nóng giữa đêm đông giá lạnh mà chung quanh chỉ có rơm rạ, bóng tối và tình mẫu tử.
Bà dùng cây que đun khều củ khoai trong bếp ra, lấy rơm lau sạch những chỗ bị cháy rồi đưa cho tôi: - Khoai còn nóng lắm, con ăn từ từ thôi nhá!
Khoai nướng thơm phức và nóng hôi hổi, hãy còn bốc hơi. Trẻ con nếu tham ăn, quên bóc vỏ thì sẽ bị nóng phải há miệng ra, ngửa mặt lên mà thổi phù phù. Còn ăn vụng mà nuốt vội thì dễ bị nghẹn. Trong đêm giá lạnh, bụng đói, cật rét, hai tay nắm củ khoai nóng thì thích lắm. Nhưng không hiểu sao cái tật tham ăn của tôi tự nhiên biến mất. Tôi còn nhỏ, chưa hiểu tiếng "hiếu" là gì nhưng cũng bẻ đôi củ khoai, đưa cho bu tôi một nửa. Tôi biết bu tôi cũng đói nhưng nhường miếng ăn cho tôi như mọi bà mẹ khác luôn luôn nhường nhịn cho con. Tự nhiên nét mặt bu lộ vẻ sung sướng, cảm động, nhưng rồi bu lại đưa nửa củ khoai cho tôi: - Thôi, con ăn cả đi, bu không đói. - Không, bu ăn thì con mới ăn. Hai mẹ con tôi nhường nhau nửa củ khoai nướng. Bất đắc dĩ bu phải cắn một miếng sau đó lại đưa cho tôi. - Con ăn xong lên nhà đánh thức các anh chị dậy sửa soạn ăn cơm rồi còn ra đồng.
Hai tiếng “ra đồng” là chỉ công việc ngoài đồng áng như cuốc đất, nhổ mạ, cấy lúa, trồng ngô, trồng khoai v.v... Những công việc nhà nông làm ra lương thực thực phẩm, người thành phố - nhất là các bạn trẻ bên Mỹ chúng ta hiện nay - khó có thể hình dung ra được nó vất vả như thế nào.
Ngày lại qua ngày, bầy gà chắt chiu một mẹ với bảy đứa con đùm bọc lẫn nhau dưới mái tranh sau lũy tre làng. Rồi chạy loạn trong chiến tranh. Rồi hồi cư với cảnh hoang tàn, đổ nát. Những lúc gian khổ như vậy bu tôi thường lẩm nhẩm khấn thầy tôi nếu có linh thiêng thì phù hộ độ trì cho mấy mẹ con tai qua nạn khỏi.
Sau đó đến hiệp định đình chiến năm 1954 và việc đấu tố tàn nhẫn diễn ra tại các tỉnh miền Bắc. Gia đình tôi di cư vào Nam, theo cha đạo đưa về Bến Xúc, quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Người nông dân có sức sống mãnh liệt như loài cỏ dại, vứt đâu cũng có thể tồn tại được mặc dầu mấy mẹ con chỉ có hai bàn tay trắng. Dần dần các anh chị tôi lớn lên, tìm cách trở về Sài Gòn, xoay sở kiếm được việc làm và ở tại số 172/41 đường Đỗ Thành Nhân, Khánh Hội.
Bu tôi, một người đàn bà nhà quê sống ở thành phố, bỏ lại ngoài kia ruộng vườn, mồ mả tổ tiên và nhất là ngôi mộ người chồng đã mất năm bà 43 tuổi, bởi vậy hình như bà hơi lạc lõng, từ giọng nói, quần áo cho đến chiếc khăn đội đầu vẫn còn "Bắc rặt". Cho mãi đến khi có những tiếng nói bập bẹ "pà pà" ngọng dính của những đứa cháu nội, cháu ngoại bấy giờ bà mới luôn luôn nở những nụ cười khi trông nom, chăm sóc các cháu.
Những tưởng bu tôi được vui hưởng tuổi già cho tới lúc răng long, đầu bạc. Không ngờ chiến sự tại các tỉnh miền Nam, miền Trung ngày càng ác liệt. Các con trai, con rể của cụ được gọi lên đường nhập ngũ. Đứa thì Cao nguyên, đứa Đông Hà, thằng con trai út ở Sơn Trà, Đà Nẵng trong khi thằng áp út lại ở Cà Mau... Đâu đâu cũng có tin tức chiến sự. Rồi giọng ca Khánh Ly văng vẳng ở bên hàng xóm: "Đại bác đêm đêm vọng về thành phố...". Bà mẹ quê hết lo cho đứa con này lại đến đứa con khác. Ban đêm bà không ngủ được, ngồi dậy, nhắm mắt, tay lần tràng hạt, miệng lẩm nhẩm tụng kinh cầu xin Trời Phật phù hộ độ trì, che chở cho những đứa con ở ngoài mặt trận.
Tuy đêm nào cũng tụng kinh niệm Phật nhưng hằng ngày mẹ tôi vẫn giật mình, đau nhói trong tim khi nhìn thấy có chiếc xe nhà binh GMC chở quan tài phủ cờ chạy trên đường phố. Cho đến lúc chiếc xe chạy thẳng, không vào trong xóm bà mới yên lòng.
Rồi sáng ngày N tháng 06/1966, một chiếc xe GMC quẹo vào ngõ và dừng lại phía ngoài khiến bu tôi hốt hoảng. Nhưng người lính TQLC mở cửa xe bước xuống, tìm nhà bà Châu ở bên cạnh chứ không phải nhà tôi. Anh ta báo tin thằng Mão - bạn của anh ta mà cũng là bạn của tôi - đã tử trận. Tôi và Mão cùng tình nguyện gia nhập TQLC. Mão thuộc Tiểu đoàn 1, tôi Tiểu đoàn 2. Chúng tôi đụng trận tại Ngã ba sông Định gần Bích La Thôn, Quảng Trị. Mão tử trận, tôi chỉ bị đạn bắn vào cánh tay. Thấy mình hãy còn sống, vết thương khá nhẹ nên tôi nói với hậu trạm là đừng báo cho gia đình tôi biết. Bà Châu xỉu. Bu tôi đỡ lấy bà, mặt tái đi, cũng muốn xỉu theo vì chợt nghĩ đến tôi. Khốn khổ, tôi đã dặn mà Thủ Đức họ lại làm theo thủ tục, cứ báo tin. Bởi vậy nên hai hôm sau, lại một chiếc xe nhà binh đến đậu trước xóm và hỏi nhà bà Tiệp - tức tên người anh cả của tôi, gọi thay tên cho bu tôi theo thói quen. Người lính vừa nói tên tôi, chưa kịp báo thêm điều gì thì bu tôi đã ngất xỉu, ngã lăn ra đất không biết gì nữa.
Vì bị thương nhẹ nên tôi xin xuất viện ngay để đi phép. Bu tôi đang nằm trên giường bệnh, thấy tôi về, cụ ngồi bật dậy ngơ ngác nhìn con, hai tay sờ mặt con, nắn tay, nắn chân, lắc lắc như muốn chắc chắn đây là sự thực chứ không phải trong giấc chiêm bao. Bà không nói gì cả mà chỉ khóc. Có lẽ bà khóc vì còn được hạnh phúc nắm tay đứa con từ mặt trận trở về. Tôi phải nói rằng tất cả các bà mẹ của những người lính chiến cứ được thấy mặt con lúc nào là hạnh phúc lúc ấy, các bà không dám nghĩ xa xôi rằng lỡ nó chết!
Tôi xin mượn ý bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan lúc ấy đã được nhạc sĩ Phạm Duy hay ai đó phổ nhạc khá nổi tiếng, và xin mạn phép thay đổi vài tiếng trong bản nhạc như sau: "Nhưng không chết người con lính chiến, mà chết người mẹ ở hậu phương...". Vâng, lính chiến như chúng tôi, nếu chết thì chỉ chết có một lần, còn các bà mẹ như bu tôi thì chết giấc nhiều lần vì quá lo lắng cho con.
Đúng, bu tôi đã chết giấc nhiều lần như vậy mỗi khi thấy những người quen trong họ hàng hay các bạn tôi trong xóm, cũng thuộc TQLC như tôi, lần hồi tử trận tại các mặt trận, như Tô Chiêu, Tô Sơn, Vũ Tuấn, Nguyễn Thanh v.v... Rồi còn tôi nữa, tôi sẽ 'ra đi" bất cứ lúc nào! Dân TQLC mà, đâu có hứa với nhân gian sẽ sống tới bạc đầu!
Cuối cùng thì ngày 19/06/1969, tại mặt trận Cán Gáo thuộc tỉnh Chương Thiện, cuộc chiến đấu ác liệt đã loại tôi ra khỏi vòng chiến. Nhưng cái số tôi chưa chết. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình nằm trong bệnh viện, toàn thân đầy những dây cùng nhợ nối với các bình nước biển. Mờ mờ qua lớp băng quấn đầu, tôi thấy bu tôi đang cạy cạy các vết máu đã khô còn sót lại trên mặt tôi. Tôi mấp máy môi, gọi qua hơi thở của bình dưỡng khí: "Mẹ". Tiếng "Mẹ" yêu thương là thế, nên từ đấy tôi gọi bu tôi bằng mẹ và bu tôi cũng xưng mẹ với tôi. Rồi tôi rời bệnh viện với đôi nạng gỗ. Vậy mà hôm đi đón tôi, mẹ tôi lại mỉm cười: "Con bị thế này mẹ lại đỡ lo". Chao ôi lòng mẹ, thương con cả lúc thân thể con không còn lành lặn!
Thế rồi đất bằng nổi sóng. Sau ngày 30/04/75, ba anh em trai tôi và hai người anh rể phải đi cải tạo. Chẳng cần nói thêm thì ai cũng hiểu lòng người mẹ già trong hoàn cảnh đó như thế nào. Sự quê mùa của mẹ tôi là bà nghe theo lời hàng xóm, đi mua mấy bộ quần áo bà ba đen và mấy đôi dép râu để các con đi "học tập"! Chưa bao giờ tôi giận đến thế và chưa bao giờ tôi hỗn láo với mẹ như vậy. Dù sao thì tôi cũng là một thằng sĩ quan TQLC. Thà chết thì thôi chứ tôi không mặc bộ bà ba đen, không đi dép râu. Tôi lôi những thứ đó ra khỏi túi xách, ném chúng vào góc nhà. Mẹ tôi sửng sốt nhìn tôi, hình như bà không hiểu tại sao tôi lại làm như vậy. Rồi bà hì hục lượm lại, lại nhét vào chiếc túi xách: "Người ta bảo mặc áo bà ba đen, đi dép râu giống họ thì họ mau cho về!". Tôi giận, lôi chúng ra, ném đi lần nữa rồi lẳng lặng xách chiếc túi, không một lời chào từ giã mẹ đang đứng nhìn theo, nét mặt rất buồn.
"Cải tạo" tới năm thứ 9 thì tôi nằm mơ thấy mẹ. Linh tính báo cho tôi biết có điều gì đó chẳng lành. Mỗi lần vợ tôi đem con lên thăm nuôi, tôi hỏi, nhà tôi nói mẹ vẫn bình thường. Sao tôi vẫn không yên tâm và đêm ngủ vẫn thường mơ thấy mẹ. Lần sau, vợ tôi lên, tôi đem chuyện đó ra gần như hạch hỏi, bấy giờ vợ tôi mới nói thật rằng mẹ tôi đã mất. Ruột tôi đau nhói, nước mắt tôi chảy ra và tôi bật lên tiếng khóc. Con người TQLC gan lì trong tôi chưa bao giờ khóc, ngay cả bị B40 cưa cụt chân tôi cũng không khóc, nhưng bây giờ tôi khóc, bịt chặt cổ họng mà khóc cho khỏi thành tiếng. Qui định trong trại là không được khóc. Người nhà lên thăm, dù có chuyện gì cũng không ai được khóc. Vợ tôi sợ tôi khóc, cán bộ trông thấy nên an ủi tôi: "Anh cứ yên tâm, anh em vắng cả nhưng ở nhà chúng em vẫn lo tang lễ cho mẹ đầy đủ. Đây này, anh xem đây này...". Vợ tôi lấy ra những tấm hình hôm làm đám tang cho mẹ tôi. Thì ra, vợ tôi tuy giấu nhưng sợ tôi biết nên vẫn phòng xa, từ ba tháng nay lần nào lên thăm nuôi cũng mang theo những tấm hình đó để tôi yên tâm. Vâng, đám tang đông đủ bà con họ hàng, có các nhà sư tụng kinh, khói hương nghi ngút hết sức đàng hoàng, nhưng tôi vẫn xót xa, ân hận rằng lúc ra đi đã không một lời chào từ biệt mẹ. Suốt chín năm trời đày ải, làm sao tôi biết được rằng bọn lính chúng tôi sẽ phải đi tù không có nhà tù lâu đến thế, và làm sao tôi biết được rằng lúc tôi ra đi là lúc mẹ con vĩnh biệt!
Hai năm sau, tổng cộng 11 năm tất cả, tôi được thả về, thân thể tàn tạ trên cặp nạng gỗ. Hiện nay gia đình tôi đang ở bên Mỹ. Các con tôi đứa nào cũng đã có gia đình riêng, vợ chồng con cái đầy đủ. Tóc tôi bạc trắng, bụng tôi hóa bự nên trông rất già. Vợ tôi cũng vậy, tóc cũng đã bạc, trông già hơn tuổi. Gặp gỡ bạn bè trong các cuộc họp mặt thường niên TQLC, chúng tôi thường nửa đùa nửa thật gọi nhau bằng cụ. Tuy "cụ" nhưng từ đáy lòng tôi vẫn có một niềm ân hận: lúc xách túi ra đi tôi không một lời chào từ biệt mẹ. Bởi vậy, kể lại câu chuyện này, tôi cầu mong rằng những ai còn mẹ thì dù trong hoàn cảnh nào cũng xin chăm sóc mẹ, chớ có cử chỉ đáng trách như tôi để phải ân hận suốt đời.< |