Home Văn Học Tùy Bút Mười sáu tuổi đời, ba tháng tuổi lính Mũ xanh

Mười sáu tuổi đời, ba tháng tuổi lính Mũ xanh PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn khắp Nơi   
Chúa Nhật, 01 Tháng 8 Năm 2010 12:12

- Viết theo lời kể của Binh Nhì Nguyễn Thiệu, Tiểu Đoàn 1 Quái Điểu Thủy Quân Lục Chiến.

- Viết cho NGÀY QUÂN LỰC 19 THÁNG 6 CỦA QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA.

Thân tặng các bạn hữu cùng Tiểu Đoàn và các chàng trai kiêu hùng trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến và các binh chủng khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

 

Quê tôi ở vùng Quảng Điền, Thừa Thiên, miền Trung.

Ba tôi làm lính Địa Phương Quân, đóng ở gần nhà. Một vài lần, lúc nghỉ hè, trong khi những đứa nhỏ khác lo đi bắn chim, đi bắt cá, thì tôi theo ba tôi đi gác, đi hành quân quanh vùng. Đời lính đã thấm vào tôi từ đó.

Một hôm, ba tôi không về nhà, vì súng đạn nổ liên miên ngoài đồn lính của ba.  Mệ tôi vội đem hai anh em tôi xuống hầm tránh đạn, nhưng tôi đã quen với tiếng súng nổ rồi, nên cứ ló đầu lên mà nhìn ra ngoài xem chuyện gì đã xầy ra?  Tôi chỉ thấy những buớc chân di chuyển vội vã và súng lớn súng nhỏ nổ vang chứ không biết gì hơn. Tôi mong cho trời mau sáng để ra khỏi hầm đi tìm ba.

Tới sáng, tiếng súng thưa dần, mệ tôi chui ra trước, nghe trước nghe sau, không còn tiêng súng nữa, anh em tôi mới được bò lên sau. Mặc dù mệ tôi cấm không cho ra khỏi nhà, tôi cũng lén đi tới đồn tìm ba tôi. Dọc đường đi, có rất nhiều trạm gác  và dây kẽm gai bao quanh, có những người lính rất là lạ đứng gác cùng với những người lính Địa phương quân bạn của ba tôi. Những người lính này rất trẻ tuổi, họ mặc quần áo lính mầu rằn ri đen rất là lạ mắt.

Đương nhiên những người lính này không biết tôi là ai rồi, nên họ đã đã bắt tôi dừng lại, không cho tới gần trạm gác. Nhưng những người bạn của ba tôi thì biết mặt tôi, họ nói với một người lính kia:

“Thằng đó là thằng Thiệu, ba nó làm lính đóng đồn chung với tụi tui. Nó đi kiếm ba nó đó, cho nó qua đi, ba nó còn ở trỏng đó.”

Thế là tôi được cho phép đi qua trạm gác.

Tới đồn lính, đồn đã bị xập nhiều chỗ, ba tôi bị thương, băng ở đùi, nằm ở trên băng ca, nhưng vẫn còn tỉnh. Ba đưa tay ôm lấy đầu tôi, hỏi:

“Mạ và anh hai có bình yên hay không?”

Tôi trả lời tất cả bình yên rồi lo lắng nhìn vết thuơng của ba. Ba tôi than khát nước, tôi chạy đi tìm nước.

Thấy một anh lính mặc đồ rằn ri đen đứng ở gần đó, một tay anh cầm súng chĩa lên trời, tay kia đưa điếu thuốc lên môi, rít một hơi dài, rồi anh hát một bài hát gì đó mà tôi chỉ nhớ loáng thoáng:

“Tháng Giêng xuôi quân ra Huế
Cố đô hoang vu điêu tàn
Bãi học chiều em vắng bóng
Tóc thề đã quấn khăn tang . . . “
(Hành trình Thủy Quân Lục Chiên- Thơ Phạm Văn Bình)

Tôi chạy tới xin anh chút nước:

“Chú lính ơi, ba của em bị thuơng nằm ở đằng kia, xin chú chút nước cho ba em uống”

Chú lính đưa bi đông nước của chú cho tôi, nhưng cũng chạy theo tôi về chỗ ba đang nằm. Tôi lính quýnh không biết làm sao cho ba uống, chú lính cầm lấy cái bi đông, mở bao ra lấy cái cà mèn gắn kèm theo, đổ nước vào đưa cho ba tôi uống. Chú nói ba tôi: “Ráng chờ một chút nữa, sẽ có trực thăng tải thương”.

Tôi nhìn chú lính, cười tươi cám ơn.

Lần đầu tiên tôi được nhìn một người lính. Một người lính thật là oai hùng, thật nhanh nhẹn. Chú mang súng khác với ba tôi (vì trên đầu nòng súng có hình chữ V ngược) và đạn đeo đầy người, chỗ nào cũng móc lựu đạn, túi áo cũng có nữa.

Ba nhìn tôi, nhìn chú lính, rồi hãnh diện khoe với tôi:

“Đó là lính Thủy Quân Lục Chiến đó!

 Tối qua bọn Việt cộng tấn công đồn muốn chiếm cái cầu của tỉnh mình. May quá, có anh em Thủy Quân Lục Chiến tới giải vây, nên đồn của ba mới còn đó. Chính chú lính này đã cõng ba vào trong đồn khi ba bị bắn ở ngoài hố cá nhân đó. Thủy Quân Lục Chiến là lính nhà nghề, họ đánh trận giỏi và lì ghê nơi! Bọn Việt cộng sợ lính này lắm đó nhe con. ”

Tôi mới gặp những người lính Thủy Quân Lục Chiến là đã thấy có cảm tình với họ rồi, nay lại nghe ba tôi khen những người lính này nữa, thì tôi càng có cảm tình với họ hơn. Tôi thích thú nhìn chăm chăm vào bộ quân phục của chú lính, thứ gì tôi cũng thấy lạ, tôi muốn đưa tay rờ vào khẩu súng của chú, nhưng không dám. Chú lính thấy tôi thích đồ lính, chú lột cái nón sắt đang đội trên đầu xuống đội lên đầu tôi. Tôi khoái chí ra mặt, nhưng cái nón sắt nặng quá, đè cái đầu của tôi xuống, làm tôi đứng không muốn vững.

Tôi nhảy cà tưng chung quanh chú, đột nhiên nắm tay ba tôi mà nói:

“Mai mốt con lớn, con cũng đăng lính . . . Thủy Quân Lục Chiến như chú này, để đánh Việt cộng, để cứu dân, để cứu ba và những người lính khác nữa.”

Chú lính cười thật hiền lành, nhìn tôi nói:

“Muốn đăng lính Thủy Quân Lục Chiến hả? Phải vô Sài Gòn mới đăng được, chứ ở đây không có trung tâm tuyển mộ.

Tôi không biết Sài Gòn là đâu? Nhưng chắc là xa lắm, đi không tới, nên mặt mày tôi buồn hiu.

Lúc nghe nói ba tôi sẽ được tải thương về bệnh viện Tỉnh, tôi mới vội chạy về nhà cho mệ tôi hay, rồi dắt mệ chạy vào đồn để đi theo ba vào bệnh viện.

Một lúc sau thì trực thăng tới, nhưng mệ con tôi không được đi theo ba, vì trực thăng chỉ chở thương binh mà thôi. Họ nói chúng tôi phải đi xe đò tới bệnh việt tình mà kiếm ba . . . .

Sau khi mổ, ba tôi phải chống nạng chứ không đi đứng bình thường được nữa.

Khoàng một năm sau, ba tôi xin giải ngũ, cả nhà theo chú tôi về Vũng Tàu. Chú tôi có căn tiệm sửa xe gắn máy, ba tôi làm phụ.

Anh em tôi được đi học  trở lại.

Lính Thủy quân lục chiến đóng ở Vũng Tầu nhiều lắm. Mỗi lần đi học về, tôi tha hồ ngắm những thần tượng mặc quân phục rằn ri đen. Tôi muốn đăng lính này lắm, nhưng còn quá nhỏ tuổi, phải ráng chờ.

Mấy thằng bạn cùng xóm với tôi đã đăng Thủy Quân Lục Chiến hết rồi. Mấy tháng sau nó được nghỉ phép về thăm tôi, đứa nào đứa nấy mặc bộ đồ bông mới tinh!

Chúng nó khoe:

“Đi lính nào cũng giống nhau, cũng đánh Việt cộng, cũng bảo vệ đất nuớc. Nhưng . . .

Đăng lính Thủy Quân Lục Chiến mới . . . ngầu!

Lính này được huấn luyện nhiều, kỹ càng, nên đánh giặc ngon lành lắm. Phải đi lính cỡ này mới đánh tụi Việt cộng tới bến được. Phải đuổi chúng nó về miền Bắc, thì dân mình ở miền Nam mới được yên vui”.

Một thằng cởi nút áo, banh ra hãnh diện khoe hình xâm trước ngực:

Cái đầu lâu với hai khúc xương tréo nhau, ở dưới có hàng chữ:

“Thủy Quân Lục Chiến . . . Sát Cộng.”

Tôi nhìn mấy đứa bạn, mắt ánh lên tia mắt cảm phục, thêm chút ganh tị.

Mỗi lần đi theo mệ ra chợ, bất chợt, tôi thấy một cái chòi nhỏ, có ghi hàng chữ:

“Trạm Tuyển Mộ Thủy Quân Lục Chiến”.

Một người lính mặc bộ đồ bông rằn ri đen, đội mũ xanh, huy chương đeo đầy ngực đang ngồi ở trong đó nói chuyện với vài đứa đồng trang lứa với tôi. Tôi tới gần, nhìn thấy tấm bảng tuyển mộ nhập ngũ, vẽ hình một người lính Thủy Quân Lục Chiến cầm súng trong thế xung phong, bên cạnh có hàng chữ lớn:

“Muốn sống hùng sống mạnh, hãy gia nhập Thủy Quân Lục Chiến”

Trước mặt người lính là một tấm bảng nữa, mầu đỏ, ghi dòng chữ:

“Thủy Quân Lục Chiến, Sát Cộng.”

Làm cho tôi muốn gia nhập đơn vị này ngay lập tức. Tôi tới gần mấy đứa đang hí hoáy viết đơn, người Trung Sĩ tuyển mộ nhìn tôi cười:

“Em có muốn đăng Thủy Quân Lục Chiến không?”

Tôi ngập ngừng trả lời:

-“Muốn chớ!”

-“Vậy thì đăng liền đi, ngày mốt là có xe chở về trung tâm huấn luyện rồi đó.” 

-“Ngày mốt à?”

Làm sao bây giở? Cận ngày quá rồi.

Tôi chợt nghĩ ra một kế!

Tôi vừa đi trở về nhà, vừa suy nghĩ:

Mấy bữa trước, ba tôi đưa anh em chúng tôi đi Hội đồng xã để làm giấy thế vì khai sanh. Khi về nhà, ba tôi để cặp táp trên đầu tủ, rồi ra đường sửa xe phụ với chú Ba tôi. Cái  cặp táp chắc chắn vẫn còn nằm yên trên đầu tủ.

Tôi về nhà, dòm trước dòm sau: Không có ai. Tôi vội vàng nhào tới cái tủ, với tay lấy cái cặp táp xuống, lẹ làng mở ra kiếm xấp giấy khai sanh. Tôi lựa tấm khai sanh của anh Hai Thắng, xếp nhỏ lại bỏ trong túi quần rồi bỏ cặp táp trở lại chỗ cũ.

Tay chân tôi lạnh tanh, mồ hôi túa ra đầy người. Đúng là đi ăn trộm lần đầu! Ai mà thấy tôi bây giờ là biết ngay tôi đang làm gì.

Tôi ráng lấy bình tĩnh, đi bộ trở lại trạm tuyển mộ. May quá, anh lính còn đó.

Tôi lấy hết can đảm hít một hơi dài, móc túi lấy ra tấm giấy khai sanh đưa cho anh, giọng run run:

“Em muốn . . . đăng lính Thủy Quân Lục Chiến.”

Người lính vui vẻ cầm tấm giấy khai sanh tôi vừa đưa ra, đọc lớn:

“Nguyễn Thắng, sinh ngày 02 tháng 10 năm 1949.

Đúng 17 tuổi rồi. Đăng lính Thủy Quân Lục Chiến được rồi!”

Anh đưa tấm giấy có in hàng chữ:

“Đơn xin tình nguyện gia nhập Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến”    

Trên đầu tấm giấy có in hình con Ó xòe cánh đứng trên quả địa cầu, mà tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu tôi cho đến ngày hôm nay, cho đến mãi mãi.

Tôi lính quýnh điền tên vô. Tới phần ngày sanh, đâu phải là ngày sanh cùa tôi tôi đâu mà tôi nhớ! Nên tôi làm bộ hỏi anh lính xin lại tấm giấy khai sanh để điền cho trúng, rồi ký tên.

Anh lính tuyển mộ thâu đơn, dặn tôi:

-“Ngày mốt, đúng 8 giờ sáng, em lại đây, sẽ có xe GMC chở về Trung Tâm Huấn Luyện.”

Tôi hăng hái đứng nghiêm, làm như mình đã là lính rồi, đưa tay chào anh lính:

-“Tuân lệnh!”

Đúng ngày giờ, tôi cũng xách cặp táp đi học, nhưng trong cặp táp không có cuốn sách cuốn vở nào hết, mà chỉ có mấy tấm giấy học trò mà cô bạn gái gởi thơ cho tôi và một bộ quần áo.

Có khoảng 10 đứa con trai cùng trang lứa với tôi tại địa điểm tập trung. Tụi tôi quen mặt nhau hết, nên cười nói với nhau thật là vui vẻ.

Anh lính tuyển mộ tập họp toán lính mới, đọc tên từng đứa. Khi anh đọc tới tên:

“Nguyễn Thắng.”

Cả đám thấy tôi đưa tay, chúng nó ngạc nhiên, hỏi tôi:

-“Bộ mày . . . tên Thắng hả?”

Tôi trả lời tỉnh bơ:

-“Thắng là tên trong khai sanh của tao.”

Khi lên xe rồi, chợt cô bạn gái của tôi đi chợ ngang qua. Nhìn thấy tôi ngồi trên xe, Lài  ngạc nhiên chạy lại hỏi thăm:

-“Bộ anh  . . . đăng lính hả?”

-“Ừa, tui đăng lính Thủy Quân Lục Chiến.

Mà Lài . . . đừng có nói cho ba mệ tui hay nhen! Đợi tháng tới hãy nói . . . Mà cũng đừng nói là tui đăng lính này nhen!”

 Tôi làm gan đưa tay ra nắm lấy tay Lài chào từ giã. Lài đứng yên cho tôi nắm tay cô, đây là lần đầu tiên tôi được nắm bài tay của Lài, cả người tôi nóng lên vì hạnh phúc, vì sung sướng. Lài của tôi cũng cảm động lắm, cô móc bóp một hồi, lấy cái khăn tay có thêu tên của cô, gói cái gì đó ở trong, rồi đưa cho tôi mà nói như khóc:

-“Nè . . . cho anh đó! Ráng xài nhín thôi nha!”

Khi xe chạy rồi, cô chạy theo xe, nói lời cuối cùng:

“Chừng nào về phép, nhớ ghé thăm . . . em nha!”

Đó là lần đầu tiên Lài xưng “EM” với tôi. Trước giờ, mỗi khi nói chuyện với nhau, Lài xưng “TUI” và tôi cũng xưng “TUI” với cô thôi hà.

Tôi đã trải qua ba tháng huấn luyện tại Trung Tâm Huấn Luyện “Rừng Cấm”.

Những đêm thực tập gác, tôi quả thực nhớ nhà, nhớ ba mệ tôi, dù sao, tôi cũng chỉ là một đứa nhỏ mới mười sáu tuổi đời.

Nhưng, dù là mới mười sáu, tôi đã rất là nhớ tới Lài, người bạn gái mà lần đầu tiên tôi đã được nắm bàn tay ngọc:

“Ba-lô lên vai tới miền Tây Đô
Quê hương em xanh xanh ngợp bóng dừa
Đêm ngủ bìa rừng thèm làn môi ấm
Ngọt trái sầu riêng này lúc giao mùa. . .”

 Mãn khóa, tôi được đưa về phục vụ tại Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến.

Khi lãnh đồ, được ông Thượng Sĩ thủ kho phát cho  cái huy hiệu“QUÁI ĐIỂU”, tôi mới biết là tiểu đoàn của tôi là tiểu đoàn được thành lập đầu tiên của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Ngoài cái tên chính thức là “Tiểu Đoàn 1” tiển đoàn này còn có một cái tên đặc biệt nữa là

“Quái Điểu” .

Nhìn tấm huy hiệu, tôi sung sướng thầm nghĩ:

“Vậy mình là thằng lính Thủy Quân Lục Chiến ngon lành nhất trong đám bạn bè rồi!

 Đời lính của tôi bắt đầu bằng con số 1: Tôi được bổ xung vào Trung đội 1 (do Thiếu Úy Thanh làm Trung đội trưởng) trực thuộc Đại đội 1 của Tiểu đoàn 1.

Khoảng tháng 10 năm 1967, tiểu đoàn của tôi đi hành quân dọc theo Quốc lộ 4, quận Cai Lậy tỉnh Định Tường (chính nơi đây đã xẩy ra trận đánh đầu tiên của cuộc chiến tranh ở Miền Nam: Trận Ấp Bắc, tháng 1 năm 1963). Tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến đụng độ liên miên với đám quân chính quy mới từ miền Bắc vào (lâu quá rồi, tôi không nhớ chúng thuộc Trung đoàn mấy? Sư đoàn nào nữa!). Biết bao nhiêu là máy bay, xe tăng, xe lội nước M113 tham chiến cùng với lính Mũ Xanh. Bọn Việt cộng sau vài ngày đánh dai dẳng với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã tan hàng chạy sâu vào những kinh lạch chằng chịt trong vùng để lẩn trốn.

 Qua ngày thứ tư, trung đội tôi được lệnh thay quần áo bà ba đen để đi truy kích bọn Việt cộng ở những bờ kinh 10 và 12.  Chúng tôi từng tổ 3 người mặc đồ đen, dấu súng dưới lườn ghe giả dạng dân đi bắt cá, hễ gặp bọn Việt cộng là nổ súng liền lập tức. Tôi bơi lặn giỏi nên được ngồi với Thiếu úy Thanh ở ngay chiếc ghe đầu tiên. Khi thấy chỗ nào khả nghi, ông ra lệnh cho tôi nhẩy xuống nước lặn một hơi tới gần bờ để thám thính.

Sau một ngày hành quân mệt mỏi, chúng tôi được lệnh về nghỉ ngơi, giữ an ninh cho Đại đội đóng gần cầu Bình Phú.

Buổi tối hôm đó, phiên gác của tôi bắt đầu lúc 12 giờ đêm. Vì nhiệm vụ canh gác tại nơi chiến trận rất là quan trọng, nên Thiếu úy Thanh đã không dám ngủ, ông đi lòng vòng kiểm soát các chốt gác và khi đến phiên tôi thì đích thân ông đến đánh thức tôi dậy để cùng đến tận nơi chòi gác, nằm sát bên bờ kinh. 

Vừa mới trao đổi mật khẩu, tôi chưa kịp bàn giao thì đã nghe tịếng súng nổ thật lớn ở bên tai: Một trái phá đã nổ tung cả thân cây nơi hai người bạn của tôi đang gác ở trên đó, thân cây gẫy gập xuống, kéo theo cái chòi nhỏ xuống kinh. Cả bọn tôi quay súng bắn lia lịa về phía địch quân đang ở rất gần chúng tôi. Tiếng súng cũng nổ thật nhiều về hướng Đại đội 1.

Thiếu úy Thanh vội vàng gọi máy báo cho Đại đội:

“Việt cộng tấn công!”

Rồi ông buông máy, vừa bắn vừa ra lệnh cho tôi rút lui về phía bờ kinh, vì không thể nào rút lui về phía Trung đội được. Tới sát bờ rồi mà bọn chúng càng lúc càng bắn rát, bọn Việt cộng đông lắm, chúng có vẻ như bắt đầu phản công. Súng lớn súng nhỏ nhắm vào chúng tôi mà bắn lia chia. Cùng đường rồi, chúng tôi nhẩy luôn xuống kinh lặn qua bờ bên kia, hy vọng tìm được chỗ núp mà bắn trở lại.

Tôi chưa kịp lặn thì đã bị trúng đạn. Hầu như khắp thân thể của tôi đều lãnh đạn, nhưng nặng nhất là ở chân phải của tôi, cái chân hầu như không còn cử động được nữa. Tay phải cầm súng của tôi cũng bị trúng đạn, trúng ngay vào phần trên bàn tay, tôi không còn sức giữ khẩu súng nữa. Máu ra nhiều quá, tôi bất tỉnh buông tay chìm dần xuống đáy kinh.

Tới đáy kinh, bản năng sinh tồn của tôi vùng dậy, tôi há miệng hét lên một tiếng, nước ùa vào miệng làm tôi sặc sụa. Tôi lấy hết tàn lực khua tay trồi lên mặt nước: Tới giữa con kinh rồi, đạn đã không còn bắt riết nữa và tôi cũng đã hết hơi rồi, thả nổi vào tới bờ.

Tới chỗ cạn, tôi ráng lết lên bờ, vừa lết, tôi vừa nhìn quanh để tìm Thiếu úy Thanh, nhưng không thấy ông đâu cả. Chung quanh tôi, toàn những người mặc đồ đen. Tôi nhớ chỉ có một trung đội của tôi là được phép mặc đồ đen mà thôi, bây giờ sao mà nhiều đồ đen quá vậy? Kỳ lạ hơn nữa, toàn là những người bị thuơng thôi hà! Không lẽ chỉ mới đánh có chút xíu mà cả trung đội của tôi bị thuơng hết rồi sao?

Tôi ráng lết tới chỗ một người mặc đồ đen giống tôi để hỏi thăm. Tôi chưa kịp hỏi thì tên này đã nhìn tôi mà hỏi trước:

“Đồng chí ở K mấy?”

Tôi đang lạnh rung lập cập, khi nghe tên này hỏi như vậy, tôi lại càng cảm thấy lạnh hơn nữa. Nhưng lạnh quá, tôi đâm ra hết rung, đưa mặt nhìn tên này: Nó chính là đám Việt cộng bị lính Thủy Quân Lục Chiến đánh cho te tua, lớp chết lớp bị thương nằm ngồi la liệt ở đây.

Tôi loáng thoáng nghe bọn chúng nói với nhau:

“K3 . . . K4”    

Nên tôi cũng làm liều, tôi nhìn tên Việt Cộng, trả lời hắn:

“Tôi ở K4!”

Tên Việt cộng đưa tay chỉ qua bên trái:

“K4 thì qua bên kia.”

Tôi theo hướng chỉ tay của tên Việt cộng, ráng lết về căn chòi ở đó. Tới nơi, một đứa con gái đưa cho tôi một miếng vải kêu tôi buộc chặt chân phải lại, cho máu bớt tuôn ra. Tôi cũng cầm lấy nhưng không thể nào cột lại được, vì tay phải tôi cũng bị thương nặng lắm. Cuối cùng, tôi cũng dùng răng và cánh tay còn lại ráng cột vết thương chân, còn cánh tay thì chịu chết, không làm gì được hết.

Bọn Việt cộng chung quanh tôi cũng không khá gì hơn, có thể còn tệ hơn tôi nhiều lắm. Đa số bọn chúng, nếu không bị cháy vì bom máy bay, cũng bị đạn đại liên bắn thấu xương, khó mà băng bó được. Mà muốn băng cũng không có gì để mà băng, vì tên nào cũng chỉ được phát cho một miếng vải mầu đen giống tôi mà thôi, chứ chẳng có thuốc men gì hết. Tôi ráng nằm nghiêng về phía bên trái để lấy sức, cảm thấy có cái gì cồm cộm ở dưới bắp chân. Tôi đưa cánh tay lành lặn từ từ mò xuống: Tôi mừng hết cỡ, vì đó là cái lưỡi lê mà từ sáng tôi vẫn mang ở bắp chân khi lặn xuống nước thám thính.

Tôi vững bụng, nằm im nghỉ ngơi.

Trời gần sáng, tôi nghe có nhiều tiếng ghe cặp bờ. có một tiếng nói vang lên:

“Các đồng chí tranh thủ dẫn nhau xuống ghe đi trở về K!”

Tôi rụng rời chân tay, suy nghĩ thật nhanh:

“Làm sao bây giờ? Về trại cúa chúng, chắc chắn là lộ tẩy rồi, làm sao mà thoát?

Có muốn trốn thì cũng đã quá trễ rồi! Vả lại, tôi cũng không còn sức để mà trốn nữa.

Thôi thì, tới đâu thì tới, cứ việc khai mình là  lính. Đằng nào cũng chết, nhưng chết với tư cách là một Thủy Quân Lục Chiến,  cũng vẫn còn oai hùng hơn là giả Việt cộng để bị chúng khám phá ra, chúng giết thê thảm nhục nhã.”

Nghĩ thế, tôi yên tâm ngồi nghỉ, tay nắm chặt chuôi lưỡi lê. Mạng đổi mạng đó.

Một lúc sau, một tên đội nón cối đi tới, có một tên nữ đi theo, tới hỏi tên và đơn vị của từng người rồi khiêng đi. Tới phiên tôi, tên nữ hỏi tôi cộc lốc:

“ K mấy? Bị thương nặng quá hả? Bọn Ngụy thật là tàn ác, bị thương thế này thì còn sống làm sao được nữa chứ!”

Tôi cũng sẵng giọng, trả lời liền:

“Lính Thủy Quân Lục Chiến đây! Chẳng có K nào hết!”

Tên đội nón cối hoảng hốt, vội vàng lùi lại phía sau, đưa tay rút khẩu súng ngắn ra đứng thủ thế, muốn bắn vào tôi. Tên nữ còn hoảng hốt hơn nữa, y vội buông xấp vải đen chạy túa ra ngoài la chói lói.

Một tên Việt cộng bị thuơng nằm kế bên tôi, thấy vậy, lên tiếng:

“Nó bị thương gần chết rồi, còn tay chân đâu nữa mà bắn!

Mới có nghe tiếng “Thủy Quân Lục Chiến” mà đã sợ đái trong quần rồi. Giải phóng ai? Giải phóng cái tổ cha tụi mày đó hả?”

Tên đội nón cối lấy lại bình tĩnh, từ từ tiến lại phía tôi thăm chừng. Đứa con gái cũng trở vào chòi, nó nhìn tôi một lúc, bất thần dựt cái khăn đen đang cột dưới chân tôi:

“Bọn Ngụy chúng mày không đáng băng bó!”

Bàn tay của nó đụng mạnh vào vết thương của tôi. Tôi đau quá, hét lên một tiếngt thật lớn, làm cả bọn vội vàng co người lại thủ thế.

Lát sau, chúng từ từ lôi hết đồng bọn đi, để lại tôi một mình trong chòi. Tôi ráng sức bình sinh, mở mấy cái móc lấy cái bao lưỡi lê ra, kéo ống quần lên gắn vào chân rồi phủ ống quần ra ngoài.

Ba tên Việt cộng đi vào, hai tên chỉa súng vào tôi, một tên còn lại lấy sợi dây tính trói tay tôi lại, nhưng tay tôi toàn máu, nhớp nhúa trơn lùi, nên nó không biết làm sao, cứ đứng lớ ngớ đó. Cuối cùng, chúng không trói tôi nữa, cứ thế lôi tôi xềnh xệch ra bến, thẩy lên một chiếc ghe, sừa soạn bơi vào bưng.  Một tên ngồi sát bên tôi canh chừng, hai tên kia bắt đầu chèo đi.

Nước lạnh làm tôi tỉnh táo lại. tôi suy nghĩ thật nhanh:

“Có muốn thoát thì phải thoát ngay trên con kinh này, chứ để tụi nó đưa vào bưng, chắc chắn sẽ bị chết thê thảm.”

Lúc này, tôi đoán chừng khoảng 3 giờ sáng, chỉ cần sống sót vài tiếng đồng hồ nữa thôi, máy bay của mình lên là có hy vọng sống sót.

Bất chợt, nhanh hơn là tôi dự đoán, có tiếng trực thăng bay đâu đó. Cà toán đang chèo ghe vội vàng ép sát vào những lùm cây trốn ánh đèn từ trên cao rọi xuống. Máy bay bay khuất, cả đám lại ra sức chèo. Tôi đã nghĩ ra một cách.

Lại có tiếng máy bay, bọn Việt cộng lại hoảng hốt lách xuồng trốn vào bụi. Tôi ráng hết sức bình sinh lắc qua lắc lại, làm như bị xuồng quay nhanh quá, không giữ thăng bằng nổi. Bọn Việt cộng lo tìm đường trốn, cứ thế chèo thục mạng.

Tôi lắc một cú chót, nguyên chiếc xuống lật úp, chìm lỉm.

Tiếng máy bay bay lòng vòng xa xa cũng đủ làm cho chiếc ghe phía sau tôi lo trốn chứ không còn hồn vía đâu mà tìm bắt lại tôi và tìm vớt đồng bọn.

Tôi lặn một hơi qua bên bờ bên kia, núp dưới một chùm cây rậm rạp. Ngoài tôi ra, không có tên nào trồi lên mặt nước hết, nên tôi đoán là cả bọn chúng đã bị chết chìm hết rồi.

Nước lạnh làm cho tôi tỉnh táo thêm, và cũng làm cho các vết thuơng của tôi ngưng chẩy máu. Tôi đứng im trong bùn chờ cơ hội thoát thân.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, tôi nghe có nhiều tiếng mái chèo khua nước. Tôi hoảng hồn hụp xuống chỉ ló lỗ mũi lên thở mà thôi. Có hai chiếc ghe vọt qua tôi thật lẹ, tôi không dám nhìn, vì sợ đó là ghe của bọn Việt cộng đi tìm đồng bọn, và tìm cách bắt tôi trở lại. Một lát sau, lại có một chiếc ghe nữa bơi ngang, tôi lại cố gắng núp chứ không dám nhìn. Lạnh quá rồi, tôi mà ngâm mình dưới nước một hồi nữa thì e khó sống, khỏi cần chờ tới phiên tụi nó bắt tôi. Cái lưỡi lê còn bên mình, tôi phải tìm đường sống.

Tôi lại suy nghĩ, nhớ lại lời ông Thiếu úy Thanh:

“Buổi tối, bọn Việt cộng sợ quân mình tấn công vô bưng của chúng, nên bằng mọi cách đã cầm giữ dân ở lại với chúng. Tới sáng, dân chúng biết sẽ có máy bay tới thả bom, hoặc lính Quốc gia tấn công vô, nên họ cũng lại tìm mọi cách để thoát ra ngoài.

Như vậy, có thể những chiếc ghe vừa mới chèo qua mặt mình, là ghe từ trong bưng đi ra. Chắc chắn là ghe của dân rồi. Cứ chặn đại một chiếc mà leo lên. Nếu đó là ghe của dân thì có đường sống. Còn nếu số xui, gặp ghe Việt cộng thì . . . Đằng nào cũng tới số, Mạng đổi mạng. Thủy Quân Lục Chiến . . . Sát cộng mà!

Lại có tiếng ghe chèo tới, tôi nghe rõ ràng là từ trong bưng chèo ra. Đợi cho ghe tới gần, tôi từ từ bơi ra chặn đường. May quá, chiếc ghe bơi không quá mau, nên tôi nương theo nắm được một bên ghe đeo theo. Chiếc ghe tròng trành muốn lật, tôi chờ cho người chèo phía sau vừa đưa dầm xuống nước là tôi nắm cái dầm kéo mạnh một cái. Người chèo xuồng mất thăng bằng té một cái

“Ùm”

Xuống nước.

Người chèo mũi vội xoay người lại hỏi:

“Gì đó ba?”

Người té xuống nước chưa kịp leo lên ghe, người chèo mũi chưa kịp biết chuyện gì xẩy ra thì tôi đã phóng người từ dưới nước lên ghe, tay đưa lưỡi lê sát cần cổ người chèo mũi, giọng thật dữ dằn:

“Lính Thủy Quân Lục Chiến đây! Ngồi im. Cử động là tao đâm chết liền!”

Đồng thời, tôi quay về phía người đang lụp chụp dưới nước, hỏi:

“Ai ở dưới đó? Dân hay là Việt Cộng?”

Người ở dưới nước bị té bất ngờ, con đang bị xặc nước, không trả lơi được. Tôi nghe người trên ghe lên tiếng, giọng nói rung rẩy muốn khóc:

“Ba có sao hông ba?

Tụi tui là  . . . dân mà, chú lính ơi . . .”

Tôi nghe cô gái trả lời mà nhẹ cả người.

Tôi bỏ lưỡi lê xuống, đưa cái dầm xuống nước cho người dưới nước nắm lấy rồi kéo lên. Cô gái không còn bị tôi chĩa dao nữa, cũng bước lui ra sau đưa tay kéo ba của cô lên. Hai cha con rung rẩy ôm nhau, nhìn tôi khóc năn nỉ:

“Cha con tui bị bọn Việt cộng giữ tối qua, tới chạng sáng, ráng trốn xuống ghe chèo ra tỉnh. Xin ông tha mạng, đừng có giết tụi tui tội nghiệp . . . “

Tôi mừng quá, biết rõ là hai người dân, tôi có đường sống rồi.

Tôi vội vàng lên tiếng trấn an hai cha con:

“Tôi là lính Thủy Quân Lục Chiến, lính Cộng Hòa. Tôi đánh với Việt cộng, bị thương rớt xuống kinh. Nhờ hai cha con ông cho tôi quá giang ra tỉnh, tôi cám ơn nhiều lắm . . .”

Tôi chỉ nói được có nhiêu đó. Sức tôi cũng chỉ còn nhiêu đó. Nói xong, tôi té xỉu cái đùng xuống ghe, không còn biết gì nữa.

Tôi tỉnh dậy khi có tiếng người kêu bên tai:

“Tỉnh dậy đi chú lính . . . Tỉnh dậy đi . . . tới chợ Bình Phú rồi!”

Tôi chỉ nghe loáng thoáng tiếng được tiếng không, nhưng không thể nào nhúc nhích chân tay hoặc lên tiếng trả lời được.

Một hồi sau, tôi nghe tiếng trực thăng, rồi có nhiều bàn tay dở hổng tôi lên. Người tôi trôi bồng bềnh bồng bềnh như là đang ở trên mây. . .

 Tôi tỉnh lại để được y tá cho hay, tôi đang ở Bệnh Viện 3 Dã Chiến. 

Bác sĩ tới khám, đưa cho tôi coi một đống đầu đạn:

“Một viên ở cánh tay phải, hai viên ở bắp chân phải. Còn một viên nữa, nằm gần đường gân quá, không mổ được. Chú còn sống tới giờ là may mắn lắm đó!”

Tới ngày thứ mười, tôi đã khá chút đỉnh, có thể chống gậy đi tới đi lui.

Bác sĩ khám cho tôi lần chót, nói:

“Chân của chú ở bệnh viện này không đủ dụng cụ để mổ, chú phải về Bệnh Viện Cộng Hòa mới có thể mổ được.

Nếu chờ xe đưa về, sẽ rất lâu, chân cúa chú sẽ bị tật luôn,suốt đời không đi được nữa.

Nếu chú muốn, bệnh viện sẽ đưa hồ sơ bệnh lý, cho tiền để chú đi xe đò về Cộng Hòa nhập viện.”

Tôi đâu biết Bệnh Viện Cộng Hòa là gì? Ở đâu? Nhưng bệnh viện đã không mổ cho tôi được, thì tôi còn ở đây làm gì?

Tôi đồng ý đi xe đò về Sài Gòn.

Người y tá tốt bụng, lấy Honda chở tôi ra tận bến xe đò, mua vé xe cho tôi, lại dặn tài xế tới Sài Gòn thì mướn xe khác cho tôi, dặn đưa tới Bệnh Viện Cộng Hòa.

Xong xuôi, anh lại mua cho tôi hai ổ bánh mì thịt, một ly xây chừng, chúc tôi thượng lộ bình an.

Tôi cũng . . . thượng lộ bình an thật!

Tới Bệnh Viện Cộng Hòa, tôi được nhập viện và được mổ, lấy ra cái đầu đạn thứ tư. Ông Thiếu Tá Bác sĩ nhìn cái đầu đạn rồi nhìn tôi, nói:

“Còn một mớ miểng, dính tùm lum ở sau lưng của chú, nhiều quá, mổ không hết, mà lại có thể bị nguy hiểm tới xương sống nữa.”

Tôi cám ơn ông Bác sĩ  rồi trả lời liền:

“Hổng có nhằm nhò gì . . . mấy cái lẻ tẻ đó đâu, thưa Bác sĩ!”

Ông bác sĩ cũng đồng ý với tôi, ông nói thêm:

“Thôi, cứ để đó, vài tháng, vài năm, tự nó cũng bị đẩy ra. Nó ra miếng nào, chú cứ việc gỡ tặng người yêu . . . làm kỷ niệm.”

Nửa tháng sau, tôi được xuất viện, về Trung Tâm 3 Phục hồi. Tại đây, tôi được cấp giấy ba tháng tái khám.

Tôi trở về Bà Rịa thăm lại Ba Mệ và anh.

Tôi đưa ra cái giấy chứng thương và giấy ba tháng tái khám, với cái tên  . . . Nguyễn Thắng!

Anh tôi nhìn tấm giấy, chưng hửng:

“Vậy rồi làm sao tao đăng lính?”

Ghi chú:

Tôi hiện đã được định cử ở bên Úc. Một số anh em trong hội Biệt Động Quân đã giúp tôi làm đơn xin lãnh tiền “Hưu Bổng Cựu Chiến Binh Đồng Minh với Úc” với cấp độ “Tàn Phế”. Mặc dù đã được chấp nhận lãnh tiền hưu trí cựu quân nhân này, những tôi vẫn để đó, chưa có ý định lãnh trợ cấp này. Vì tôi vẫn còn sức kéo cái túi đi bán hàng chợ trời kiếm sống. Vì đối với tôi:

MÔT NGÀY LÀ THỦY QUÂN LỤC CHIẾN,

SUỐT ĐỜI LÀ THỦY QUÂN LỤC CHIẾN.

 NGUYỄN KHẮP NƠI