Tản Mạn Chuyện Hậu Sự - Tang lễ ai cười Tác giả tên thật Hoàng Huy Năng, sinh năm 1934, cựu sĩ quan VNCH và cựu tù chính trị, diện HO 5, định cư tại Houston từ 1992, hiện là Uỷ Viên Xã Hội Đoàn Liên Minh Thánh Tâm Giáo Xứ Đức Kitô Ngôi Lời Tập Thể ở Houston. Trước 1975, tại Việt Nam, ông đã cộng tác với nhiều báo quân đội và cho tới nay đã xuất bản 5 tập thơ và một tập truyện tại Hoa Kỳ. Tại thành phố Houston, Tiểu Bang Texas, trong khu vực gần nơi cư ngụ của gia đình tôi, có ba Nhà Quàn: Thiện Tâm, Vĩnh Cửu và Vĩnh Phước. Cả ba phục vụ về "Hậu Sự" cho tất cả sắc dân cư ngụ tại vùng tây nam thành phố. Tôi thấy Nhà Quàn Vĩnh Phước được nhiều khách hàng chiếu cố hơn cả, bởi lẽ nhà quàn nầy ra đời trước và giá cả có phần nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, còn tìm cách giúp đỡ tối đa những gia đình nghèo chẳng may có người thân nằm xuống. Tôi thường đến Nhà Quàn Vĩnh Phước tham dự các buổi đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn những tín hữu Công Giáo thuộc Giáo Xứ tôi là Giáo Xứ Ngôi Lời Nhập Thể. ********
Tản Mạn Chuyện Hậu Sự Qua những nhân viên người Việt làm việc cho Nhà Quàn Vĩnh Phước, tôi thu thập được một số dữ kiện về "Hậu Sự"có thể hữu ích trong việc học hỏi, tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán liên quan đến đám tang của người Việt.
1. Tranh chấp về tang lễ
Ông bà Bá đã già, có đứa con gái duy nhất là S. Cô nầy không ở chung nhà với bố mẹ kể từ khi vào đại học y khoa. Sắp ra trường và đi làm thì bà Bá lâm trọng bệnh và từ trần tại bệnh viện Memorial Hermann Hospital.
Không hiểu vì lý do gì, hai bố con giành nhau việc tổ chức tang lễ . Cô S. viện cớ là cô rất yêu thương mẹ và ngược lại, bà Bá cũng thương yêu cô không kém. Cô luôn sẵn sàng lái xe chở mẹ đi bất cứ đâu và lúc nào. Do đó, cô phải được quyền đứng ra tổ chức đám tang cho mẹ, từ ấn định ngày giờ phát tang, đến nghi thức cầu siêu, việc lựa chọn địa diểm chôn cất, v.v... Theo yêu cầu của ông Ba, thi thể bà Bá đã được đưa về nhà quàn Vĩnh Phước. Tuy nhiên, vì có đơn khiếu nại của cô S. , nên nhà quàn chưa thể xúc tiến những "nghi thức hậu sự" cần thiết. Ông Bá và cô S. đều mướn luật sư biện hộ. Hai bố con không ai nhượng ai.Thời gian chờ đợi hơn 10 ngày. Cuối cùng, nội vụ được giải quyết bằng lý thuần túy. Tòa không mở phiên xử công khai tại đình trường, nhưng cho một đại diện đến gặp hai bố con ông Bá tại nhà quàn. Vị đại diện tuyên bố: việc tổ chức tang lể cho bà Bá là trách nhiệm của người chồng (tức ông Bá). Cô S. tức giận, bước ra khỏi phòng đặt linh cửu bà Bá, vừa đi vừa lẩm bẩm trong nước mắt: Thôi, để hôm đưa đám mẹ, con cố gắng đi dự.
2. Tờ Di Chúc
-Năm 1989, Ông Phan V. B. vượt biên qua Mỹ , để lại Việt Nam vợ và 2 con nhỏ. Tại Mỹ, một thời gian sau, ông cưới bà M. và có với bà nầy một con trai. Ông và vợ cả vẫn liên lạc bằng thư từ, đồng thời lập hồ sơ bảo lãnh cho 3 mẹ con, chờ ngày đoàn tụ. Năm 2001, ba mẹ con bà Phan ở Việt Nam qua, nhưng cư ngụ tại Michigan.
Năm 2005, ông Phan bị ung thư phổi và chết tại Houston, Texas. Bà M. đứng ra nhận lãnh trách nhiệm tang lễ. Nhưng bà không đủ tiền để trang trải mọi phí khoản. Được tin chồng từ trần, bà Phan tức tốc lấy vé máy bay về Houston. Bà đến nhà quàn Vĩnh Phước thì gặp bà M. đang có mặt tại đó. Hai bà trao đổi chuyện hậu sự. Bà M. và Ông manager Nhà Quàn Vĩnh Phước chiết tính tổng số chi phí dành cho đám tang. Theo di chúc ông Phan để lại thì bà Phan được hưởng một trăm ngàn đô la ($100,000.00) là tiền bảo hiểm nhân thọ ông Phan đã mua. Trong di chúc, không thấy có khoản tiền nào dành cho bà M. và đứa con trai (con chung của ông Phan với bà M.). Viện dẫn tình và lý giữa hai bà và người quá cố, ông manager nhà quàn đề nghị bà Phan trích một phần trong số tiền bảo hiểm nhân thọ để thanh thỏa phí khoản cho nhà quàn. Bà Phan đồng ý đề nghị của ông manager. Bà chào từ giả bà M., ông đại diện nhà quàn và nói bà sẽ trở lại nhà quàn vào sáng hôm sau để giải quyết. Bà không quên để lại số cell phone của mình cho hai người.
Tuy nhiên, sáng hôm sau, bà M. và ông đại diện nhà quàn không thấy bóng dáng bà Phan xuất hiện. Gọi cell phone 5 lần bảy lượt, vẫn êm ru bà rù. Đợi thêm 3 ngày nữa, không thấy bà Phan, bà M. đành cắn răng hỏi vay bạn bè số tiền còn thiếu để lo cho xong chuyện hậu sự. Nhìn đứa con trai, bà vừa xót thương nó, vừa oán hận ông Phan đã không nghĩ gì đến hai mẹ con bà khi ông cầm bút viết tờ di chúc kia.
3. Con Cái Và Tang Lễ
Cuối năm 1995, Ông Nguyễn K., một cựu Sĩ Quan Quân Lực VNCH đến Mỹ theo diện HO. Gia đình ông gồm vợ và bốn con, ba trai một gái. Sau một thời gian không lâu, các con ông bà K. đều lập gia đình và mỗi người ở một Tiểu bang riêng rẽ. Chỉ có đứa gái út ở Houston, nhưng cô ta cũng ra riêng với chồng. Ngôi nhà trước kia ở chung 6 mạng, nay chỉ còn hai ông bà già.
Đầu năm 2007, ông K. từ trần vì bị ung thư gan. Bà K. thông báo cho 3 con trai ở 3 Tiểu Bang xa về Houston dự tang lễ. Theo lời yêu cầu của bà K., xác ông K. đã được chở về nhà quàn Vĩnh Phước. Ông bà K. hưởng tiền già (SSI), hằng tháng, mỗi người lãnh $505.50 (năm trăm lẻ năm đô la, năm mươi xu). Tổng cộng là một ngàn, mười một đô la ($1,011.00). Bà K, gọi phone cho nhà quàn Vĩnh Phước, yêu cầu đưa thi thể chồng về nhà quàn. Nhưng bà không ký hợp đồng thanh toán phí khoản hậu sự. Lý do đơn giản là vì bà không có tiền. Giá tối thiểu hỏa táng là $4,000.00 (bốn ngàn đô la). Còn chôn cất tại nghĩa trang thì tùy từng ca. Tang gia mất khá bộn tiền vì giá đất đắt và quan tài tốt, xấu có giá khác nhau. Ngoài ra, nếu xử dụng "trong quan, ngoài quách" thì giá lại cao hơn.
Tóm lại, chôn tại nghĩa trang, tang gia phải trả ít nhất là 7, 8 ngàn đô la cho một đám tang hạng bét.
Bà K. tổ chức buổi họp mặt bốn con, yêu cầu mỗi người góp tiền để lo đám tang của bố. Trong bốn con, phải có một người ký giấy tờ chịu trách nhiệm thanh toán phí khoản tang lễ. Không ai nhận lãnh công tác nầy. Anh hai "chuyền bóng" cho anh ba. Anh ba né tránh. Bà mẹ chụp bóng, "pass" qua con gái út và rể. Bà nói rằng tụi con chỉ ký trên giấy tờ cho hợp lệ mà thôi. Còn tiền bạc, mỗi đứa bỏ ra một phần. Khi góp đủ, bà đích thân trả cho nhà quàn, có biên nhận đàng hoàng. Cuối cùng, con gái chịu đứng tên ký giao kèo với nhà quàn. Số tiền cần thu là $8,000.00 (tám ngàn đô la). Các con bà miễn cưỡng chấp nhận việc đóng góp, mỗi người hai ngàn đồng. Cuộc "lạc quyên" được tiến hành hết sức chậm chạp. Bốn con bà K. viện đủ lý do để trì hoãn. Nào là thu nhập ít ỏi, con cháu bệnh hoạn, cần đi bác sĩ. Nào là việc làm bấp bênh, có thể "lay off" bất ngờ v.v... Tình trạng góp tiền cù cưa, nhùng nhằng như thế, nên xác thân ông K. phải nằm trong phòng lạnh nhà quàn Vĩnh Phước đúng một tháng. Sau đó mới được nhập quan, đưa ra phòng ngoài cho thân nhân, bạn bè thăm viếng và thực hiện những nghi thức đạo, đời cần thiết.
4. Quyên góp cho tang lễ
Ba trường hợp liên quan đến "Hậu Sự" như trên làm tôi bùi ngùi nhớ đến anh Hùng, một cựu tù nhân chính trị Cộng sản Việt Nam được đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO vào năm 1993. Anh đến Houston một mình, không vợ con, gia đình, được bạn bè giúp đỡ để sớm hội nhập cuộc sống mới.
Khoảng hai tháng sau khi đặt chân lên đất Mỹ, anh Hùng đi khám bệnh tổng quát thì phát hiện bị ung thư gan thời kỳ chót. Nằm điều trị tại South West Hermann Hospital một tháng thì từ trần. Ngoài một số ít giáo dân Giáo Xứ Ngôi Lời Nhập Thể (lúc bấy giờ còn thống thuộc Giáo Xứ Mỹ mang tên Notre Dame ở đường Boone), không có bà con, họ hàng nào của anh Hùng đến thăm viếng, săn sóc anh. Điều đặc biệt là anh Hùng ngỏ ý muốn học hỏi để trở thành tín hữu Công Giáo. Anh đã được linh mục Bảng, tuyên úy bệnh viện, truyền đạt những tín điều căn bản về Kitô Giáo. Trước giờ lâm chung, anh được linh mục Bảng trao ban Bí Tích Thanh Tẩy (baptism).
Vì không có thân nhân, nên anh Th., Hội Trưởng Hội Đạo Binh Đức Mẹ (Legio Mariae ) thuộc Giáo Xứ Ngôi Lời đứng ra lãnh nhận việc mai táng. Về tài chánh, anh Hùng chỉ được hưởng SSI. Nhóm giáo dân chúng tôi tổ chức gây quỹ yểm trợ tang lễ dành cho một tín hữu tân tòng vừa nằm xuống. Nếu hỏa táng thì chỉ tốn khoảng 3,4 ngàn đô la. Tuy nhiên, trường hợp anh Hùng không thể hỏa táng, nhưng phải chôn cất tại nghĩa trang để đề phòng trường hợp có người thân khiếu nại về cái chết của anh . Chúng tôi lạc quyên công khai tại Nhà Thờ. Giáo dân tích cực giúp đỡ. Kết quả rất khả quan. Nhà quàn Vĩnh Phước đảm trách việc mai táng. Họ chỉ lấy phần nửa phí tổn tang lễ. Do đó, số tiền lạc quyên, sau khi thanh toán cho nhà quàn, còn dư chút đỉnh, gởi cho thân nhân anh Hùng ở Việt Nam (cô: Nguyễn Thị Thanh Vân, em gái anh Hùng, Số 19F, đường 31, Tổ 78, Phường 18, Quận Tân Bình) . * Tìm hiểu về chuyện "Hậu Sự", đối chiếu với Việt Nam, tôi nhận thấy có những điểm khác biệt, như: tại Mỹ, người ta để xác tại nhà quàn (Funeral Home), chứ không bao giờ để tại tư gia như ở Việt Nam.
Tôi còn thấy ở Việt Nam có những gia đình mua sắm cỗ quan tài và trưng bày ngay tại tư thất để xử dụng khi hữu sự. Đám tang ở thôn quê Việt Nam còn mang hình ảnh, màu sắc, đường nét đặc thù cổ xưa. Không biết bây giờ có thay đổi gì không. Nhưng trước năm 1975, có địa phương còn tổ chức đám tang với kèn sáo, trống chiêng rộn ràng, với đội ngũ "Phu Đòn" trai tráng (công nhân phụ trách khiêng linh cử ) ăn mặc áo khăn diêm dúa, lạ mắt. Thậm chí có gia đình còn áp dụng chương trình "khóc mướn, thương vay" để khách bàng quan cho rằng tang gia thuộc thành phần giàu sang, con đàn, cháu đống.
Về chi phí , một đám tang ở Mỹ quá tốn kém, nhất là chôn cất tại nghĩa trang. Bao nhiêu nhu cầu phải chi tiêu: từ mua đất, đào huyệt, tẩm liệm , phát thanh, đăng báo phân ưu, cáo phó, đến tổ chức lễ cầu hồn, cầu siêu tại Nhà Thờ, Chùa, di quan bằng xe hơi, thuê mướn cảnh sát hộ tống, dẫn đường đến nghĩa địa v,v...
Đám cưới ở Mỹ đã tốn. Có khi đám tang còn tốn hơn. Tùy phong tục, tập quán,Tôn Giáo của mỗi Quốc Gia, chúng ta lo chuyện hậu sự cho người thân qua đời bằng đám tang đơn giản, ít tốn kém, hay sang trọng, có nhiều nghi thức cầu kỳ, mới lạ. Trước là để biểu lộ lòng hiếu thảo của con, cháu đối với ông bà, cha mẹ. Sau là bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa Dân Tộc đã có từ ngàn xưa. Không nên viện dẫn lý do nầy, nguyên nhân nọ như nghèo khổ, tài chánh hạn hẹp chẳng hạn để đám tang tiến hành quá chậm trễ (thi thể người thân để tại nhà quàn một tháng) đôi khi đám tang đáng lẽ là bi kịch, lại biến thành hài kịch hoặc nửa bi nửa hài gây bất hòa, chia rẽ trong gia tộc. Từ đó, chúng ta tin chắc rằng người quá cố khó có thể ngậm cười nơi Chín Suối ./. ============ ========= ====== "Tang lễ ai cười" Hôm nay cáo phó sao nhiều quá!
Ở tuổi già, bạn bè thường nói với nhau: “Bây giờ chẳng ai mời đám cưới nữa mà toàn đi dự đám tang!” Ðây không hẳn là một câu nói trách móc ai mà chỉ là một lời “tri thiên mệnh.” Một ông bạn già còn phát biểu thêm: “Ði đám ma còn mất thời giờ hơn đi đám cưới!” Tôi đang còn ngạc nhiên vì chậm hiểu thì ông bạn lanh lẹ giải thích: “Lần thứ nhất phải vào bệnh viện thăm, lần thứ hai phúng điếu tại nhà quàn, lần thứ ba đưa đám và lần thứ tư dự lễ thất tuần hay bách nhật!” Ðúng là một thằng cha chi ly, tính toán, nhưng chưa chừng thực tế, nếu chúng ta thân với hắn, chắc cũng phải đến với hắn đủ bốn lần, cho đúng với câu “nghĩa tử là nghĩa tận”.
Nhiều người sợ khi phải nói đến cái chết, tệ hơn là nói đến những dự định hay sửa soạn cho đám tang của mình, vì sợ xui xẻo, nhưng lại thích tưởng tượng chuyện trúng số độc đắc, bằng chứng là có nhiều người mua vé số hàng tuần vì hy vọng. Người mua vé số “có thể” trúng độc đắc, ta là người mua vé số, ta cũng có thể trúng độc đắc, đó là tam đoạn luận. Tuy vậy, mỗi năm nước Mỹ này chỉ có thêm được vài chục người may mắn trúng số độc đắc, nhưng cũng mỗi năm xứ này có 20,000 người chết vì bệnh cúm thường (common flue), 42,000 người chết vì tai nạn trên xa lộ, 15,000 người chết vì súng ống, đâm chém. Nội số người bị điện giật không thôi cũng gấp bốn lần số người trúng số. Vậy thì chúng ta nói chuyện đám ma coi bộ còn có lý và hiểu biết chuyện đời hơn là bàn chuyện trúng số.
Nếu bàn chuyện: “Chết rồi đi về đâu?” là nói chuyện triết lý và đụng đến niềm tin tôn giáo. Bọn phàm phu tục tử chúng tôi thường có câu hỏi thực tế gần hơn, là chết rồi, nên chôn hay nên thiêu? Thiêu thì hẳn rẻ hơn chôn. Thiêu rồi đem rải tro ở đâu đó để “cát bụi trở về cát bụi” cho xong một kiếp người. Nhưng khổ nỗi, nhiều người ngỏ ý không chịu cho con cháu thiêu vì sợ nóng, người chết còn biết nóng thì chắc khi chôn bị ngộp thở, rồi côn trùng sâu bọ rúc rỉa trong xương thịt dài dài, còn khổ sở biết bao nhiêu! Chôn xuống đất, phải tốn tiền cho một phần mộ. Một phần đất chôn, cộng với nhà quàn, quan tài, bia mộ không dưới $15,000 cho một người, đâu phải là số tiền ai cũng có được! Mộ thì phải có bia, mặc dù bia đá trăm năm cũng phải mòn. Chôn xuống đất rồi, nằm đó, ngày tháng trôi qua mà không có “con ma” nào lui tới thăm viếng còn rầu hơn nữa, nhất là những ngày Hiền Mẫu, Nghiêm Phụ, những ngày Lễ Tết, “nằm trong huyệt lạnh chắc em sầu...”( Ðinh Hùng), vì mộ người bên cạnh nhang khói, hoa tươi phủ đầy mà phần ta tiêu điều vắng lạnh, sao cho khỏi chạnh lòng dưới mộ sâu.
Chết rồi đem vào nhà quàn, lại có người muốn đến đọc bản tuyên dương công trạng và phủ cờ. Bản thân chưa làm được điều gì ích quốc lợi dân, lại chưa hết lòng vì tổ quốc, nay nước mất nhà tan, chịu cảnh đầu hàng, hoặc là bỏ đơn vị, chiến hữu ra đi, cao bay xa chạy, hoặc xếp hàng “đăng ký” xin ghi tên vào tù, còn vinh dự gì để được lá cờ tổ quốc phủ lên quan tài. Những người xứng đáng được phủ lá cờ tổ quốc hiện nay đang nằm trong nghĩa trang quân đội Biên Hòa hoang lạnh hay bỏ xác trên rừng dưới biển. Ngoài những trang liệt sĩ, anh hùng đã chết vì tổ quốc như thế, ở đây còn ai xứng đáng để phủ lá cờ thiêng liêng ấy cho người lính già chết tha phương trên đất khách hôm nay?
Cũng xin đừng quá lo lắng, phiền lòng đến chuyện cầu nguyện cho người đã chết để linh hồn được sớm siêu thoát bay lên Niết Bàn hay Thiên Ðàng an vui. Nghiệp chướng, nếu sống một cuộc đời tốt lành, không có năng lực nào làm cho dầu chìm được xuống đáy hồ, nếu sống một cuộc đời xấu xa, là đá thì là nghìn câu kinh cầu nguyện cũng không làm cho đá nổi lên được mặt nước. Không có giáo sĩ quyền năng trên thế giới này có thể cầu nguyện để làm ngược lại được định luật đó.
Nếu chúng ta vẫn thường tự hào về bản sắc văn hóa, nghìn năm nô lệ cũng không bị đồng hóa, sao mới sống với Mỹ ba mươi lăm năm, đã vội quên đậy nắp quan tài cho người thân. Người Việt trong nước sau năm 1975, bắt chước Liên Xô, người chết nằm trong quan tài có nắp kính để người viếng có thể trong thấy mặt, vợ con anh em thay nhau phát biểu tình cảm với người chết, rồi quan khách “diễu hành” quanh quan tài nhiều vòng, trước khi di quan, nhưng ngày nay loại văn hóa này đã không còn tồn tại. Theo tục lệ Việt Nam, người chết rồi thì phải đắp mặt, tẩm liệm thì phải đậy nắp hòm. Người bệnh đau ốm lâu ngày, nhan sắc tàn phai, nhiều khi không muốn gặp mặt bạn bè, thân quyến, huống gì lúc đã nhắm mắt xuôi tay. Gia đình con cái thì xúc động khi còn nhìn thấy mặt người thân, tạo nên sự lưu luyến tình cảm, bịn rịn không muốn chia rời.
Hầu như tất cả đám tang cử hành tại Mỹ, trong cáo phó đều có ghi hàng chữ “Xin miễn phúng điếu” vì dần dần người ta hiểu nghĩa “xin miễn phúng điếu”, có nghĩa là tang gia không nhận tiền, trong khi đó vẫn nhận hoa. Thật ra “Phúng: là lễ vật để điếu người chết,” “Phúng Ðiếu: là đem lễ vật đến hỏi thăm người chết” (*) vậy thì không những tiền, mà hoa hay bánh trái, nhang đèn (như ở Việt Nam) đều là vật phúng điếu. Người ta cũng thường căn cứ vào số lượng vòng hoa phúng để lượng giá một đám tang lớn hay nhỏ, sang hay hèn, mặc dầu những tràng hoa này chỉ tồn tại trong vòng một ngày rồi đem vứt bỏ, đã tốn kém khoảng $200 cho một tràng hoa, một số tiền không nhỏ. Nhiều tang gia đã loan báo không nhận vòng hoa và xin dành số tiền đó cho những việc từ thiện, nhưng không được đáp ứng từ bạn bè thân thích, lý do là người ta thích bề ngoài, làm sao cho đẹp mắt mà mọi người đều thấy được. Một đám tang, khoảng từ 5 đến $8,000 tiền hoa được đem đi vứt bỏ phí phạm. Một đám tang của người Mỹ, dù là danh giá hay triệu phú, không có nhiều vòng hoa tang như người Việt, có dịp, các bạn thử đếm xem, chúng ta “chơi bảnh” hơn họ nhiều.
Vui hay buồn thì cũng hiểu cho thuận lẽ trời. Mái tóc điểm sương và xác thân “tứ đại”(**) bắt đầu rệu rã. Châm ngôn của ngành Thiếu Hướng Ðạo là “Sắp Sẵn”, còn chúng ta thuộc loại “cổ lai hy” rồi, đã có ai sắp sẵn chưa?
Phần các con, xin hãy cho mẹ một bát canh nóng lúc về già hơn là nghìn nghi thức đưa tiễn lúc nằm xuống, lúc bấy giờ mẹ đâu còn biết gì nữa!
(*) Hán-Việt. Ðào Duy Anh
(**) Gió, Lửa, Nước, Ðất
|