Home Văn Học Tùy Bút Nghề viết văn tế

Nghề viết văn tế PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Trường   
Thứ Ba, 21 Tháng 12 Năm 2010 05:29

Bố tôi là ông Đồ chuyên gõ đầu trẻ ở một làng ven biển. Cải cách ruộng đất ông bị mang ra đấu tố, và bắt giam.

Nhưng ông chẳng có ruộng đất gì ngoài ngôi nhà nhỏ, và mấy sào vườn, nên sửa sai hạ thành phần xuống trung nông. Cũng nhờ vậy, tôi được đi học trường sư phạm trên tỉnh. Học xong, tôi về quê theo nghề bố, ông giáo làng. Ngày đấy phong trào làm báo tường rầm rộ lắm. Báo cổ động cho hợp tác xã nông nghiệp, những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt… đại loại tất tần tật từ bèo hoa dâu đến chuyện sinh đẻ có kế hoạch của chị em. Về khoản này, chẳng hiểu sao nó lại hợp với gu viết của tôi. Đều đều một ngày, hoặc vài ngày tôi lại bắn ra một bài. Tên tuổi vang dội, thế là tôi được rút lên làm ông giáo trường huyện. Lên huyện, tôi tý ta tý toáy viết truyện ngắn, các bác thấy  có liều không?. Đề tài chủ yếu vẫn xào đi nấu lại những tấm gương lao động sản xuất giỏi, trong những phong trào thi đua yêu nước, tình yêu nam nữ do đoàn thể giới thiệu, thông qua tổ chức quản lý…

Có lẽ thời gian qua bị giam trong chuồng lợn đã làm bố tôi tởn, nên nghe tin này, ông nhắn tôi về gấp:

- Giời đất ơi!  Bao tấm gương tày liếp còn đó, viết với lách, anh muốn rũ tù hay sao?

- Con có viết gì khác ngoài ca ngợi những phong trào hai, ba tốt, những anh hùng, chiến sỹ thi đua, ai làm gì con nào!

Tôi cự lại ông như vậy, bố tôi thở dài im lặng.

Bài vở của tôi cứ được đăng đều đều trên báo địa phương. Các đồng chí trên tỉnh dường như nhận ra tài năng tiềm ẩn của tôi, nên rút tôi về làm biên tập cho báo nhà. Chớp thời cơ, tôi viết một loạt truyện ngắn đúng vào mạch của ba dòng thác cách mạng, mạnh dạn  gửi đăng trên các báo trung ương. Các bác có biết, người tôi bay bổng thế nào khi một loạt các nhà báo cùng đồng ca, ca ngợi tài năng, phân tích những sáng tạo, lối viết mới dẫn đến thành công của tôi. Ngày đó những năm 60 của thế kỷ trước, ai được đăng một vài bài văn, thơ trên các báo trung ương là bảo bối thông hành nhập vào làng văn rồi, có thể gọi là là nhà văn rồi chứ chẳng chơi.  Thế mà tôi được đăng hàng loạt bài, có nơi đánh tiếng xắp in riêng một tập truyện của tôi. Các bác bảo làm sao mà tôi kìm hãm được sự sung sướng.

Chỉ tội cho bố tôi, ông cầm báo đi khoe khắp xóm làng, rượu chè chúc tụng nhau thế nào không biết, còn hai cái răng cửa ngã gẫy nốt. Nghe tin tôi vội về quê, mặt bố tôi xưng to như cơi trầu, vì nhiễm trùng. Bà con láng giềng đang vây xung quanh, há hốc mồm nghe phân tích những tác phẩm của tôi, với tiếng nói méo mó phì phò của ông.  Tôi bảo:

- Con về đưa bố đi bệnh viện.

- Đi! là đi thế nào? Tôi còn phải ở nhà chia vui với bà con chòm xóm. Không sao cả, vài ngày nữa tôi sẽ khỏe  lại thôi.

Tuần sau bố tôi khỏe lại thật, tôi không ngờ  liều thuốc tinh thần diệu kỳ đến như vậy.

Tập truyện “Con đường mới“ của tôi ra đời với lời đề tựa của nhà thơ Hoàng. Nhà thơ Hoàng là cánh chim đầu đàn thơ ca cách mạng, thơ của ông còn được đưa vào giảng dậy trong các trường phổ thông và đại học. Ông còn giữ chức vụ gì cũng to lắm ở cơ quan văn học trung ương. Nghe  nói ông chưa bao giờ viết lời tựa cho một cuốn sách nào. Giời đất ơi! Có lẽ mồ mả ông cố, ông nội tôi đang phát hay sao ấy các bác ạ. Một thằng viết văn báo tường như tôi, lại làm cho trái tim nhà thơ Hoàng thổn thức đến như vậy. Cầm đứa con tinh thần trên tay mắt tôi hoa lên, theo như lời nhà thơ con đường trở thành nhà văn lớn và có khi đến cả vĩ nhân nữa với tôi còn gần lắm.

Không biết số tôi nó đỏ, hay nhờ  vào lời giới thiệu của nhà thơ Hoàng, tôi được một nhà xuất bản lớn ở  Hà Nội xin về làm biên tập viên, vì họ đang cần một người đã làm thầy và có sức viết như tôi. Các bác biết không ? Khi được tin này  tòa soạn báo tỉnh của tôi bị trấn động, như vừa trải qua cơn động đất. Nhà văn già Bùi Chu người có mấy cuốn tiểu thuyết đã chuyển thể sang kịch bản phim, há hốc miệng, ngồi vuốt dái tai đến đỏ ửng. Còn mấy  em mới tốt nghiệp đại học lượn qua lượn lại trước mặt tôi làm ra vẻ thèm khát lắm. Chẳng bù cho ngày tôi vừa được chuyển về, các nàng nhìn tôi như vừa ở hành tinh khác tới, còn nhại lại cái giọng nói nhà quê của tôi nữa chứ. Có nàng còn õng ẹo úp cả hai cái chảo vào lưng tôi nóng hổi, hổn hển bên tai:

- Hay hai đứa mình cưới nhau đi, em cũng muốn theo anh về Hà Nội.

Có lẽ các nàng chỉ yêu cái hộ khẩu Hà Nội thôi, chứ văn chương của tôi các nàng có khi mô đọc đâu, biết hay với dở. Còn con người tôi ư? Từ trước tới nay với các nàng, tôi chỉ là kẻ gác đền. Nói nhỏ với các bác nhé!  Ngày đó tôi mà có cái đầu như bây giờ, còn sức lực như thuở ấy, có lẽ các cô dắt  nhau vào bệnh viện phụ sản cả các bác ạ. Nghĩ lại bây giờ tôi thấy mình hơi bị dại.

Trưởng ban của tôi là phó tiến sỹ ngôn ngữ học, do Liên Xô đào tạo về nhà xuất bản trước tôi mấy tháng. Trông mặt anh lúc nào cũng nhầu nhầu, đeo kính cận như hai cái đít chai ở mặt, nên khó đoán tuổi. Thấy tôi ít la cà, làm việc cẩn thận, nên thường giao các bản thảo của các nhà văn kỹ tính như nhà văn Nguyễn, viết khỏe có chút cẩu thả và vô đình địch về lỗi chính tả có nhà văn Tô.

Hôm nhà văn Nguyễn mang bản thảo đến, tôi chỉ dám nhìn ông từ xa. Chiếc mũ phớt đội hơi lệch, tay cầm batoong gõ gõ theo nhịp bước chân điềm đạm của ông, tôi cứ ngỡ ông đang từ cõi trên bước xuống hạ giới. Trời đang mùa hè mà người tôi cứ rét run lên cầm cập. Trưởng ban của tôi trang chỉnh lại quần áo, chạy vội đón ông. Xong một tuần trà, trưởng ban chỉ tay vào tôi nói với nhà văn Nguyễn:

- Thưa bác đây là biên tập Văn Sửu, cậu này sẽ chịu trách nhiệm với bản thảo của bác, bác cứ an tâm đưa cho cậu ta.

Lúc này nhà văn Nguyễn mới đảo mắt sang tôi, cầm đầu batoong dứ dứ về phía tôi:

- Ông này trông mới quá nhỉ?

- Mới về phòng, xuất thân từ ông giáo nên cẩn thận lắm bác ạ.

- Ông vừa nói cậu ta tên gì nhỉ!

- Thưa bác Văn Sửu.

Quay sang tôi ông hỏi:

- Cậu có phải là tác giả tập truyện ”Con đường mới” không?

Tôi lí nhí trả lời:

- Thưa bác vâng ạ.

- Tôi có đọc qua một vài truyện….nhưng mà.

Nói đến đây ông dừng lại.. chuyển sang chuyện khác. Ngồi được một lúc ông đưa bản thảo cho tôi, dặn cố gắng làm cẩn thận, in cho nhanh, vì Mỹ đã leo thang chiến tranh ra miền Bắc, những cuốn sách này  là nguồn động viên đồng bào chiến sỹ cả nước đấy.

Tôi cầm bản thảo của ông, tay run run. Tiễn ông ra cổng, tôi  quay trở vào nghe thấy ông gọi giật lại:

- Này ông!

Tôi luống cuống, một chút nữa bản thảo tuột khỏi tay:

- Thưa bác còn dặn gì nữa không ạ!

Ông lại quay ngoắt bước đi:

- À …thôi!

Sau này quen thân ông mới bảo, hôm đó tớ không tin tưởng cậu lắm định lấy lại bản thảo, song nghĩ thế nào rồi lại thôi. Nhiều người trong giới văn nghệ phải nói rằng họ không ưa cái tính của ông. Cho nên nhiều người ngại tiếp xúc, nhưng tài văn ai cũng phục ông, (loại trừ những bài ông viết theo đơn đặt hàng). Nhưng với tôi ông cũng như các cụ về già khác  tính nết  lúc thật, lúc giả (thất thường) mà thôi. Một lần duy nhất ông nổi khùng với tôi. Sách của ông bao giờ tôi cũng làm cẩn thận nhất. Nh g không hiểu sao khi sách đã in xong, thấy có vài, ba lỗi có lẽ do ngươi sắp chữ- chữ “bẩn”in sai thành “bửn” – chữ “thuở” in sai thành “thủa”….

Đầu giờ làm việc hôm sau, tôi nhìn thấy ông cầm cuốn sách, mặt hâm hầm đi vào. Thấy vậy tôi chạy tọt sang phòng bên cạnh định chờ ông dịu lại mới nói chuyện. Quanh quẩn một lúc ông tìm thấy tôi, tay cầm batoong ngoằng vào cổ tôi kéo ra ngoài, tay trái cầm cuốc sách đập đập vào đầu tôi quát:

- Ông đã biết tội chưa?

Tôi chưa kịp nói ông đã vụt vào đít tôi mấy cái rồi đi thẳng ra cổng. Mấy ngày sau ông quay lại, chuyện trò với tôi như không có gì sảy ra.

Có lần ông đi đâu đó về, tạt vào chỗ tôi ngồi chơi. Trông ông không được khỏe. tôi hỏi:

- Hôm nay bác sao thế!

Ông buồn buồn kể, trên tầng hai nhà ông có cặp, vợ làm thợ may, chồng lái máy bay chiến đấu, ít khi ở nhà. Cô vợ dẫn hết thằng nọ đến thằng kia về nhà kẽo kẹt cả đêm ở trên đầu. Nghề văn thường làm việc ban đêm, nhiều khi có mạch văn hay bị chúng nó làm phân tâm bực mình lắm. Gần đây ông chồng phi công thật bị hy sinh, nó dẫn mấy thằng phi công khác về dập uỳnh uỵch còn ác liệt hơn trước nhiều. Không chịu nổi ông lên phòng nhà đất, và công an đề nghị giúp đỡ, nhưng chẳng ai làm gì được nó, vì động đến vợ liệt sỹ trong thời chiến khác gì mó vào dái ngựa. Nghĩ thấy ông cũng tội.

Nhà văn Tô, trông củ lẩn cù lần, nửa quê nửa tỉnh. Nhưng nhiều người bảo cái cù lần của bác là cù lần ăn tiền đấy. Bác nói vậy nhiều khi không phải vậy. Bác Tô bảo bác chẳng thích làm cán bộ, nhưng bác lại là người lãnh đạo các hội, hè lâu nhất so với các nhà văn khác. Bác Tô là người viết nhiều và viết tạp, loại nào bác cũng viết được. Nhiều khi tôi nghĩ, ông trời đánh này, cường độ làm việc như vậy chẳng biết ông ngủ vào lúc nào. Ông viết khỏe, nhanh, nên sai chính tả rất nhiều chỉ khổ những thằng biên tập như tôi. Không rõ bằng cách nào, năm nào người ta cũng thấy bác xuất ngoại. Mọi người phục bác sát đất.

Thời gian này, tôi cũng chán kiểu viết vô thưởng vô phạt, nên hỳ hục mấy đêm liền, cũng viết xong một truyện ngắn, theo tôi có một chút ít văn học ở trong đó. Hôm sau thấy bác Tô lù lù mang bản thảo đến, tôi nhờ bác thẩm định. Đọc lướt qua vài đoạn, bác dừng, bảo tôi:

- Cậu không nên thay đổi cách viết, cậu chỉ hợp với lối văn miêu tả, minh họa thôi. Chuyển sang nội tâm nhân vật văn của cậu hời hợt không rung cảm được người đọc.

Tôi tin những lời nhận xét, và trình độ thẩm định văn thơ của ông, nên từ đó tôi không bao giờ dám nghĩ đến viết dạng văn khác. Ngồi chơi một lúc, nhà văn Tô vỗ vai tôi, nháy mắt:

- Đây là giấy mời cậu dự trại sáng tác của ngành lương thực, do họ đài thọ, hội ta đã cử cậu. Đến thực tế cửa hàng lương thực gần hội ta có cô Hồng, mới đi thanh niên xung phong về, hay lắm đấy.

Nhà văn Tô làm lãnh đạo hội, viết khỏe, không hiểu ông có thời gian rảnh vào lúc nào, chỗ nào ông cũng quen, cũng biết, cứ như là ma só vậy. Cũng nhờ ông, nhờ mấy bài ký sự người tốt, việc tốt, tôi cưới được cô vợ phụ trách cửa hàng lương thực, thời cả nước xếp hàng, cả nước ăn bo bo, mỳ sơi, tất cả cho Miền Nam, thế mới oách chứ.

Thương ông chồng vất vả ngày đêm viết lách, nàng chẳng để cho tôi phải làm gì cả. Con cái ra đời cũng một mình nàng , đến việc thằng Bin trượt đại học, nàng  lo bằng được cho nó đi xuất khẩu lao động ở Đức. Mang cái mác nhà văn, chẳng biết văn đểu hay văn thật có lợi thế đấy các bác ạ. Vất vả cả đời, về hưu được mấy năm, chờ tôi về hưu cùng sang thăm thằng Bin, thế mà đánh đùng một cái, bà ấy bỏ tôi đi theo các cụ. Tôi chao đảo đau đớn mấy năm trời. Hàng chục năm nay, khi nào thằng Bin gọi điện về cũng bảo tôi sang chơi. Tôi bảo, không còn mẹ mày, tao không đi đâu cả. Hôm rồi nó dọa, bố không sang khi bố chết con không về đâu. Hôm rồi đến thăm bác Tô ốm, cầm tay tôi bác bảo:

- Ông sang Đức chơi một chuyến dối già, đời người nay, mai biết thế nào.

Suốt  đường từ sân bay Frankfurt  về nhà mấy trăm cây số, thằng Bin miệng lẩm bẩm như tụng kinh “Năm nay tuyết sớm, rét quá mất toi vụ Weihnacht (Noel)” . Tôi đùa bảo nó:

- Mày mời tao sang chơi,  kêu ca nhiều, chỉ chơi với mày một tuần rồi tao biến.

- Bố buồn cười thật, thất bát thì phải kêu, con chuẩn bị hết rồi, bố thấy thích ở lại luôn với con cũng được.

Nó quàng tay qua ghế sau tôi ngồi, rút ra tập giấy có mấy bài báo copy trên mạng, bảo :

- Bố đọc cho con xem bài này có vấn đề gì không!

- Chà chà, bài “Mất Mùa” tác giả Tiểu Tử. Của ai đây?

- Bố cứ đọc đã!

Đọc xong tôi bảo nó:

- Cũng là bài văn tả nỗi khổ của mấy thằng bán hàng rong khi đông về thôi, không có gì đặc biệt ngoài mấy câu cú què cụt. Văn báo tường, dạng này tung nhan nhản trên mạng.

- Bố nói thế nào ấy chứ! Những câu văn ẩn chủ ngữ, dụng ý tác giả muốn cho người đọc cảm giác bất ngờ, đó mới là văn học. Hình như nhà xuất bản của bố in tác phẩm “Mùa Gặt” của nhà văn Tô, nhiều  đoạn văn thiếu chủ ngữ như vậy . Đúng là mấy ông biên tập hay soi mói, nói kiểu gì cũng được. Hôm rồi có ông Phan sang bên này chơi, cũng làm biên tập mấy chục năm, phê bình bài này trên báo y trang như bố…nhưng

- Khoan ..khoan đã.. có phải bác Phan Văn không? Đúng rồi! hôm trước bác Phan Văn gọi điện cho tao nói ông đang thăm mấy thằng con bên Séc. Bác ấy là tiến sỹ ngôn ngữ, trưởng ban của tao. Tác phẩm “Mùa Gặt” của nhà văn Tô mày vừa lấy làm ví dụ là do bác Phan Văn chủ biên và biên tập đấy.

-  Cuốn “Mùa Gặt” nhan nhản những câu què câu cụt bố nghĩ sao?

- Trong hoàn cảnh nào đó, người viết có thể dùng thủ thuật đó. Nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng hay được như bác nhà văn Tô, phụ thuộc vào tài năng mỗi người. Nếu không có tài viết, bắt chước người khác sẽ làm câu văn bị sống sượng. Với người mới tập viết, hoặc không có tài nên viết theo chuẩn mực.

Nói thật với các bác, đời tôi cũng mấy chục năm làm biên tập, cũng cho ra lò đến mấy chục đầu sách tất nhiên toàn dạng văn minh họa. Nhưng tôi chưa gặp thằng nào mới tập tành viết mà bảo thủ, không khiêm tốn như thằng Bi. Nó còn bảo bài này do báo TT đặt nó viết đấy. Trời đất! có ai dám bảo  bài báo viết theo đơn đặt hàng là tác phẩm văn học như nó không? Nhà thơ Xuân là nhà thơ tình nổi tiếng, là cánh chim đầu thi đàn thơ ca, là cây đa tỏa rợp bóng xuống nền văn học nước nhà. Năm 1979 lúc cả nước đang phải đương đầu với quân xâm lược phương Bắc, ông vào nghỉ mát ở huyện Lắc, ĐakLak, viết một bài thơ “Hồ Lắc” theo đơn đặt hàng. Khi ông đọc bài thơ này trước sinh viên hai trường Đại học Tây nguyên, và trường sư phạm Buôn Ma Thuôt, bị một  sinh viên tên Hoàng Thế Hoan chê ngay trước mặt ông ”Bài thơ như văn tả cảnh của học sinh lớp 4”. Cả đời ông đi đâu cũng được tung hô, tụng ca, hôm nay gặp phải cái thằng sinh viên trời đánh này, làm sao mà ông chịu được. Ông đã nổi cáu, để rồi mấy năm sau ông mất, mang theo nỗi buồn day dứt đó xuống tuyền đài.

Tuy là ông Đồ dậy học, nhưng bố tôi hàng ngày vẫn cầy bừa, lao động như một nông dân thật thụ. Đã là nông dân, ai cũng yêu trâu bò, bố tôi cũng không ngoài qui luật đó. Tôi ra đời vào năm sửu (1937) ông đặt tên tôi là Trâu. Trần Văn Trâu. Khi tôi đang làm biên tập viên báo tỉnh, nổi tiếng với những bài văn cổ động, nhà văn Bùi Chu bảo, cậu tên Trâu nghe nặng nề quá, theo tớ  đổi thành Châu hay hơn, sáng hơn. Nghe có lý, cuối tuần tôi về nói ý định đó với bố tôi. Bố tôi không đồng ý, ông bảo tôi đặt tên anh như vậy có ý, sau này anh có làm gì đi đâu cũng phải sống nhân hậu. Tôi lý luận, con chỉ thay chữ Tr bằng chữ Ch trên giấy khai sinh thôi, còn gọi hay phát âm vẫn là Trâu đấy thôi. Bố tôi lắc đầu, ý nghĩa khác nhau hoàn toàn. Tôi năn nỉ, hay bố cho con đổi tên thành Sửu cũng là trâu. Bố tôi vẫn lắc đầu, cho rằng không thuần chủng, ông còn đe nếu như tự động đổi tên, ông vác gậy lên cơ quan đánh cho bỏ mẹ.

Mấy tháng sau, tôi đi công tác Bắc Ninh kiếm được mấy lít rượu nếp cái ngon, ít thịt rừng, rủ thêm nhà văn Bùi Chu về nhà tiếp rượu bố tôi. Đến lúc ông tơ lơ mơ, tôi nói lại ý định đổi tên thành Sửu, ngắc ngứ một lúc, khi nhà văn Bùi Chu nói thêm vào, ông mới bằng lòng.  Để chắc ăn, tôi viết đơn xin đổi tên gửi Ty tư pháp, bố tôi và tôi cùng ký. Ấy vậy mà sáng hôm sau tỉnh rượu, ông còn định đánh tháo, khi tôi chìa giấy có chữ ký của ông, và có nhà văn Bùi Chu làm chứng, ông mới chịu. Từ đó tôi mới có tên nhà văn Văn Sử.

Qủa thật tôi cũng hơi lộn ruột khi nghe tin thằng Bi mới viết được mấy bài dạng báo tường, nó dám lấy năm, sáu cái bút danh,  nào là Tiểu Tử, ..Đại Tử.. Ngôn Tử, giông giống như mấy ca sỹ gào choai choai, tự đặt tên như Khương Đình, Hoa Ứng Hùng, Đinh Doanh Doanh, nghe mà phát khiếp. Ngẫm nghĩ thấy bố tôi có lý, mấy cái tên không thuần chủng này, những năm 79, đầu 80 của thế kỷ trước, chắc chắn được cơ quan anh ninh quan tâm. Thật ra bất đắc dĩ lắm, không thể không lấy tên khác, một số nhà văn buộc phải lấy bút danh. Mấy chục năm làm biên tập, tôi thấy ít có nhà văn nào lấy bút danh mà có những tác phẩm hay. Tên đã giả làm sao có văn thật được.

Trước khi trở về Việt Nam, tôi viết truyện này gửi đến các bác, mong các bác khuyên bảo thằng Nghịch Tử (lại là bút danh của nó đấy) nhà tôi, lo làm ăn, văn thơ nó không có tài, văn báo tường, phúng điếu, chưa sạch nước cản  như nó ai viết chẳng được. Hôm qua tôi nhìn ánh mắt thằng con của thằng Bi, tức cháu đích tôn của tôi, sao giống tôi và thằng Bi đến thế. Tự nhiên tôi có linh cảm thằng đích tôn của tôi, một ngày nào đó lại đi vào con đường của ông, cha nó. Chả lẽ cái nghiệp viết văn tế nó vận vào dòng họ tôi đời đời kiếp kiếp sao?

20-12-210

© Đỗ Trường