Tôi yêu tiếng, đất nước tôi |
Tác Giả: Khánh Hòa | ||
Thứ Sáu, 30 Tháng 4 Năm 2010 11:09 | ||
“Ðừng hỏi rằng tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hãy hỏi rằng bạn đã làm gì cho tổ quốc?” Tổng Thống John F. Kennedy. Ba tôi đã giảng dạy câu danh ngôn này với các con từ những ngày tôi còn rất nhỏ chưa hiểu hết ý nghĩa bạc vàng của nó. Nhưng tôi có thể nói như vẹt một cách thông suốt không vấp váp. Càng lớn tôi càng thấm thía nhẩm nhừ thâm từ trong ý nhắn nhủ bổn phận làm công dân của vị lãnh đạo tài cán bạc mệnh. Trong bàn làm việc của ba tôi, trước mặt có tấm bảng gỗ ghi mấy dòng: - Học là thú vui của người cầu tiến. - Ðời là một cuộc học hỏi không ngừng. - Khó khăn trở ngại là cơ hội để truy rèn nghị lực. - Chớ tự mãn với những điều đã biết. Tôi thuộc làu làu từ khi xong lớp vỡ lòng, vừa biết đánh vần đọc chữ, ê a trong lòng ba mỗi buổi sáng khi mang ly cà phê do mẹ chế vào bàn “bureau”, đố cho tôi hiểu kí lô gram nào về những lời huấn từ ngọc thạch kim cương này lúc đó. Vậy mà đến bây giờ đã gần một nửa thế kỷ, vẫn như đóng mộc in dấu trong đầu tôi. Không biết bao nhiêu phần trăm tôi đã áp dụng trong những lời dạy trên, chỉ biết rằng tôi nể ba vô cùng. Nhà mô phạm luôn dẫn dắt các con luộc nhàu sách vở, bạn bè gọi gia đình tôi là một thư viện nhỏ. Ba đặt mua dài hạn, nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san. Từ Thằng Bờm, Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa Tím đến Thời Nay, Phổ Thông, Thế giới tự do, sách của Tự lực văn đoàn, các nhật báo như Tin Sáng, Sóng Thần, Sống..., mỗi ngày có bác đạp xe giao báo tận nhà. Ba dạy dỗ chúng tôi quen với chữ nghĩa rất sớm, nên một đàn mối mọt gặm nhấm chạy rần rần khắp nhà. Mẹ tôi rất khổ tâm vì nạn kẹt “giao thông” trong phòng vệ sinh dài dài. Nhiều biệt danh ra đời “Dũng xùng xình” vì mê chuyện kiếm hiệp Kim Dung bỏ ăn bỏ ngủ, “Gã đầu bạc” cho Sơn vì nghiền ngẫm các tạp chí về chụp ảnh, hội họa, “Con trăn già” cho anh Hào vì tội say sưa nghiên cứu máy bay, động vật, “Mọi núi” cho tôi vì áp dụng ngay mỗi khi cóp được một mốt ăn mặc... không giống người Kinh từ quyển thời trang nào đó. Một gia đình nhộn nhịp, ồn ào vì dành giựt “3 cái mớ giấy lộn,” câu mẹ tôi thường dùng để mắng yêu. Năm tôi học tiểu học, lớp 4 thì phải, trong một lần thi vẽ bản đồ Việt Nam. Tôi chăm bẵm nhớ duy nhất lời cô giáo dạy, nước tôi hình cong chữ S, đẹp như phượng múa rồng bay. Tôi không có khiếu vẽ, nhưng ưa thích tô màu, càng sặc sỡ, càng tốt. Hí hoáy trong hơn nửa giờ, cuối cùng cũng hoàn thành tác phẩm nổi bật “technique color” mà quên bẵng hình dáng nguyên thủy, chỉ miệt mài tập trung vào màu sắc. Mơ màng con số 10, rồi tủm tỉm một mình cho họa phẩm hết sức hả hê đắc ý, trong đó cầu vòng ngũ sắc thất sắc lấn lướt làm bàn. Tuần sau khi cô giáo phát trả lại, con số 4 nằm chình ình cùng lời phê rất chính xác “Thi vẽ bản đồ chứ không phải vẽ vườn hoa”. Hình chữ S biến thành chữ nhật, trong đó đỏ xanh lam chàm tím, tôi loạn xạ sơn phết... chơi nổi, tưởng như vậy cô giáo sẽ thấy được tài hoa hội họa như Picasso. Than ôi! Tôi ỉu xìu xụi lơ suốt mấy ngày. Nước tôi đẹp với hình dáng tự nhiên có sẵn trên bản đồ, ôm ấp bao bọc núi rừng cây cối quý hiếm, gỗ gụ trầm hương. Biển cả, sông hồ, kinh rạch bạt ngàn tôm cua cá. Ðồng ruộng màu mỡ thẳng cánh cò bay. Vườn tược một màu xanh oằn nhánh trĩu nặng. Lúa gạo, hoa quả 4 mùa đủ loại cung cấp dư dả cho khắp 3 miền, cả luôn Ðông Nam Á. Nước tôi đẹp, nước tôi giàu, nước tôi rừng vàng biển bạc. Ðiều này tôi đã học tường tận trong các giờ lịch sử, địa lý với sự giảng dạy mạch lạc của thầy cô, hay đã đọc trong các sách giáo khoa được công nhận bởi bộ giáo dục. Thì chắc chắn không sai trật. Nước tôi bốn ngàn năm văn hiến mà tổ tiên, ông bà, cha anh đã đánh đổi xương máu để gầy dựng và gìn giữ. Vẽ nên hình chữ S đẹp nhất trong 24 chữ cái. Người dân nước tôi luôn tự hào với dòng giống anh hùng con Rồng cháu Tiên. Tôi cũng học được từ trường lớp sự dạy dỗ giáo huấn quý báu. Người công dân phải có bổn phận bảo vệ tấc đất tấc vàng của hồn thiêng sông núi. Ngày còn bé tôi đã nằm lòng, khi có ai hỏi ranh giới Việt Nam? “Từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau,” tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, mà cả nước hơn 80 triệu dân đều trả lời rành rọt câu hỏi này. Lá cờ và bài Quốc ca, hát chào hùng hồn mỗi sáng Thứ Hai trước khi vào lớp học đã pha trộn lẫn chìm vào máu thịt không thể nào lấy ra. Tôi hãnh diện, nuôi nấng, chứa chấp phần đó như chứng minh chữ “Việt Nam” thiêng liêng sẽ sống cùng tôi đến hơi thở cuối. Ngày 30 tháng 4, 1975 ba và các chú theo đoàn người lũ lượt ra đi, nhưng rồi đột ngột quay về. “Ba không thể rời bỏ quê hương.” Và cái giá quá mắc mỏ, bị ép chẹt phải trả tuyệt nhiên không có trong văn bản ký kết hợp đồng. Ngày đó khi súng bắn đì đùng, đạn bay chéo chéo, xe tăng thiết giáp chạy rầm rầm vào thành phố nơi cư dân chỉ quen thuộc với mỗi một âm thanh ầm ầm của sóng vỗ mà thôi. Tiếng người hoảng loạn kêu hét ơi ới, tiếng rít gầm của xe chạy vội vã, tiếng cửa sắt kéo ken két hấp tấp bằng thứ âm thanh rợn lạnh như trong phim kinh dị. Ngày đó, mọi người trong gia đình rối bời ngược xuôi chuyện đi hay ở lại, cuối cùng nội quyết định đẩy ba đứa con trai “Ngụy quân, ngụy quyền” theo dòng người di tản, vì lời bàn tán chung quanh nghe nguy hiểm hơn súng đạn. Nội không muốn mất thêm đứa nào vì năm Mậu Thân 68, nội đã gặm đất, ăn cỏ, khóc nhào xuống huyệt khi chú tôi anh dũng hy sinh. Ngày đó, mẹ tôi lăng xăng ra vào quýnh quáng không muốn xa chồng, nôn nóng như lửa cháy trông bóng anh tôi biệt tăm mất tích trong đoàn người di chuyển từ Tây nguyên về. Lại bù đầu, sót vó lo lắng cho thằng con cả, nhắn nhe phải trốn ở lại Sài Gòn, không nên về. Ngày đó, tôi bỗng vô duyên đổ bệnh lên ban sởi ngang xương, nằm nóng sốt mệt đừ, hai mắt nhắm nghiền, thính giác kiêm luôn vai trò thị giác, mẹ và chung quanh quên luôn con bé bệnh rũ rượi nằm thở phì phò, đói meo suốt cả ngày trời. Tôi thắc mắc ấm ức mấy lần định ngồi dậy xem sự nhốn nháo hỗn độn rần rần khắp phố. Sự kiện lịch sử trọng đại mà chị tôi đóng bộ mặt nghiêm trang gạt phăng “Con nít biết gì!” Còn hăm dọa, bệnh ban sởi ra ngoài, gió bay vào sẽ đui mắt. Không biết sợ phải bị mù hay sợ phải nhìn thấy “mấy ông kẹ ba đầu sáu tay” như lời chị giúp việc hù dọa muốn tôi nằm yên để chị rảnh rang nghe ngóng chuyện đại sự. Ngày đó, đã 35 năm rồi vẫn còn ăn ở trong tôi, chỉ chừng có vậy, không đậm đặc nuôi nấng hận thù, mà bâng khuâng một nỗi buồn man mác, như lạc mất vật quý báu chưa kịp săm soi sờ mó thỏa mãn đến nơi đến chốn. Tôi tiếp tục đến trường lớp sau vài tháng xáo trộn tạm thời ổn định. Thầy cô tôi, người ở, người ra đi, bỗng tự nhiên lạnh lùng mang bộ mặt mới, bớt thân mật, buồn buồn ít nói vì cửa sổ cũng tò mò lắng nghe. Phấn bảng bàn ghế còn nguyên xi mà thấy như cứng đơ xa lạ, có phải chăng vì thầy cô tôi chưa quen với cuốn sách mới, tập giáo án ai đó soạn dùm nên đem dạy dỗ học trò nghe nghịch tai vấp váp, hoặc giảng giải không suông vì nhiều điều mà trong 4 năm đại học sư phạm chưa bao giờ học qua. Nhiều người lạ vào thay thế chỗ thầy cô tôi, cũng phấn trắng, bảng xanh, ghế bàn gỗ mộc mà tưởng như lạc ở nơi chốn hoang dã rừng rú nào. Chiếc áo dài cô giáo tôi mặc, cái quần tây, sơ mi đứng đắn bỏ trong nơi thầy tôi, bỗng hồi nào bay biến mất. Bộ đồ kiểu lạ lùng cùng người đứng trên bục giảng tôi cố copy cho giống hình ảnh vị giáo sư kính năm xưa. Vẫn không tài nào! *** Bây giờ. Sau 35 năm, nếu có ai hỏi, nước Việt Nam hình gì? Tôi ngần ngại không dám trả lời là chữ S, sợ không còn đúng, nếu rà xét kỹ trong 24 chữ cái, vẫn chưa tìm ra hình thể nào na ná. Vì cái có thể giống hôm nay, e rằng ngày mai sẽ phải còn thay đổi nữa. Bây giờ. Sau 35 năm, tiếng nước tôi, “Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi...” ê a lúc cuống lưỡi bắt đầu tập tành học nói, trải bao đời bỗng bắt đầu... Xuất hiện nhiều tiếng lạ. Nghe không hiểu. Nghe không quen. (K.H.) |