Home Văn Học Tùy Bút Sao Anh Nỡ Đành Quên ...

Sao Anh Nỡ Đành Quên ... PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Phúc Bảo Ân   
Thứ Tư, 28 Tháng 7 Năm 2010 08:12
“Chưa đi đảng gọi Việt gian ... Đi rồi đảng lại chuyển sang Việt Kiều ... Chưa đi, phản động trăm điều  ... Đi rồi, khúc ruột đáng yêu nghìn trùng”….


Nhân Chuyến đi công du của cộng nô Đàm Vĩnh Hưng tại Hoa Kỳ và các nước mà khúc ruột ngàn dặm đang định cư để thực hiện đặc vụ văn hóa vận, một phần quan trọng của nghị quyết 36/CP. Từ Huế, người viết xin một lần nữa gởi đến quý độc giả một bài viết mà có lần đã hân hạnh gởi đến các đại biểu Việt Kiều....

 
Từ thuở hồng hoang, khi con người còn ăn lông ở lỗ, loài chó đã trở thành một trong những người bạn thiết thân. Ban đầu loài cho hoang chỉ mon men đến gần nơi trú ngụ của những bầy đàn người, để ban ngày thì ăn mót những mẩu thịt thừa, xương cặn, tối đến thì được sưởi ấm từ những bếp than hồng mà con người dùng để giữ lửa, để ngăn thú dữ, và cũng để giữ ấm cho “ngôi nhà”,…. Dần dà các thế hệ chó mẹ đẻ chó con rồi hậu duệ của đàn chó hoang thuở nào trở nên quấn quýt với loài người khi được loài người cho ăn no ngủ ấm, để dáp lại ân nghĩa của con người, loài chó cũng tận sức tận lực giúp con người trong việc tìm kiếm nguồn thức ăn qua công việc săn bắt thú rừng cũng như cảnh báo cho con người biết mỗi khi có thú dữ.


Đối với người Việt, một dân tộc phát tích, tồn tại cho đến ngày nay từ nền văn minh lúa nước, ngoài “con trâu là đầu cơ nghiệp” ra thì loài chó cũng gắn bó với người Việt bao đời nay, ngoài công việc săn bắt thú rừng, chó còn trông nhà giữ cửa khi chủ nhà đi vắng, và thêm một “thiên chức” cao cả khác là làm công tác vệ sinh mỗi khi con cái chủ nhà bị tháo dạ. Người Việt, yêu mến loài chó không những bởi tính mẫn cán này của họ hàng nhà chó, bởi thịt chó là món khoái khẩu với nhiều người, “sống trên đời ăn miếng giồi chó, biết khi chết rồi còn có hay không”, và bởi theo người Việt thì loài cho vốn giàu tình cảm, trung thành và có trí nhớ tốt. Chẵng thế mà người Việt đã đúc kết một kinh nghiệm đã bao đời truyền tử lưu tôn rằng: “Lạc đàng nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”. Tất nhiên ông cha chúng ta chỉ tích lũy được những kinh nghiệm đó bằng những gì họ được thấy, được nghe, chứ không phải từ một công trình nghiên cứu nào về đời sống và tập tính của loài chó để hiểu rằng tất cả những biểu hiện, những hành vi của loài chó mà người Việt chúng ta cho là “lòng trung thành” hay “trí nhớ tốt” thực ra chỉ là tập tính, là bản năng, chứ không phải là trí tuệ.

Xứ Huế của tôi có thể xem là xứ sở của đạo Phật bởi mỗi phi tần của Nguyễn Triều, sau khi một vị tiên đế qua đời, thì đều phải xuất cung về các làng xã liên cận với hoàng thành, xây dựng cho mình một ngôi chùa và tu tập cho đến ngày quy tiên chứ đã từng được tiến cung làm cung phi mỹ nữ rồi, thì không được phép tái giá, chính vì vậy mà ở Huế quê tôi dù đất hẹp người thưa, nhưng hiện có trên 3,000 ngôi chùa và niệm Phật đường lớn nhỏ, và cho dù người dân Huế có làm phép quy y hay không, nhưng hễ thờ cúng ông bà thì họ tự cho mình là đạo hữu, là Phật tử. Vì vậy mà ở Huế thật hiếm có người ăn thịt chó, hiếm có những quán “cầy tơ” như ở đất Bắc, hay ngoài xứ Nghệ, và ở xứ Huế quê tôi, những người từng ăn thịt chó thường bị cư dân địa phương xem như là một thành phần hạ tiện trong xã hội, và dẫu người đó là một quan quyền hay một chức sắc thì dân chúng cũng không dành cho bất cứ một sự trọng thị nào như phong tục của người dân xứ kinh kỳ. Nếu có một ai nào đó làm thịt chó thì sẽ gây xôn xao từ làng trên đến xóm dưới, già trẻ gái trai xúm lại xem người ta giết chó, như thể đi xem phường trò, và nhiều câu chuyện được thêu dệt chung quanh lòai chó và việc giết thịt chó. Câu chuyện được truyền tụng nhiều lần hơn cả là chuyện một chàng trai xứ Nghệ đi bộ đội vào đóng quân ở Huế, rồi phải lòng một cô gái địa phương vậy là chàng trai đào ngũ để “xây dựng” với cô gái Huế, anh ta nuôi khá nhiều chó để mỗi khi có họ mạc ở quê "Bác" vào thăm, thì giết thịt và đãi khách quê hương bằng của hiếm hoi của chốn kinh kỳ. Một lần nọ, có khách từ xứ Nghệ vào thăm, anh ta cũng giết thịt chú chó nhà để đãi khách như bao lần. Với chiếc chày vồ trong tay, anh ta giáng một đòn chí tử vào đầu con chó khiến đôi mắt nó phòi ra, nhưng con chó vẫn còn kịp chui xuống gầm giường kêu la thảm thiết. Không thể chui vào gầm giường để kết liễu đời con chó, anh bộ đội nắm bàn tay lại như thể đang cầm nắm xôi, hết gọi tắc tắc lại chu mồm huýt sáo. Nghe tiếng chủ gọi, dù đôi mắt đã lọt hẳn ra ngoài, không còn nhìn thấy gì nữa, nhưng nhận ra tiếng gọi thân quen của chủ, chú chó đáng thương cũng định hướng được vị trí của chủ nhà, vừa rên ư ử, vừa cố chút sức tàn trườn đến, vẫy tít chiếc đuôi như cố báo hiệu với “ông chủ” là tôi đây, tôi đây. Và lần này, không để mất cơ hội nào nữa, với chiếc chày vồ vụt tới tấp lên đầu lên gáy, chú chó ự lên mấy tiếng thương đau rồi trút hơi thở cuối cùng, và không lâu sau đó, khách và chủ vui say qua những chén tạc, chén thù bên mâm rượu với món thịt cầy tơ...

Những người dân quê tôi mục thị cảnh này, kẻ thì nguyền rủa anh chủ nhà gian ác, người thì khen ngợi chú chó trung thành, dù vừa mới bị chủ giáng cho một chiếc chày vồ lên đầu đến thừa chết thiếu sống, vậy mà khi thấy chủ vờ cho một vắt xôi và cất tiếng gọi thì đã ngoáy tít chiếc đuôi và trườn đến với chủ… Riêng tôi lúc bấy giờ thực sự không hiểu nổi chú chó này vì quá mức trung thành với chủ hay vì có tính mau quên để phải vong thân như vậy?

Sự việc trên đã xảy ra non 3 thập kỷ rồi, bỗng nhiên mọi chi tiết lại hiện về mồn một trong ký ức của tôi khi gần đây từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 11 vừa qua một đại hội thật “hoành tráng” của 1000 người Việt ở nước ngoài vừa diễn ra tại Hà nội, bởi cho dù quý đại biểu Việt kiều là người Nam hay người Bắc cũng đều đã phải bỏ nước ra đi vì một lý do rất chung bởi họ đều là nạn nhân của chế độ cộng sản. Nếu xuất thân từ đất Bắc hẳn họ biết quá rõ về những chiếc chày vồ trí mạng mà đảng và nhà nước cộng sản đã giáng lên đầu thân nhân và đồng bào của họ qua chính sách tiêu thổ kháng chiến khiến hơn hai triệu đồng bào đã bị chết đói vào tháng ba, năm Ất Dậu 1945,. Rồi những vụ đấu tố trong cải cách ruông đất từ 1953 cho đến 1956 khiến hàng trăm ngàn nông dân miền Bắc phải thiệt mạng chỉ vì ông cha của họ đã lưu truyền cho gia đình họ hơn 5 sào ruộng. Chắc họ biết rõ là đã có hơn 1 triệu đồng bào miền Bắc đã vì kinh hoàng với những tội ác của cộng sản mà phải rời bỏ bờ tre gốc lúa, quê hương bản quán ở đất Bắc để di cư vào nam vào năm 1954, và hơn 3 triệu đồng bào khác cũng đã bị đe dọa, bị ngăn chặn khi trên đường di cư, rồi phải ở lại đất Bắc để chịu đựng những năm tháng đọa đày nơi địa ngục trần gian ấy bởi họ đã trót mang tư tưởng di cư vào nam để theo lủ "Tề-Ngụy Điệp" mà “âm mưu chống lại Bác và Đảng”.

Vâng, dẫu họ vẫn còn sống sót để có cơ hội trở thành “khúc ruột ngàn dặm”, nhưng chắc họ vẫn còn nhớ với chủ trương “giết lầm hơn bỏ sót” với khẩu hiệu “TRÍ PHÚ ĐỊA HÀO, ĐÀO TẬN GỐC, TRỐC TẬN NGỌN” hàng ngàn, hàng ngàn sỹ phu Bắc Hà cùng với các tiểu thương, các công chức ở Đàng Ngoài đã bị hành hình hoặc bị hạ phóng. Còn nếu những đại biểu Việt kiều là những người sinh ra và lớn lên từ bên nay bờ Bến Hải thì chắc họ vẫn chưa thể quên biến cố tết Mậu thân với hơn 7,000 đồng bào vô tội ở Huế bị thảm sát bằng hình thức đập đầu hoặc chôn sống! Chắc họ vẫn còn nhớ mùa hè đỏ lửa 1972 với hơn 15.000 đồng bào Quảng Trị đã bị đã bị đại pháo của cộng quân nghiền nát như thịt bằm trên “Đại Lộ Kinh Hoàng” dài non 10km! Dù các đại biểu Việt kiều đến được bến bờ tự do bằng đường biển hay đường bộ thì chắc họ vẫn còn nhớ những ngày hãi hùng kinh khiếp đối mặt với bão tố phong ba hay hải tặc giữa đại dương, với nhiều thuyền nhân phải ăn thịt người chết để được sống, với những thuyền nhân đã bị cướp, bị hãm hiếp, những thuyền nhân phải tự thiêu, phải treo cổ tự sát ngay sau khi bị Cao Ủy Tỵ Nạn từ chối tư cách tỵ nạn và cả với hơn 70 % những thuyền vượt biên không đến được bến bờ, để một số trở thành tù nhân trong các trại lao cải vì tội “phản quốc”, để các nữ tù vượt biên bị cán bộ quản giáo hãm hiếp, và nhiều, rất nhiều triệu thuyền nhân đã phải vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển lạnh!

Thưa quý đại biểu Việt Kiều,

“Quân tâm khả cảm uyên biên ngộ

Ký tế thời hồi, vị tế ưu”

Vâng, phàm là một đấng Quân Vương dẫu đã đăng quang ngôi vua rồi, cũng phải luôn canh cánh trong lòng những nổi lo âu khi khi chưa giành đựơc ngôi báu. Phàm là quân tử dù đã qua được bên kia sông rồi vẫn phải luôn nhớ đến những nổi lo sợ, hãi hùng khi thuyền đang tròng trành giữa dòng sóng nước!

Vâng, thưa quý vị đại biểu Việt kiều,

“Chưa đi đảng gọi Việt gian

Đi rồi đảng lại chuyển sang Việt Kiều

Chưa đi, phản động trăm điều

Đi rồi, khúc ruột đáng yêu nghìn trùng”….

Từ sau đại hội người Việt nam định cư ở nước ngoài lần thư nhất đó, đã có nhiều bài báo viết về những “dự mưu” của đảng và nhà nước cộng sản Việt nam về việc tổ chức “Hội Nghị Việt kiều yêu nước” này như là một trong những chủ trương lớn của đảng và nhà nước nhằm phát huy tính năng và hiệu quả của Nghị Quyết 36/CP. Là một thần dân của nước CHXHCN Việt nam, hàng ngày vẫn phải đọc, phải nghe những chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước về các chiến lược nhằm “đối phó với âm mưu diễn biến hòa bình của đế quốc Mỹ là bè lũ người Việt phản động lưu vong ở nước ngoài”, qua bài này người viết chỉ mong được bày tỏ nổi băn khoăn của mình rằng tội ác của cộng sản VN vẫn còn nguyên đó, mà sao anh nỡ đành quên?