Home Văn Học Tùy Bút Chuyện 2 nàng “công chúa lọ lem” Baxi và Martine Bokassa

Chuyện 2 nàng “công chúa lọ lem” Baxi và Martine Bokassa PDF Print E-mail
Tác Giả: - Bút ký của : Nguyễn Việt   
Thứ Năm, 23 Tháng 9 Năm 2010 18:34

Đây là câu chuyện được kể lại về 2 nàng “công chúa lọ lem” mang tên Ba-xi và Martine Bokassa, xảy ra vào năm 1972 tại miền Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa bấy giờ.

Câu chuyện lúc đó không chỉ đơn thuần mang tính chất xã hội, một người chồng một người cha thất lạc vợ con sau một khoảng thời gian dài, vì vào năm đó ông đang là Tổng Thống của một quốc gia thuộc châu Phi. Có lẽ khi nhớ lại những năm tháng, những ngày ông đi theo đoàn lính Lê Dương Pháp đến ba nước Đông Dương bảo hộ theo chế độ thuộc địa, bỗng nhiên nhớ lại, ông còn có một đứa con rơi, và bắt đầu đi tìm tung tích người thân.

 

Ông là Jean Bedel Bokassa, Tổng thống của nước Cộng Hòa Trung Phi từ năm 1966 đến 1979.

Đây là bút ký được viết vào đầu Thiên niên kỷ thứ III, tức vào năm 2000, nhằm cống hiến đến bạn đọc chuyện 2 nàng con lai da đen đã trở thành công chúa đất Phi Châu. Mà một thời Sài Gòn đầy sôi động.

PHÁT HIỆN “CÔNG CHÚA GIẢ”

Tôi còn nhớ vào một buổi trưa khi đang ngồi trực điện thoại chờ tin “tự ý đục bỏ” từ Bộ DVTTCH gọi đến, tức khoảng 11g30 đến 12g30. Có một người đàn ông dáng tốt tướng, khoảng chừng tuổi hơn năm mươi, đến gặp tôi rồi hớt hơ hớt hải lên tiếng hỏi :

- Chú có thể cho tôi gặp ông chủ nhiệm hay chủ bút báo được không ?

Tôi từ tốn trả lời người đàn ông mới đến :

- Dạ thưa, giờ này ông chủ nhiệm đã về nghỉ trưa, nếu bác có việc cần thì tôi có thể tiếp, như bác muốn đăng khiếu nại hay một chuyên mục gì trên báo, xin bác cứ cho tôi biết, vì tôi hiện là ký giả thường trực của báo trong giờ này.

Người đàn ông nọ như đã tin cậy vào câu trả lời của tôi, bắt đầu đi vào câu chuyện :

- Chắc chú biết vụ cô Ba-Xi ở xóm Gà được đưa qua nước Cộng Hòa Trung Phi làm con gái của Tổng Thống Bokassa ?

Nghe ra chuyện của Ba Xi mà báo chí vừa đăng tốn không biết bao nhiêu giấy mực, tôi liền đáp ngay :

- Dạ, tin tức này các báo đều đăng, Bộ Ngoại Giao đã tìm được đứa con gái cho Tổng thống Bokassa, và cha con họ vừa đoàn tụ sau mười mấy năm cách biệt.

Tôi vừa nói đến đây, ông ta bỗng trợn trừng đôi mắt lên tranh cãi :

- Không phải con nhỏ Ba-Xi là con của Tổng Thống Bokassa đâu chú ơi !!!

Lúc bấy giờ tôi mới thật ngạc nhiên, chăm chú nhìn người khách không quản giờ nghỉ trưa tìm đến tòa soạn rồi đưa ra lời đính chính ấy. Tôi phải lên tiếng hỏi :

- Ủa sao bác nói vậy, chính Tổng Thống Bokassa đã nhìn nhận và cô Ba-Xi đã đến Trung Phi, hai người cũng đã giáp mặt nhận nhau là cha con ruột thịt rồi ?!

Bấy giờ ông ta mới mở một túi ny-lông, trong đó gói một số giấy tờ và hình ảnh đưa tôi xem, đoạn nói :

- Chú xem, đây là hình của chị tôi tên Nguyễn Thị Huệ và Tổng thống Bokassa khi còn ăn ở với nhau tận bên Tân Thuận Đông; còn đây là hình cháu gái tôi tên Martine, họ mới đúng là vợ con của Tổng thống Bokassa, còn bà Thân và cô Ba-Xi kia thuộc đồ “giả mạo”.

 

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc khác, khi có người nói Ba-Xi đưa qua Trung Phi là “đồ giả mạo”, một khi Bộ Ngoại Giao đã công bố và gửi công hàm qua đường ngoại giao đến nước CH Trung Phi báo tin, họ đã tìm hiểu đích xác sau khi các cơ quan hữu quan đã điều tra đến tận gốc rể; mới dám công bố chính thức cho các báo và trao công hàm đến nước CH Trung Phi xác nhận Ba-Xi là dòng máu của TT Bokassa. Chính quyền có người có phương tiện, không lẽ đưa một cô gái lai có nước da đen rồi trắng trợn cho thừa nhận là con gái của một vị Tổng Thống ?! Dù là Tổng thống ở một nước châu Phi xa xôi vạn dặm ?

Lúc đó tôi xem qua tấm hình chụp bà Huệ với một người lính Lê Dương da đen, tôi không thể nói người lính này chính là Tổng thống Bokassa, vì tài liệu từ Bộ Ngoại Giao chuyển cho các báo đăng tải về việc giao con cho TT Bokassa không có hình của ông. Còn tấm hình mà người đàn ông gọi là Martine, chụp theo kiểu chân dung, có mái tóc đen xoắn và cũng có nước da đen, đúng là một cô gái lai da màu chính gốc.

Ngoài hai tấm hình còn thêm một tờ giấy khai sinh mang tên Nguyễn Thị Martine, tên mẹ Nguyễn Thị Huệ, tên cha vô danh. Cô gái này sinh ra tại Rừng Sát (ghi chú : sinh vào thời gian 1955 hay 1956 gì đó, người viết không còn tư liệu để nói chính xác ngày tháng năm).

Tôi mới hỏi lại người đàn ông nọ :

- Bác là em của bà Huệ ?

- Dạ đúng (ông ta có xưng tên nhưng đến nay tôi cũng không còn nhớ rõ tên, nên tạm gọi là ông Sáu).

- Sao bà Huệ không đi khiếu nại mà nhờ đến bác ?

- Chị tôi bận ở chỗ làm, bả cũng không biết đi khiếu nại có ai chịu tin không, vì chị tôi nghĩ là có liên quan đến chức Tổng Thống nên sợ người ta hiểu lầm. Bả nói, cậu có tức thì đi khiếu nại còn tui không đi đâu. Tôi tức lắm chú ơi, ai đời cháu mình mới đúng là con của Tổng thống Bokassa, mà người ta lại đưa cô gái nào đó cho đó là con của Bokassa để đưa đi.

Tôi mới nói tiếp :

- Nhìn qua tài liệu bác đưa, và những lời bác vừa kể thấy cũng có nhiều chi tiết đáng được chú ý, nhưng câu chuyện này không đơn thuần, vì rằng chính phủ đã xác nhận cô Ba-Xi ở xóm Gà là con Tổng thống Bokassa và đã giao con gái cho ông ta rồi. Nếu chúng tôi không điều tra kỹ thì nội vụ sẽ dẫn đến việc đóng cửa tờ báo, bởi chuyện này đụng chạm về ngoại giao giữa các nước đó !

 
Sau đó tôi lại hỏi tiếp ông Sáu :

- Sao bác tìm đến báo Trắng Đen đưa những tài liệu này ?

Ông Sáu liền phân trần :

- Sự thật thì tôi là đọc giả báo Tin Sáng, nhưng tờ này thuộc báo đối lập chính quyền. Hồi nãy tôi có qua đó đưa cho họ xem, nhưng họ cũng nói như chú, đăng vụ này sẽ đụng chạm tới chính quyền. Vã lại tờ Tin Sáng chuyên về chính trị còn về xã hội họ không chuyên nghiệp, nên giới thiệu tôi qua đây, họ nói tờ Trắng Đen hay khai thác các vụ án như thế này, có thể giúp chị tôi trong vụ Ba-Xi giả đó.

Tôi thấy ông Sáu nói rất thật thà về chuyện chị và cháu ông, và qua nghề nghiệp phân tích thì thấy câu chuyện Martine này mang xác suất có đến hơn 50% sự thật, cùng với nét mặt của người kể, ông Sáu không có dấu hiệu tỏ ra gian xảo, lừa đảo, ông đã trả lời thật rành rẽ từng thắc mắc, tính tình ông bộc trực không giấu giếm điều gì, khi nói không cần uốn lưỡi bảy lần (theo kiểu gian dối cần suy nghĩ trước khi nói), quả là những câu nói rất ngay tình.

Tôi mới nói với ông Sáu :

- Muốn tờ Trắng Đen làm sáng tỏ vụ cháu gái Martine của bác, nhưng không biết gia đình bác có chịu những điều kiện do chúng tôi đưa ra không ?

- Chú cứ nói.

- Điều kiện ở đây, một là tờ Trắng Đen phải giữ độc quyền mọi tin tức, tức cô Martine phải đến ở một nơi mà các báo khác không thể đến săn tin hay chụp hình được. Hai là gia đình bác chỉ cung cấp tin tức cho tờ Trắng Đen thôi. Nếu có các báo khác tới gia đình hỏi thăm tin tức phải nhất quyết không trả lời. Nếu bác chịu thì chúng tôi sẽ bắt đầu mở rộng việc điều tra, đi tìm chứng cớ tài liệu vụ việc như bác vừa kể.

Nghe tôi nói xong, ông Sáu đã sốt sắng trả lời ngay :

- Chuyện này chị tôi đã uỷ quyền, tôi xin hứa những điều kiện này.

- Vậy bà Huệ và cô Martine hiện giờ ở đâu ?

- Gia đình chúng tôi đều ở khu ngã tư gần chợ nhỏ Thủ Đức, còn con Martine đang làm phu khuân vác xi-măng ở nhà máy xi-măng Hà Tiên trên xa lộ.

- Vậy bác Sáu chờ tôi một chút, tôi sẽ báo cho ông chủ nhiệm biết tin này và sẽ cùng đi với bác về nhà.

 

Sau khi dặn dò ông Sáu xong, tôi liền gọi cho ông chủ nhiệm Trắng Đen. Và ông chủ nhiệm sau khi nghe qua các tình tiết mà tôi nắm được kể lại, liền tức tốc lái xe ra ngay tòa soạn gặp ông Sáu, ngồi nghe kể cũng như xem qua các hình ảnh tài liệu như đã nói. Bấy giờ ông chủ nhiệm mới cho biết, sẽ chở ông Sáu xuống Thủ Đức để gặp bà Huệ và cô Martine, rồi đưa luôn Martine về nơi ở riêng.

Còn tôi ở lại có nhiệm vụ gọi các vị trong Ban biên tập đến họp đột xuất ngay buổi chiều hôm đó.

CHIẾN DỊCH SĂN TÌM “CÔNG CHÚA THẬT”

Đó là sự khởi đầu việc đưa Martine Bokassa trở thành con gái chính thức của Tổng Thống nước Cộng Hòa Trung Phi.

 

Cũng cần nhắc lại, trước khi gia đình bà Nguyễn Thị Huệ mẹ ruột của Martine đến tòa báo Trắng Đen khiếu nại việc chính quyền đưa cô gái giả tên Ba-Xi đi Pháp, từ đó mới đưa qua Trung Phi. Các báo đều không biết có nguồn tin TT Bokassa gửi công hàm cho chính phủ Pháp và nhờ Tòa Đại Sứ Pháp ở VNCH cũng như chính quyền tìm giúp một đứa con. TT Bokassa cũng không rõ là trai hay gái, vi khi ông ta cùng quân đội viễn chinh Pháp thua trận Điện Biên Phủ phải rút quân về nước theo Hiệp định Gèneve 1954, đứa con của ông chưa ra đời – sau này chúng tôi chỉ biết công hàm trên chỉ ghi rất vắn tắt từ Bộ Ngoại Giao Pháp, không nói rõ thân thế của người vợ hay một địa danh nào TT Bokassa đã ở trước khi về nước.

Cho nên không biết từ đâu chính quyền Sài Gòn bấy giờ tìm thấy Ba-Xi con bà Thân ở xóm Gà (lúc đó còn thuộc tỉnh Gia Định), trạc độ tuổi 17 – 18. Các hồ sơ của Ba-Xi nhanh chóng được xác nhận gửi qua Pháp, và từ Bangui thủ đô nước CH Trung Phi, TT Bokassa hoan hỉ xác nhận Ba-Xi chính là đứa con rơi bị thất lạc của ông.

Bộ Ngoại Giao lúc đó được nước CH Trung Phi cám ơn, vì đã nhanh chóng trong việc giúp TT Bokassa tìm được con gái. Các báo loan tin này theo tài liệu của Bộ Ngoại Giao cung cấp và qua phương tiện của các hãng tin như VTX, Reuteur, AFP, AP…

Các báo đối lập chỉ đăng một mẫu nho nhỏ cho có tin tức, còn những báo như Trắng Đen, Tia Sáng, Thách Đố… chuyên khai thác các scandal, chuyện giật gân thì đăng tít từ 4 đến 5 cột báo, kèm theo hình ảnh bà Thân và cô “công chúa Ba-Xi”. Dân chúng cho rằng TT Bokassa thật là một người cha có trách nhiệm, tuy làm đến chức vị cao nhất nước nhưng vẫn không quên đứa con rơi của mình trên chiến trường Đông Dương lúc Pháp còn coi Việt Nam như một thuộc địa. (Dù rằng năm 1945 Việt Nam đã tuyên bố Độc Lập, nhưng sau đó người Pháp trở lại đánh chiếm, đưa Bảo Đại về làm Quốc Trưởng, rồi Việt Minh có cuộc kháng chiến 9 năm từ 1945-1954, lính Pháp mới chính thức ra khỏi đất nước từ ngày 20/7/1954, qua Hiệp Định chấm dứt chiến tranh Việt Nam tại Gèneve (Thụy Sĩ). Lúc đó Pháp chấp nhận đã thua tại mặt trận Điện Biên Phủ. Cũng từ năm 1954, nước Việt Nam tạm thời chia đôi, miền Bắc từ sông Bến Hải trở lên ải Nam Quan do Việt Minh cai quản sau đổi chính thể thành nước VNDCCH, còn miền Nam từ sông Bến Hải xuống đến mũi Cà Mau giao lại cho Quốc Trưởng Bảo Đại và Ngô Đình Diệm làm thủ tướng chính phủ nưóc VNCH).

Dân chúng cũng cho rằng Ba-Xi thật có phước, sau mười mấy năm đã không biết cha mình còn sống hay đã chết, từ cô bé lọ lem trở thành nàng công chúa của đất nước Trung Phi giàu có. Nhưng nhìn lên bản đồ thế giới lúc bấy giờ, không ai biết nước CH Trung Phi nằm ở đâu, mọi người suy đoán đây là một nước nằm gần Nam Phi cho nên xứ sở này có kim cương và đá quý.

Chiều hôm đó Ban biên tập chúng tôi gồm có chủ nhiệm, ông Vị Thủy tổng thư ký, ông Tam Mộc (nguyên chủ nhiệm báo Buổi Sáng) cố vấn về các vấn đề quan yếu, luật sư riêng của báo và thư ký tòa soạn là anh Thái Châu (tức nhà văn nhà thơ Phan Yến Linh) và tôi.

Mọi người mới mổ xẻ việc phát hiện Ba-xi là cô gái lai không phải là con ruột của TT Bokassa, mà chính là Martine con của bà Nguyễn Thị Huệ. Vì qua các hình ảnh và giấy tờ, cô gái mang tên Martine này có khả năng chính là con ruột của TT Bokassa.

Ông Tam Mộc liền phân tích vụ việc :

- Xét về mặt xã hội, việc một vị Tổng Thống ở một đất nước Phi Châu mới được Pháp trao trả độc lập, gửi thư qua nhờ tìm con; nói về mặt đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, chính quyền đã mau chóng truy tìm ra gốc tích đứa con rơi của Tổng thống Bokassa là điểm đáng khen ngợi. Nhưng nay cô gái đưa qua Trung Phi lại không phải con ruột của ông ta theo như gia đình bà Huệ cho biết. Vậy chúng ta phải coi lại, lý do gì mà chính quyền không chịu điều tra thân thế của Ba-Xi cho thật rõ ràng mà mau chóng xác nhận như vậy. Tuy nhiên chính TT Bokassa cũng đã công nhận Ba-Xi là con gái ông ta. Điều đó hoàn toàn đúng theo thực tế, và nếu không có cô Martine này xuất hiện thì mọi việc sẽ không có gì đáng để đề cập đến.

Có người lên tiếng :

- Nếu cô Martine này đúng là con ruột của TT Bokassa thì sao ?

 

- Và nếu chúng ta đưa ra khai thác vụ việc này sẽ đụng chạm đến chính quyền và cả người Pháp, vì chính phủ Pháp đứng ra làm trung gian giữa hai nước CH Trung Phi và VNCH trong việc đi tìm con và nếu tìm được con cho TT Bokassa thì nước CH Trung Phi sẽ cám ơn nước Pháp. Xét về mặt thời sự, sở dĩ chính quyền làm gấp rút vụ Ba-Xi cũng có lý do, vì Pháp vừa đặt cấp lãnh sự tại Hà Nội, chính vì vậy nếu chính quyền không dành những cảm tình ngay với người Pháp, thì về mặt ngoại giao giữa Pháp với Hà Nội sẽ khắng khít hơn, còn chúng ta qua những khoản viện trợ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Sau những phân tích đi sâu vào sự việc đưa Ba-Xi đi Bangui ngay là rất đúng, vậy chúng ta có nên khai thác vụ Martine hay không ?!

Ông chủ nhiệm và ông Vị Thủy tổng thư ký đều cho rằng :

- Chúng ta mang nghiệp làm báo, dù vụ Martine có đụng chạm lớn có thể dẫn tới việc bị đóng cửa báo, bị truy tố về tội phá rối an ninh trật tự xã hội, nhưng chúng ta phải can đảm khai thác. Tuy nhiên trong nghề nghiệp, chúng ta phải khéo léo khai thác tin tức nội vụ bằng những bài báo thăm dò trước, không thể đánh thẳng vào vụ Ba-Xi, đến khi điều tra đã đúng tới 80 – 90% thì mới phát pháo nhanh cho kịp thời.

Lúc đó ông chủ nhiệm tuyên bố, mọi phóng viên phải tập trung đi mọi hướng theo tài liệu để điều tra. Dàn phóng viên chủ lực lúc bấy giờ phải kể đến Phương Thảo, Lam Hồng Cúc, Vi Thuấn, Minh Hoàng, Trường Nam, Thế Nguyễn, Anh Thu, Việt Thu, Đoan Khánh, Phan Trần Mai, Lan Anh, Du Miên, Hữu Hào, Du Linh, Đức Dũng v.v…

Anh tổng thư ký tòa soạn mới phân công :

- Lam Hồng Cúc, Đoan Khánh là nữ thì đi gặp Martine khai thác về đời tư cô gái. Thế Nguyễn biết chụp ảnh chạy qua Tân Thuận Đông, Tân Quy Đông và Thủ Đức chụp nơi ở của bà Huệ và nơi Bokassa trước khi về nước đã từng sống chung với bà Huệ. Vi Thuấn, Minh Hoàng khai thác tin tức từ trong dân chúng sau khi bài báo ra mắt, xem thái độ người dân ra sao nếu quả thật Ba-Xi là giả, chú ý nhất người dân ở khu Xóm Gà Cây Quéo. Còn về đối ngoại sớm liên hệ với một số ký giả các hãng thông tấn thế giới (thường có mặt tại Câu Lạc Bộ Báo Chí góc đường Tự Do – Lê Lợi vào buổi chiều, nghe Bộ DVTTCH họp báo phổ biến tin tức trong ngày)
.

Sự bố trí ngay buổi đầu rất chặt chẽ, và mọi người đều được căn dặn không nói đến chỗ ở của Martine, vì sau vụ đưa tin sẽ không tránh được các báo khác đổ dồn khai thác, mật vụ cũng sẽ theo dõi từng diễn tiến các tin tức đăng tải trên báo. Ngay hôm sau báo Trắng Đen đưa lên trang nhất hàng tít chạy dài 8 cột với nội dung :

“Ba-Xi không phải con gái của TT Bokassa ?!”

- “Một bà mẹ chứng minh con gái mình mới là con ruột của Tổng thống Bokassa nước CH Trung Phi ?!”

Những dấu hỏi chấm than như thế chỉ thuộc phạm trù hiện còn nghi vấn chưa rõ ràng, nên báo đăng tải không sợ Bộ DVTTCH kêu đục bỏ, dù vậy các bài viết cũng không hề trắng trợn phủ nhận việc Ba-Xi không phải là con gái của TT Bokassa. Và vì quá gấp chúng tôi mới chỉ có 2 tấm ảnh mà ông Sáu đưa làm tài liệu, chúng tôi cho in hết. Bởi trong nghề làm báo, chúng tôi hiểu chỉ trong vòng 24 giờ sau thì tài liệu và hình ảnh sẽ thật dồi dào.

GÂY CHẤN ĐỘNG KHẮP THẾ GIỚI !

Quả nhiên vụ Ba-Xi – Martine Bokassa là trái bom đã nổ trên mặt báo, ngay hôm phát hành số đầu tiên về vụ này, giới bán báo cổ động không ngừng đòi tăng thêm số lượng. Số in tăng trên 80.000 bản, tòa soạn phải huy động thêm máy để in cho đủ số giao cho các nhà phát hành, nhưng các nơi vẫn tới tấp gọi điện thoại xin thêm báo dù trễ đến 5 hay 6 giờ chiều (báo lúc đó phát hành vào lúc 1 giờ trưa đến hơn 2 giờ chiều là đã xong).

 
Trong ngày đầu tiên từ ban biên tập, trị sự đến anh em công nhân nhà in thật vất vã, và liên tiếp những ngày sau khi đưa vụ Martine Bokassa lên báo. Cái hậu của câu chuyện chưa biết sẽ ngã ngũ ra sao, nhưng trước mắt là báo bán chạy như tôm tươi, các báo khác lại ế ẩm, vì rằng giới bán báo lẻ chỉ giới thiệu vụ Ba-Xi và Martine Bokassa đến tay người đọc báo, làm ai cũng tỏ tính hiếu kỳ tò mò mua báo để tìm hiểu nội vụ.

Những tờ báo khác cũng bắt đầu nhập cuộc về vụ Martine Bokassa, nhưng không báo nào có thêm chi tiết hơn Trắng Đen, do mọi nguồn tin tức đã được tòa soạn bịt chặt các đầu mối. Các ký giả báo khác đi tìm bà Huệ hay Martine như đi tìm kim dưới biển, nên chỉ còn biết viết vuốt đuôi; sau đó các báo thấy rằng viết như thế chỉ có lợi cho báo Trắng Đen càng bán chạy thêm, vì vậy một số thôi không khai thác, một số chuyển qua “đối lập” với vụ án, chụp mũ tờ Trắng Đen đủ mọi thứ nón lên đầu Ban biên tập nào là VC nào là CIA. Tuy vậy không có chiếc nón nào đội cho vừa vặn, vì sự phân tích của họ không logic khả dĩ khiến cho đọc giả tin cậy được. Sự thành công ngày đầu không làm vui những người trong ban biên tập, bởi nếu tin này trở thành sôi động như thế, ắt mọi việc sẽ không đơn thuần như dự tính. Hai ngày sau điều ban biên tập đón chờ đã đến :

- Phóng viên tờ Time (báo xuất bản tại Mỹ) đến xin mua bản quyền tấm hình chụp bà Huệ và Bokassa bên Tân Quy Đông mà tờ Trắng Đen đã đăng lên báo ngay hôm đầu tiên (luật báo chí Mỹ rất tôn trọng bản quyền, không thể chụp lại khai thác nếu chưa trả tiền bản quyền hay xin phép pháp nhân).

- Bộ Ngoại Giao gọi điện yêu cầu báo Trắng Đen cho ngưng khai thác loạt bài. Mặc dù báo chưa nói hẳn Ba-Xi là cô gái được một số người nhào nặn trở thành “con gái giả mạo” của TT Bokassa.

- Bộ DVTTCH cho biết, nếu loạt bài điều tra này xác thực thì tờ Trắng Đen cần đưa tài liệu chứng minh, hoặc kết thúc trong chiều hướng có lợi cho chính phủ !

Và còn nhiều cú điện thoại từ mọi thành phần trong xã hội, từ người dân lao động cho đến nhân sĩ trí thức, từ mọi giới kiến chính trị, có người ủng hộ có người phản ứng gay gắt, dù vậy vẫn không có một văn bản chính thức nào được gửi đến cho tờ Trắng Đen, chỉ thuộc “khẩu lệnh” bất thành văn.

Chính những cú điện thoại ấy mà ban biên tập rất lo lắng cho số phận tờ báo, số bán hằng ngày cứ tăng từ 100.000 tờ/ngày đã vượt lên 160.000 tờ/ngày, người làm báo ở Sài Gòn lúc đó nằm mơ cũng không thấy nổi số lượng in ấn này, và số lượng vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng.

Nếu lo sợ bị đóng cửa báo như lời khuyến cáo bằng “khẩu lệnh” từ Bộ Ngoại Giao hay Bộ DVTTCH phải tạm ngưng loạt bài này, tuy nhiên nếu ngưng thì tờ báo mất uy tín, vốn dĩ đọc giả đã từng đánh giá Trắng Đen là báo lá cải chuyên khai thác các vụ án “Tình, Tiền, Tù, Tội, ma quỷ hoang đường, đời tư các nhân vật nổi tiếng” v.v… báo sẽ bị bỏ rơi với lý do đọc giả cho rằng vụ Martine Bokassa chỉ là tin scandal nhằm lừa bịp để bán báo.

Chính vì thế ban biên tập quyết định, đã cưỡi cọp thì không thể cho ngưng loạt bài này được, bởi có nhiều nguồn tài liệu cho thấy Martine Bokassa mới chính là con đẻ của TT Bokassa.

TÌM RA SỰ THẬT !

 

Nữ phóng viên Lam Hồng Cúc đã cải dạng dân thường với áo quần bà ba đen, chân đi guốc đầu đội nón lá, tay cầm túi lát đi vào vùng xôi đậu ở tận Rừng Sát (nay là huyện Cần Giờ); đến tận xã nơi bà Huệ sanh ra Martine (vùng xôi đậu tức  nơi ban ngày lính Quốc Gia kiểm soát còn về đêm do du kích tràn về tuyên truyền, khác với vùng trắng là nơi được oanh kích tự do), tìm thấy sổ hộ tịch của những năm 1955 -1956 có giấy chứng sanh của bà Huệ ghi cả tên cha là ông  G. Bokassa

 Còn tờ giấy khai sanh đang sử dụng chỉ là Giấy Thế Vì Khai Sanh do bà Huệ đã làm mất bản chính, mà đường về Rừng Sát lại khó khăn, cho nên bà Huệ phải khai lại Giấy Khai Sanh cho Martine mà bỏ tên cha. Có lẽ bà Huệ cho rằng Bokassa chỉ như những tên lính Lê Dương khác, đi tìm gái để thỏa mãn thú vui xác thịt, khi về nước là chúng̣ bỏ lại tất cả không một chút luyến tiếc dù đó là giọt máu của chính mình. Nên con lai ở Sài Gòn hay ở các tỉnh thành có rất nhiều, có ai được cha chúng qua Việt Nam tìm kiếm ?!.

Lam Hồng Cúc lấy được cả giấy chứng sanh được dán trong sổ hộ tịch đem về. Cả tòa soạn rất vui mừng liền lên phương án : Chụp lại bản chánh và cho rửa nhiều tấm, một gửi cho Bộ Ngoại Giao nhờ qua hệ thống hàng dọc tới tay TT Bokassa, chứng minh Martine mới là đứa con ruột thịt của ông ta.

Tuy đã có chứng cớ chứng minh nhưng ban biên tập vẫn sợ các ông bên Bộ Ngoại Giao có thể vì một lý do nào đó không chuyển đi; đã đề phòng nên còn gửi thêm một bộ khác qua đường hàng không đến Pháp cho đặc phái viên Trắng Đen đang thường trú tại đây đưa đến Bộ Ngoại Giao Pháp, giao tận tay và nhờ chuyển đến Tổng Thống nước Cộng Hòa Trung Phi Bokassa thật khẩn. Ngoài hai nơi, tòa soạn còn gửi đến Tòa Đại Sứ Pháp ở Sài Gòn nhờ chuyển. Các tài liệu đều kèm với hình bà Huệ và TT Bokassa, hình của Martine. Tờ báo công bố bản chứng sanh của Martine và cho đăng những cú điện thoại từ các Bộ, và hứa sẽ chịu trách nhiệm trước loạt bài điều tra về vụ Martine Bokassa, nếu TT Bokassa phủ nhận bà Huệ và Martine là vợ con ông ta.

Coi như đã tạm yên với chính quyền, nhưng có dư luận cho rằng tờ Trắng Đen được Mỹ nhúng tay trong việc mở rộng cuộc điều tra vụ này. Bởi mọi người không tin rằng một báo lá cải như tờ Trắng Đen lại dám làm một loạt bài “động trời” va chạm đến chính quyền và cả Bộ Ngoại Giao Pháp. Đọc giả cũng có những phân tích thời cuộc rất logic, cho rằng người Mỹ đang muốn tranh giành ảnh hưởng về ngoại giao với các nước Phi Châu mà trước đây đều thuộc địa của Pháp, nay các nước này đã độc lập nhưng truyền thống thân Pháp cho nên các chánh phủ ở đây vẫn còn đặt nặng tình cảm về chính trị, kinh tế, xã hội. Tờ Trắng Đen đưa vụ Martine Bokassa ra ánh sáng là làm giảm uy tín của Pháp, lý do người Pháp đã đưa đi một “nàng công chúa giả mạo” giao cho TT Bokassa.

Tôi là người biết rõ nguồn gốc vụ Martine Bokassa và nằm trong hệ thống chỉ đạo các phóng viên đi các hướng điều tra, đó là cả một tập thể năng động, mang tính chuyên nghiệp, không quản nguy hiểm và luôn luôn bị đe dọa nhưng vẫn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ của một người ký giả phóng viên. Dù rằng tờ báo luôn được mọi người gọi bằng “báo lá cải”.

Vụ Martine tuy nhỏ nhưng tính cách của nó ở hậu trường chính trị lại thật lớn. Sự va chạm với Bộ NgoạiGiao đã đến giai đoạn chính thức gửi “tối hậu thư” chứ không còn bằng “khẩu lệnh”; và Bộ DVTTCH cho tờ Trắng Đen trong 3 ngày phải có xác nhận từ phía CH Trung Phi nếu không báo phải bị đóng cửa. Do Bộ DVTTCH lúc đó không thể ra quyết định đóng cửa báo, nếu báo không vi phạm tội “Phản Quốc” hay có bằng chứng là “Cộng Sản”, cùng quyền thứ tư của người làm báo, viết báo được Hiến Pháp công nhận. Nên nếu sau thời gian của “tối hậu thư” thì mới có cơ sở ra quyết định và chụp cho tờ báo một cái nón cho đội vừa vặn nào đó.

Ban biên tập cũng không còn gì hơn là mỗi ngày vài bận gọi điện thoại qua Pháp hỏi thăm tin tức, đặc phái viên tại Pháp cũng rất nhiệt tình đi lại Bộ Ngoại Giao Pháp thu lượm tin từng giờ. Tin tức được báo về là thư đã đến Sứ quán Pháp tại CH Trung Phi, và đã chuyển tới dinh của TT Bokassa.

Sự kiện đó làm mọi người đều hồi hộp, vừa mừng vừa lo, mừng vì thư đã tới tay TT Bokassa lo vì không biết TT Bokassa có công nhận Martine là con đẻ của ông hay không ?!

Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi không thể đả kích thêm vụ Ba-Xi được đưa qua Trung Phi, toàn bộ tờ Trắng Đen chỉ khai thác những đề tài về đời tư của Martine, ký sự chuyện tình giữa bà Huệ với Bokassa, hay những cuộc phỏng vấn các Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ về loạt bài Martine Bokassa. Báo luôn luôn được in trước 24 giờ, vì tin tức lúc bấy giờ chỉ còn là thứ yếu trong tờ báo, nếu có tin chiến sự hay sự cố quan trọng nào thì chúng tôi đưa vào trang 3 được in từ sáng sớm cho kịp số lượng phát hành trong ngày.

Với số lượng được các nơi đăng ký nhận bán đã trên 200.000 số mỗi ngày gồm 12 trang, các loại quảng cáo của các Cty Quảng Cáo từ các báo đã tập trung về Trắng Đen gần hết, nhưng do số trang có hạn, đành nhận đó nhưng theo thứ tự thì cả tuần mới đến thứ tự.

NGHỀ LÀM BÁO

 

Ở đây tôi cũng xin nói qua, lúc đó báo chí được trợ cấp bông giấy, nếu tờ báo nào được phép xuất bản thì được trợ cấp giá mua giấy in báo dưới chính thức, báo bán chạy được mua 50.000 tờ gồm 8 trang/ ngày, báo nào bán không chạy thì từ 10 đến 20.000 tờ/8 trang ngày. Báo càng in nhiều sẽ càng lỗ, do số lượng in nhiều hơn số bông giấy được cấp vì thế phải mua giấy chênh lệch qua giá chợ đen cao hơn chính thức, mà giá bán báo được Hội Chủ Báo khống chế để giảm mức phá giá cạnh tranh hay tăng giá làm thiệt hại người đọc.

Lúc ấy Bộ Kinh Tế không định giá bán cho báo chí, mà chỉ định giá giấy nội địa của Cogido, Tân Mai hay bằng đường nhập cảng, các báo không thể tăng trang mà chỉ tăng thêm quảng cáo bớt đi bài vở để tự bù lỗ. Nhiều báo xin xuất bản, nhưng thực tế in một ngày chỉ chừng vài ba ngàn tờ cho lấy có, số bông giấy còn thừa thì đem bán cho lái giấy để lấy tiền trang trải chi phí lẫn mưu sinh. Bấy giờ có nhật báo ra đời mà tòa soạn không có quá từ 3 đến 5 người làm việc, họ không cần phóng viên, ký giả vì cứ mua các bản tin tại VTX và các tin xe cán chó (từ thành đến tỉnh) để khai thác, còn tiểu thuyết thì mua của các nhà văn thất nghiệp với nhuận bút 5.000 hay 10.000đ/tháng (nên biết vàng 24K lúc đó mới chỉ hơn 30.000đ/lượng)

Khi thời hạn của tối hậu thư gần kề, tòa soạn nhận được tin từ Pháp gọi về thông báo đã có công hàm của Bộ Ngoại Giao Pháp gửi qua Việt Nam về vụ Martine Bokassa, có thể là tin vui.

Hai chữ “có thể” vẫn không làm yên tâm ban biên tập, vì có ai ngoài người trong công quyền được rõ nội dung; nhưng đặc phái viên đã báo là tin vui cho nên cũng tở mở trong lòng và chờ đợi. Các phóng viên túc trực tại Bộ Ngoại Giao để nhận thư phúc đáp từ Trung Phi. Nhưng điều bất ngờ nhất lại là bản điện tín từ bưu điện đưa tới, toàn bộ là tiếng Pháp, cũng vào giờ tòa soạn chỉ còn mình tôi ở lại trực tin, thấy ghi nơi gửi là Bangui, tôi còn không biết từ đâu đến, vì thật sự lúc đó chưa ai biết CH Trung Phi trên bản đồ nằm ở đâu, Bangui tên tỉnh thành của quốc gia nào của Châu Phi, hay Châu Âu ?

Đến khi đọc rõ nội dung mới biết đây là điện tín của TT Bokassa gửi đến, cho biết ông nhận người mà bà Huệ đứng chụp chung chính là ông. Như thế là hoàn thành công việc điều tra, TT Bokassa đã xác nhận bà Huệ chính là vợ ông ta trước đấy gần 20 năm. Tôi gọi điện thông báo ngay cho ông chủ nhiệm biết, và ông quá mừng rỡ với tờ điện tín ấy, còn dặn tôi gọi thu quân khỏi Bộ Ngoại Giao, Tòa Đại Sứ Pháp cho về nghỉ dưỡng sức.

Từ Lam Hồng Cúc đến Thế Nguyễn, Vi Thuấn, Minh Hoàng… đã quá vất vả với Martine Bokassa gần nửa tháng qua, nay coi như hoàn thành nhiêm vụ. (Nhân đây xin nói, nữ ký giả Lam Hồng Cúc đã qua đời vào năm 1974 tại Buôn Ma Thuộc trong một chuyến săn tin).

Báo Trắng Đen như được hồi sinh, chúng tôi được chính TT Bokassa đánh bức điện tín xác nhận, dù bức điện chưa thể coi mang tính pháp lý mà “tối hậu thư” đưa ra, xét về thực tế nó đã chứng minh vụ việc bà Thân và Ba-Xi ở Xóm Gà Gia Định chỉ là “hàng giả mạo” của Bộ Ngoại Giao, còn sự phát hiện bà Huệ với Martine mới chính vợ con của TT Bokassa từ tờ Trắng Đen mới đúng hàng thật
.

Việc chờ đợi công văn chính thức từ chính quyền gửi đến không còn mơ hồ gì nữa, chỉ còn thời gian đến nhanh hoặc chậm. Chúng tôi vẫn chờ Bộ Ngoại Giao, Tòa Đại Sứ Pháp hay Bộ DVTTCH một trong ba nơi chuyển đến. Còn nhiệm vụ của người làm báo vẫn tiếp tục phát pháo, do nhân chứng vật chứng đã có đủ trong tay, chúng tôi bắt đầu tấn công Bộ Ngoại Giao trong việc đưa Ba-Xi cô gái giả đi Bangui thủ đô nước CH Trung Phi, nhưng ngay sau đó bên Trung Ương Tình Báo gọi điện cho biết đừng nên khai thác vụ Ba-Xi, còn về Martine Bokassa thì không sao. Sau ngày chúng tôi có được bức điện tín của TT Bokassa, bên Bộ Ngoại Giao mới gửi văn thư chính thức thông báo, với đại ý :

- TT Bokassa hoàn toàn nhìn nhận bà Huệ chính là người vợ của ông khi còn là Trung sĩ trong quân đội Lê Dương đang tác chiến tại Việt Nam. TT Bokassa nhìn nhận Martine là con gái ruột của ông.

- TT Bokassa mong mỏi được gặp vợ và con tại Bangui trong một ngày gần nhất. Mong mỏi báo Trắng Đen cử người đưa vợ con ông đến thủ đô Bangui.

Ngoài ra trong văn thư không hề xin lỗi về việc đưa lầm Ba-Xi hay đe dọa trừng phạt tờ báo. Chúng tôi coi văn thư đó như sự công nhận của chính quyền trước vụ Martine Bokassa. Cho nên tiếp tục khai thác đề tài về Martine Bokassa sẽ đi Bangui nhìn cha ruột.

Có những lúc bí đề tài lại làm thêm loạt bài với một dấu hỏi khác :

- Có đúng bà Huệ là vợ của TT Bokassa, và Martine thuộc dòng máu của ông hay không ?

Với đề tài ấy tờ báo lại sôi động lên tiếp tục bán chạy. Dù biết rằng Martine chính là con ruột của TT Bokassa, nhưng tờ Trắng Đen thường được mọi người ví von là báo lá cải rồi, nên làm thêm “sì-căn-đan” là lẽ tự nhiên để bán báo. Bởi “phi thương bất phú” đó là châm ngôn bất di bất dịch của người làm kinh doanh chuyên nghiệp, không bỏ lỡ thời cơ khi cơ hội đang sẵn có trong tay.

Tuy nhiên nội dung bài báo chỉ lập luận, trong một xã hội đang bị lệ̣ thuộc dưới tay thực dân Pháp, bà Huệ còn là một cô gái xinh đẹp ở vùng Tân Thuận Nhà Bè, phải chăng bà chỉ chung thủy với một người lính Pháp tức ông Bokassa hay còn nhiều người nữa, để rồi sau đó xác nhận giọt máu rơi của mình là con của Trung sĩ Bokassa ? ! Ban biên tập tuy lập luận như thế nhưng bài viết lại luôn ca tụng bà Huệ một mực sống thủy chung với ông Bokassa theo truyền thống của người Á Đông về mặt “tam tòng tứ đức”, chỉ mãi đến sau này bà chờ đợi ông Bokassa qua Việt Nam bảo lãnh vợ con theo chồng về nước nhưng vẫn bặt vô âm tín, bà mới tái giá về ở với người chồng sau ở tận Thủ Đức.

Để thêm chắc chắn, chúng tôi còn lấy mẫu máu của Martine đi xét nghiệm phân chất trước, để phòng khi đến Bangui nếu thật sự cần thiết sẽ đem ra đối chứng giữa máu của hai cha con.

Còn về chiến lược của tờ báo làm cho đọc giả phải luôn theo dõi loạt bài, chúng tôi cố gắng đi tìm tài liệu về nước CH Trung Phi khắp nhà sách, thư viện cũng như nhờ Bộ Ngoại Giao, Tòa Đại Sứ Pháp cung cấp. Thật tình mà nói lúc bấy giờ nước CH Trung Phi quá nhỏ bé, các bản đồ in trong nước đều không ghi nhận vì mới được Pháp trao trả độc lập năm 1960, cũng như nước CH Trung Phi không có mặt nào nổi bật với thế giới. Việc tìm tài liệu về đất nước này thật sự hết sức khó khăn; bên Bộ Ngoại Giao hay Tòa Đại Sứ phải điện qua Pháp xin cung cấp các tài liệu cần thiết.
.

Tôi lại chợt nghĩ đến việc tìm tài liệu qua các hãng hàng không, vì các hãng máy bay nối liền từ Sài Gòn đi đến khắp nơi trên thế giới sẽ có những tập sách, hay tờ bướm quảng cáo về các đường bay. Quả thật như dự đoán, hãng máy bay Air France có những từ bướm (brochure) quảng cáo các đường bay, nếu từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Bangui, chuyến bay sẽ đi vòng qua Calcutta (Ấn Độ) rồi đổi chuyến bay tới Nairobi (Kenya), từ đó chuyển phi cơ đến Bangui. Lý do sân bay Bangui không có đường băng dành cho phản lực cơ. Còn về địa lý, văn hóa, thương mại, xã hội nước CH Trung Phi không có một chút thông tin nào.

Nhưng với nghề làm báo luôn như một thám tử phải biết suy luận, nhận xét và phân tích, nên chuyện khó cũng trở nên dễ dàng. Trong khi chờ đợi các tài liệu từ Bộ Ngoại Giao cung cấp, chúng tôi đã có những loạt bài giới thiệu về đất nước của TT Bokassa, dĩ nhiên chỉ những bài và sơ đồ vẽ đường bay sẽ đi qua, những dữ liệu về tài nguyên của Phi Châu như kim cương, hột xoàn v.v… do tâm lý đọc giả chỉ cần được báo chí cung cấp và gợi lên những hình ảnh mà họ đang chú ý là có thể “ăn khách” có đông người đọc, dù nội dung rổng tuếch !

BÀN GIAO CÔNG CHÚA THẬT

Cuối cùng mọi người cũng đặt chân lên đất nước CH Trung Phi, sau nhiều lần thay đổi chuyến bay nếu mua vé đi thẳng từ Sài Gòn đến Bangui đúng như lịch trình dự kiến đã nói, nhưng đoàn người của báo Trắng Đen gồm ông bà chủ nhiệm, mẹ con bà Huệ, cùng đại diện cao cấp của chính quyền đến nước CH Trung Phi theo đường ngoại giao. Vì thế đường bay phải ghé qua Paris, đón tùy viên văn hóa sứ quán cùng tháp tùng, vị này trước thay mặt chính quyền bàn giao Martine, sau làm thông dịch viên.

Từ Paris đoàn người được đưa đến Brazzaville thủ đô nước Congo, sau đó đi máy bay cánh quạt đến Bangui.

Nước CH Trung Phi (Central AfricanRepublic) rộng 662.984 km2, nhưng dân số chỉ hơn một triệu dân, còn ở thủ đô Bangui có khoảng 100.000 dân (số liệu 1995 : CH Trung Phi có khoảng 2,5 triệu dân, Bangui có hơn 300.000 dân). Phía Bắc giáp Chad và Sudan, phía Nam giáp Zaire và Congo, phía Tây giáp Cameroon, phía Đông giáp miền nam Sudan. TT Bokassa lập Hiến pháp với chức vụ “Tổng thống muôn năm”, khi nào vị Tổng thống chết đi Quốc Hội mới bầu người mới lên lãnh đạo đất nước. Còn chính phủ hầu như thay đổi nhân sự hàng ngày ! Tùy theo sự vui buồn từ TT Bokassa.

Tôi được nghe kể lại, khi đoàn tới dinh TT Bokassa, một toán lính ra dàn chào không đúng nghi thức đã bị TT Bokassa ra lệnh thay ngay Bộ trưởng Bộ Lễ Tân. Khi đoàn đi tham quan tới đâu cũng được giới thiệu đó là tài sản của TT Bokassa ?! Còn về quân đội, ông nắm hết các quyền hành và chỉ định thân nhân vào các chức vụ chỉ huy trưởng.

Với chính sách cai trị như thế không khác gì thời phong kiến vua chúa, TT Bokassa quả là một Tổng thống độc tài gia đình trị. Nuớc CH Trung Phi không có khoáng sản quý như Nam Phi, tức kim cương đá quý, mà chỉ chủ yếu trồng cây cà phê, chuối, tiêu xuất khẩu.

Trở lại vụ giao con cho TT Bokassa, ông rất hoan hỉ đón nhận đứa con ruột thịt của mình, còn Ba-Xi ông tuyên bố nhận làm con nuôi mà không trao trả lại cho chính quyền Sài Gòn. TT Bokassa cũng mời bà Huệ ở lại với ông và con, nhưng bà Huệ từ chối vì đã có chồng con riêng ở Sài Gòn. Mọi việc diễn ra tốt đẹp khi phái đoàn giao xong Martine cho TT Bokassa rồi chia tay với đất nước Trung Phi.

Theo tôi được biết, bà Huệ hàng tháng đều ra Ngân Hàng Pháp Á tại Sài Gòn lãnh tiền trợ cấp là 200.000đ của TT Bokassa gửi (số tiền này nếu quy ra vàng vào thời gian năm 1973, cũng khoảng hơn 5 lượng/tháng).

Sau năm 1975 các báo tại Sài Gòn thường loan tin đảo chính tại nước CH Trung Phi đã lật đổ “Hoàng đế” Bokassa (lúc này Bokassa bỏ chức vị Tổng thống muôn năm mà tự xưng Hoàng Đế), sau đó Bokassa bị kết án tử hình. Người làm đảo chánh Bokassa chẳng ai khác hơn là con rể của ông – người lấy Ba-Xi làm vợ – bở́i chỉ có những thân nhân tin cẩn, Bokassa mới dám giao phó binh quyền vào tay. Còn chồng Martine sau khi Bokassa bị lật đổ đã bị chính phủ Trung Phi cho giải ngũ. Đó là câu chuyện về hai “cô bé lọ lem” thời hiện đại, mà tôi góp một phần trong phá án, nhằm kể lại câu chuyện của hơn 35 năm trước đây, với một thời gian dài sôi nổi trên mặt báo Trắng Đen và với người dân miền Nam nói chung và người Sài Gòn lúc bấy giờ.

SƠ LƯỢC VỀ TT BOKASSA VÀ NƯỚC CH TRUNG PHI

Nước CH Trung Phi được Pháp trao trả độc lập vào ngày 13/8/1960, với diện tích 662.984 km2, thủ đô là Bangui. Toàn bộ dân số nước CH Trung Phi vào khoảng 3 triệu người (tài liệu năm 2000).

Tài nguyên thiên nhiên gồm các mỏ quặng chưa khai thác do chưa đủ tuổi (gồm quặng kim cương, coban, sắt…). Cho nên nền kinh tế chủ yếu trông chờ vào các vụ thu hoạch chuối và cà phê.

- Từ năm 1960, từ người Pháp bàn giao cho nhà chính trị tên D. Đacô đứng lên lãnh đạo nước CH Trung Phi, nước này soạn Hiến pháp theo chế độ Cộng Hòa, đứng đầu nhà nước với chức danh Tổng thống .

- Năm 1966, trung tá Jean Bedel Bokassa cầm đầu một binh đoàn lật đổ TT D. Đacô, rồi Bokassa tự phong Đại tá, tiếp đến là Đại tướng chỉ trong vòng mấy ngày đầu nắm chính quyền. Khi toàn bộ nước CH Trung Phi đã nằm trong tay tướng Bokassa, ông lại tự phong làm chủ tịch Hội Đồng Cách Mạng, Tổng Tư lệnh Quân Đội, xóa bỏ Hiến pháp để quân đội hoàn toàn nắm quyền hành cai trị đất nước. Coi như toàn bộ quyền bính đều nằm trong tay Bokassa.

 

Jean Bedel Bokassa đi lính cho Pháp từ năm 18 tuổi, đất nước Trung Phi lúc đó còn nằm trong thuộc địa của Pháp. Trong thời gian này đang xảy ra Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Bokassa theo đội quân Lê Dương có mặt tại nhiều nước như Ma-rốc, Algierie rồi vào năm 1953 có mặt ở Việt Nam. Tại Việt Nam, Bokassa mang lon Trung sĩ nhất đóng quân tại Chánh Hưng Sài Gòn (Quận 8 bây giờ) – vùng đất của quân đội Bình Xuyên – Năm Lửa.

Sau khi quân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ, ký kết Hiệp định đình chiến ngày 20/7/1954, cam kết rút hết quân đội về Pháp. J.B. Bokassa lúc này đã lên cấp Thượng sĩ nhất cũng phải lên tàu trở về chính quốc. Trong thời gian đóng quân ở Chánh Hưng, Bokassa quen được bà Nguyễn Thị Huệ, chung sống như vợ chồng tại Tân Thuận Đông, Nhà Bè. Khi ông về nước thì bà Huệ đang mang thai Martine.

- Năm 1968, dưới áp lực quốc tế, Bokassa tổ chức bầu cử Tổng thống, ông trở thành vị Tổng thống thứ hai của

 
nuớc CH Trung Phi.

- Năm 1972, TT Bokassa sửa đổi lại Hiến Pháp cho quyền được làm “Tổng thống muôn năm”. Cũng trong thời gian 1972, TT Bokassa nhờ Bộ Ngoại Giao Pháp tìm kiếm dùm ông đứa con rơi đang thất lạc tại Sài Gòn vào những năm 1954 – 1955. Sự kiện TT Bokassa tìm con như thế nào, các bạn đọc đã rõ.

- Cuối năm 1976, TT Bokassa không muốn làm Tổng Thống muôn năm, đã tuyên bố giải tán chế độ Cộng Hòa để lậ̣p nên Vương quốc Trung Phi, lấy chế độ Quân chủ lập hiến cai trị. J.B Bokassa tự xưng mình là Hoàng đế Bokassa đệ nhất.

- Năm 1979, Hoàng đế Bokassa Đệ nhất bị chính con rể hạ bệ (tức phò mã Đại úy chồng của Ba-Xi), ông ta phải bôn tẩu ra nước ngoài lánh nạn.

7 năm sau, Bokassa trở về CH Trung Phi, khi chồng của Ba-Xi cũng đã bị phe quân đội đối lập đảo chánh nắm quyền. Nhưng người dân ở đất nước Trung Phi quá chán ghét cảnh độc tài của Bokassa thời ông còn nắm quyền lực, nên giới cầm quyền lúc đó đã bắt giam Bokassa và chờ ngày ra tòa xét xử các tội trạng do ông gây ra khi còn nắm quyền cai trị đất nước.

- Năm 1995 J.B. Bokassa lãnh án tử hình và chưa kịp thụ án thì năm 1996, Bokassa qua đời ngay trong nhà giam. Khi chết, Bokassa để lại 8 người vợ và 54 người con.

- Martine Bokassa cũng lấy chồng một sĩ quan trong quân đội CH Trung Phi, khi chồng Ba-Xi cùng nhóm quân đội lật đổ Hoàng đế Bokassa Đệ nhất, Martine cùng chồng qua Pháp sống lưu vong đến ngày nay.

THÊM NHỮNG TIN TỨC MỚI VỀ BAXI & MARTINE BOKASSA

- Martine Bokasa hiện đang ở Paris với tên Martine Kota, có 2 người con với Bác sĩ Jean – Bruno Deveavode. Người con trai đầu tiên của 2 người tên Jean -Barthe’le’my Bokassa (thuờng gọi JB). Martine giả tức Ba Xi có một người con với sĩ quan tên Fidel Obrou.
.

- Năm 1980 Fidel Obrou bị giết sau một cuộc đảo chính mới, số phận trớ trêu, đồng thời lúc đó Ba Xi sinh một đứa con trai ở Bangui. Bác sĩ JB lại là người giết đứa con trai mới sinh của Ba Xi bằng cách chích thuốc theo lệnh của nhóm đảo chánh. Sau một năm Fidel Obrou chết, Ba Xi cũng biến mất trên đường đến phi trường định trở về Viet Nam, bị hai cận vệ của TT Bokassa bóp cổ đến chết và vất xác dọc theo đường.

- Trong cuộc xử TT Bokassa 1987, TT Bokassa chối tội ông không ra lệnh giết đứa con gái nuôi và đứa cháu trai vừa mới sinh. Sau đảo chính lật đỗ TT Bokassa năm 1979, Martine Kota cùng JB, hai em trai và em gái thoát được sang Pháp.

- Trong khi ở Pháp, Kota và các con cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Huệ sống cuộc sống hết sức khác nhau. Kota hiện nay làm chủ hai nhà ăn Viet Nam ở Pháp, một tiệm ở trên đảo Corsica. Phần JB thì rất gần với cuộc sống Viet Nam, JB nói được tiếng Việt và Pháp với mẹ Kota, và không bao giờ nói tiếng Trung Phi là tiếng Sango. Tên của em gái JB là Princess Marie – Jeanne Bokassa rất hơi lai người Việt. Ở Pháp họ sống trong lâu đài Hardricourt và JB có viết một cuốn sách về cha mình “Saga Bokassa un temoigage poignant un eclairage inedit”.

Nguyễn Việt