Steve Jobs vừa qua đời. Dù đại đa số chúng ta không quen biết nhưng tôi tin chắc rằng ông đã để lại trong kí ức mỗi người ít nhiều kỉ niệm vì ông đã sống bên cạnh trái tim (iPhone), nằm kề bên khối óc (iPod) của chúng ta từ nhiều năm qua.
|
Táo và hoa tưởng niệm Steve Jobs được đặt trước căn nhà ở Palo Alto nơi ông sinh sống cho đến lúc qua đời (ảnh Bùi Văn Phú) |
Những sáng tạo của Steve Jobs được so sánh với việc Thomas Edison chế ra nhiều vật dụng dùng điện cách đây một thế kỉ là những đồ dùng không thể thiếu trong đời sống hiện tại, như những phát minh Steve Jobs đã đem vào trường học, công tư sở và gia thất của chúng ta từ ba mươi năm qua.
Kỉ niệm với Apple của tôi là trong giáo dục. Niên học 1988 tôi bắt đầu đi dạy ở Mỹ và cần một máy đánh chữ để soạn bài. Khi đó máy điện toán cá nhân đã ra đời nhưng chưa phổ thông và đắt nên tôi mua một máy đánh chữ hiệu Brother chạy bằng điện mà các bạn trẻ ngày nay có thể không hiểu được những khó khăn khi đánh máy sai và phải sửa lại trong thời đại của máy đánh chữ.
Trước đó hơn một thập niên, năm 1976 Steve Jobs và Steve Wozniak đã chế được máy điện toán cá nhân Apple đầu tiên. Từ máy đánh chữ chuyển sang máy điện toán quả thật là một cuộc cách mạng kỹ thuật ngang tầm với những phát minh của Edison.
Đầu thập niên 1980 tôi đã có cơ hội dùng UNIX, loại máy điện toán IBM trong các phòng thực nghiệm của đại học để đánh bài khi làm báo sinh viên. Bài tiếng Anh dễ dàng, đánh xong, đặt khổ trang báo rồi in ra là hoàn tất với con chữ sắc cạnh, rõ nét. Bài tiếng Việt in ra còn phải đánh dấu bằng tay cũng tốn thời gian gần bằng khi đánh máy. Lúc đó nhấp chuột chưa có. Khi tôi bắt đầu dạy học, Apple đã có trong thị trường vì một bạn học là nhà văn Andrew Lâm mới bước vào văn chương đã dùng nó để viết bài, nhưng giá một máy thời bấy giờ đắt hơn nghìn đô-la, bằng nửa tháng lương của tôi trước khi trừ thuế.
|
iPhone trên tay, một người hâm mộ đọc những dòng chữ để lại gần tấm ảnh Steve Jobs: trẻ mãi, man man mãi 1955-2011 (ảnh Bùi Văn Phú) |
Ở chung nhà với Andrew, nhìn chiếc máy để trên bàn hình vuông nhỏ màu kem nhạt mà khi gõ bàn phím mặt chữ hiện lên màn hình mà thèm. Đánh sai muốn sửa chỉ việc ấn ngón tay vào một nút là có thể xoá đi dễ dàng và tôi thấy đó là một điều thần tiên. Sửa bài mà không cần gạch xoá trên những trang bản thảo, hay phải bôi đi đánh lại cả trang thì thật là một chiếc máy kì diệu và lí tưởng đối với một nhà văn và với một nhà giáo.
Tôi mơ ước có một máy như thế nhưng lương không cao để thực hiện điều đó.
Dạy học qua năm thứ ba, khi hiệu trưởng cho biết mỗi giáo viên sẽ được cấp cho một máy Macintosh thì đó là một tin cực vui cho ban giảng huấn. Sở giáo dục còn tổ chức các lớp tập huấn dạy cách sử dụng chức năng của máy, lúc đó đơn giản chỉ là cách đánh chữ hoa, chữ nghiêng, in đậm, gạch dưới, bôi xoá và cách trình bày một bài viết, kẻ đường thẳng hay vẽ hình vuông tròn và bỏ chữ trong đó. Tôi không giỏi về phần cứng, phần mềm nhưng chỉ với những chức năng như thế máy điện toán cá nhân đã làm một cuộc cách mạng kỹ thuật trong học đường Mỹ. Từ đó tôi biết Apple là mối tình đầu giữa công nghệ thông tin và giáo dục phổ thông.
Qua Apple tôi và học trò thực tập những trò chơi toán học, những chương trình khoa học, cách trình bày báo cáo thí nghiệm thực hành cùng lúc quen biết với những trò chơi điện tử như tetris, solitaire, thủy chiến v.v...
Sau khi có máy điện toán, những giáo án cũ của tôi dần được đánh máy lại, sửa chữa và lưu giữ trong máy hay chia sẻ với đồng nghiệp. Theo thời gian, những phát minh mới của Apple đem theo hình ảnh, đồ biểu và nhiều chức năng khác vào bài giảng. Nhờ có máy, đồng nghiệp cũng có thể trao đổi những hiểu biết chuyên môn một cách nhanh chóng qua những đĩa mềm.
Đến khi máy điện toán cá nhân được nối mạng thông tin toàn cầu thì thế giới thực sự thu nhỏ lại. Khởi đi từ Steve Jobs với máy điện toán nhỏ, những công dân của thế giới nay có thể liên lạc với nhau trong tích tắc gần như ở mọi nơi, bất cứ vào lúc nào và bằng mọi ngôn ngữ, bất kể dạng chữ viết là ABC, có hình tượng như trong tiếng Hoa, tiếng Thái, tiếng Ả Rập hay có dấu như tiếng Việt.
Ngày nay máy điện toán cá nhân với nhiều thương hiệu được bán trên thị trường, nhưng từ hơn hai mươi năm qua Apple vẫn luôn là người bạn thân thiết của học đường Mỹ. Việc dùng kỹ thuật trong lớp học có thay đổi thì cũng là từ những chiếc máy để bàn, qua laptop rồi đang chuyển sang iPad, iPod Touch là những di sản trí tuệ của Steve Jobs và Apple.
Mối tình đầu giữa Apple và nền giáo dục phổ thông Mỹ bền vững và thắm thiết đến nay có lẽ do bởi một định mệnh vì hình ảnh quả táo từ xa xưa đã là biểu tượng của nền giáo dục Hoa Kỳ và công ti sản xuất máy điện toán cá nhân do Steve Jobs và các cộng sự đồng sáng lập cũng đã chọn quả táo, Apple, làm biểu tượng.
Tại sao họ đã chọn tên của thứ trái cây phổ thông nhất ở Mỹ để đặt cho công ty? Tôi lên mạng tìm nhưng không ra câu trả lời. Hy vọng trong những ngày tới được đọc hồi ức hay sách viết về Steve Jobs tôi sẽ tìm ra ngọn nguồn về thương hiệu Apple và về những việc phi thường cùng những điều rất bình thường của một thiên tài kĩ thuật qua 56 năm ông sống với cuộc đời, từ 1955 đến 2011.
© 2011 Buivanphu.wordpress.com |