Home Văn Học Tùy Bút Lòng yêu nước

Lòng yêu nước PDF Print E-mail
Tác Giả: Huỳnh Thục Vy   
Thứ Ba, 29 Tháng 6 Năm 2010 09:32

Chúng ta  yêu quý và phải có nghĩa vụ gìn giữ những vùng đất xa xôi ấy không phải vì ông bà cha mẹ chúng ta đã từng ở đó, cũng không phải là chúng ta phải yêu những người xa lạ chưa bao giờ gặp gỡ; mà vì những vùng đất ấy là di sản mà tổ tiên người Việt đã bỏ công sức khai phá, và hi sinh cả sinh mạng để bảo vệ.

 
Mới đây, tôi vừa mới đọc bài “Thế nào là yêu nước?” của tác giả Nguyễn Hưng Quốc viết trên blog của mình. Ông đã nói: “Yêu nước ,thật ra là yêu những điều tưởng tượng”. Bởi vì theo ông,câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ chỉ là chuyện thần thoại,nghĩa là nó không có thật(ông đã đưa ra nhiều dẫn chứng để chứng minh rằng câu chuyện là không có thực),mà câu chuyện này theo ông đóng vai trò rất lớn để hình thành ý niệm về quốc gia và “đồng bào”; vì thế mà ông kết luận “tất cả chỉ là tưởng tượng”.

Là một con dân Việt, và còn là một người trẻ nữa, tôi nghĩ mình có trách nhiệm lên tiếng để tác giả bài viết “Thế nào là yêu nước?” và những người có cách nghĩ giống như ông  hiểu được những điều mà chúng tôi đang suy nghĩ… Có thể như ông nói hai chữ “đồng bào”, đã từng bị lợi dụng để thực hiện những âm mưu chính trị nào đó; và huyền thoại là không có thật, thì lòng yêu nước vẫn rất thật, nó thật như bất cứ mọi chân lý nào trên đời này.

Lòng yêu nước xuất phát từ những thứ tình cảm rất tự nhiên như tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương. Đất nước trong mỗi người có thể chỉ là mái nhà đơn sơ, là bữa cơm canh rau đạm bạc, là con đường đến trường, là cánh đồng lúa chín thơm ngát. Từ lúc mới lọt lòng mẹ, mỗi người đã để lại  một phần máu thịt mình trên mảnh đất quê hương, vì thế ta mới gọi quê hương là nơi “chôn nhau cắt rốn”. Lớn lên một chút, được cắp sách đến trường, quê hương trong chúng ta là cả một chuỗi ngày thơ bé đầy ắp kỷ niệm, là thầy cô, là bạn bè, là cậu bạn cùng lớp mới quen. Lớn lên, khi rời xa làng xóm, gia đình đi khắp mọi miền đất nước. Quê hương đất nước trong chúng ta là những nẻo đường mà mình đã đi qua, là những con người mà mình đã gặp gỡ. Rồi đến lúc lìa đời, quê hương là nơi mình được chôn cất, để cơ thể dù đã chết đi ấy cũng được nằm cạnh phần mộ ông ba, cha mẹ, anh em mình. Đối với nhiều người, họ yêu tổ quốc chỉ bởi vì tổ quốc là nơi dòng họ đã hình thành và phát triển,là nơi bao đời tổ tiên đã sống và xây dựng, là nơi mà con cháu họ ngày mai đây sẽ tiếp tục sinh sống. Vì thế mỗi tất đất họ đi qua đều mang dấu vết và công lao khai phá  của tổ tiên; quê hương đất nước, hồn thiêng của tổ tiên, của sông núi đang chảy trong huyết quản họ. Tất cả những gì họ thừa hưởng ngày nay đều thấm đẫm mô hôi và cả máu của tổ tiên.

Lòng yêu nước không phải là  yêu những người xa lạ, không cùng trình độ tri thức, không cùng sở thích,hay quan điểm chính trị… mà chính là yêu cái dòng máu Việt đang cùng chảy trong huyết quản, yêu cái tiếng nói chúng ta cùng nói, yêu cái tập tục nấu bánh chưng bánh tét ngày Tết. Vì thế dẫu lạ huơ lạ hoắc thì mỗi người Việt chúng ta khi gặp nhau, đặc biệt là khi gặp nhau trên xứ người đều cảm thấy mình trở nên gần gũi. Dù không cùng trình độ, không cùng quan điểm, dù giàu nghèo khác nhau, nhưng những người cùng một dân tộc có những điểm chung rất lớn đó là bộ gen đặc trưng của dân tộc được thừa kế từ tổ tiên ngàn đời, là bản sắc văn hóa, là tiếng nói chung….

Tác giả Nguyễn Hưng Quốc hỏi: vì sao mà một người Việt ở tận California phải yêu Trường sa, Hoàng sa ở tận ngoài biển Đông? Chúng ta  yêu quý và phải có nghĩa vụ gìn giữ những vùng đất xa xôi ấy không phải vì ông bà cha mẹ chúng ta đã từng ở đó, cũng không phải là chúng ta phải yêu những người xa lạ chưa bao giờ gặp gỡ; mà vì những vùng đất ấy là di sản mà tổ tiên người Việt đã bỏ công sức khai phá, và hi sinh cả sinh mạng để bảo vệ. Cái tình yêu ấy không khác gì cái tình cảm trân trọng và nâng niu của đứa con đối với một món quà sinh nhật mà bố nó đã tặng, dù món quà có thể đã cũ kỹ, hư nát.

Yêu nước không phải là yêu những điều tưởng tượng,mà là yêu những thứ rất cụ thể, rất thực tế như thế. Truyền thuyết thì mãi mãi vẫn là truyền thuyết, và từ trước đến giờ câu chuyện Lạc Long Quân  và Âu Cơ vẫn luôn được gọi là thần thoại, chứ không phải là sự thật  lịch sử. Câu chuyện được kể, được dạy cho bọn trẻ con như là một chuyện cổ tích. Nhưng càng lớn lên, câu chuyện này càng  ít được người ta chú ý. Chỉ là trong những bài diễn văn kêu gọi, những bài luận văn lịch sử…người ta hay sử dụng huyền thoại này và hai chữ ”đồng bào”, để tăng khả năng thuyết phục khi kêu gọi lòng yêu nước cho một mục đích chính trị, văn hóa xã hội cụ thể nào đó, hay đơn giản chỉ vì người ta quen miệng khi dùng hai chữ này thôi. Những người trẻ như tôi chỉ nghĩ rằng tổ tiên mình  là một giống dân Việt cổ trong Bách Việt, đã xây dựng nên nền văn minh lúa nước ở vùng đồng bằng Bắc bộ, chứ chưa bao giờ tôi nghĩ tổ tiên mình có từ một bọc “trăm trứng nở trăm con” cả. Bởi vì trăm người con ấy đều là con trai, chỉ có đàn ông thì làm sao tồn tại  và phát triền thành một cồng đồng người lớn mạnh được?!

Dù lòng yêu nước là một khái niệm trừu tượng, không thể nắm bắt được nhưng nó được thể hiện bằng những thái độ và hành động cụ thể. Đó là thứ tình cảm đối với những người cùng sống trên cùng một lãnh thổ, có cùng chung nền văn hóa, phong tục tập quán, và đặc biệt là có cùng chung quyền lợi, đó chính là quyền lợi quốc gia. Tôi chợt nhớ đến một câu nói rất nổi tiếng của Winston Churchill: “Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”. Người ta yêu nước vì một điều rất đỗi giản đơn, vì họ cùng một dân tộc, mà cùng một dân tộc thì có cùng chung những quyền lợi thiết thân không thể từ bỏ. Ấy vì thế mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn khi kêu gọi tướng sĩ ra trận đánh đuổi quân Nguyên-Mông đã nói:

“…. Vua tôi bị trói gô một đàn.

Tước ấp ta bị tan nát cả

Bổng lộc ngươi cũng chẳng còn gì.

Gia đình ta bị đuổi đi

Vợ ngươi cũng phải đến khi nhục nhằn

Tông xã ta quân địch xéo đi

Phần mộ ngươi cũng bị quật lên

Đời ta khổ nhục liên miên

Cái tên nhơ nhuốc lưu truyền mãi sau

Nhà các ngươi cũng đều mang tiếng

Không khỏi làm những tướng bị thua

Các ngươi đang lúc bấy giờ

Muốn vui thích như xưa có được không?…”

Bài hịch bất hủ ấy đã cổ vũ tinh thần cho biết bao tướng sĩ nhà Trần thêm hăng hái giết giặc. Không phải vì Hưng Đạo Vương viết văn hay cảm động lòng người mà vì Ngài đã nói đúng vào trọng tâm vấn đề. Những người cùng sống trên một lãnh thổ quốc gia, cùng một dân tộc,nếu không đồng lòng chống kẻ ngoại xâm khi có chiến sự, và nỗ lực xây dựng quốc gia khi  hòa bình thì khi bị đô hộ hay trở thành một quốc gia chậm tiến, người chịu nhục, chịu khổ có phải là chính tất cả chúng ta không, có cá nhân nào thoát khỏi cái khổ chung đó không? Vì thế chúng ta yêu nước vì chúng ta yêu chính mình, yêu những người thân yêu và muốn bảo vệ những tài sản quý giá và thành quả mà ông cha ta đã đạt được. Là một người con của một dân tộc thông minh và lớn mạnh bao giờ cũng sẽ có được nhiều ưu thế và niềm hãnh diện trên trường quốc tế hơn là của một dân tộc kém cỏi, lạc hậu,dù chúng ta có đi đâu trên thế giới này đi nữa. Bởi vậy làm sao mỗi người Việt chúng ta không mong muốn xây dựng được một xã hội Việt Nam dân chủ, phú cường?!

Huyền thoại này theo thiễn nghĩ của tôi chẳng phải là cái gì quá to lớn, đóng vai trò nền móng tư tưởng cho lòng yêu nước cả;có chăng nó chỉ là cái biểu tượng mang quá nhiều màu sắc cổ tích về nguồn gốc dân tộc mà thôi. Các dân tộc khác trên thế giới, họ đâu có truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, đâu có gọi nhau là “đồng bào”, nhưng họ vẫn có tinh thần tự hào dân tộc và lòng yêu nước thiết tha. Huyền thoại chỉ là huyền thoại, chúng ta yêu nước thì vẫn yêu và mãi mãi yêu. Đó là vài lời tôi muốn chia sẻ với những bậc trưởng bối. Mong dù ở cách xa nhau,dù không cùng một thế hệ và trình độ tri thức, nhưng những trái tim cùng hướng  về Tổ Quốc sẽ có thể thông cảm được nhau.

Tam Kỳ ngày 29 tháng 6 năm 2010