Mẹ Treo PDF Print E-mail
Tác Giả: Vũ Đình Kh.   
Chúa Nhật, 15 Tháng 8 Năm 2010 06:35

Năm bảy tuổi, với cái bụng to quá khổ trên thân người còm cỏi, cộng cái đầu ba chỏm trái đào lở loét bôi vôi đỏ khắp nơi,

 tôi ôm một bọc áo quần nho nhỏ vừa khóc thút thít, vừa nhìn Mẹ như van lơn, xin đừng đuổi tôi đi. Mẹ vẫn thản nhiên ngồi ăn trầu, xỉa thuốc và nói lảm nhảm điều gì đó mà cho tới bây giờ gần năm mươi năm tôi vẫn còn nhớ cái hình ảnh hãi hùng ấy.

Bất cứ một người bình thường nào có chút kiến thức về chữ nghĩa, cũng có thể dễ dàng viết về Mẹ của mình một cách nhanh chóng! Vì đó là những gì mình thương yêu, trân giữ nhất về người đã sinh ra mình. Mẹ là tất cả của cuộc đời chúng ta.

Nhưng với tôi thì ngược lại! Tôi đã cầm bút viết gần hai mươi năm, tôi cũng muốn viết về Mẹ tôi, bởi vì suốt cuộc sống thời thơ ấu như tôi đã nói từ khi bảy tuổi tới khi trưởng thành, tôi luôn sống xa Mẹ. Trên ba mươi năm lưu vong xứ người và bây giờ lại càng xa hơn! Mẹ tôi đã ra đi vĩnh viễn về nơi chốn Phật đài! Tôi chắc như thế! Vì suốt cuộc đời của Mẹ, Người chưa hề giết một con kiến nói chi hại ai!

Mẹ tôi qua đời tính đến nay là đúng tám tháng chẵn! Đã nhiều đêm thao thức, tôi muốn viết về Mẹ như một trân trọng gìn giữ cho riêng mình suốt cuộc đời và cho con cháu đời sau đọc để biết thế hệ cha chú chúng, biết về nỗi khổ của những con người bị sinh ra trong chiến tranh và cuộc sống hệ lụy trong chiến tranh tàn khốc, lẫn đói nghèo. Và cũng đã nhiều, nhiều đêm tôi cứ trăn trở như thế! Có những đêm tôi khóc âm thầm trong phòng viết của tôi. Tôi cố nén tiếng khóc sợ vợ con nghe, nhưng cũng có đôi lần không thể kiềm hãm nỗi thương nhớ Mẹ, tôi đã khóc nức lên, làm vợ tôi thức dậy ngơ ngác sau đó mới hiểu. Và rất nhiều đêm, rất khuya, rất sâu lắng trong tiềm thức ngu ngơ, tôi bật máy xem lại những thước phim quay những ngày đám tang của Mẹ ở quê nhà mà tôi không thể về để tang cho Mẹ.

Và để đè nén những cảm xúc thương nhớ đó, đã đôi lần tôi ngồi vào bàn máy, định viết về Mẹ. Nhưng tôi lại không thể nào viết nổi một câu! Tôi đã  đọc hàng chục bài viết về Mẹ theo thể tùy bút của nhiều tác giả. Ở đó chỉ là những thương yêu dâng tràn về Mẹ. Tôi chưa thấy một bài viết nào khác hơn! Đó là lý do mà tôi không dám viết về Mẹ. Là một người cầm viết còn chút tự trọng, tôi nghĩ là đã viết về Mẹ thì phải viết những gì mình nghĩ về Mẹ, dù rằng đó là ý nghĩ của tuổi thơ còn non dại một thời!

Năm nay mùa Vu Lan lại sắp tới, tôi lấy can đảm viết tùy bút này, như một bắt đầu trở lại với văn chương sau gần mười năm bẻ bút không viết!

*
Ba tôi là một thông dịch viên tiếng Pháp cho ông quận trưởng quận Diên Khánh thuở tôi chưa ra đời. Ông từ Bình Định, làng Mỹ Chánh, vào đây sinh sống mang theo hai người con riêng, đó là chị tôi và anh tôi. Mẹ tôi có một người con riêng, ấy là anh Hai tôi; anh gốc người Hoa chính thống! Ba anh lấy Mẹ tôi được một năm thì đi theo Việt Minh và không lâu sau bị bắn chết mất xác ở Đại Điền đông. Thời ấy chiến tranh đang leo thang ghê gớm. Bọn Pháp “gạch mặt” cứ năm ba bữa từ Nha Trang kéo lên càn quét, bắn phá và bắt đàn bà, con gái hãm hiếp! Mẹ tôi tuy một con nhưng đẹp vô cùng sắc sảo! Ông Ngoại tôi thời sinh tiền thường nói đùa như vậy. Ông nói với khuôn mặt hả hê: “Mẹ mày đẹp nhất Diên Khánh!” Và cũng chính cái đẹp sắc sảo ấy, nó đã hại Mẹ tôi. Mỗi lần bọn Pháp càn phá, Ông tôi dẫn Mẹ và các Cậu, Dì chạy tuốt lên Thanh Minh tránh nạn! Có những khi không kịp, Ông tôi nhốt Mẹ vào bồ lúa rồi phủ lấp bằng những hình thức che đậy để qua mắt bọn Pháp “gạch mặt”. Nhưng rồi vì cái vết Việt Minh của người chồng, Mẹ tôi cũng bị chúng bắt và hành hạ tra tấn đến mất trí (dù rằng chỉ chút chút). Thú thật, khi lớn lên chút nữa tôi cũng tò mò muốn hỏi các Cậu, Dì về khoảng thời gian Mẹ tôi bị bắt và bị bọn Pháp tra tấn như thế nào, nhưng tôi không dám hỏi vì còn muốn giữ một cái gì đó về một người Mẹ cho dù đó là sự đau khổ tột cùng. Mấy Dì tôi thì nói, đại khái tụi Pháp cho ngồi vào thùng phi với bọt xà phòng, chúng lấy gậy gộc gõ vào mạn thùng; rồi sau đó chúng cho treo lên xà nhà đầu chúc ngược xuống và chúng đánh!

Thú thật cho đến bây giờ, vì hoàn cảnh đẩy đưa tôi không biết Ba Mẹ tôi lấy nhau từ khi nào! Tôi chỉ biết, sau hòa bình lập lại, năm 1957 chị kế tôi ra đời.

Năm sáu tuổi, Ba tôi mất sau một cơn bệnh nặng! Trong ba đứa em trai tôi, đứa nhỏ nhất mới vừa biết lẫy, bốn tháng tuổi. Hồi đó, nhà tôi ở Diên An, xeo xéo trước nhà là cây Dầu Đôi, mà những ai đã từng đi qua Quốc Lộ Một Diên Khánh hoặc Cải Lộ Tuyến đều biết vì nó vô cùng to lớn, tuổi thọ mấy trăm năm, nay vẫn còn. Lúc ấy, cơn bộc phát của Mẹ tôi đang thành hình, nhưng từ từ… Mẹ vẫn bán bánh mì trước nhà hằng đêm, nhưng có những triệu chứng không ổn!

Năm sau là Mậu Thân! Tình hình chiến sự như một nồi “súp de” không lối thoát phải bùng vỡ. Quân đội miền Bắc tràn vào miền Nam như nước lũ vỡ bờ, trải khắp mọi miền! Và căn nhà thân yêu của Mẹ tôi là nơi để giết người! Trở về sau khi sơ tán ở nhà Ông Ngoại tôi trên Thành, bảy tuổi, tôi đã thấy những cái chân, những cái tay và những đôi giầy có những bàn chân trong ấy vất đầy trong nhà và sau vườn nhà Mẹ tôi! Bà bắt đầu mất trí từ ấy.

Bảy tuổi, với tôi là một thời thơ ấu khủng khiếp! Mẹ có thể rượt tôi, các anh chị tôi với con dao cắt bánh mì trong tay, khi cơn điên xuất hiện. Hai lần mất người phối ngẫu, hai lần thấy chiến tranh tàn sát tra tấn giết người đã để lại trong Mẹ như một nhục hình tâm thức không bao giờ quên.

Rồi có những ngày, Mẹ bắt đầu đi lang thang đây đó! Nhặt nhạnh những thứ dọc ven đường! Một người mất trí đi lang thang, tất nhiên phải có cái gì xẩy đến! Mẹ bị xe nhà binh Mỹ cán! May mà không chết, chỉ bị sơ xài!

 

Hồi đó chưa có Cải Lộ Tuyến. Chiến tranh, ngày càng leo thang ác liệt! Quân đội Nam Triều Tiên, một đồng minh của Mỹ cũng tham gia chiến trường Việt Nam. Họ đóng bên kia Đại Điền Tây, vì vậy chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu mở con đường Cải Lộ Tuyến để phục vụ chiến trường. Căn nhà Mẹ tôi bị cắt xén một mảnh, và chính quyền đương thời chịu bồi thường. Bệnh mẹ ngày càng nặng. Ông Ngoại tôi bèn bắt cô con gái xinh đẹp nhất về Thành (cách không hơn hai cây số), cho một mảnh đất Từ đường, dựng lên căn nhà gạch sơ xài.

Tôi sống trong sợ sệt trong căn nhà này với Mẹ cùng các anh chị em. Tôi không biết mình có thể “bị chém” bất cứ lúc nào! Còn các anh chị em tôi thì sao? Thú thật, điều này tôi không nhớ lắm!

Mảnh đất nhà Ông Ngoại tôi lớn lắm! Lại cây trái um tùm! Ông tôi là xã trưởng, kiêm thầy bốc thuốc Bắc, coi mạch nên cũng khá giả. Ông nuôi Mẹ. Mẹ lại nuôi chúng tôi… bất bình thường. Một hôm, tôi không nhớ vì lý do gì, Mẹ xách cây đòn gánh rượt tôi chạy chí chết! Tôi chạy băng băng như con ngựa non sang nhà Ông cầu cứu! Ông tôi lúc đó đã gần chín mươi, khỏe quắc thước, đứng chống gậy đi quanh vườn. Tôi la lên: “Ông ơi! Mẹ đánh con!” Ông nhìn tôi “hóa gà ra cuốc” rồi quất gậy túi bụi vào tôi, may mà tôi tránh thoát! Thì ra Ông cũng đã bắt đầu lẫn. Nhưng Ông chạy nhanh lắm! Cây gậy đầu rồng đen nhánh mà Ông quất túi bụi, gẫy từng ngọn cây, bụi chuối làm tôi hoảng hốt vô cùng. Tôi la lên: “Ông ơi! Con là thằng Tèo đây mà!”

Mẹ thì đầu trên! Ông thì đầu dưới chặn ngang! Tôi túng thế bương đại vào nhà Ông! Bà Ngoại tôi cái tay quặt quẹo có tật, ôm cháu hét: ” Con M. kia, mày dám đánh cháu bà á? Xéo ngay! Ông nữa, dám đánh cháu Bà á!”. Ông tôi, lúc bấy giờ mới nói: “Ủa, Thằng Tèo thường mua phở cho tao ăn phải không?”

Rồi Ông mất, sau đó Bà cũng mất, sau một thời gian rất ngắn. Mẹ không biết dựa vào ai sinh sống. Mảnh đất giao cho họ hàng bán, họ giữ tiền, rồi mua gạo cho Mẹ và chúng tôi sống từng ngày.

Bảy tuổi, tôi biết thế nào là đói! Tôi khơi cho Mẹ giồng trầu, trồng cho Mẹ những cây cà, cái rau để Mẹ buôn bán sống qua ngày với đàn con. Mấy ông anh, bà chị bắt đầu phân chia tứ tán ở với họ hàng. Chúng tôi trông ngóng từng ngày phía Nội tôi từ Bình Định để tâm tới, nhưng họ vẫn làm ngơ như không có những mảnh đời manh mún máu thịt đau khổ ở Diên Khánh này!

Một hôm, Mẹ trở về với một người buôn bán chung ở chợ. Người đàn bà lam lũ kể rằng: một người nào đó, biết Mẹ có bệnh, nên khi trao đổi buôn bán, lẽ ra khi thối tiền chợ như bình thường, thì bà ta bảo Mẹ thối hết số tiền trong túi của Mẹ cho bà; và Mẹ đã trút hết số tiền trong túi cho bà ấy!

Thảm họa đến! Tôi phải đi! Tôi còn cả một tương lai trước mắt! Tôi phải học hành! Bảy tuổi, tôi đến trường dăm ba hôm rồi lại nghỉ học, cứ thế đã hơn năm…

Ngày ra đi với “cái bụng chửa vượt mặt”, với cái đầu trọc lốc loang lổ đỏ của màu vôi ăn trầu, tôi mếu máo trì níu: “Mẹ ơi! Cho con ở lại với!”. Mẹ thản nhiên nhai trầu và xỉa thuốc nói lảm nhảm điều gì đó mà cho tới bây giờ tôi không hiểu! “Mẹ ơi! Mẹ đang nhai trầu của giồng trầu con dựng lên cho Mẹ đó, biết không?”. Mẹ cười cười, nói: “Đi! Đi cho khuất mắt tao!”. Tôi xách bị áo quần dơ dáy theo người bà con về dưới phố bắt đầu cuộc sống mới.

Hình như tôi giận Mẹ! Ở tuổi thơ khoảng thời gian ấy, tôi không bao giờ trở về trong mấy năm, dù ở cách xa Mẹ không đầy nửa cây số!

Mấy năm sau, tôi mới trở về! Mẹ vẫn ngồi đó, như đóng rêu, vẫn nhí nhách nhai trầu và xỉa thuốc ở vành môi.

- Hút thuốc không? – Mẹ hỏi.

- Hút!

- Xé tấm lịch trên tường, tao vấn cho điếu thuốc!

Tôi làm theo. Mẹ vấn cho tôi điếu thuốc lá đầu đời… to tổ chảng!

- Mày là ai? Vào nhà tao cần gì?

Tôi đứng dậy, bước ra sau vườn, muốn khóc, nhưng khóc không nổi. Hai bà Dì ở bên cạnh an ủi, tôi vẫn mủi lòng, nhưng không khóc!

Mười hai tuổi, tôi nghĩ rằng không có những đứa trẻ nào khôn lớn hơn tôi về mọi hình thức! Là một người thợ chụp ảnh, làm phòng tối rửa phim ảnh, ở tuổi mười hai cuộc đời tồi bại này qua những hình ảnh chụp lén lút khiêu dâm, từ những gái điếm làm tiền thậm chí tới đứa con nít vị thành niên mà người Mỹ và người Nam Triều Tiên mua về vui chơi, tôi đã từng in ra. Cảm giác ban đầu là thỏa chí tò mò, sau đó bắt đầu sợ hãi và rồi sau đó nó như một nghề nghiệp mà mình phải theo. Tôi thấy mình chai lì cảm giác từ đó, dù đôi khi muốn chống lại.

Làm thân đi ăn đậu, ở nhờ tôi biết thân phận mình lắm. Mười hai tuổi, bốn giờ sáng tôi và chị tôi phải thức dậy làm việc từ lúc trời còn tối đen. Chị tôi thì lo giặt giủ quần áo, nấu cơm cho cả nhà có mười hai nhân mạng. Còn tôi thì phải “retouch” những tấm phim chụp cho khách, tới bảy giờ, ăn vội vã rồi vừa cuốc bộ, vừa chạy đến trường. Nhiều đêm về sáng như vậy, tôi ngồi bật khóc ngon lành trước một màn ảnh sáng lòa trong một vòng tròn nhỏ.

Tôi nức nở:

“Mẹ ơi! Sao bỏ con, để con khổ thế này!”.

Có những đêm đang ngủ mê mệt, tôi chợt vặn mình vì hai bắp chân bị vọp bẻ đau điếng. Tôi cũng khóc nức lên trách Mẹ, sao sinh tôi ra trên cõi đời này làm gì, rồi bỏ bê tôi. Sau này, tôi biết mình bị thiếu dinh dưỡng vì thiếu ăn nên bị vọp bẻ. Vì thế, tôi thường trốn lánh Mẹ mỗi khi có dịp trở về nhà Ngoại.

Một hôm, Dì tôi nói:

“Mẹ mày, hôm trước ăn cơm thừa dành cho heo tao bỏ trong lu!”.

Tôi vào nhà mở khạp gạo, thấy khạp trống trơn. Tôi ăn cắp gạo nhà người bà con, lẳng lặng đem về cho Mẹ, rồi cũng lẳng lặng đi!

Chiến tranh cứ tàn phá và giết người một cách khủng khiếp. Tôi lo học nhảy vì học trễ một năm. Nỗi sợ chiến tranh và cái chết bắt đầu rình mò ở tuổi thanh niên chúng tôi thời đó. “Rớt Tú tài, Anh đi Trung sĩ…” lại càng ám ảnh tôi hơn. Dù có đi lính, tôi vẫn muốn trở thành một sĩ quan quân đội hơn là một anh trung sĩ bất đắc chí! Tôi mải miết học…

Chiến tranh kết thúc bất ngờ! Chỉ một năm, mà cả một xã hội miền Nam không còn đất để sống. Mười bảy tuổi, cuối năm 1975 tôi có giấy gọi trình diện ở xã. Ông xã đội trưởng hỏi tôi:

“Mười bảy tuổi, mà mày đòi tình nguyện đi bộ đội à? Thằng này ngon!”.

Tôi ú ớ, ông đưa ra tờ giấy có chữ ký của tôi, về việc xin tình nguyện vào bộ đội! Tôi bảo, tôi không biết gì! Ông đuổi tôi về. Trên đường về, tôi mới chợt nghĩ ra, ai đã làm tờ đơn này. Tôi khóc cho thân phận tôi đòi, có Mẹ mà như không có của mình! Năm sau, tháng Hai tôi tình nguyện đi bộ đội, tôi không muốn bị người đẩy tôi ra khỏi nhà mà không một lời… to tiếng. Ngày lên đường nhập ngũ, tôi về thăm Mẹ lần cuối. Mẹ vẫn ngồi đó, như đã từng ngồi mười mấy năm với cái rổ con con đựng cau trầu và mải mê xỉa thuốc. Tôi muốn ôm Mẹ mà đi! Nhưng có một cái gì đó, như vô hình ngăn cản. Tôi cố nuốt nước mắt, chào Mẹ, rồi đi. Đi miết đến hai mươi mốt năm! (Vài tuần sau, ngày tôi đi, công an Tỉnh, công an Huyện, công an Xã bắt đầu tra vấn Mẹ, về tôi; vì tôi là công an biên phòng cướp tàu nhà nước. Mẹ bắt đầu lần tỉnh lại từ đó! Mấy bà Dì viết thơ qua tôi, đùa: Nhờ sợ công an mà Mẹ mày tỉnh lại!)

Năm Canh Thìn, bà chị kề gọi điện thoại qua Canada, báo Mẹ bị bệnh nặng chắc chẳng qua cơn này. Thú thật, tôi chưa hề nghĩ sẽ trở về một nơi chốn, mà tôi gọi là quê hương, tổ quốc, một quốc gia luôn chứa đựng sự thù hận muôn đời giữa người đồng tộc cội nguồn! Có nhớ Mẹ, gia đình, tôi chỉ gửi thư thăm hỏi và gửi tiền về cho Mẹ và anh em dù không nhiều. Bà chị tôi giận khi nghe tôi trình bày như trên, nói:

“Mày không về, coi như tao sẽ xé tang của mày, không cho để tang Mẹ!”.

Hai vợ chồng, cùng bốn đứa con phải trở về quê hương.

Ngày chúng tôi trở về, thì cơn bệnh của Mẹ cũng phai đi. Mẹ nằm trên giường, ôm đầu tôi rưng rưng khóc:

“Đi hai mươi mốt năm, mới chịu về!” Bà ôm từng đứa cháu hỏi han.

Tôi đẩy Mẹ trên chiếc xe lăn đi dạo quanh xóm, dẫn Mẹ đi uống cà phê các tiệm. Tôi muốn khoe rằng: tôi cũng có một người Mẹ như ai, dù năm tháng dẫu có xót xa cho cả Mẹ và tôi!

Căn nhà vẫn tối om như cũ! Tôi bàn với vợ đập cả căn nhà xuống, xây cho Mẹ một căn nhà mới tinh nguyên. Vợ tôi đồng ý, mấy ông anh bà chị thì không mấy hài lòng, vì lẽ ra số tiền ấy nên cho họ thì đúng hơn, chứ Mẹ tôi già rồi ở sao mà chẳng được! Tôi đập nhà và xây cho Mẹ một căn nhà khang trang với với ba gian theo mô thức phương Tây. Mẹ vẫn là Mẹ muôn đời của chúng con! Cuộc đời Mẹ đã kinh qua quá nhiều đau khổ và túng nghèo. Khi trưởng thành, có gia đình, có con cái lúc đó, chúng ta mới biết tình Mẹ bao la như thế nào!

Ở trong cái điên, có cái trí nhớ của người điên.

Hôm chúng tôi đi, Mẹ cố đứng dậy khỏi chiếc xe lăn, ôm chúng tôi khóc ròng. Mẹ bảo:

“Chúng mày ráng về thăm Mẹ! Mẹ chẳng sống bao lâu!”

Ở đời, con người có tiền thường sinh ra lễ nghĩa! Từ khi tôi cất nhà cho Mẹ rồi ra đi, bao nhiêu bà con đến thăm viếng Mẹ! Phía Nội tôi từ Bình Định cũng vào thăm! Mẹ cũng vui lắm, bỏ qua tất cả! Hai năm sau, chúng tôi trở về lần nữa. Lần này, Mẹ đã bị liệt toàn thân, chỉ một cánh tay phải là còn hoạt động được! Chúng tôi làm một cái lễ thượng thọ tuổi 78 thật lớn cho Mẹ, theo nghi thức của người Hoa như ông anh Cả tôi muốn.  Bà con dòng họ, hôm đó đông lắm! Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy Mẹ cúng vái chư Phật, cánh tay còn lại rung rung với nén nhang đầy khói tỏa! Mẹ vừa vái chư Phật, Tổ tiên, Mẹ vừa khóc! Tôi cũng khóc theo! Lần đầu  trong đời, tôi khóc trước mặt Mẹ và mọi người! Mặt Mẹ ngời sáng khi những món quà được mở ra. Mẹ cười móm mém, mà suốt cuộc đời tôi chưa hề thấy Mẹ cười. Tôi cũng cười, nhưng nước mắt vòng quanh.

Năm sau, ngày 30 tháng 11 năm 2005, tôi gọi điện thoại về bà chị kề. Chị hốt hoảng bảo: “Mẹ sắp đi rồi! Mẹ cứ bảo chờ em về mới chịu đi! Chị điện em nhiều ngày rồi mà không gặp!”. Thì ra, trong cơn hốt hoảng, chị đã gọi tôi ở số cũ! Đó là lúc mười hai giờ đêm bên này, tức ba giờ sáng ở Việt Nam. Tôi biết, Mẹ đang “nuối” tôi nhưng dần dừ chưa chịu đi trong thanh thản. Tôi bảo chị đưa điện thoại cho Mẹ, tôi muốn nói đôi lời. Tôi nói với Mẹ, vì thời gian cấp bách quá, nên tôi không thể lấy vé máy bay về ngay được, mong Mẹ tha lỗi tội bất hiếu trước giờ lâm chung của Mẹ! Mẹ ờ ờ trong điện thoại rồi lịm dần.

Tôi khóc nức lên trong điện thoại: “Mẹ ơi! Làm người sao khổ thế này! Kiếp sau, luân hồi xin làm con chim bay mãi ở tận trời cao!”

Mẹ đi vào chốn Phật đài vĩnh viễn, lúc 5 giờ 16 phút ngày 1 tháng 12 năm 2005.

Tôi chắc thế!

(Khởi viết: 1/8, hoàn tất 1:35 am 2/8/2006
Vancouver, Canada)

Vũ Đình Kh.

(Mùa Vu Lan viết cho Mẹ)