Âm thanh của tiếng dội |
Tác Giả: Trần Mộng Tú |
Chúa Nhật, 06 Tháng 6 Năm 2010 15:45 |
Gửi Trang, Thúy và Trí để nhớ Minh Thanh Sáng nay tôi ra vườn sau đứng ngắm những con chim sẻ nhỏ ríu rít ca hát trong vườn. Chúng nhảy chuyền từ cành này qua bụi nọ, vừa nhảy vừa kêu chim chíp. Tiếng chim nghe thân mật quá! Thân đến nỗi tôi tin chúng là những con chim của tháng Năm năm ngoái. Chúng dọn đi đâu mấy tháng lạnh, qua thu, đông, rồi quay về vườn cũ ở hết xuân qua hè. Tôi nhìn con chim nào cũng tưởng là đúng con chim năm ngoái, vì âm thanh của nó phát ra thân mật quá nên chính nó bỗng như đã ở đó tự lâu rồi. Con có cái mào nâu nhạt, con có hai cánh nâu đậm, con có cái mình thon thon hay cái mình tròn vo, đều là những con chim cũ trở về. Với tôi chúng chưa từng chết đi hay thất lạc một con nào. Chúng sống và trở về trong vườn nhà tôi vì cái âm thanh đó không phải đàn sẻ nào cũng có. Tôi đã thân quen, đã thuộc lòng những tiếng chim chíp đó, những tiếng động đơn sơ đánh thức dậy cả một khu vườn, làm rung những giọt nắng đầu ngày vừa rơi xuống. Rồi khi có tiếng vịt trời bay từ hồ xa lạc vào vườn cũng thế. Nghe tiếng của nó là biết thu về. Biết ngay mà! Lại cái cặp con trống cứ ung dung đi trước và con mái khiêm tốn như một bà vợ Nhật luôn cúi đầu nhìn xuống guốc của mình đi theo sau ông chồng. Tiếng của cặp vịt này cũng không lẫn vào cặp khác được. Tiếng nó khan nhưng lại kéo dài ra. Đã có một lần tôi nhận ra âm thanh lạ trong tiếng vịt kêu, tiếng kêu ngắn và không đều nhau, tôi chạy ra tìm thì thấy một cặp vịt khác. Con trống hơi nhỏ hơn một chút, con mái hơi tròn hơn, và cặp này bình đẳng, chúng đi song song với nhau. Tiếng dội của gió trong cây có khác nhau không? Làm gì có tiếng dội của gió trong cây, mà nghe. Có chứ, nhưng chắc phải còn tùy người nghe. Người nghe có lắng tai, có để cả tâm mình trong tiếng dội lại của gió hay không? Khi trận gió lớn đi qua, cái âm dội lại trong hàng thông có khác với âm dội lại trong những cây phong? Thật ra không phải cái tai nào cũng nghe được, ta phải để cả cái tâm của mình khi gió đến và khi gió bỏ đi thì ta mới thấy được âm thanh của gió dội lại khác nhau thế nào. Vì có người nói, họ có thể nghe tiếng dội của cánh hoa hồng rơi xuống lòng vực. Người này chắc phải là một thi sĩ! Rồi còn cả “Tiếng kêu trong sa mạc”. Đó là tiếng rít lên của gió, của cát và cũng có thể dưới biển cát bao la đó có tiếng kêu của những loài côn trùng sinh sống trong cát nóng, nào ai biết được! Sức mạnh trong tiếng dội của gió sa mạc có thể bốc lên cao từng cột cát dựng đứng giữa không gian hoang dã đó. Tiếng sóng ngoài biển nữa, mỗi người nghe tiếng dội của từng khúc biển khác nhau. Người lớn lên ở Nha Trang nghe tiếng sóng dội thấy khác với tiếng sóng dội ở biển Vũng Tàu hay ở biển Phan Thiết. Cái khác biệt đó chỉ chính họ nhận ra, và họ chỉ phân biệt được khi họ đã bỏ sóng mà đi. Người vượt biển đi tìm sự sống, tiếng dội của sóng mang những âm nào, ở lại trong đời sống họ đến bao lâu? Phải chính người đó mới hiểu được. Phim ảnh và văn chương chỉ là những sản phẩm tưởng tượng hời hợt bên ngoài. Nhà văn nổi tiếng người Nhật, Yasunari Kawabata, có tác phẩm với tựa đề: “Tiếng Rền Của Núi”. Ông nghe được núi thở, và cái âm của nó dội lại, kéo ra thành tiếng rền của núi. Những tảng núi im lặng, lạnh lùng, trơ trọi mà ta thường thấy, ta nghĩ chúng không biết thở, nhưng nếu ta đi giữa hang động, bao bọc bởi núi, hay ta đi giữa hai vách núi ta sẽ nghe thấy tiếng dội. Tiếng dội này là sự trộn lẫn âm thanh của tiếng thở giữa núi và con người. Như khi yêu nhau, người ta dắt nhau ra ngắm biển, hay cùng nhau ngồi dựa lưng vào núi, người ta có thể thi vị hóa, cảm nhận được: “Biển căng ngực và núi rền tiếng thở”.(TMT) Chao ôi! Còn tiếng dội của bom đạn nữa. Một người lính già có thể nghe được tiếng dội của bom đạn khi chạm tay vào bộ quân phục cũ của mình trong đáy tủ, hay khi treo lá cờ quốc gia trong một buổi lễ vào lúc thanh bình. Phải ngưng tại đây thôi, nói bao nhiêu cũng không hết được điều này, vì những tiếng dội của đạn bom sẽ kéo dài vô tận. Nhưng tiếng dội lại thân yêu nhất của âm thanh vẫn là tiếng nói của con người. Tiếng nói của người yêu dội lại trong tâm trí theo ta đến góc biển chân trời, theo suốt một kiếp người; tiếng khóc con thơ, tiếng nói mẹ già, tiếng chị cười, tiếng em gọi và tiếng thủ thỉ tâm sự của những người bạn thân thiết. Khi họ đã mất đi, ta không nắm bắt được tiếng nói của họ, nhưng âm thanh dội lại trong tiếng nói của những người này vẫn luôn nắm chặt lấy chúng ta. Một người bạn trẻ của tôi, Minh Thanh, qua đời được hơn một năm. Dĩ nhiên, hơn một năm tôi không nghe tiếng chị nói, không nhận được thư chị gửi, nhưng tôi thỉnh thoảng có liên lạc bằng thư với người chị của Minh Thanh là Hạnh Trang, khi chúng tôi cùng nói về một người thân đã mất và khi Hạnh Trang chia sẻ những bài viết của tôi. Làm bạn với Minh Thanh tôi chỉ có gặp chồng và con của bạn. Anh chị em của Minh Thanh đông (đến bảy người) nhưng họ ở xa nhau nên tôi chưa có dịp nào gặp họ. Cách đây ba tuần, Hạnh Trang gửi thư, nói: “Cả gia đình em sẽ đến Seattle ăn cưới một người em họ, chúng em muốn gặp chị. Em đi với chồng, con trai. Có cả hai em Thúy và Trí nữa.” Tôi rất vui, ân cần mời mấy chị em đến nhà. Tôi dặn: Gọi cho chị khi em đến Seattle ngay nghe. Hạnh Trang đã gọi tôi. Chao ôi! Nước mắt tôi ứa ra khi nghe Hạnh Trang gọi trong điện thoại. Âm thanh tiếng nói của Hạnh Trang và của Minh Thanh hoàn toàn giống nhau. Tôi cứ ngẩn người ra, vì tưởng như đang nghe Minh Thanh nói. Chính vì cái âm của tiếng mà tôi có cảm tưởng mình rất thân với Hạnh Trang, qua Hạnh Trang có một Minh Thanh lồng trong thân thể đó. Khi gặp nhau bằng xương bằng thịt đã thấy như thân lắm, dù là lần đầu, chỉ vì cái âm phát ra từ tiếng nói đó rất thân quen. Tôi vòng tay ôm Hạnh Trang mà nghe như đang ôm Minh Thanh vậy. Ba chị em, hai gái, một trai của Minh Thanh, sắc diện mấy chị em chỉ phảng phất giống nhau, nhưng tiếng nói của Hạnh Trang giống tiếng nói của Minh Thanh quá đỗi. Cả một buổi chiều, chúng tôi ăn uống, chuyện trò, ít nhắc đến tên người đã mất, nhưng tôi thấy thân mật với họ như đã từng thân mật với bạn của mình. Và họ cũng nói: Sao mới gặp nhau lần đầu mà tụi em chẳng thấy lạ gì, ăn hết sạch cả mâm cơm chị dọn ra. Sự thân mật đó chính là tiếng nói, là cái âm thanh dội lại của người đã mất trong những tiếng nói người còn hiện hữu phát ra. Khi họ chào ra về, ôm nhau từ giã, cả ba người phụ nữ chúng tôi cùng khóc. Âm thanh là một cái gì rất kỳ diệu. Cái Echo (tiếng dội) của nó không phải chỉ kéo dài trong không gian như tiếng chuông tiếng khánh, nó còn vang vang mãi trong tâm khảm của con người. Tiếng chuông thu không sẽ lưu lại mãi trong hồn của một người bỏ chùa ra đi hay một người lưu lạc xa làng, xa xứ mỗi lần nhớ về ngôi chùa cũ hay mỗi lần nghe một tiếng chuông khác gióng lên. Câu “Quen hơi bén tiếng” ta thường nói, chữ “bén” này chắc là echo, là âm thanh dội lại. Tiếng nói là một cái gì gần gũi và thân quen nhất, nên đi xa thấy nhớ, mất đi thấy tiếc. Tiếng của những người thân trong gia đình chắc chắn làm mình nhớ hoài. Như ba chị em gái tôi. Khi chúng tôi nói trong điện thoại ai nghe cũng nhầm giọng. Ngày mẹ tôi còn sống, khi nghe điện thoại, mẹ tôi hay hỏi: Cô nào đấy, trước khi cụ nói tiếp. Em tôi, đôi khi không phân biệt được giọng của tôi hay giọng của chính mình trong điện thoại. Cô kể: Em đi làm về, thấy có lời nhắn trong máy, mở ra nghe thấy giọng của em, em hơi ngạc nhiên, em có nhắn gì về nhà đâu, em nghe lại hai lần, mới nhận ra giọng chị. Tôi có một nhóm bạn thân trong cùng một thành phố, chúng tôi sinh hoạt thường xuyên với nhau. Mỗi người một giọng nói, một tiếng cười, và ngay cả tiếng giầy chạm trên mặt đất, tiếng ho cũng rất khác nhau. Mai này, khi chúng tôi đến lúc phải dọn về một chốn xa xăm, thăm thẳm nào đó. Chắc chắn người đi trước sẽ để lại tiếng dội trong âm thanh của họ cho kẻ đi sau nhớ mãi. Cánh hồng rơi xuống vực
|