Bảo kiếm |
Tác Giả: Lê Thị Thanh Chung | |
Thứ Hai, 18 Tháng 10 Năm 2010 10:25 | |
Một ngàn năm sau khi dời đô về Thăng Long, hậu duệ của tám triều Vua Lý cũng bị bọn yêu quái hoành hành tác oai tác quái. Một đêm Vua Lý Thái Tổ rời khỏi pho tượng, lững thững đi ra phía Hồ Hoàn Kiếm. Chọn phiến đá rộng sát bên mép nước, Ngài buồn bã ngồi ngắm tháp Rùa rêu phong từng suýt mây lần bị “cưỡng bức” bởi các nhà văn hóa và Hà nội học. Thần Kim Quy nhẹ nhàng rẽ nước đến bên lễ phép: - Bệ hạ có điều gì phiền muộn chăng? Nhà Vua thở dài: - Càng gần tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm dời đô về đất Thăng Long, lòng ta càng rối như canh hẹ. Tiền thuế của dân đâu phải vỏ hến vỏ sò… Thần Kim Quy chép miệng: - Muôn tâu Bệ hạ, Đại lễ chỉ là cái cớ. Không vẽ ra dự án thì chẳng thể lấy ngân khố quốc gia mà chia chác. Hàng ngàn ngôi biệt thự, cả triệu hecta trang trại, các khu resorts, sân gôn lẽ ra phải được gắn biển “Công trình một ngàn năm Thăng Long”. Tiền đại lễ cả đấy. Nhà Vua hạ giọng: - Đêm nay ta ra gặp Thần cũng vì chuyện đó. Nghe nói cả Đảng, Chính phủ, Quốc hội đều xác định Tham nhũng là giặc nội xâm. Còn thành lập hẳn một Ủy ban chống tham nhũng quốc gia. Hay Thần cho ta mượn lại thanh kiếm ngày xưa để giúp hậu duệ ta trừ họa. Thần Kim Quy dập đầu rối rít: - Xin Bệ hạ giữ môm giữ miệng. Ở đây tai vách mạch rừng. Hạ thần được giao trọng trách giữ bảo kiếm của Long Vương. Vẫn đắn đo chưa biết trao vào tay ai để giúp muôn dân diệt trừ bọn sâu mọt. Xưa An Dương Vương còn dám chém đầu Mỵ Châu – con gái, khi biết nỏ thần rơi vào tay Triệu Đà. Nay Thủ tướng “ba năm chẳng kỷ luật ai”. Phó Thủ tướng sợ “kỷ luật hết, không còn người làm việc”. Bệ hạ cần cân nhắc kỹ. Kẻo Kiếm Thần rơi vào tay kẻ ác thì kẻ sĩ không còn chốn dung thân. Nhà Vua ngửa mặt lên trời than: - Liệu có còn anh hùng hào kiệt nữa không? Nước Nam ta chẳng lẽ đến ngày… *** Đêm trước Đại Lễ, Nhà Vua quay lại Bờ Hồ hẹn ngày nhận kiếm. Chỉ thấy đám lân tinh vẽ chữ lên trời: “Kẻ hạ thần đã về với Long Vương. Xin Bệ hạ xá tội. Bảo kiếm còn, nước Việt còn”.
|