Home Văn Học Tùy Bút Mạn Đàm Về Thơ Đường Luật và Phép Xướng Họa

Mạn Đàm Về Thơ Đường Luật và Phép Xướng Họa PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn-Phú-Long   
Thứ Hai, 21 Tháng 3 Năm 2011 11:38

...vào khoảng đời nhà Trần, cố tiền bối Hàn-Thuyên đã áp dụng, phổ biến luật lệ của loại thơ Đường này vào thơ ca của Việt-Nam, do đó thơ Đường luật còn được gọi là thơ Hàn luật.


Một thể thơ đặc biệt xuất hiện vào thời nhà Đường bên Trung-Hoa với những bài thơ có số câu, số chữ nhất định, luật lệ nhất định, đó là thơ Đường luật. (Thơ Đuờng và thơ Đường luật khác nhau.)


Từ khi nước ta dùng văn Nôm, vào khoảng đời nhà Trần, cố tiền bối Hàn-Thuyên đã áp dụng, phổ biến luật lệ của loại thơ Đường này vào thơ ca của Việt-Nam, do đó thơ Đường luật còn được gọi là thơ Hàn luật.


Mặc dù chúng ta không đồng ý quan niệm cho rằng thơ Đường luật chỉ là loại Thơ nhằm thù tạc, thiếu xúc động, nặng công thức, gò bó, ưa mài giũa, đãi lọc, thiếu hồn…nhưng cũng phải công nhận, như Nguyễn-Hưng-Quốc đã viết trong cuốn “Nghĩ Về Thơ”: “Thơ Đường luật thường phải tước bỏ phần lớn những từ có khả năng tạo nhạc.” mà như ai đều rõ, thi ca thường gắn bó với nhau, nhạc trong thơ cũng là yếu tố quan trọng.


Luật lệ thơ Đường luật đã khe khắt, mà họa một bài thơ Đường luật lại cần thận trọng hơn vì người họa còn phải lưu tâm đến những vần, những ý, các chữ phải dùng, không được dùng. theo bài thơ xướng. Bài thơ họa phải mang cùng nội dung. Nếu bài họa đề cập đến một ý khác, như vậy là lạc đề, bài thơ họa không đạt. Trường hợp bài họa không đạt có thể chỉ nên gọi là một bài “nương vận” thì đúng hơn. Đến đây xin đan cử hai bài thơ xướng họa lý thú trong văn đàn Việt-Nam:

Tôn Phu Nhân Quy Thục của Tôn-Thọ-Tường

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ Tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang-Đông.
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc,
Về Hán trau tria mảnh má hồng.
Son phấn thà cam dày gió bụi,
Đá vàng chi để thẹn non sông.
Ai về nhắn với Châu-Công-Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng.


Bài họa Tôn Phu Nhân Quy Thục của Phan-Văn-Trị


Cài trâm xốc áo vẹn câu tòng
Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông.
Ngút tỏa trời Ngô un sắc trắng,
Duyên về đất Thục đượm mầu hồng.
Hai vai tơ tóc bền trời đất,
Một gánh cương thường nặng núi sông.
Anh hỡi! Tôn-Quyền, anh có biết
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng.


Qua hai bài thơ trên, ta thấy thơ xướng họa còn được sử dụng như vũ khí để bênh vực cái quan niệm của mình cách tao nhã, “Hòa nhi bất đồng”.
Từ đời nhà Đường tới nay, từ bên Trung-Hoa sang đây, thơ Đường luật và Đường thi xướng họa nói riêng, vẫn là niềm vui thú văn chương của nhiều người tạo ra bao liên hệ bạn hữu tao nhã, giai thoại độc đáo…


Về liên hệ bạn hữu thì có những bài xướng họa qua lại, những bài liên ngâm, thí dụ trong buổi họp mặt, trà dư tửu hậu, tuần tự trong số mấy người rành thơ Đường luật xuất khẩu góp một câu Mở đầu, luận, trạng, kết... để chung cuộc có bài Đường luật do nhiều tác giả cùng tạo nên làm kỷ niệm.
Về giai thoại xin kể, xưa kia có bốn câu thơ cổ nhiều người biết:


Cửu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
Động phòng hoa chúc dạ
Kim bảng quải danh thì.

 


Tạm dịch nghĩa:


Nắng hạn được mưa rào
Xa quê gặp người cũ
Đêm động phòng
Thi đỗ.


Bài ngũ ngôn tứ tuyệt nêu lên bốn sự mong ước của con người trên đời. Ấy thế mà theo Bùi-Hữu-Nghĩa (1807-1872 quê ở Cần-Thơ, con nhà thuyền chài, đỗ Giải-Nguyên trường thi Gia-Định năm 1835) thì bài thơ ấy chẳng có gì hay mấy! Chưa đạt tới cực khoái! Bèn thêm mỗi câu hai chữ như sau:


Thập niên cửu hạn phùng cam vũ
Vạn lý tha hương ngộ cố tri
Hòa thượng động phòng hoa chúc dạ
Nột nho kim bảng quải danh thì.


Chắc không nói, ai cũng biết, các thi sĩ tài nghề thâm hậu, kiến thức uyên bác, với thơ Đường luật, người ta còn vẽ vời ra nhiều hình thức biểu diễn như thơ khoán thủ, thơ đọc xuôi ngược v.v… và đặc biệt năm chữ dùng làm vần trong một bài thơ, đôi khi các vị ấy cố ý để lúc ghép lại chúng cũng là một câu văn có ý nghĩa (phần nhiều mang tính vui vui) như là: “Thằng ăn măng nhăn răng”; “Ôi thôi rồi nồi xôi”; “Chiều tiêu điều yêu nhiều”… tới đây lại xin kể một bài làm thí dụ: Không chồng trông bông lông.


Chực gì bằng gái chực phòng không
Tơ tưởng vì chưng một tấm chồng.
Trên gác rồng mây ngao ngán đợi
Dưới khe cá nước ngẩn ngơ trông.
Mua vui lắm lúc cười cười gượng
Bán muội nhiều phen nói nói bông.
Vẫn tưởng có chồng như có cánh
Giang san gánh vác nhẹ bằng lông.
Nguyễn-Khuyến (?)


Chẳng hay bài thơ trên có phải của Nguyễn-Khuyến chăng, mà bị điệp tự hai chữ “Chồng”. Có người đã chép ra như vậy, nhưng không thấy ở sách nào, không biết đúng hay sai. Vị nào rõ xuất xứ xin cho biết. Loại thơ này tương đối hiếm, chả thế mà cố văn sĩ Xuân-Vũ đã có lần đề cập trong một tác phẩm (Không nhớ tên sách.), đại khái đây là lối thơ cũng độc đáo, cũng hay mà nay ít người sáng tác.


Làm thơ Đường luật, theo nhiều người, không phải chuyện dễ dàng. Đôi khi hoàn tất, rà đi rà lại, lẩm nhẩm “nhất tam ngũ bất luận. Nhị tứ lục phân minh” mà nghe như không ổn. Thôi xao bao nhiêu lượt vẫn thấy còn như trục trặc chỗ nào. Có lẽ cần xét thêm vấn đề nữa. Vấn đề khổ độc! Một điểm nhỏ ít người để ý.
Khổ độc là khó đọc, làm cho giai điệu bài thơ không trơn tru gây khó khăn cho nghệ sĩ ngâm thơ. Trong thơ Đường luật, thất ngôn bát cú, chữ thứ năm câu lẻ, trừ câu thứ nhất, tức là câu 3, 5, 7, và chữ thứ ba trong câu chẵn 2, 4, 6, 8, nên làm âm bằng, nếu là âm trắc vẫn đúng nhưng bị khổ độc. Đây là tài liệu của câu-lạc-bộ Unesco về thơ Đường luật ở thành phố Sài-Gòn do người bạn gửi cho.


Họa thơ Đường luật khó hay dễ? Sáng tác còn khó huống chi làm theo. Thêm vào đó chắc chắn là người họa thơ nhiều lúc gặp vận éo le hay ít ỏi, một từ độc nhất (Tử vận) thì mất rất nhiều thì giờ hoặc cuối cùng chịu thua luôn.


Bà Hồ-Xuân-Hương có câu thơ: “ Lượng cả xin ông chớ hẹp hòi”. Người họa vượt qua được cũng tỏ ra tài tình: “Xích lại gần đây tớ thẩm hòi”. Lại nữa, số là thi hữu Hồ-Công-Tâm, mới đây có câu thơ trong bài Nửa Khuya: “Giấc ngủ đêm đêm lại chập chờn” khiến kẻ viết bài tùy bút ngắn này cũng một phen “chập chờn” mới thoát được: “Lạ thực bài thơ có vận chờn, Cứ làm day dứt mối duyên đơn.”


Người ta chia ra hai loại vần: Vần mở là những chữ dùng làm vần có nguyên âm ở sau. Vần đóng là những chữ có phụ âm theo sau. Trong từ điển tiếng Việt thấy gọi là vần xuôi và vần ngược. Vần Hòi của Hồ-Xuân-Hương là xuôi; Vần Chờn của HCT là ngược. Tương đối vần xuôi có nhiều từ để dùng hơn.
Xem như trên, tìm chữ để họa thơ đôi khi cũng rất nhọc nhằn. làm thơ Đường luật dù cho có cẩn thận nhiều lúc vẫn bị sơ sót, tỷ như kẻ bị “ma đưa lối, quỷ đưa đường” bịt mắt vậy. Đó là nói chung với những người và thơ ph

Hoàng Hạc Lâu của Thôi-Hiệu bị thất luật thì ai cũng biết. Chuyện cũ. Có điều lạ là, tiếp tục, nhiều "xì thẩu" vẫn vướng mắc dài dài. Mới đây, Quách-Mạt-Nhược, trong một bài thơ tưởng nhớ Chu-Ân-Lai sáng tác năm 1976 cũng vậy.
Tạp chí Văn-Vật số 1 năm 1977 ở Bắc-Kinh có in (dịch âm, nguyên văn):

Cách mạng tiền khu phụ bật tài,
Cẩn tinh ẩn ế ngũ châu ai.
Bôn đằng lệ lãng thao thao dũng,
Điếu ngạn nhân đào cổn cổn lai.
Thịnh đức tại dân trường bất một,
Phong công thùy thế cửu di khôi.
Trung thành dữ nhật đồng huy diệu,
Thiên bất năng tử địa nan mai.

Hoài niện Chu Tổng lý
Nhất cửu thất lục niên
Nhất nguyệt thập tam nhật.
Quách-Mạt-Nhược


Trường hợp Văn-hào Nguyễn Du thì không như vậy.
Năm Quý-Dậu 1813 nhân chuyến đi sứ sang Tầu, Nguyễn-Du tình cờ đọc một bài ký của nàng Tiểu-Thanh, một mỹ nhân hồng nhan bạc mệnh, đã sống trước Nguyễn-Du khoảng 300 năm, đọc xong sứ giả bèn ngậm ngùi ghi lại trong một bài thơ: “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố-Như.”
Toàn thể cả bài thơ như sau:


Độc Tiểu Thanh Ký.
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư (2)
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư (1)
Chi phấn hữu thần liên tử hậu (5)
Văn chương vô mệnh lụy phần dư (6)
Cổ kim hận sự thiên nan vấn (3)
Phong vận kỳ oan ngã tự cư (4)
Bất tri tam bách dư niên hậu (7)
Thiên hạ hà nhân khấp Tố-Như. (8)
Nguyễn-Du

 
Bài thơ này có in trong Bắc Hành Thi Tập. Nhiều người biết nhưng đa số nhiều người chỉ biết và thuộc hai câu cuốiđể có dịp thì nói lên, viết ra khi cần kết thúc câu chuyện, bài viết về cuộc đời sinh nhầm thế kỷ, không toại nguyện của Nguyễn-Du do đó chẳng thấy toàn bài bị thất niêm, thất luật.
Đông các học sĩ Nguyễn-Du làm thơ thất niêm sao? Nhiều người tin không thể xẩy ra chuyện như thế được! Nhưng bài thơ còn rành rành trong sử sách mà! Người ta tìm hiểu, nghiên cứu, giải thích. Có vị cho rằng bài thơ trên chỉ là bản nháp, hoặc khi đem vào Bắc Hành Thi Tập thì đã vô ý chép lộn. Người chép đã viết sai. Chính xác bài thơ của Nguyễn Du phải theo sự xếp đặt số câu trước sau theo thứ tự 1, 2, 3, 4, ghi chú như sau.


Độc điếu song tiền nhất chỉ thư (1)
Tây hồ mai uyển tẫn thành khư (2)
Cổ kim hận sự thiên nan vấn (3)
Phong vận kỳ oan ngã tự cư (4)
Chỉ phấn hữu thần liên tử hậu (5)
Văn chương vô mệnh lụy phần dư (6)
Bất tri tam bách dư niên hậu (7)
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. (8)


Mục đích là cùng nhau suy gẫm, học hỏi, hân hạnh mạn đàm đôi điều về thơ Đường luật và phép xướng họa. Nhân tiện, với tinh thần như Phạm-Quỳnh đã viết “Truyện Kiều còn thì nước ta còn” xin trình bầy vấn đề bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du ở đây, theo mấy nét chính, ngắn gọn từ một bài viết công phu phổ biến năm 2005 của một người bạn uyên thâm nho học, ông Linh-Đàn Nguyễn-Hữu Kiểm quê ở Lan-Đình Gio-Linh, khoảng năm 1945-1954 là học trò cụ cử nhân Trần-Doãn-Trai tham tri Hộ Bộ hồi hưu. Ông Linh-Đàn, Lan-Đình hiện cư ngụ tại Sài-Gòn.