Chuyện Đời Tôi! |
Tác Giả: Tuệ Chương Hoàng Long Hải | |
Thứ Tư, 02 Tháng 3 Năm 2011 07:36 | |
Súng đạn không còn, chém giết không còn, nhưng vết chém trong tâm hồn những người như chúng con, sâu đậm và đau xót không thua gì vết thương trên thân thể những người thuộc thế hệ của ba!
Nói thế nhưng nhiều khi, nhiều đêm ôm con nằm suy nghĩ, tôi lại thấy tại sao tôi không nói chuyện đời tôi? Sự việc to lớn nhất trong đời tôi không phải tôi làm ông to bà lớn, làm vương làm tướng, chỉ là một chuyện nhỏ nhưng rất quan trọng. Đó là việc tôi đánh mất “bản ngã” của tôi. Bản ngã tôi là gì? Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình tiểu tư sản, trung lưu. Cha tôi là trung tá quân đội biệt phái cảnh sát. Ba mươi tháng tư, không kịp chuẩn bị, ông lên tàu ra đi môt mình, để lại toàn bộ gia đình. Lúc đó, tôi là sinh viên năm thứ ba Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt, thiên tả, tham gia hoạt động “cách mạng”. Sau ngày “giải phóng”, tôi về nhà, “nón cối dép râu”. Thấy tôi, mẹ tôi thở dài. Mấy ông anh thấy tôi, không cười, không chào, bỏ đi. Mấy chị gái, em gái và cả hàng xóm nữa nguýt, háy, coi như một thứ gai mắt. Tôi không quan tâm. Tôi có con đường của tôi. Tại sao tôi theo “cách mạng”? Trước hết là tại ba tôi. Ba tôi quê ở Long Xuyên, học hành đàng hoàng, vì thời cuộc nên theo ông Năm Lửa, mang lon đại úy. Năm 1955, quân đội Năm Lửa sát nhập vào quân đội Quốc Gia, qua một kỳ sát hạch, ông được đưa đi học ở trường Võ Bị Đà Lạt, khóa 10 phụ, ra trường mang lon thiếu úy. Bây giờ ông là sĩ quan Quân Đội Cộng Hòa. Là dân Long Xuyên, ông có máu anh hùng Lương Sơn Bạc, - như ông thường nói đùa -. Tôi thì cho rằng ba tôi có máu Nguyễn Đình Chiểu, “Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.” Vì có máu ấy, không ít khi ông có mâu thuẫn, xung khắc với cấp chỉ huy. Kỷ niệm đáng nhờ nhất, ảnh hưởng tới tâm hồn trẻ thơ của tôi là khi ông làm truởng ty cảnh sát Chuơng Thiện. Năm đó tôi mười ba tuổi, đã biết khôn, nhất là con gái, thường khôn sớm hơn con trai, hơn mấy ông anh tôi, như ba má tôi nhận xét. Ba tôi bắt giam gần mười ông thương gia trong tỉnh. Những ông nầy có giấy tỉnh trưởng cấp cho chở hàng lên Saigon, nhưng giấy đó bất hợp lệ. Ba tôi nói mấy ông quân đội qua làm hành chánh, cờ tới tay thì phất, chẳng quan tâm tới luật lệ gì cả. Hơn thế nữa, trong số mấy ông bị ba tôi bắt nầy, còn có vài ông làm “kinh tài cho Việt Cộng” - chữ ba tôi nói. Ông tỉnh trưởng gọi điện thoại bảo ba tôi tha. Thay vì tha, ông dẫn họ ra tòa, có ông biện lý cùng phe bảo vệ ông. Mặt khác, ba tôi biểu mẹ tôi và anh em chúng tôi gom góp quần áo, giày dép cho vô vali hết, chuẩn bị đi, chưa biết đi đâu. Thế rồi ba tôi đấu khẩu kịch liệt với ông trung tá tỉnh trưởng, hùng hổ, mạnh dạn, không một chút sợ hãi, mặc dù ba tôi lúc ấy mang lon thua ông ta hai cấp, đại úy. Câu cuối ba tôi nói với ông trung tá tỉnh trưởng là: “Tôi không thể thi hành lệnh trung tá. Tôi sẵn sàng rời bỏ chức vụ. Vợ con tôi chuẩn bị xong rồi. Tôi chỉ còn chờ điện chấp thuận của Tổng Nha là tôi đi khỏi đây.” Ba tôi thường chán nãn cấp chỉ huy của ông. Nhiều lần đi làm về, ông nằm dài, bỏ ăn. Điều tội nghiệp là chẳng bao giờ vì công việc ở cơ quan mà ba tôi cằn nhằn vợ con. Tính tình ba tôi như thế, cuộc sống gia đình gặp khó khăn là đương nhiên. Lâu lâu, ba tôi có chút ít tiền đem về cho mẹ tôi. “Tiền người ta cho, an tâm đi.” Ba tôi nói với mẹ tôi vậy. Còn mẹ tôi, có ai tới biếu xén gì thì nói: “Ổng biết chắc ổng rầy chết, xin vui lòng đem về!” Thường khi túng thiếu, mẹ tôi về Vĩnh Trinh xin ông ngoại giúp đỡ. Ông ngoại tôi có gần ngàn mẫu ruộng ở đó. Ông rất thương con cháu. Tôi thấy chỉ có độc nhất một người, ba tôi khóc khi nghe tin ông ấy qua đời. Đó là thiếu tướng Thanh, tư lệnh ở miền Tây. Ba tôi làm việc với ông nầy nhiều thời kỳ lâu dài. Ba tôi rất kính trọng ông. Với tâm trạng đó, cùng với lập trường và sự giảng dạy của mấy ông giáo sư thiên tả, cùng với môi trường sinh hoạt tự do của sinh viên thời chiến, phản chiến, tôi di dần vào sinh hoạt của họ và tham gia công tác nội thành. Tôi đi theo con đường đó cũng vì lương tâm của tôi, là vì cái bản ngã của tôi. Tôi chống lại sự bất công xã hội cũ mà ba tôi là nạn nhân. Tôi muốn tham gia công việc xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái, từ bi. Đó là những bẩm sinh được cấu tạo trong tâm hồn tôi khi “Mẹ về với cha”, khi tôi còn là bào thai trong bụng mẹ, khi tôi bắt đầu biết khôn, học được từ cha mẹ, ông bà, bà con, xóm làng, và trong văn hóa, lịch sử dân tộc… Bản sắc tôi mang trong lòng là văn hóa của người Việt. Đội nón cối, mang dép râu, tôi đi Thanh Niên Xung Phong, xây dựng khu Kinh Tế Mới cho đồng bào đi tìm đất sống, xây dựng cuộc đời mới xã hội xã hội chủ nghĩa. Tôi ra đi với nhiệt tình tuổi trẻ, hăng hái vì đất nước bước vào một giai đoạn mới, thời cơ mới. Chiến tranh qua rồi, đây là lúc bắt tay xây dựng nước nhà. Ai cũng phải hăng hái trước thời cơ mới. Tôi cũng vậy. Tôi là người trẻ Việt Nam đi tiên phong trong công cuộc xây dựng xã hội mới. Và tôi thất vọng. Đó là thất vọng đầu tiên! Cái nầy gọi là Kinh Tế Mới xây dựng xã hội mới đây chăng? Chúng tôi đốn cây làm nhà, phát quang cho dân làm rẩy làm ruộng, công việc hằng ngày hết sức lao khổ, nhưng ăn uống, -chỉ nói ăn uống thôi, chưa nói đãi ngộ -, là điều đáng nói, than phiền. Cấp trên không ngó ngàng tới: Gạo thiếu, tiền thiếu nên ăn đói và kham khổ. Sáng mỗi người một củ khoai, trưa hai chén cơm và “canh toàn quốc”, chiều tối cũng vậy. Họp hành, phản ảnh, than phiền, coi như tiếng nói bay vào cõi hư vô, chẳng thấy hồi đáp. Lâu lâu, ông lớn, bà lớn xuống, ban chỉ thị, an ủi, xức dầu cù là: “Đất nước đang thời kỳ xây dựng; bây giờ chỉ ăn no mặc ấm. Mai sau sẽ ăn ngon mặc đẹp.” Thế là có phản ứng. Hy sinh, đồng ý; chịu gian khổ, cũng thông qua, nhưng đói thì lấy sức đâu mà làm, phá rừng, đốt rẩy, v.v… Nghe phản ảnh, cấp trên hứa hẹn, nhưng thay vì đáp ứng bằng thóc bằng gạo thì lại bằng theo dõi, khiển trách, trừng phạt. Anh nào phản ảnh to mồm nhứt thì sẽ bị trù dập nặng nề nhứt. Lý lịch được lôi ra, bị xem lại, thuyên chuyển, sa thải, nếu không kịp bỏ trốn. Thanh niên xung phong còn thế huống gì người dân dại dột nghe lời tuyên truyền bỏ nhà bỏ cửa mà đi kinh tế mới. Đói quá, người dân phải bỏ đi. Ngày xưa nơi nầy là rừng xanh đẹp đẽ, được khai phá để xây dựng khu kinh tế mới. Ngày nay, khu kinh tế mới tiều điều, xơ xác. Môt trăm nhà, bỏ đi hết 99 nhà, còn lại một nhà nào đó, của ai đó không còn đủ sức để mà bỏ đi. Ở đời có những cái ngu đáng nguyền rủa. Vậy mà ngu nhiều lần, không có cái ngu nào giống cái ngu nào. Ấy là con người tôi. Vậy mà tôi không chịu bỏ đi, lại mừng khi được điều về nông trường PVC, coi như được khen thưởng, khuyến khích. Nông trường hay công trường cũng vậy thội. Ngày ngày, đi qua nhà dân, cảnh tượng thật thê thảm. Những đứa bé ốm nhom, bụng ỏng, đít teo, đen thui, mắt toét, ruồi nhặng bu quanh. Ăn còn chưa có, nói gì tới chuyện học. Sau một thời gian, tôi được giao nhiệm vụ cửa hàng trưởng của nông trường, dĩ nhiên có tư lợi, được chia chác, không đáng là bao. Điều quan trọng là tôi lấy chồng, một ông trung úy bộ đội chuyển ngành, rồi có con. Mỗi khi tôi được chia chác một cái gì đó, anh ấy mừng ra mặt. “Ối! cái nầy đẹp quá”. “Ồ! Cái nầy ngon quá”. Không có cái gì là anh không khen. Anh ấy lớn lên ở miền đồng trũng Bắc bộ, chưa kịp thấy bóng đèn điện, chưa từng leo lên ngồi trên chiếc xe đạp thì nghe tuyên truyền “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.” Thành ra, miền Nam đối với anh cái gì cũng lạ lẫm, hấp dẫn, đẹp đẽ. Anh từng thèm ăn, thèm mặc khi còn ở trong rừng. “Giải phóng” xong rồi, tiếp xúc với xã hội miền Nam, anh bỗng thấy choáng ngợp. Đã thèm khát, anh lại càng thèm khát hơn, từ cục đường, miếng thịt heo tới tô hủ tiếu, từ cái áo “may-ô” cho tới cái quần tergal; từ chiếc xe đạp cho tới chiếc xe Honda. Chiếc xe Honda được coi như là mục đích cuối cùng của đời anh. Tôi thấy thương hại chồng tôi lắm! Ở đời sao có người gian khổ đến vậy! Nói ra thì buồn cười. Nghĩ lại thấy tội nghiệp cho một người chồng một đời gian khổ, khổ từ khi lọt lòng mẹ như thế. Khi có con, tôi thấy ràng buộc chồng tôi nhiều hơn. Từ chỗ thương chồng thương con, là khởi điểm để tôi lún sâu vào xã hội mới, chế độ mới. Ngày trước, khi còn đi học, con đường tôi theo “cách mạng” khá dễ dàng. Hàng tháng, mẹ tôi gởi tiền cho tôi, tôi không phải lo lắng gì về cuộc sống cả. Tôi chỉ lo học và lo công tác. Khi vào thanh niên xung phong, cái mặc khỏi lo, cái ăn có thiếu thốn nhưng vài tuần tôi về phép thăm mẹ, có mẹ bồi dưỡng. Khi về nông trường, mẹ tôi cũng như các anh chị em đi Mỹ sum họp với ba tôi. Chỉ còn mình tôi ở lại. Có nhiều lý do khiến tôi không đi Mỹ nhưng lý do quan trọng nhứt là tự ái, mắc cở, không cần với ai xa lạ mà ngay cả với anh chị em trong nhà. Mẹ tôi đi rồi, tôi bị hụt hẫng, không những tôi mất chỗ dựa vật chất mà còn là chỗ dựa tinh thần. Bên Mỹ, không ai gởi tiền “viện trợ” cho tôi hết. Mẹ tôi đã lớn tuổi, qua đó có lẽ không còn đi làm được. Ba tôi cũng không hơn gì. Các anh chị em, nhận tiền họ cũng thấy mắc cở, nói chi tới việc mở miệng hay viết thư xin tiền. Vã lại, qua tới bên đó, lần lượt họ có vợ có chồng, có gia đình riêng, không còn lo gì cho tôi được nữa. Hoàn cảnh đó đẩy tôi vào thế liên kết, hợp tác với chồng để kiếm sống. Chồng tôi, một đời nghèo khổ, gian lao, nguy hiểm, nay phải thực dụng để mà sống. Tôi, vì thương chồng, thương con, không còn con đường nào khác ngoài việc hợp tác với chồng. Tôi có tư lợi từ công việc của tôi, chồng tôi có tư lợi từ công việc phó giám đốc nông trường của anh ấy. Có tiền đem về, họp chung lại, vui mừng, sung sướng! Anh của chị dâu tôi đi Mỹ, bán lại cho tôi hãng nhôm nhỏ của anh ấy. Tôi đặt cọc, làm giấy tờ đâu đó xong xuôi, chồng tôi ngày ngày bỏ một ít giờ tới “học việc” tại hãng. Đến ngày anh của chị dâu tôi lên máy bay, chồng tôi biểu tôi lánh mặt để khỏi chồng nốt số tiền còn lại. Ông ấy không chờ được, đành bỏ của mà đi. Đó là nhát dao chặt đứt hẵn mối ràng buộc của tôi với gia đình. Có hãng nhôm, vợ chồng tôi hợp tác với sở công nghiệp thành phố, bán hàng tốt giá cao, giao hàng “dỗm”, lời vô số. Có ăn chia, hợp đồng càng ngày càng lớn, lợi nhuận thu vào càng nhiều, niềm vui tiền bạc vào cũng lớn theo, càng “vĩ đại”. Con đường xuống dốc bao giờ cũng trơn tru, nhẹ nhàng. Tay đã nhúng chàm càng dễ lấm cả người mình, cả tâm hồn mình. Những gì tôi từng ấp ủ khi còn tuổi thanh xuân, ngày nay dần dần mờ nhạt. Những lời giáo huấn về lòng thương người, về bác ái, về từ bi, về tu hiền như ông ngoại tôi trở nên vắng bóng, ít khi hiện về trong trí tôi. Những mối xúc cảm, xót xa, thương xót ngày xưa khi thấy một người ăn mày đói khổ, rách rưới, những đứa trẻ đít teo bụng ỏng từng thấy khi tôi mới về nông trường nầy dần dần trở thành chai cứng, lì lợm, ngủ say trong lòng tôi. Đôi khi tôi còn sực tỉnh nhưng chồng tôi thì không. Người Bắc vào Nam sau 1975, mang một tâm lý khá phức tạp: thực dụng, công thần, tham lam, người chiến thắng, quân viễn chinh, v.v… thì làm sao họ còn lương tâm. Từ chỗ thương chồng, thương con, tôi đi với họ, trên con đường tham lam, ích kỷ ấy, dần dần thấy mình tán tận lương tâm. Đôi khi tôi nghĩ đến ba tôi, tôi thương ba, và … trách ba. “Ba kính yêu! Phải chi ba gần gủi con hơn khi con mới lớn, để con thấy xa hơn những gì các ông giáo sư thiên tả giảng dạy và thấy rõ bạn bè hơn. Phải chi không có ngày ba mươi tháng tư để con được gần ba, để ba chỉ cho con thấy trước con đường xấu xa con đang lún sâu vào. Bây giờ thì quá trễ rồi ba! Ba đi theo con đường của ba. Con đi theo con đường của con. Con đường thuở ban đầu con tưởng là hay lắm nhưng đến ngày hôm nay, đêm đêm nằm ôm con, con sực tỉnh, thấy đớn đau, thấy xót xa, thấy uổng cơm áo cha mẹ. Thế hệ ba không thoát ra khỏi súng đạn, chém giết rồi ba phải dấn thân vào con đường ấy. Con đường con đi là con đường sau chiến tranh. Súng đạn không còn, chém giết không còn, nhưng vết chém trong tâm hồn những người như chúng con, sâu đậm và đau xót không thua gì vết thương trên thân thể những người thuộc thế hệ của ba! Do hoàn cảnh đó, con đã đánh mất bản ngã. Đóc là điều khủng khiếp cho con người. Ba đồng ý như vậy chứ ba!? Viết sau khi nhận thư cháu Thúy |